(VietNamNet) - Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khoá VII sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã trình HĐND TP về điều chỉnh mức thu học phí các trường công lập thuộc ngành học mầm non, phổ thông, bổ túc văn hóa trên địa bàn từ năm học 2007 - 2008.
Đại biểu Đặng Văn Khoa và tờ trình tăng học phí. (ảnh: Phạm Cường)
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của đại biểu HĐND TP tại buổi thảo luật chiều 3/7 đều không đồng tình với tờ trình này. VietNamNet xin giới thiệu ý kiến của một số đại biểu.
Tăng học phí để tăng lương giáo viên là hạ thấp người thầy
Đại biểu Phạm Minh Trí: Mức học phí mà UBND đề xuất tăng hơn 30% so với lương tối thiểu. Như vậy một gia đình có 2 con phải chi cho học tập đến 60% lương. Sẽ có nhiều gia đình chỉ có thể lo cho một con đi học.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ: Cần phân định rõ trường công và trường tư, như nhiều nước đã làm. Nếu là trường công thì chỉ thu học phí rất thấp, thậm chí hướng tới không thu học phí. Còn trường tư là nơi những người có tiền cho con đi học, học phí có thể cao. Không nên tăng học phí để nhằm tăng lương cho giáo viên, vì làm vậy là hạ thấp người thầy, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thầy trò. Nhiều học sinh sẽ nghĩ: Nhờ có tiền của mình thầy mới sống được.
Đại biểu Đặng Văn Khoa: Chưa rõ tăng học phí thì sẽ thu được bao nhiêu tiền. Nhưng TP chưa đến mức túng quẫn phải tăng học phí. Khi đất nước rất nghèo đã có chế độ không thu học phí, tại sao bây giờ cuộc sống khá lên lại tăng. Tất nhiên là phải đầu tư vào giáo dục, nhưng có thể bổ sung vào ngân sách đầu tư cho giáo dục bằng nhiều nguồn: có thể đánh thuế vũ trường - nơi của những người có tiền, đánh thuế thuốc lá, đánh thuế mua xe hơi đắt tiền cao hơn. Nếu không đủ thì giảm chi
Tôi tiếp xúc với 15 giáo viên thì cả 15 người đều không đồng ý với việc tăng học phí.
Đại biểu Lê Văn Trung: Việc tăng học phí liệu có đủ để giải quyết lương giáo viên, có đủ để nâng cao cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học? Trong khi chương trình cai nghiện, chúng ta tính được con số chi cho người nghiện là bao nhiêu tỷ đồng nhưng tờ trình về tăng học phí lại không nói được con số thu khi tăng học phí, rồi chi cho lương giáo viên bao nhiêu phần trăm, cơ sở vật chất bao nhiêu phần trăm ... chưa nói được. Nên để Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường tính toán một lộ trình tăng học phí (nếu có) một cách thật hợp lý.
Chỉ là giải pháp tình thế
Đại biểu Lê Trường Tùng: TP.HCM đã thực hiện việc chuyển 70 trường bán công thành trường công tự chủ về tài chính. Điều này dường như đi ngược lại chủ trương của Trung ương khi tăng trường công lập. Chủ trương của Trung ương là giảm trường công lập bằng cách chuyển trường bán công ra ngoài công lập để tập trung ngân sách cho việc đầu tư cho giáo dục, giữ mức thu học phí như hiện nay. Đằng này TP lại “ôm” các trường bán công. Chuyện tăng học phí dường như là giải pháp tình thế vì đã làm một việc không đúng là “công hóa” các trường bán công, làm tăng gánh nặng cho ngân sách.
Đại biểu Trần Thị Thanh Diệu. (ảnh: Phạm Cường)
Đại biểu Trần Thị Thanh Diệu, Thường trực HĐND TP.HCM: Đúng là cần cân nhắc việc tăng học phí, nhưng không nên tạo sự cào bằng trong giáo dục. Cần có sự đầu tư mạnh để nâng cấp cho một số trường phục vụ những gia đình có nhiều tiền, tránh việc những gia đình này cho con em đến trường quốc tế, vì trường trong nước không đáp ứng được yêu cầu. Tuy vậy, đầu tư bằng cách nào? Không nên vội vã chọn một giải pháp.
Phân biệt rõ trường công, trường tư
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa: Việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dân “cận nghèo”. Có nhiều học sinh chưa bỏ học nhưng chậm đóng học phí, sẽ bị nhắc nhở. Điều này gây tâm lý mặc cảm cho các em, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Nên chăng, tách các trường chất lượng cao, dịch vụ cao với mức thu học phí cao, gia đình nào đủ điều kiện thì cho con em vào học và vẫn duy trì các trường công lập bình thường để phục vụ số đông học sinh. Nếu cứ đánh đồng mức thu học phí như đề xuất, tôi lo ngại tỷ lệ học sinh bỏ học sẽ cao.
Đại biểu Nguyễn An Bình: Đánh giá mức độ sống giữa ngoại thành và nội thành quá gần nhau nên tạo mức chênh lệch về học phí gần nhau giữa nội và ngoại thành là không hợp lý. Chúng ta đã chậm được 10 năm thì chậm thêm nửa năm nữa cũng không sao để có sự tính toán cho hợp lý. Cần phải có lộ trình và ngân sách Nhà nước cũng phải hỗ trợ cho khoản này. "Tăng học phí là để nâng cao đời sống giáo viên", nói như vậy mà bảo đại biểu HĐND phải bỏ phiếu tôi e rất khó!
-
Phạm Cường