(VietNamNet) - Theo Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp Trần Thất, nhiều dịch vụ tư pháp sẽ dần được xã hội hóa. "Nhà nước chỉ giữ chức năng quản lý, giám sát, xóa dần tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của cơ quan công quyền". Thời gian tới, các văn phòng công chứng tư nhân sẽ ra đời với mục đích này.
Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất: "2.000 - 3.000 sinh viên luật chính quy ra trường mỗi năm không có việc làm, trong khi trình độ CCV thấp, do được tuyển nhờ quan hệ riêng". Ảnh: VA
Theo ông Trần Thất, Bộ Tư pháp dự kiến trong tuần này sẽ bổ nhiệm 11 công chứng viên (CCV) là các tiến sĩ luật, luật sư lâu năm, có người nguyên là Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao...
Đây là những người đang có ý định đứng ra mở những văn phòng công chứng (VPCC) đầu tiên tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tây, Thái Bình và Cần Thơ, bổ sung cho lực lượng CCV hiện còn rất mỏng tại các phòng công chứng của nhà nước.
Thực trạng công chứng ở xã: Hầu hết đều vô hiệu !
- Kể từ khi có Nghị định 79 có hiệu lực, công tác chứng thực bản sao - vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc ở phòng công chứng - đã được chuyển sang UBND cấp xã, huyện. Các phòng công chứng hoạt động ra sao khi được giảm tải đáng kể, thưa ông?
Công chứng là hoạt động mang tính chất dịch vụ, đối tượng là các hợp đồng giao dịch. Đã nói đến hợp đồng thì Bộ Luật Dân sự quy định rất chặt chẽ. Muốn mua bán một tài sản, đặc biệt là bất động sản thì phải làm hợp đồng giao dịch (HĐGD) như thế nào thì mới có hiệu lực. Công chứng những hợp đồng này là công việc chuyên môn của các luật gia. Như vậy, công chứng bảo đảm cho sự an toàn pháp lý cho các bên trong HĐGD, góp phần cho sự kiểm soát của nhà nước.
"Tôi muốn lập văn phòng công chứng đầu tiên"
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ là một trong 11 công chứng viên (CCV) theo kế hoạch được Bộ Tư pháp bổ nhiệm trong tuần này. Ông dự định lập Văn phòng công chứng đầu tiên. Ông Trục đang hoàn chỉnh hồ sơ gửi UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp và Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp. Ông Trục cho biết: "Hoạt động công chứng mang tính đặc thù nên cũng khó nói trước khi nào văn phòng sẽ có lãi. Đặc biệt, đây là hoạt động kinh doanh mặt hàng “quyền lực Nhà nước” nên chuyện thu hồi vốn không hẳn là đặt lên hàng đầu". Ông này cũng cho biết sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hoạt động của mình. |
Ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, CCV vẫn có việc làm đầy đủ, có lúc còn quá tải, dù giải tỏa hết số khách chứng thực bản sao đi rồi. Tại sao? Bởi trước đây, anh chỉ ngồi tại phòng công chứng để chứng nhận, bắt người ta xuất trình đầy đủ giấy tờ, nhưng bây giờ phải đi đến tận nơi mà xác minh nếu giấy tờ không đủ, nhất là bất động sản.
Anh không thể lấy lý do thiếu giấy tờ mà không chứng nhận hợp đồng cho người ta. Nếu anh không công chứng thì không có việc làm, không có thu nhập, bởi phòng công chứng bây giờ là đơn vị sự nghiệp có thu rồi. Như vậy, việc làm ít hơn nhưng thời gian mất nhiều hơn.
- Nhưng ở các tỉnh, thực tế là nhiều phòng công chứng bị giảm đáng kể doanh thu. Có nơi trước đây mỗi tháng thu 100 triệu đồng từ công chứng và chứng thực, tháng 7 vừa qua chỉ còn 30 triệu.
