(VietNamNet) - Tôi may mắn được ra Trường Sa khi có Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020. Trường Sa thân yêu, vành đai bảo vệ tổ quốc từ xa sẽ phát triển kinh tế ra sao trong giai đoạn mới?
Từ một Trường Sa trong gian khổ...
Đường ra đảo vẫn vô cùng khó khăn. "Mỗi cánh thư về từ đảo xa… Trường Sa không xa… Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em". Trường Sa luôn trong mỗi trái tim người dân Việt Nam nhưng khi nghĩ đến ai cũng hình dung ra một vùng xa xôi, gian khổ của tổ quốc.
Nhớ hồi tôi học cấp 1 (khoảng đầu những năm 80), thỉnh thoảng thấy nhà trường phát động phong trào viết thư cho chiến sĩ đảo Trường Sa. Cũng tham gia những thực lòng tôi không thể tưởng tượng được mình đang viết thư cho ai, các chiến sĩ đang sống thế nào, chỉ nghe nói các chú đang rất thiếu thốn cả về tình cảm lẫn vật chất.
Khát vọng tìm hiểu về Quần đảo hình thành trong tôi từ ngày đó. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo cũng có được một hình dung về Trường Sa nơi vô cùng khắc nghiệt: Khát khao từng giọt mưa, chắt chiu từng ngọn rau xanh và một năm chỉ có vài chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo.
Nhớ cái Tết đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam nối được cầu truyền hình ra Trường Sa, khoảng cách đã gần lắm nhưng cảm giác sự thiếu thốn về kỹ thuật vẫn rất rõ: Hình ảnh mờ và giật, giọng nói chiến sĩ trưởng đảo qua TV nghèn nghẹn.
Rau xanh trên biển.
Tòa soạn tôi cũng bao lần cử phóng viên thăm Trường Sa. Anh em đi trước dặn anh em đi sau: Nhớ mang cho các chiến sĩ ít báo, tạp chí thời trang, vài bao thuốc lá… Thậm chí có đồng nghiệp dặn mang theo ít giấy A4 để chiến sĩ viết thư. Cầm những món quà nhỏ trong tay bỗng có cảm giác thân thương như đi thăm người thân.
... đến Trường Sa sung túc, chỗ dựa cho ngư dân
Ra đến huyện đảo, từ xa nhìn vào đã thấy Trường Sa Lớn tràn ngập màu xanh. Bước chân lên đảo, sự ngăn nắp, bóng mát cây xanh xua tan trong tôi cảm giác ban đầu.
Mọi khoảng trống được dùng để trồng rau xanh, tăng gia chăn nuôi… chó, nước ngọt đủ dùng trong mấy tháng trời và tần suất tàu ra thăm đảo ngày càng dày hơn, Trường Sa đang ngày càng sung túc. Khi hỏi anh em thấy thiếu thốn gì không? Hầu hết lắc đầu.
Tuy các đảo chìm và nhà dàn có điều kiện kém xa các đảo lớn nhưng cũng không thiếu thốn như trước nữa: Nước ngọt dự trữ, rau xanh tự trồng, tăng gia chăn nuôi chó… và đặc biệt là cải thiện bằng đánh bắt cá… làm cuộc sống anh em trên đảo không còn quá khó khăn.
Trung tâm dịch vụ nghề cá ở Đảo Đá Lát.
Đảo thì cứu được 5 ngư dân gặp nạn, đảo thì mổ ruột thừa cho ngư dân, đảo thì ngư dân lên chỉ để được... giao lưu văn nghệ. Trong nhiệm vụ tại đảo, việc hỗ trợ ngư dân trở thành một đề mục quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành.
Chúng ta xin thề truớc hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được Quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta.” Trường Sa ngày 7/5/1988 Đại tướng Lê Đức Anh
Các tàu đánh cá ở vùng đảo Trường Sa từ cuối 2006 bắt đầu được cấp xăng dầu, nước ngọt, đá, thu mua sản phẩm... thông qua khu dịch vụ hậu cần nghề cá công ích đầu tiên trên vùng biển xa khơi, được thực hiện tại đảo Đá Tây.
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá này rộng 3.000m2. Tại đây có hệ thống két chứa nhiên liệu gần 340m3, hệ thống chứa nước là 928m3, hệ thống đường ống, bơm cung cấp nhiên liệu, hệ thống điện, nhà xưởng, kho hàng, xưởng cơ khí...
Tuy mới là thử nghiệm nhưng mô hình này tỏ ra hiệu quả và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Thông tin liên lạc mở đường
Sóng điện thoại Viettel đã được phủ ở 5 đảo. Những năm trước, mỗi lần anh em phóng viên đi Trường Sa tòa soạn phải dặn dò rất kỹ, khối lượng thông tin đủ cho cả vài tuần vì chắc chắn trong thời gian lênh đênh ở các Đảo là mất liên lạc hoàn toàn.
“Nhớ chuẩn bị cái SIM Viettel, ra đến nơi thì gọi về tường thuật lễ mít tinh kỷ niệm giải phóng Trường Sa”, một đồng nghiệp nhắc khi biết tôi chuẩn bị lên đường thăm Quần đảo hồi tháng 4 vừa qua.
