(VietNamNet) - Kỷ niệm 30 năm ngày VN trở thành thành viên LHQ và sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ tuần tới, ông John Hendra, Trưởng đại diện cơ quan phát triển LHQ (UNDP) nhìn lại quan hệ Việt Nam - LHQ và việc VN ứng cử cho chiếc ghế Ủy viên không thường trực HĐBA 2008 - 2009.
Tự hào là đối tác của VN
- Nhìn lại quan hệ 30 năm qua, ông có thể nói gì về mối hợp tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc?
Việt Nam và LHQ có mối quan hệ vô cùng đặc biệt, dựa trên nền tảng hợp tác và các nguyên tắc chung trong 30 năm qua, bao hàm cả những cam kết mạnh mẽ về đa phương hóa, vai trò trung tâm của sở hữu quốc gia trong các chính sách phát triển và lòng tin rằng sự phát triển phải đem lại cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người, không chỉ một nhóm nhỏ đặc quyền.
"Là một thành viên HĐBA, trách nhiệm của VN sẽ nặng nề hơn các thành viên bình thường của LHQ", ông John Hendra nói. Ảnh: PL |
Với tư cách thành viên của LHQ trong 30 năm qua, Việt Nam đã cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với những nguyên tắc và mục tiêu trong Hiến chương LHQ, thực hiện rõ ràng các trách nhiệm và nghĩa vụ của một quốc gia thành viên và có đóng góp tích cực ngày càng lớn cho những hoạt động của LHQ nói chung. Điều này có thể thấy rõ qua việc các nhà lãnh đạo đang nỗ lực để thúc đẩy cải cách trong công việc phát triển của LHQ tại Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò lãnh đạo trong những năm qua như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, thành viên của Ủy ban Xã hội và Kinh tế ECOSOC, Chủ tịch Đại hội đồng FAO, thành viên Ủy ban điều hành UNESCO và Phó Chủ tịch Ban điều hành UNFPA...
Đây là một thời điểm thú vị cho Việt Nam trong mối quan hệ với LHQ, khi trong tuần tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ, và VN đang ứng cử vào chiếc ghế thành viên không thường trực HĐBA đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm VN trở thành thành viên LHQ 1977. VN và LHQ cũng vừa ký kết "Một kế hoạch chung" gần đây. VN là một đối tác tích cực với LHQ trong việc tăng cường hợp tác cho mục tiêu phát triển và giải quyết những thách thức ở VN.
Chúng tôi tự hào là đối tác của VN trong 30 năm qua và hy vọng sẽ được tiếp tục là đối tác gần gũi trong 30 năm tới. Chắc chắn, quan hệ hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
Không tạo nên những thay đổi lớn
- Việc trở thành thành viên HĐBA có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và quan hệ Việt Nam - LHQ?
Thực ra, việc trở thành thành viên HĐBA hay không không tạo ra sự thay đổi lớn. VN vẫn sẽ tiếp tục tham gia tích cực và có những đóng góp cho công cuộc cải cách của LHQ, thực hiện sáng kiến "Một LHQ".
Tuy nhiên, HĐBA là cơ quan quan trọng nhất trong LHQ và việc VN trở thành thành viên của HĐBA không chỉ góp phần vào những đóng góp của Việt Nam trong hệ thống quốc tế mà còn phản ánh vị trí tăng lên của Việt Nam trên thế giới. Đây cũng là bước quan trọng trong tăng cường hội nhập quốc tế.
Rõ ràng, là một thành viên HĐBA, trách nhiệm của VN sẽ nặng nề hơn các thành viên bình thường của LHQ. Theo Hiến chương LHQ, tất cả các thành viên chấp nhận và thực hiện các quyết định của HĐBA LHQ. Khi các cơ quan khác của LHQ có khuyến nghị lên các Chính phủ, chỉ HĐBA có sức mạnh để ra quyết định mà tất cả các thành viên có trách nhiệm phải thực hiện.
Việc trở thành thành viên của HĐBA đem lại cơ hội cho Việt Nam đóng góp lớn hơn cho vai trò thúc đẩy hòa bình và an ninh trên toàn thế giới của LHQ.
