(VietNamNet) - Tại tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm nay (12/9) tại Hà Nội, các đại biểu VN và nước ngoài nhấn mạnh sự cần thiết thành lập một cơ quan chuyên trách về TTHC, hoạt động độc lập.
Các đại biểu đã nghe đại diện Vụ Cải cách hành chính - Văn phòng Chính phủ (VPCP) trình bày những nội dung chính của Đề án đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2007 - 2010 và Dự thảo Luật TTHC.
Các đại biểu dự cuộc tọa đàm. Ảnh: VA
Xây dựng cơ chế tiếp nhận phản ánh của dân và DN
Theo Vụ phó Vụ Cải cách hành chính Ngô Hải Phan, để đơn giản hóa được các TTHC, các bộ, ngành, địa phương phải thống kê được các thủ tục, rà soát, đánh giá được thủ tục nào cần loại bỏ.
Theo ông Phan, một trong những thủ tục cần được đơn giản hóa chính là các mẫu đơn, hiện nay "còn rất phức tạp, nhiều mẫu không còn phù hợp". Ông lấy ví dụ đơn xin đổi giấy phép lái xe, hiện nay yêu cầu phải có chứng nhận của chính quyền cấp phường. "Ban điều hành Đề án đã kiến nghị với Bộ GTVT bỏ yêu cầu này", ông Phan cho biết.
"Khi bộ, ngành, địa phương ban hành những mẫu mới, phải công khai trên website của bộ và Chính phủ". Ngoài ra, để đơn giản hóa TTHC, VPCP được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Vụ phó Vụ Cải cách hành chính cũng khẳng định, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy, VN đang có cách tiếp cận đúng để cải cách TTHC, nhưng cái khó nằm ở khâu tổ chức thực hiện. "Các bộ chưa chắc đã nắm được đề án của CP, do đó, sẽ phải xây dựng một chiến lược truyền thông, tạo sự quyết tâm của những người đứng đầu các bộ và địa phương. Nếu những người đứng đầu không chỉ đạo thường xuyên thì sẽ không thể thành công".
Chính vì vậy, theo ông Phan, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm trưởng ban điều hành đề án. Thời gian sắp tới, sẽ phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động sao cho cụ thể: nhiệm vụ cải cách là gì, ai chịu trách nhiệm...
"Ban điều hành phải nghiên cứu để đánh giá độc lập đối với các báo cáo bộ, ngành, địa phương".
Để bảo đảm tính bền vững của cải cách TTHC, Việt Nam phải sớm xây dựng Luật TTHC. "Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999, nhiều thủ tục đã được loại bỏ, nhưng sau đó lại "mọc ra" những thủ tục mới".
Cần cơ quan độc lập ở cấp Chính phủ
"Tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của nhân dân và doanh nghiệp. Tiến hành rà soát tất cả các TTHC trên tất cả các lĩnh vực, chỉ rõ những thủ tục, quy định sai pháp luật, không phù hợp để kiên quyết sửa đổi". Trích NQ Hội nghị TW 5 khóa X về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Theo ông Ngô Hải Phan, Việt Nam cần một cơ quan chuyên trách về cải cách TTHC, có đủ thẩm quyền.
Ông John Bentley, cố vấn trưởng Dự án STAR - Việt Nam (Trợ giúp tăng tốc thương mại - Mỹ), ngoài cam kết của lãnh đạo cấp cao, để cải cách TTHC có hiệu quả, cần sự tham gia ý kiến của công chúng đối với các văn bản quy phạm pháp luật trên các website.
"Các quy định về TTHC phải chịu sự rà soát của một cơ quan độc lập ở cấp Chính phủ, để đảm bảo tính thực thi của chúng. Ở Hàn Quốc, cơ quan này trực thuộc VP Thủ tướng, Thủ tướng là đồng chủ tịch Ủy ban CCHC", ông John Bentley nói.
Ông cũng góp ý cho dự thảo Luật TTHC: Cơ quan đăng ký TTHC nên là cơ quan duy nhất ở cấp trung ương. Ngoài ra, cũng nên xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia điện tử về TTHC duy nhất, ít nhất ở cấp trung ương. "Nếu phân tán các thủ tục tại nhiều cơ sở dữ liệu cấp bộ như hiện nay sẽ dẫn đến việc tiếp diễn tình trạng thiếu kiểm soát và thiếu nhất quán".
Các đại biểu buổi tọa đàm đặc biệt đánh giá cao kinh nghiệm của Croatia, nước đã sử dụng công cụ "Máy xén TTHC" để xóa bỏ những quy định không cần thiết. Trong vòng 9 tháng, 14 cán bộ chuyên trách cùng 250 chuyên gia đã thành công trong việc bãi bỏ và đơn giản hóa 900 quy định hành chính.
"Số tiền tiết kiệm được từ việc này lên đến 200 triệu euro/ năm", Trưởng lực lượng đặc nhiệm "Máy xén TTHC" của Croatia cho hay.
-
Vân Anh