(VietNamNet) - Đâu là vướng mắc cho việc áp dụng Nghị định về trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu trong điều kiện hiện nay? Dự thảo Nghị định cần quan tâm đến những vấn đề gì? Trao đổi với PGS Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TP.HCM, hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
>> Lấy ý kiến dân về quy định trách nhiệm người đứng đầu
>>Quy trách nhiệm người đứng đầu: Phải trao thực quyền
Ở góc độ một người thủ trưởng và có nhiều năm nghiên cứu về hành chính, ông Sen chia sẻ nhiều ý kiến thẳng thắn xung quanh vấn đề trên.
Phân công không rõ, trách nhiệm nhùng nhằng
- Thưa ông, việc thực hiện Nghị định trên trong tình hình hiện nay sẽ gặp vướng mắc gì?
PGS. Võ Văn Sen. (ảnh: Phạm Cường)
- Quy định về phân công, phân cấp, nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng chức vụ hiện nay chưa rõ ràng. Việc nào thuộc trách nhiệm cấp dưới, việc nào thuộc trách nhiệm cấp trên, việc nào nhất định phải xin ý kiến cấp trên. Nếu làm trái quy định trên mà sự việc đổ bể thì xử lý ra sao?
Trước một việc cần xin ý kiến cấp trên mà cấp dưới không thực hiện, khi sự việc đổ bể, cấp trên chịu trách nhiệm hay cấp dưới chịu trách nhiệm? Xin ý kiến cấp trên mà cấp trên không trả lời hoặc không có giải pháp thoả đáng, khi sự việc xảy ra, cấp dưới hay cấp trên phải chịu trách nhiệm, cấp trên có trách nhiệm đến đâu?
Những quy định trên chưa rõ. Do đó, khi sự việc vỡ lở, phân xử ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu rất nhùng nhằng, khó khăn.
Cấp trưởng, cấp phó chồng chéo
- Vậy nghị định cần chú ý đến điều gì?
- Một trong những điều rất cần chú ý là: Bộ máy của chúng ta thường có một cấp thủ trưởng và nhiều cấp phó. Cấp phó được phân công theo dõi từng mảng có quyền ký thay người thủ trưởng trong mảng đó. Nếu cấp phó biết làm việc có thể trao đổi với cấp trưởng trước khi ra quyết định. Nhưng chừng mực nào tự quyết định, chừng mực nào phải trao đổi với cấp trưởng cũng là cái khó.
Ông Võ Văn Sen: Cơ chế phân công không rõ ràng dễ nảy sinh tình trạng thủ trưởng ít năng lực nhưng vẫn tồn tại, thủ trưởng có năng lực khó phát huy. |
Chẳng hạn, phó phòng công chứng nhà nước công chứng một tài sản không đúng, mặc dù cấp phó ký nhưng phòng công chứng đóng dấu. Trách nhiệm của cấp phó là vậy, nhưng nếu xử lý cả cấp trưởng liệu có oan, vì đây là cơ chế cấp phó làm thay cấp trưởng?
Có khi cấp dưới không cần cấp trên can thiệp thì cấp trên lại can thiệp, hoặc cấp dưới giải quyết việc của cấp trên. Bản thân cấp trên không biết mình nên can thiệp đến đâu và không nên làm gì. Như thế, khi xảy ra sự cố, quy trách nhiệm dễ gây oan ức.
Trong nhiều cơ quan, cứ nói người đứng đầu phụ trách chung, nhưng thực ra hầu như không làm gì. Nhiều khi anh phó lờ đi không báo cáo anh trưởng một cách đầy đủ. Nhiều cấp phó ma lanh đẩy cái sai cho cấp trưởng ký để cấp trưởng chịu trách nhiệm.
Nghị định - Đòn bẩy cho cải cách?
- Như thế, không chỉ bản thân Nghị định cần lưu ý đến mối quan hệ cấp trưởng, cấp phó, mà vào thời điểm này, yêu cầu phân biệt rạch ròi quyền, trách nhiệm của mỗi vị trí cũng rất bức thiết?
- Đúng thế, khi có sự rạch ròi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Hy vọng Nghị định sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy cải cách hành chính hơn nữa.
Chúng ta có những tầng nấc làm phân tán quyền trong các cơ quan, nên quy trách nhiệm khó lắm. Trong bộ máy dễ có hiện tượng nhiều bộ phận cùng tham gia quyết định: cấp uỷ, công đoàn... Thủ trưởng quyết định gì cũng tìm sự đồng thuận mới quyết định, trong khi biện pháp mà mọi người đồng thuận không phải lúc nào cũng tốt nhất, có thể chỉ mang tính thoả hiệp.
Theo cơ chế của một số nước, cấp trưởng giữ hai nhiệm vụ: phân công và quyết định. Cấp phó không được quyền quyết định mà chỉ thừa hành. Họ phải chuẩn bị kỹ dữ liệu, thuyết trình các phương án, tham mưu nên theo phương án này, bỏ phương án kia. Cấp trưởng sẽ dựa vào những thông tin này để cân nhắc, quyết định, chỉ cần trả lời câu hỏi đồng ý hay không, và chịu trách nhiệm.
Khi bàn bạc thì tập thể, nhưng khi quyết định thì chỉ một người, và tất cả tuân theo. Người đứng đầu phải có thực quyền, quyền đó không chia sẻ cho ai. Chia sẻ quyền là chia sẻ trách nhiệm.
Nếu thủ trưởng bệnh tật hay vì lý do gì không làm việc được phải cử cấp phó lên làm quyền thủ trưởng để chịu trách nhiệm ký văn bản.
