(VietNamNet) - Qua 3 ngày thực thi, Luật công chứng bắt đầu phát huy tác dụng. Không còn cảnh chen lấn khổ sở đến kinh hoàng ở các phòng công chứng của Hà Nội, nhưng đồng thời một số khó khăn đã xảy ra tại điểm công chứng ở cấp cơ sở phường, xã.
Chị Vũ Thị Phương (phải) đến UBND phường Thành Công chứng thực bản sao (Ảnh: C.M) |
Công chứng phường bắt đầu gặp khó
Chiều 3/7, PV VietNamNet có mặt tại trụ sở UBND phường Thành Công (Q. Ba Đình - HN). Chị cán bộ tư pháp tên Nguyễn Thị Hồng Nga không kịp nghỉ tay, vừa cắm cúi đóng dấu "chứng nhận sao y bản chính" vừa nói: Luật có hiệu lực từ hôm Chủ nhật nên thực sự làm mới chỉ trong có 2 ngày 2-3/7, nhưng chúng tôi đã tiếp đến 55 lượt người dân với cả ngàn bản sao.
Theo quan sát của chúng tôi, tại phòng tư pháp phường Thành Công lúc này chỉ có 4 người dân đến. Tuy nhiên, mỗi người cầm trong tay cả một tập dầy giấy phô-tô cần chứng thực bản sao - hậu quả của kiểu tâm lý đã một lần đi công chứng thì phải làm bản sao thật nhiều.
Một người dân - chị Vũ Thị Phương (công ty chứng khoán Đông Nam Á) cho hay, tới hôm nay (3/7) chị mới biết về Luật công chứng mới, bèn ra phường làm giấy tờ cho mình và luôn tiện chứng thực bản sao về chứng chỉ ngoại ngữ cả cho người em Nguyễn Thị Huyền Trang ở Nghệ An. Đã từng chịu khổ sở ở các phòng công chứng, chị Phương nhận xét, đây chính là lần đi chứng thực dễ chịu nhất.
Trường hợp như chị Phương (không sinh sống trên địa bàn phường Thành Công) chính là một điểm mà UBND các phường, xã còn đang băn khoăn. Chị Nga nói: Khó khăn nhất là hiện nay chúng tôi phải tiếp cả người dân vãng lai qua phường, người đầu tiên đến chứng thực bản sao ở phường Thành Công lại trú ở tận... Thanh Xuân. Trong khi đó cán bộ tư pháp còn rất nhiều việc về đời sống xã hội cần giải quyết ở cấp cơ sở, vì thế rất kẹt về thời gian.
Tấm bảng thông báo phòng công chứng không còn chứng thực bản sao, bản dịch. (Ảnh: C.M) |
Chúng tôi sang gặp Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Nguyễn Huy Toản. Chìa giấy giới thiệu ra đến 5 phút, chúng tôi mới được tiếp, đơn giản vì ông đang bận ký đến bản sao thứ... 1000. Ông Toản bảo, từ giờ lãnh đạo phường (gồm 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch) phải thay nhau trực mà ký chứng thực bản sao cho dân.
Cái khó đầu tiên trong công tác mới này theo ông Toản là phường thiếu cái máy photocopy. Nghe sơ có vẻ buồn cười nhưng thực tế cái máy này lại liên quan đến chuyên môn. Dân thường phô-tô ở ngoài rồi mang vào phường chứng thực, thế là từ cán bộ tư pháp đến phó chủ tịch, chủ tịch phường phải ngồi "soi" từng bản sao dài dằng dặc vì có khi chỉ sai một dấu phẩy trong hợp đồng kinh tế là "rách chuyện". Bao nhiêu bản thì "soi" bấy nhiêu lần, nếu đặt máy photocopy ngay tại trụ sở phường thì tránh được chuyện này. Cũng may, trong những ngày Luật công chứng có hiệu lực phường Thành Công chưa phải giữ lại trường hợp nào khả nghi để xác minh.
Theo nhận định của ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, "nhiều khả năng bằng giả mà trước đây không thể chứng thực ở phòng công chứng sẽ lọt về phường. Bởi có nơi, có người mang bằng đến chứng thực tới cả trăm chiếc".