Mọi ấn tượng về Trường Sa rất xa trong tôi biến mất khi nối được điện thoại về tòa soạn. Đồng nghiệp bên Đài Tiếng nói Việt Nam còn đề nghị anh em trực cơ quan ghi lại âm thanh để phát sóng. Những dòng tin, giọng nói tường thuật từ nơi đầu sóng ngọn gió được đưa lên báo, đài trong giây lát.
“Vấn đề sống còn trong phát triển kinh tế vùng quần đảo là thông tin liên lạc. Đây là điều kiện cần để bảo vệ chủ quyền, mở rộng phạm vi khai thác biển, phát triển nghề cá và các dịch vụ biển”, ông Bùi Văn Huấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Chính trị phát biểu trong khi nói chuyện với chiến sĩ ở Trường Sa Lớn.
Trong đoàn đi có ông Phan Hoàng Đức là ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Trong suốt chuyến đi ông luôn kể cho mọi người về dự định phủ sóng, nhất là sau khi Việt Nam có vệ tinh, khi đó không chỉ 5 đảo có sóng như bây giờ mà mọi khoảng cách về thông tin với đất liền sẽ không còn.
Ông Phan Hoàng Đức kiểm tra chảo thu phát sóng.
Phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền
Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa phía Nam có vị trí tiền tiêu, tạo thành vòng cung án ngữ bảo vệ Tổ quốc ở phía Đông. Trong lịch sử 14 cuộc chiến tranh với nước ngoài thì có đến 10 cuộc xâm lược bằng đường biển.
Trong chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần, tôi chỉ gặp lác đác tàu đánh cá của ngư dân mặc dù đang là mùa biển lặng. Chiến lược đánh bắt xa bờ của ta rất rõ ràng nhưng quả thật để khuyến khích ngư dân ra những vùng biển xa xôi thế này không phải dễ dàng.
Luôn luôn sẵn sàng bảo vệ đảo nhưng kèm theo đó là chiến lược phát triển kinh tế. |
Trong câu chuyện trên tàu, Chuẩn đô đốc Hải quân Trần Thanh Huyền bộc bạch nhiều ưu tư: Đất nước ổn định phát triển kinh tế thì trước hết chúng ta phải có sức mạnh về quốc phòng, đặc biệt là trên biển. Muốn vậy cần phối hợp một cách toàn diện.
Có quốc phòng an ninh tốt, ngư dân mới ra đánh bắt hải sản. Ngược lại, kinh tế phát triển tốt thì mới phát triển được kinh tế toàn đất nước. Trong quá trình này, kinh tế và quốc phòng kết hợp chặt chẽ. Quốc phòng trên biển mạnh sẽ là chỗ dựa cho bà con ngư dân, các lực lượng ra làm ăn trên biển.
Bất giác tôi mường tượng ra một viễn cảnh trên biển Đông vùng quần đảo Trường Sa: Mỗi đảo sẽ là nơi cung cấp nước ngọt, nhu yếu phẩm cho ngư dân, đồng thời là nơi thu mua hải sản cho ngư dân để chế biến rồi xuất khẩu ngay bằng đường biển. Trên biển sẽ có những tàu dịch vụ lưu động, vừa là nơi trao đổi mua bán, vừa là những trạm cứu hộ và làm dịch vụ nghề cá. Như vậy ngư dân có thể đi đánh cá dài ngày mà không cần phải quay lại đất liền cho tốn kém.
Trong vấn đề trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta cần giáo dục thường xuyên, chứ không phải mỗi khi có vấn đề trong quan hệ quốc tế thì mới nói. Nên chăng chúng ta xây dựng một luận cứ về sự hình thành lãnh thổ, đó là những cứ liệu khoa học chứng minh với quốc tế rằng sự hình thành lãnh thổ của mình đã diễn ra như thế nào.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Và rồi chính những ngư dân này sẽ là những người bảo vệ lãnh hải Việt Nam. Chúng ta đã có quốc phòng toàn dân để chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh trên đất liền, tại sao không nghĩ đến một thế trận quốc phòng toàn dân trên biển?
Kết thúc chuyến thăm đảo, tôi nhận được tin Cục Hàng hải và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khai trương văn phòng đại diện thường trực Trạm tìm kiếm cứu nạn Trường Sa tại cảng vụ Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Trạm tìm kiếm cứu nạn Trường Sa đặt tại đảo Trường Sa lớn để hỗ trợ ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung và Nam bộ, đồng thời lại nằm sát tuyến hàng hải quốc tế với nhiều tàu thuyền thông thương nhưng thường xảy ra bão tố.
Công cuộc tiến ra biển đã bắt đầu nhưng có lẽ sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Cảm giác này bất chợt đến với tôi khi nhìn lại chiếc tàu đưa chúng tôi ra đảo, dù đã rất hiện đại của Hải quân nhưng cũng chỉ 2.000 tấn và đã cũ lắm rồi.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 |
Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. |
-
Phạm Tuấn