Cứ như thế, bộ máy trải ra thành nhiều cấp, người đứng đầu mỗi cấp là người quyết định duy nhất và chịu trách nhiệm. Nếu là việc nhỏ thì không để cho cấp phó mà để cho người đứng đầu ở cấp dưới quyết định.
"Khi là cấp phó, nhiều lúc thực ra tôi làm... thủ trưởng"
- Hiện giờ ông là thủ trưởng, nhưng cũng từng là cấp phó. Ông có khó khăn gì trong việc thực hiện vai trò thủ trưởng của mình. Thời gian ông làm cấp phó, ông có hay phải làm những việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của thủ trưởng?
Nhiều công trình xây dựng xảy ra sai sót, nhưng việc quy trách nhiệm khó khăn. (ảnh minh hoạ: TT)
- Khi tôi làm thủ trưởng, bây giờ và cả trước đây ở cấp nhỏ hơn, tôi luôn phải theo dõi để "nắm" cấp phó của mình, bởi vì họ có thể vượt quyền, quyết định, ký thay tôi lúc nào không biết.
Chẳng hạn, khi xây dựng một dự án, tôi giao cấp phó kêu gọi đấu thầu, giám sát thay, thấy gì được, không được thì báo, để tôi quyết.
Tôi còn thấy hiện tượng, trước nhiều vấn đề phức tạp, cấp dưới cứ ghi vào là "kính chuyển". Thực ra đó là cách "đá bóng" cho người khác để tránh trách nhiệm. Tôi yêu cầu phòng tham mưu phải nghiên cứu và đưa ra phương án.
Khi tôi là cấp phó, nhiều lúc thực ra tôi làm... thủ trưởng. Quyền tôi lớn, thủ trưởng không dám quyết định. Có lúc, tôi gần như làm hết thay thủ trưởng. Có trường hợp tôi đề nghị thủ trưởng xử lý, thủ trưởng không làm, sợ công việc trì trệ tôi phải làm luôn. Trong khi đó, ở một cơ chế rạch ròi, anh phó mạnh cỡ nào cũng không vượt anh trưởng được.
Thủ trưởng hay tập thể Đảng uỷ đứng đầu?
- Khi quyết định, thủ trưởng thường phải thông qua cấp uỷ. Đây có phải là cái khó trong việc quy trách nhiệm?
- Phải quy chế hoá sự lãnh đạo của Đảng cho hết sức rõ ràng, cụ thể. Mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước phải được cụ thể hoá. Việc gì phải xin ý kiến cấp uỷ, việc gì cấp ủy không can thiệp. Cấp uỷ chịu trách nhiệm công việc ở mức độ nào. Quy định càng cụ thể, chi tiết thì bộ máy vận hành càng tốt.
Chẳng hạn, ý kiến của thủ trưởng không được tập thể Đảng uỷ tán thành thì thủ trưởng quyết định, cả hai cùng báo cáo lên trên.
Một số người nước ngoài nhận xét, bộ máy của chúng ta phức tạp, chồng chéo, không biết quyền lực thực sự nằm trong tay ai. Trong một địa phương, cơ quan không biết thực sự người thủ trưởng hay bí thư quyết định. Có nơi bí thư thực chất quyết định mọi việc vì thủ trưởng yếu, có nơi thủ trưởng quyết mọi việc không xem bí thư ra gì.
- Để việc quy trách nhiệm cá nhân hiệu quả, vai trò giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm của cơ quan dân cử càng cần thiết, vì có quy được trách nhiệm những người đứng đầu các ngành, lĩnh vực thì mới tạo hiệu ứng cho toàn bộ máy?
- Bỏ phiếu tín nhiệm là biện pháp tốt, nhưng để tránh cảm tính, tất cả những người bỏ phiếu tín nhiệm phải thực sự am hiểu đối tượng được bỏ phiếu. Không thể bỏ phiếu dựa trên sự đánh giá chung chung, cảm tính.
Ở Quốc hội một số nước đi trước, đại biểu có lương cao, có văn phòng, chân rết, nên thu được những thông tin cặn kẽ, chính xác, có phân tích kỹ. Thông thường, họ đã kết luận là chính xác, rất khó phủ nhận. Đại biểu Quốc hội ở nước ta chưa có điều này. Hơn nữa, đánh giá một người phải có sự phân tích cặn kẽ, cân nhắc giữa thắng lợi và thất bại, khuyết điểm và thế mạnh, các yếu tố khách quan.
Vì vậy, đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm, một mặt cần chủ động áp dụng cơ chế, một mặt cần có cách thức đảm bảo sự công bằng.
Khó quy trách nhiệm |
Ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM: Việc quy trách nhiệm cá nhân có cái khó là, từ Trung ương đến các địa phương, khó xác định ai đứng đầu, vì mọi việc được thông qua thường vụ. Cách đây ít năm, có một vụ sai sót về khai thác và bán gỗ ở Thanh Hoá. Thủ tướng chính phủ muốn cách chức Chủ tịch tỉnh, nhưng HĐND tỉnh lại khẳng định: Để xảy ra vụ này là do quyết định của HĐND. Vậy làm sao cách chức HĐND? Khi làm Giám đốc Sở Tư pháp, tôi giải quyết mối quan hệ giữa thủ trưởng và cấp phó bằng cách đưa ra yêu cầu: Sau khi cấp phó được uỷ quyền ký thì phải lưu một bản trình lên tôi để tôi xem lại. Nếu không làm như vậy, trước hết phải chịu trách nhiệm trong cơ quan. |
-
Phạm Cường (thực hiện)
Ý kiến của bạn?