Bộ Tư pháp đồng ý để UBND phường chứng thực bản sao song ngữ Trưa hôm qua, 3/7, Bộ Tư pháp đã đồng ý với đề xuất của Sở Tư pháp Hà Nội cho phép UBND phường thực hiện chứng thực bản sao song ngữ, nhưng thẩm quyền ký là người Việt. Đối với văn bản bằng 2 thứ tiếng, nếu có chữ ký của phía nước ngoài, phòng Tư pháp UBND quận là nơi chứng thực. Quyết định nhanh chóng này của Bộ xuất phát từ thực tế, qua các chuyến "thị sát" đóng vai làm người bình thường đi công chứng trong suốt 2 ngày đầu thực hiện Luật mới, các cán bộ Sở Tư pháp nhận thấy, mặc dù chưa có văn bản quy định nhưng một số UBND phường đã làm chứng thực cho bản song ngữ Việt - Anh là bằng cử nhân đại học do trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cấp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quyết định “nóng”, Bộ Tư pháp chưa kịp ra văn bản chính thức. Sở Tư pháp đã thông báo ngay quyết định này cho các phường. Tuy nhiên, nhiều phường vẫn chưa nhận được thông tin này. |
Ông Cao thừa nhận, với các cán bộ tư pháp cấp phường, xã chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng phát hiện giấy tờ giả mạo rất thấp.
Con dấu Quốc huy cũng là chuyện khó, trong khi các phòng công chứng có 3-4 con dấu thì theo quy định UBND phường chỉ có 1, lại quản lý theo cơ chế bảo mật. Đóng dấu thì cả đóng vào chữ ký lẫn dấu giáp lai... thế là cũng ùn tắc ở khâu này.
Khó nữa là chuyện nhân sự. Dân số của toàn phường có khoảng trên dưới 3 vạn trong khi cán bộ tư pháp chỉ có...1, "sẽ thực sự khó khăn trong công tác chứng thực bản sao"- ông Toản nói.
Rắc rối với chứng thực văn bản song ngữ
Đối với các quận, huyện là nơi chứng thực bản sao văn bản bằng tiếng nước ngoài, hiện khó khăn lớn nhất là chưa tìm được cộng tác viên biên dịch. Bà Hương, một cán bộ về hưu ở quận Đống Đa cho biết, bà có thư mời của con sang Pháp du lịch 3 tháng, song UBND quận chưa thể chứng thực cho những giấy tờ cần thiết để bà đến Đại sứ quán Pháp làm thủ tục. "Quận cũng không cho tôi biết bao giờ mới có người dịch văn bản. Tôi rất sốt ruột", bà Hương nói.
Tại UBND quận Ba Đình, đến sáng hôm nay, 4/7, người dân đến chứng thực bản sao giấy tờ bằng tiếng Hàn Quốc và tiếng Séc buộc phải quay về tay không. Do chưa có người dịch 2 thứ tiếng này, cán bộ Tư pháp cho biết, ai có nhu cầu chứng thực ngay sẽ phải tự tìm người biên dịch. Người biên dịch sẽ phải đến quận để ký tên ngay tại chỗ chứng thực.
Nhiều người dân cũng than phiền “mất nhiều thời gian” vì phải đến hai nơi là UBND phường và quận, để chứng thực hai loại văn bản, một bằng tiếng Việt và một bằng tiếng nước ngoài.
Phòng công chứng vắng vẻ
Hàng nước ở cạnh phòng công chứng số 1 HN, "cò công chứng" vẫn ngồi đầy. Nhưng chúng tôi đi qua các "cò" chỉ hững hờ nhìn, chả buồn níu kéo như xưa.
Cảnh vắng vẻ lạ thường ở phòng công chứng số 1 (Ảnh: C.M) |
Vào cửa, thấy chỗ xưa kia dán ảnh "phong thần" các "cò" cho dân cảnh giác thì nay thay bằng 2 bên hai tấm bảng trắng, đại ý ghi: các phòng công chứng không còn chứng thực bản sao, bản dịch. Mời dân làm bản sao về xã phường, bản dịch lên quận huyện. Phòng công chứng chỉ làm về hợp đồng giao dịch dân sự.
