(VietNamNet) - Quyền được phản biện là quyền sơ đẳng và căn bản nhất của bất kỳ thiết chế dân chủ nào. Chính yếu tố quan trọng này là viên đá lót đường đầu tiên hình thành quá trình đồng nhất quyền lợi giữa những người cầm quyền và người dân.
>>Phản biện xã hội và sự phát triển của Việt Nam
Người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình (Ảnh: VNN) |
Quyền được phản biện là quyền sơ đẳng và căn bản nhất của bất kỳ thiết chế dân chủ nào. Chính yếu tố quan trọng này là viên đá lót đường đầu tiên hình thành quá trình đồng nhất quyền lợi giữa những người cầm quyền và người dân.
Một thí dụ gần đây, diễn đàn góp ý dự thảo Đại hội Đảng lần X. Trong vòng hơn một tháng, Ban Trù bị đã nhận được gần hai ngàn ý kiến đóng góp của mọi thành phần dân chúng khắp nơi. Chưa bàn ngay về chất, nhưng về lượng ắt hẳn đó là một con số đáng khích lệ.
Thí dụ này chứng tỏ sự thờ ơ của người dân vẫn có thể được khắc phục bởi những chính sách khuyến khích đúng. Vậy qua diễn đàn góp ý Đại hội X, có thể rút ra được bài học bổ ích nào trong việc xây dựng thành công một cơ chế PBXH hiệu quả?
Xin thưa, trước hết chúng ta muốn hướng đến xã hội hoàn thiện trong tương lai gồm hai điểm: dân chủ và pháp quyền. Dân chủ, theo cách hiểu nôm na của Bác Hồ, là để người dân được nói. Pháp quyền cũng không ngoài mục tiêu bảo vệ quyền góp ý kiến của dân, quyền thông tin và được thông tin của mọi người trong xã hội.
Muốn người dân tham gia thì phải trao cho họ quyền được nói. Diễn đạt cách khác: Người dân phải biết mình được phép làm gì, trong phạm vi luật pháp. Phải tạo cho người dân nhận thức điều đúng phải dám nói, thấy lẽ phải dám bảo vệ. Nếu không xã hội sẽ triệt tiêu luôn động lực phát triển, dẫn đến cái xấu lấn dần cái tốt, chính nghĩa lùi bước trước hung tàn.
Tiêu chí góp ý Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu “tôn trọng những ý kiến khác biệt” đã nêu được những điểm mấu chốt: (1) Đảng cần người dân cho ý kiến, muốn lắng nghe đóng góp của mọi tầng lớp. Người dân được khuyến khích phát biểu ý kiến. (2) Dẫu có khác nhau về suy nghĩ hay cách thực hiện, cùng ngồi xuống tìm ra giải pháp chung. Tính “ỳ” của xã hội, mà nguyên do chính nằm ở tính sợ hãi công quyền hay sự e ngại tham gia các “hoạt động chính trị” của người dân, một phần bị xô ngã. (3) Theo tâm lý thông thường, người lãnh đạo “dám nghe” sẽ tạo điều kiện cho người có ý kiến trái ngược “dám nói”. Đảng, Nhà nước dám trao quyền phát biểu, sẽ kích thích mọi người góp ý kiến xây dựng nhiều hơn.
Kết luận ở đây là để PBXH trở thành một vũ khí chống các hiện tượng tiêu cực xã hội thật sự, chúng ta không nên chỉ trông chờ vào những con người dũng cảm, tâm huyết... mà nên trông chờ hơn vào việc thiết lập một cơ chế tập hợp, khuyến khích được những con người đó tiếp tục nói lời tâm huyết, dũng cảm. “Hạt giống” tinh thần phản biện chỉ có thể lan rộng khắp khi nó được gieo vào một môi trường đầy đủ những điều kiện thích hợp. Điều kiện này, theo tôi, nên được hình thành theo ba bước căn bản nối tiếp:
Thứ nhất, chính quyền ý thức được PBXH là biện pháp tối ưu nhất để xây dựng “hệ thống tự miễn dịch” thành công. Hệ thống này có thể hiểu như những thiết chế đóng vai trò phòng chống và khắc phục những mặt tiêu cực có khả năng xảy ra. Thí dụ như những thiết chế căn bản ở nước ta hiện nay là: MTTQVN; Viện kiểm sát nhân dân; Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng;..
Thứ hai, các thiết chế đã hình thành phải được phép giữ đúng quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong mọi trường hợp, “không có vùng cấm” nào bị giới hạn trong quá trình thực hiện chức năng của mình.
Thứ ba, thiết chế vừa là ý chí chính trị của nhà nước cầm quyền, vừa là tài sản chung của xã hội. Vì thế việc luật hoá chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan này phải càng minh bạch, càng rõ ràng càng tốt.
Xét cho cùng “quyền được nói” tác động lẫn hai chiều. Luật pháp quy định là một chuyện, nhưng người dân cũng phải biết tìm ai, gặp ai để mà nói. Thế nên ngày càng đòi hỏi tính công khai của từng bộ phận trong khu vực công quyền. Cần làm rõ ai chịu trách nhiệm cái gì để “người nói” biết “người nghe” của mình là ai. Ngoài ra nên sớm cụ thể hoá các biện pháp bảo vệ người phản biện, tố cáo... tránh tình trạng bị trù dập, “chưa được vạ thì má đã sưng”...
Thế kỷ 21, thế kỷ của khoa học và tri thức, tầm nhìn sẽ vươn xa hơn nếu biết quan sát bằng lăng kính nhiều chiều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mà trong đó PBXH là một bức tranh sinh động nhất. Về một khía cạnh nào đó, có thể đánh giá rằng: Triển vọng phát triển của Việt Nam sẽ một phần tuỳ thuộc vào chỗ chúng ta nghiêm chỉnh phản biện và tự phản biện đến đâu…
-
Nguyễn Chính Tâm