Cần nhìn nhận một thực tế: Cả nước ta chỉ có chưa đầy 140 phòng công chứng và chưa có văn phòng công chứng (VPCC) nào. Vậy có phải bỏ bản sao, bỏ chứng thực chữ ký người dịch đi thì các hợp đồng giao dịch ít đến nỗi thiếu việc làm cho các phòng công chứng không? Không phải. Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đang phát triển sôi động bậc nhất, hợp đồng giao dịch diễn ra từng giờ từng phút, nào là thế chấp để vay vốn, mua bán, cầm cố...
Có một "biển" hợp đồng giao dịch, nhưng các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, thậm chí Bộ Luật Dân sự vẫn quy định rằng, ngoài phòng công chứng ra, UBND cấp xã, huyện cũng có thẩm quyền chứng thực các hợp đồng giao dịch. Người dân có thể ra UBND chứ không đến phòng công chứng.
Khi người dân đến UBND xã, huyện để chứng thực hợp đồng, thực tế diễn ra thế nào? Năm 2005, Bộ Tư pháp đã tổ chức một cuộc điều tra ở cả thành thị lẫn nông thôn. Chúng tôi nhận thấy hầu hết các hợp đồng giao dịch đất đai mà UBND xã chứng thực không đạt yêu cầu.
Bởi vì ông chủ tịch UBND xã có phải là chuyên gia pháp luật đâu. Khi người ta mang đến hợp đồng giao dịch đất đai nhà cửa, ông chỉ chứng là ông X, bà Y có hộ khẩu ở xã, thay vì chứng giao dịch này có hợp pháp hay không.
Tôi khẳng định, nếu ra tòa thì gần 100% hợp đồng do UBND xã chứng đều vô hiệu, bởi anh chứng không đúng yêu cầu của pháp luật, mặc dù Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có thông tư 04 hướng dẫn rất tỉ mỉ, kèm theo đó là mấy chục mẫu hợp đồng giao dịch. UBND xã cứ theo mẫu đó mà làm nhưng không nơi nào làm cả.
Ở Đắk Lắk, có người bán một mảnh đất 4 lần cho 4 người khác nhau, UBND xã chứng hết. Hỏi tại sao, xã nói: "Tôi biết đâu, tôi chỉ chứng bà có hộ khẩu ở xã chứ có biết đâu là hợp đồng thế nào". Rất vô trách nhiệm!
Cần hàng nghìn văn phòng công chứng
- Như vậy, giải pháp cho bất hợp lý này là gì, theo ông?
Nhu cầu công chứng ở Việt Nam rất lớn. |
Tới đây, chúng ta phải chuyển tất cả các hợp đồng giao dịch sang cho công chứng làm. Điều này TP HCM đã làm, tất cả các hợp đồng giao dịch đã được chuyển sang phòng công chứng. UBND chỉ chứng thực bản sao. Chính vì thế họ có 6 phòng công chứng và sắp lập phòng công chứng số 7 thì vẫn quá tải.
Như vậy sẽ phải sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ Luật Dân sự theo hướng: Đã là hợp đồng giao dịch thì phải đến công chứng chứ không thể làm ở UBND cấp xã, cấp huyện.
Như tôi đã nói, hợp đồng giao dịch rất nhiều nhưng cả nước có chưa đầy 140 phòng công chứng với khoảng 400 CCV (so với Pháp: 60 triệu dân, 4.500 VPCC và 8.000 CCV), liệu họ có đảm nhận hết không hay lại trở lại thời kỳ ách tắc? Theo tôi, chúng ta cần có một mạng lưới hàng nghìn phòng công chứng và VPCC. Sau khi có đủ số lượng này, chúng ta sẽ sửa luật.
