(VieNamNet) - Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết như trên trong phiên thảo luận của kỳ họp HĐND TP sáng nay.
Ông Nguyễn Thành Tài. (Ảnh: VNN)
Cùng với lập Đội cảnh sát phản ứng nhanh chống tội phạm, TP cũng sẽ tái lập đội săn bắt cướp. Đây là biện pháp của UBND nhằm giải quyết tình trạng tội phạm dùng súng cướp tiệm vàng, ngân hàng gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo ông Tài, công an TP chịu trách nhiệm điều tra, giải quyết 5 vụ cướp dùng súng. "Chống lại tội phạm dùng súng cần có lực lượng đặc biệt, có năng lực đặc biệt" - ông Tài nói, khi trao đổi với báo giới.
Ngoài ra, biện pháp sắp tới của TP.HCM nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng này là tăng cường quản lý chặt chẽ nhân khẩu khu dân cư, phát huy năng lực giám sát, phát hiện, tố cáo tội phạm của quần chúng; tăng cường quản lý việc sử dụng vũ khí.
Ông Tài cũng khuyến cáo, cùng với việc đề cao cảnh giác của công an, bản thân các cơ sở có nguy cơ bị cướp cần tăng cường tự bảo vệ với lực lượng bảo vệ và trang thiết bị hiện đại như camera, hệ thống bảo mật.
UBND bảo vệ đề án tăng học phí, ĐB HĐND đề nghị ngừng
Cũng trong sáng nay, ông Tài đã trình bày kỹ lưỡng hơn về đề án tăng học phí. "Hôm khai mạc kỳ họp HĐND TP, tôi chỉ có ít thời gian nên không giải trình được nhiều, khiến có nhiều ý kiến trái ngược của đại biểu mấy ngày gần đây".
Theo ông Tài, nếu thu học phí theo mức mới, TP sẽ thu được 315 tỷ đồng/năm (thu theo mức cũ là 246 tỷ). Tuy vậy, mức chi thường xuyên và chi xây dựng cơ bản cho giáo dục của TP sẽ vẫn tiếp tục tăng. (Chi xây dựng, năm 2006: 901 tỷ đồng; năm 2007: 1101 tỷ đồng. Chi thường xuyên, năm 2006: 1812 tỷ đồng; năm 2007: 2044 tỷ đồng).
Nếu tăng học phí, TP sẽ vẫn miễn giảm học phí con em của 60.000 hộ dân ở diện nghèo và cận nghèo (dao động vào khoảng thu nhập 6 - 10 triệu đồng/năm). Mức chi thêm sẽ là 27 tỷ đồng.
Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Phạm Minh Trí, Đặng Văn Khoa, Nguyễn An Bình, Nguyễn Văn Hiên, Lê Trường Tùng tiếp tục lên tiếng phản biện tăng học phí. Có đại biểu còn cho rằng, Chính phủ chưa đưa khung học phí mà TP đã tăng học phí là không hợp lý.
Riêng đại biểu Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM cho rằng cần tăng học phí để "tăng nguồn đầu tư, tạo sức mạnh mới". Ông Sen lập luận: "Không thể so bì điều kiện kinh tế nước ta với một số nước đi trước. Vào năm 2020, khi thu nhập người VN vào khoảng 2.000 USD, tôi ủng hộ miễn học phí".
Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Trần Thị Thanh Diệu, Đặng Văn Khoa cho rằng, cần tạm dừng đề án lại để xin ý kiến rộng rãi, giải quyết căn cơ, sau đó mới đi đến việc thông qua hay không.
-
Phạm Cường