Quyết định mang tính đồng thuận của các nước châu Á trong việc đề cử VN là ứng cử viên duy nhất của khu vực cho chiếc ghế thành viên không thường trực HĐBA LHQ (2008 - 2009) đã thể hiện sự đánh giá cao của các nước này đối với những đóng góp của Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam trong các hoạt động của LHQ. Trong khi các ứng cử viên phải giành được số phiếu 2/3 cần thiết từ 192 thành viên Đại hội đồng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 để giành vị trí trong HĐBA, VN đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính phủ VN cũng rất năng động và đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch vận động của mình cho vị trí này từ năm 1997.
Cải cách LHQ trông đợi những điểm mới từ VN
- Trở thành thành viên của HĐBA LHQ, Việt Nam cần đóng một vai trò như thế nào?
Để trở thành một thành viên trách nhiệm hơn, VN cần gửi nhiều cán bộ ra nước ngoài để tăng cường hơn nữa kiến thức về quan hệ đa phương và chức năng của HĐBA. VN đã giới thiệu mình như là một thành viên cam kết của HĐBA trong nhiều năm.
Tôi tin rằng việc trở thành thành viên HĐBA sẽ giúp VN đóng góp nhiều hơn cho vị trí của LHQ trong thúc đẩy và duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới. VN hiểu rõ đòi hỏi về một cuộc cải cách toàn diện trong bản thân HBĐA để hoạt động cởi mở và dân chủ hơn thông qua sự tham gia rộng rãi hơn. Trong bối cảnh này, người ta trông đợi rằng VN sẽ mang lại những điều thú vị, mới mẻ cho cải cách của LHQ thông qua công việc ở HĐBA.
Một lĩnh vực khác Việt Nam cần nhấn mạnh là phong cách làm việc của Hội đồng. Khi người ta cảm nhận yêu cầu đổi mới rộng rãi hơn, VN cần có tiến trình ra quyết định nhanh chóng khi đối mặt với tình huống khẩn cấp nếu muốn thành công.
Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng nói chung của Cơ quan thường trực VN tại LHQ để có thể làm việc trong môi trường áp lực lớn và đòi hỏi công việc cao khi là thành viên HĐBA.
Cuối cùng, nhiều quốc gia là thành viên không thường trực của HĐBA cũng đã đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Đây là một vấn đề khác mà Việt nam cần xem xét trong nhiệm kỳ của mình để nâng cao những đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế cũng như là cơ hội để VN tham gia trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng quân đội VN.
VN: Kiểu mẫu về hiệu quả phát triển - Trong thời gian công tác tại VN, điều gì khiến ông ấn tượng nhất? Điều ấn tượng nhất với tôi là khả năng của VN trong việc biến thành tựu phát triển thành chất lượng đời sống của người dân. Nhìn lại VN 30 năm trước đây, trên tất cả các mặt như GDP/người/năm, cuộc sống của người dân thường và so với VN hiện nay, đó thực sự là sự thay đổi to lớn, đặc biệt trong việc xóa đói, giảm nghèo. Chỉ trong thời gian không dài, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam giảm từ 55% xuống còn chưa đầy 20%. Những gì Việt Nam đã làm được thực sự đáng ghi nhận. VN là kiểu mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Chính phủ VN đã thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ không chỉ trong cải cách LHQ mà trong hiệu quả phát triển. VN đã nổi lên như một lãnh đạo trong hài hòa hóa và đơn giản hóa trong viện trợ ODA thông qua Tuyên bố Hà Nội về hiệu quả viện trợ. Không phải là ngẫy nhiên khi mục tiêu "Một LHQ" đang được tiến hành rất tốt ở VN cũng như việc VN đóng vai trò đầu tàu trong nhóm các nước phát triển tăng cường hiệu quả viện trợ và triển khai Tuyên bố Paris. Như một minh chứng rõ ràng cho cam kết quốc gia mạnh mẽ của Việt Nam, ban chỉ đạo cải cách LHQ đã được thiết lập, với sự tham gia của đại diện của Bộ KH-ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, và các cơ quan, quỹ, chương trình của LHQ và các nhà tài trợ song phương. Được biết đến như là ban chỉ đạo quốc gia 3 bên, ban này có chức năng điều hành việc triển khi sáng kiến Một LHQ tại VN. |
-
Phương Loan