Theo ông Phạm Thanh Cao, Trưởng Phòng bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp HN, hiện Sở đang chờ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công chứng. Dựa vào đó, Sở mới có thể cấp phép đăng ký hoạt động cho các CCV có nhu cầu mở VPCC. Điểm gây tranh cãi lớn nhất trong dự thảo Nghị định là việc quy định con dấu của VPCC không phải là con dấu quốc huy như của phòng CC. Nhiều chuyên gia góp ý, nên quy định VPCC và phòng CC dùng con dấu như nhau để tạo nên sự bình đẳng. Luật CC nêu rõ: Giá trị pháp lý của chứng nhận hợp đồng giao dịch ở phòng CC và VPCC như nhau. |
Trước mắt, người dân vẫn có thể đến UBND cấp xã, huyện để chứng nhận các hợp đồng giao dịch, nhưng cần phải lưu ý nếu UBND chứng không đúng yêu cầu của pháp luật thì người dân không nên đến, mất công mà sau này hợp đồng vẫn trở thành vô hiệu. Chúng ta khuyến khích họ đến phòng hay văn phòng công chứng, yêu cầu các công chứng viên phải làm việc theo chế độ dịch vụ, thực sự coi người dân là thượng đế.
Thành lập thêm phòng công chứng là việc rất khó, bởi công chứng viên phải là công chức nhà nước, lại cần biên chế, rồi phải có kinh phí, bên Nội vụ với Tài chính đều không đồng tình. Tôi cũng phải nói có tình trạng thế này: bên Nội vụ đồng ý cho biên chế nhưng kèm điều kiện "cho tôi gửi đứa cháu". Mà đứa cháu thì học vớ vẩn, chỉ là ĐH luật tại chức ở tỉnh. Mà nếu cháu ông ấy đang học, chưa tốt nghiệp thì ông chưa cho, đợi khi nào cháu ra trường mới cho.
"Xót ruột" khi công chứng viên là "con ông cháu cha"
- Điều ông nói là có thật?
Chuyện đó khá phổ biến. Cho nên khi chúng tôi làm thủ tục bổ nhiệm CCV thì rất xót ruột. Hầu hết đều là các cháu học tại chức tại tỉnh, đủ 5 năm công tác theo đúng yêu cầu bổ nhiệm: học tốt nghiệp phổ thông xong thi ĐH trượt, người thân đưa vào làm văn thư trong một cơ quan tư pháp, pháp luật, có thể là sở Tư pháp hoặc tòa án, vào năm trước, năm sau đi học tại chức do tỉnh mở liên kết với trường luật, vừa làm vừa học.
Bộ Tư pháp đang có phương án liên kết với Bộ TNMT. Theo đó, CCV sẽ làm cả việc thu thuế sử dụng đất.
Bộ TNMT rất hoan nghênh phương án này và sẽ thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành, nhằm tập trung đầu mối thông tin để quản lý đất đai. |
Khi học xong, cháu có bằng thì cũng đồng thời đủ 5 năm công tác, việc làm có sẵn đó rồi. Trong khi đó, mỗi năm có 2.000 - 3.000 sinh viên luật chính quy, thậm chí có 2 bằng ĐH ra trường không có việc làm.
Mở VPCC sẽ là một hướng để giải quyết chuyện này. Thứ nhất, CCV làm trong VPCC không phải là công chức nhà nước, miễn là anh có bằng cử nhân luật, qua đào tạo, có nhu cầu thì được bổ nhiệm. Như vậy, VPCC không phụ thuộc biên chế cũng như ngân sách nhà nước. Người đứng ra mở VPCC tự bỏ tiền để trang trải mọi chi phí. Mô hình này giống hệt nước ngoài, ở châu Âu, CCV là tự do. Các nước XHCN cũ cũng chuyển qua mô hình này.
- Mô hình này tiên tiến nhưng ở điều kiện VN, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, ngay cả các phòng công chứng hiện nay cũng còn có những lúc chưa hoàn toàn tuân theo đúng pháp luật thì phải đặt ra điều kiện gì cho các VPCC?
Cơ sở pháp lý về mặt tổ chức của VPCC đã được quy định cụ thể trong Luật Công chứng. Nếu có lo thì tôi chỉ lo ở chỗ tâm lý phân biệt từ phía người dân.
