(VietNamNet) - Đa số thành viên của Ủy ban thường vụ QH (UBTVQH) trong phiên thảo luận về Dự án Luật phòng chống bạo lực trong gia đình chiều nay đều tập trung vào việc làm rõ ranh giới của hành vi bạo lực nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, hành vi nào nằm trong giới hạn của Luật Hình sự.
Trong kỳ họp thứ 10, QH khóa XI cuối năm 2006, khi thảo luận về dự án luật này, ĐB Quốc hội Tô Minh Giới đã nói "dự thảo luật phòng chống bạo lực gia đình gần như nặng về tính từ thiện, trợ giúp nạn nhân, thể hiện sự lúng túng, bị động và mang tính đối phó nhiều hơn".
Vì vậy, sau một thời gian nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, dự án Luật đã có những điều chỉnh cụ thể.
Phân biệt rõ ranh giới với Luật Hình sự
Do có nhiều lo ngại về tính khả thi của dự Luật, nên trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, UBTVQH tập trung vào việc phân định rõ các hành vi bạo lực gia đình và những biện pháp xử lý.
Các ĐBQH khóa XI thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống bạo lực trong gia đình
Về các hành vi bạo lực gia đình, nhiều ý kiến của ĐB đề xuất nên quy định khái quát bốn loại: hành vi bạo lực thể xác, hành vi bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, "phân bốn loại không thể bao quát hết". Vì vậy, trong điều 2, Dự thảo Luật đã phân định rõ 9 mức độ của hành vi bạo lực, bởi, theo lý giải: "mục đích chính của luật này là nhằm đưa ra các quy định để hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình".
ĐB K’so Phước vẫn băn khoăn, "có nhiều vấn đề liên quan với Luật Hình sự. Do đó, cần phải phân biệt giới hạn, bởi nhiều nội dung trong dự thảo Luật mới này có thể xử theo quy định trong Luật hình sự".
Trước ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi như nghi ngờ, tưởng tưởng áp đặt vào nhóm hành vi bạo lực gia đình, giải trình của UB thường vụ QH phân tích rõ: "các hành vi trên chỉ dừng ở mức độ suy nghĩ mà chưa được biểu hiện dưới hình thức hành vi cụ thể thì không thể coi đó là hành vi bạo lực gia đình".
Ngoài những băn khoăn trên, đa số Ủy viên trong UBTVQH chiều nay đều thống nhất với những chỉnh lý trong dự thảo Luật lần này.
Một số cơ quan thông tấn chịu trách nhiệm ban bố tình trạng khẩn cấp
Cũng trong buổi chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Liên quan đến hàng loạt sự cố về các căn bệnh truyền nhiễm, về sự cố sốc văcxin xảy ra trong thời gian qua, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết, UBTVQH đã gấp rút lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức nhiều cuộc họp để Dự thảo Luật có thể trình trước QH trong phiên họp cuối năm nay.
Xung quanh điều 45 của Dự thảo Luật về đưa tin tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, có ĐB đã tỏ ra lo ngại khi Dự thảo ghi rõ "khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp", nhưng đồng thời Dự thảo cũng quy định: "TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, Báo Nhân dân, QĐND có trách nhiệm đăng tải ngay toàn văn Nghị quyết của UBTVQH hoặc Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp". Còn lại "các phương tiện thông tin đại chúng khác có trách nhiệm đưa tin về việc ban bố tình trạng khẩn cấp...". Nhiều ĐB băn khoăn, nếu chỉ "khoanh vùng" ở một số phương tiện chính, thì thông tin về dịch bệnh không thể tức khắc đến được với tất cả người dân.
Lý giải điều này, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: "Quy định trong điều 45 nêu rõ tên một số đơn vị là yêu cầu phải đưa tin ngay tức khắc và chịu trách nhiệm chính. Còn lại, có tới hơn 600 cơ quan báo chí và không thể đưa tất cả vào trong Dự thảo Luật".
Bản dự thảo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm trình QH lần này đã được tiếp thu và điều chỉnh tăng thêm nhiều điều khoản so với dự thảo trình QH khóa XI nên không có nhiều lắm các ý kiến tranh luận.
Ngày mai, 20/9, UBTVQH sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về biểu khung thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi và nghe báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện một số biện pháp xử lý hành chính. Chiều cùng ngày, UBTVQH sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
-
Lê Nhung