(VietNamNet) - Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, nguyên chuyên viên văn phòng kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhấn mạnh vấn đề trên trong cuộc trao đổi với VietNamNet về diện mạo đô thị TP.
>>TP.HCM: Còn xa tiêu chuẩn "Thành phố sống tốt"?
Trong hội thảo xây dựng chiến lược phát triển cho TP.HCM này, yêu cầu khôi phục vị thế "Hòn ngọc Viễn Đông" một lần nữa được đặt ra. Trong đó, thay đổi diện mạo đô thị là điểm mấu chốt.
Không nắm được cơ hội
- Thưa ông, những con đường mới mở rộng, như Nam Kỳ Khởi Nghĩa - cửa ngõ của TP.HCM - được hy vọng sẽ có diện mạo mới, đến giờ lại quay về mô hình nhà ống, thiếu đồng bộ về kiến trúc. Như thế, việc chỉnh trang diện mạo đô thị của TP.HCM có chậm so với lộ trình và so với yêu cầu của cuộc sống?
Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải. (ảnh: Phạm Cường)
- TP.HCM đã có những cơ hội để chỉnh trang đô thị, như việc mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mở đại lộ Đông - Tây. Chúng ta đã không nắm bắt được những cơ hội đó do công tác chỉ đạo của TP không theo kịp yêu cầu.
Lẽ ra khi có chủ trương tu sửa một con đường, con kênh, các nhà quản lý chuyên môn sớm xây dựng thiết kế đô thị và đề xuất lãnh đạo TP ban hành chính sách để thực hiện thiết kế đó.
Đối với những công trình đã trót không tận dụng được cơ hội, vẫn cần có thiết kế đô thị để người dân, nhà đầu tư tự nhận thức được yêu cầu về diện mạo nơi mình sinh sống, để góp phần vào việc chỉnh trang.
- Tuy nhiên, việc trở lại với sự lộn xộn trong kiến trúc của con đường cửa ngõ Nam Kỳ Khởi Nghĩa được giải thích là do đã có thiết kế đô thị, nhưng người dân chưa đủ điều kiện kinh tế để thực hiện?
- Thiết kế đô thị được đưa ra hơi muộn so với việc cải tạo tuyến đường. Nhưng đưa ra thiết kế đô thị chỉ là một chuyện, vấn đề chính là đưa ra chính sách, giải pháp để thực hiện.
Khuyến khích xoá nhà ống?
- Để chỉnh trang đô thị không thể chỉ trông vào người dân. Ông nghĩ thế nào về cơ chế đền bù thoả đáng cho người dân rồi bán đấu giá đất mặt tiền chỉ dành cho xây nhà cao tầng, để vừa hài hoà về cảnh quan, vừa có lợi ích kinh tế cao hơn?
Chậm chỉnh trang do thiếu quy định |
Ông Nguyễn Trọng Hoà, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM: Hiện tượng bỏ lỡ cơ hội chỉnh trang diện mạo đô thị bằng cách đền bù thoả đáng, đấu giá mặt tiền, như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, do vào thời điểm bắt đầu làm, hai năm về trước, chưa có quy định, vốn vay. Đoạn đường Nguyễn Văn Linh đi Nhà Bè áp dụng cơ chế này. |
- Đó cũng là một biện pháp, nhưng không nên hoàn toàn bắt buộc đối với những khu phố lâu năm, có tính ràng buộc cao về quyền sở hữu của người dân.
Đối với những khu vực mới, ít có sự ràng buộc về quyền sở hữu thì chính sách có thể mang tính bắt buộc nhiều hơn.
Cần thúc đẩy việc xoá nhà ống, thay thế bằng nhà cao tầng dành làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê... bằng những chính sách có lợi cho người dân.
Ví dụ, dùng chính sách khuyến khích việc chủ đầu tư mua 2 - 3 căn nhà ống một lúc để xây toà nhà lớn và khuyến khích cả người bán, như giảm thuế; tạo điều kiện thuận hơn về mặt quy hoạch, kiến trúc.
- Ông liên tưởng đến thành phố nào trên thế giới khi nghĩ đến tương lai của TP.HCM trong 10 - 15 năm nữa?
- Không nên lấy thành phố nào đi trước làm chuẩn tuyệt đối cho TP.HCM. TP.HCM cần có những nét riêng biệt.
Các thành phố của Mỹ hiện đại quá, những toà nhà quá cao, số lượng ô tô quá lớn tạo ra sự xa cách với con người, con người dễ tự nhận thấy nhỏ bé. Nhiều thành phố ở châu Âu lại quá chặt chẽ, chỉ giữ những toà nhà 5 - 6 tầng, tuyệt đối hoá sự cổ kính. Như thế chưa hẳn đã hay.
TP.HCM cần là thành phố có diện mạo đa dạng, cộng sinh giữa mới và truyền thống, như chùa chiền, nhà cũ có giá trị nghệ thuật..., để diện mạo của TP đa dạng.
Đô thị là sự phát triển không ngừng. Những cái thoái hoá sẽ bị biến mất, những cái tiến bộ sẽ mọc lên. Vấn đề chính là biết giữ những gì tinh hoa nhất của từng thời đại và du nhập những gì hiện đại nhất của nhân loại.
Không nên bỏ tất cả những khu phố cũ để xây nhà cao tầng. Những dãy phố mang màu sắc riêng, có hồn phố, những công trình có giá trị cần được giữ. Mỹ và Singapore đã có những sai lầm trong việc này.
Tiến ra biển, vẫn đảm bảo thoát nước
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được kỳ vọng sẽ có kiến trúc đồng bộ sau khi mở rộng. Nhưng thực tế không được như thế. (ảnh: VNE)
- Trung ương đã có nghị quyết chỉ đạo phát triển hướng ra biển. TP.HCM đang xây dựng chiến lược thực hiện nghị quyết này và đã có một số công trình lớn như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng phát triển ở khu vực giáp biển. Tuy vậy, theo một số nghiên cứu, TP dốc từ Bắc xuống Nam, phía Nam là khu vực thoát nước, cần tránh tối đa việc bê-tông hoá. Vấn đề này cần được giải quyết thế nào?
- Khi xây dựng đô thị, người ta hay chọn những vùng đất cao, chắc. Điều này cũng hợp với nguyên lý phong thủy. Nhưng, cũng có thể xây dựng ở nơi khác với nguyên tắc phải bảo đảm cân bằng sinh thái.
Vùng đất thấp là nơi chứa nước, nếu xây dựng ở đó vẫn phải giữ lại một số khu vực thoát nước, thậm chí tạo ra hướng thoát nước khác. Nếu xây dựng khu vực phía Nam TP theo chiến lược tiến ra biển, thì không thể xâm hại đến khu vực sinh thái Cần Giờ.
Trước khi xây dựng các công trình phía Nam cần nghiên cứu, tính toán kỹ để đảm bảo khả năng thoát nước, cân bằng sinh thái.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phạm Cường (thực hiện)