Chúng ta vẫn có tâm lý của mấy chục năm bao cấp, cái gì của nhà nước thì tin, đại học phải là quốc lập, đi làm công nhân cũng thích DN nhà nước chứ công ty TNHH thì không thích. Để khắc phục, luật quy định rất rõ rồi: giá trị pháp lý của chứng nhận hợp đồng giao dịch ở phòng công chứng và VPCC như nhau, người dân hãy yên tâm.
Có người nói liệu công chứng viên không phải là công chức nhà nước thì có dám làm bậy không? Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải cởi mở về tâm lý. Nếu lấy thực tế thì cần thấy thời gian qua, những vụ án tham nhũng lớn chủ yếu là ở các doanh nghiệp NN đấy chứ.
Cơ chế nhà nước rất chặt. Và thực ra đó không phải là công chứng tư. Đã là công chứng thì nhân danh nhà nước để công nhận tính xác thực. Anh không phải là nhân viên nhà nước nhưng thừa hành công vụ. Tới đây, sẽ còn xã hội hóa một loạt dịch vụ khác, như thi hành án dân sự.
Cải cách hành chính bước sang trọng tâm là cái gì có thể chuyển sang chế độ dịch vụ thì để cho xã hội làm, nhà nước chỉ ban hành pháp luật và giám sát, kiểm tra, xử lý. Nhà nước vừa ban hành pháp luật, vừa thực hiện thì dễ xảy ra tiêu cực, lợi ích cục bộ. Vừa ban hành chính sách thuế, vừa đi thu thuế thì tiêu cực từ đội trưởng đội thuế lên đến tận tổng cục.
- Nếu công chứng viên nhân danh nhà nước thì nhà nước phải đặt ra các điều kiện gì?
Trong luật quy định rõ: Nếu công chứng sai thì có đủ hình thức chế tài xử lý anh, nhẹ thì xử phạt hành chính, nghiêm trọng thì truy tố, nếu gây hậu quả cho khách hàng thì anh phải bồi thường.
Với CCV của phòng công chứng gây thiệt hại thì nhà nước phải đền, nhà nước sau đó thu lại một phần của anh công chứng viên đó. Còn với VPCC thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho CCV.
Trước mắt, lập VPCC ở thành phố
- Điều này có thể khiến người dân khi đến phòng công chứng sẽ yên tâm hơn vì có nhà nước đền. Tại sao không đặt ra chế tài như nhau đối với CCV của phòng công chứng và VPCC?
Chúng tôi muốn thế nhưng Quốc hội không thông qua. CCV của phòng công chứng thì phải theo Pháp lệnh Công chức. Chúng tôi khi soạn luật cũng định chỉ để một mô hình là VPCC thôi, nhưng mọi người sợ CCV của phòng công chứng không yên tâm làm việc, bởi vẫn cái tâm lý thích bám nhà nước.
Trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Công chứng, chúng tôi khuyến khích các phòng công chứng nếu có điều kiện thì chuyển thành VPCC, tránh để nhà nước bao cấp. Tiến tới sẽ không thành lập các phòng công chứng nữa.
Còn trước mắt, chỉ cho phép thành lập VPCC ở thành phố và các tỉnh phát triển thôi, chứ ở các tỉnh miền núi thì phải duy trì phòng công chứng, thậm chí phải thành lập thêm để phục vụ dân, nhưng khi tỉnh phát triển rồi thì thu dần lại, nhà nước không đầu tư nữa, mà để cho dân làm.
Mọi công chứng viên đều có quyền lập văn phòng công chứng |
Để được bổ nhiệm CCV, cần các điều kiện: là công dân VN, cử nhân luật, có tối thiểu 5 năm làm công tác pháp luật, học nghề công chứng tối thiểu 6 tháng tại Học viện Tư pháp, qua thời gian tập sự 18 tháng. Sau khi được bổ nhiệm, CCV cần lập đề án mở VPCC trình UBND cấp tỉnh. Sau đó, phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Theo ông Trần Thất, phải quy định qua "hai cửa" như trên do CCV kinh doanh một mặt hàng đặc biệt là quyền lực nhà nước, được nhân danh nhà nước. |
-
Vân Anh