Tầng một phòng công chứng không còn cái không khí ngột ngạt các mùi mồ hôi trộn lẫn nhau; Tầng 2, trước kia là phòng dân ngồi đợi, nay vẫn có người đợi nhưng lác đác, ghế thừa chỏng chơ. Chỉ có tầng 3 là có người đến làm hợp đồng giao dịch dân sự.
Trao đổi với VietNamNet, trưởng phòng - công chứng viên Trần Ngọc Nga cho hay, hiện giờ không còn người dân nào có nhu cầu chứng thực bản sao đến phòng công chứng nữa. Phòng công chứng chỉ công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự như mua bán nhà, thế chấp, di chúc, thừa kế...
Ngày đầu thực hiện luật mới, dân chưa biết còn đổ đến chờ đợi, phòng công chứng số 1 đã phải tổ chức giải thích. Qua ngày thứ 3 (thực chất là hai ngày), số lượng người đến đã giảm tải hẳn. Trước kia, mỗi ngày phòng công chứng số 1 phải tiếp đến 800 lượt người với hàng ngàn bản sao thì riêng ngày 2/7 chỉ còn phải làm 48 hợp đồng các loại. "Công chứng đang trở về đúng bản chất của từ này"- ông Nga nói.
Thừa Thiên - Huế: Dân chạy...quanh
Luật công chứng và nghị định 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, nhưng đến 2/7 người dân TP Huế đi công chứng vẫn phải chạy... quanh.
Sáng 2/7, ngày đầu tuần, tất cả các Phòng công chứng, Trung tâm hành chính công tại TP Huế đều dán thông báo: “Thực hiện nghị định 79/2007/NĐ-CP, việc chứng thực các giấy tờ bản sao do UBND xã, phường thực hiện”. Phòng công chứng thường ngày đông nghịt người, nay vắng hẳn.
Nhiều người dân do chưa tiếp nhận thông tin qua báo chí vẫn đến phòng công chứng để chứng thực các loại bản sao, có người từ những vùng ven thành phố lặn lội vào rất sớm. Khi nhận thông báo trên, và được cán bộ giải thích họ đôn đáo chạy về xã, phường để công chứng. Bác Nguyễn Nghi ở Thuỷ Dương than phiền: “Khi có sự thay đổi như thế này, sao không thông báo trên tivi cho dân bớt khổ?”
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Công chứng số 1 cho biết, do sự chuẩn bị chưa chu đáo tại cấp cơ sở nên trong ngày hôm nay, việc công chứng bản sao cho công dân gặp nhiều trở ngại, và tình hình rối như canh hẹ!
Cô Đoàn Phương Trang, sinh viên vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Huế ấm ức: “Em đi công chứng, lên phòng công chứng chỉ về phường, về phường thì lại nói chưa thực hiện. Chậm thời gian nộp hồ sơ xin việc của em rồi”.
Còn bà Dung, ở phường Trường An phản ứng: “Tui không biết làm ăn kiểu chi, Chính phủ có Nghị định, có luật áp dụng từ ngày hôm qua, tới hôm ni rồi mà sao chưa thực thi. Dân vẫn bị hành”.
Theo thông tin VietNamNet nhận được, trong hai ngày đầu tiên, hầu hết các xã, phường trên địa bàn TP Huế đều không thể thực hiện nhiệm vụ mới của mình là công chứng bản sao cho nhân dân.
Giải thích về tình trạng này, ông Bình cho biết: Do các cấp xã, phường chưa nhận được Công báo nên chưa áp dụng Nghị định 79, họ lý luận rằng phải nhận được Công báo mới áp dụng. Chính vì lập luận này nên trong sáng nay, những người đi công chứng bản sao ở Huế được một phen chạy quanh, ấm ức.
Đến đầu giờ chiều 2/7, các phường xã mới tiếp nhận hồ sơ bản sao để thực hiện công chứng. Tuy nhiên, do nghiệp vụ chưa thông nên tiến độ vẫn rất chậm!
-
Đỗ Minh - Vân Anh - Kỳ Nhân
Ý kiến của bạn?