221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
946892
Chủ tịch nước: Miễn thị thực cho kiều bào kể từ 1/9/2007
1
Article
null
Chủ tịch nước: Miễn thị thực cho kiều bào kể từ 1/9/2007
,

(VietNamNet) - Sau hành trình 22 giờ bay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đã đến sân bay JKF, New York, Mỹ. Không hề nghỉ ngơi, đoàn Chủ tịch nước đã đến gặp gỡ phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và đại diện bà con kiều bào Việt Nam tại Mỹ và Canada đang có mặt tại New York.

Tại buổi gặp gỡ phái đoàn Việt Nam tại LHQ và bà con kiều bào, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến bắt tay, thăm hỏi từng bà con Việt kiều. Chủ tịch vui mừng khi thấy chị Hương, một người đã rời Việt Nam 50 năm vẫn còn nói được tiếng Việt "sõi". Chủ tịch cũng bày tỏ sự băn khoăn khi tiếng Việt của bà con đang mai một, nhất là ở giới trẻ. Chủ tịch nhắc nhở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phải lưu ý tổ chức các hoạt động học tiếng Việt cho bà con.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ đại diện bà con Việt kiều tại LHQ. Ảnh: NAT
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đã thông tin cho bà con về tình hình trong nước, về các chủ trương đường lối chính sách mới và mong muốn được trực tiếp lắng nghe các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào.

Liên quan đến vấn đề bắt và xét xử một số nhân vật trong nước đang bị Mỹ chỉ trích về vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến. 

"Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường, ngay trong Đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau".

Tuy nhiên, Chủ tịch lưu ý nước nào cũng có pháp luật. "Những người này vi phạm pháp luật Việt Nam và phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam. Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ. Hành động như vậy không thể chấp nhận được".

"Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để có hòa bình độc lập. Hơn ai hết, chúng ta là người muốn có hòa bình. Có hòa bình mới phát triển được. Và hơn ai hết, chúng ta hiểu giá trị của nhân quyền".

Chủ tịch kể: Năm ngoái tiếp xúc với Tổng thống Bush, tôi cũng nói vấn đề này. Trong những năm chiến tranh, bao nhiêu người Việt Nam đã bị bắt bớ, tra tấn, tù đày. Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập nhưng không hề có vũ khí, vậy mà cũng bị bắt bỏ tù.

Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền. Nhưng họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử. Ông Bush trả lời: Vậy thì, Việt Nam phải giải thích để người ta hiểu".

Thông tin đưa ra bên ngoài đôi lúc còn sai lệch

Chủ tịch thừa nhận: "Đúng là chúng ta giải thích chưa thật đầy đủ. Hiện nay, thông tin từ trong nước đưa ra nước ngoài còn hạn chế, nhiều khi sai lệch chẳng hạn như chỉ nói chuyện tham nhũng, vụ PMU18, Năm Cam,... còn đường lối, chủ trương chính sách thì không đến nơi, khiến kiều bào có cái nhìn chưa đúng về tình hình trong nước.

Chuyện Năm Cam hay PMU18, cần phải thấy là Đảng ta, nhân dân ta chống tham nhũng mạnh thì những chuyện này mới được phanh phui, lôi ra ánh sáng. Những ai thấy tham nhũng ở trong nước mình còn nhiều thì góp phần đấu tranh, nhưng nên nghĩ như thế này: Dân mình là dân dám vào sinh ra tử, khi Tổ quốc cần thì chết cũng không sợ. Không nên nghĩ rằng cán bộ mình, dân mình tham nhũng nhất thế giới".

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cái khó của Việt Nam hiện nay là hạn chế trong kinh nghiệm quản lý. "Trong điều kiện mới, phải tăng cường giáo dục, rèn luyện và quản lý... Nhiều vấn đề phải giải quyết một lúc, không phải chỉ một vấn đề.

Dân chủ nhân quyền cũng vậy. Nước Mỹ mấy chục năm về trước cũng làm sao được như bây giờ. Điều kiện lịch sử, môi trường lúc đó khác. Hôm rồi tôi hỏi, ở Mỹ bang này bang khác vẫn còn áp dụng án tử hình, tại sao tôi không thấy Tổng thống Bush yêu cầu các bang dẹp bỏ án tử hình. Đó là do đặc điểm lịch sử mỗi nơi mỗi khác, không thể áp đặt.

Kỳ bầu cử Quốc hội, một nhóm người kêu gọi phải tăng người ngoài Đảng vào Quốc hội, tôi nói Đảng, Nhà nước Việt Nam đâu có cấm, thực hiện đăng ký ứng cử công khai. Bà con cũng thấy rõ, ở Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện cũng chỉ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, không phải là thành viên của một đảng nào khác. Bầu cử Quốc hội của mình dân chủ, tất nhiên phải qua bộ máy sàng lọc từ cơ sở, không thể để người phẩm chất kém ứng cử Quốc hội.

Quan trọng là lắng nghe dân

Chủ tịch kể tiếp: "Hôm rồi, nhà báo Mỹ Paul hỏi tôi rằng Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trong tương lai, chúng ta có thực hiện đa đảng không? Tôi nói như ông thấy, bên Mỹ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau cầm quyền. Bên Pháp thì rất nhiều Đảng thay phiên nắm quyền. Vừa rồi qua Thụy Sỹ thấy nước này cũng nhiều đảng lắm.

Nhưng tôi không bao giờ thấy Tổng thống Pháp nói Tổng thống Mỹ: "Ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều đảng hơn, chứ không phải chỉ hai đảng". Rõ ràng, do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận. Nếu một đảng thì có các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân. Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể như công đoàn, hội nông dân, hội phụ nữ... Đó là những tiếng nói góp phần vận động xây dựng Đảng. Có một đảng nhưng vẫn lắng nghe được tiếng nói của nhân dân. Đảng là đại diện của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Điều kiện lịch sử cụ thể nên sự khác nhau là bình thường. 

Chế độ chính trị của các nước cũng khác nhau. Ở Mỹ có tổng thống, không có thủ tướng. Ở Pháp có cả tổng thống lẫn thủ tướng. Qua Đức, thủ tướng lại có vai trò khác. Qua Anh lại có nữ hoàng... Chính trị thế giới muôn màu muôn vẻ, tại sao lại đòi Việt Nam phải theo một cái khuôn cố định nào đó. Đó là đòi hỏi hết sức vô lý. Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn: "Bà con hướng về Tổ quốc với niềm tin vì Đảng này vì nhân dân, từ nhân dân mà ra, và nếu có vấn đề gì thì góp ý thẳng thắn, thật tình; mong bà con thường xuyên về lại với quê hương, Tổ quốc".

1/9 thực hiện miễn thị thực cho kiều bào

Cũng tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước đã thông báo một số chính sách mới của Nhà nước đến kiều bào.

Kể từ 1/9/2007, bà con kiều bào khi về nước sẽ được miễn thị thực.

Về vấn đề nghĩa trang của binh lính chế độ Sài Gòn cũ ở Bình Dương, Chủ tịch cho biết, gần đây, Nhà nước đã chuyển khu nghĩa trang này cho dân sự quản lý. Vì thế, bất cứ bà con nào có thân nhân ở đó đều có thể về thăm, tu sửa.

Nhà nước cũng đang có kế hoạch tạo điều kiện để bà con muốn về mua nhà cửa sẽ thuận lợi hơn. "Sẽ cố gắng làm để bà con có điều kiện về quê hương đất nước, xây dựng quê hương", Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định.

  •  Tuấn Nguyễn (từ New York)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,