(VietNamNet) - Những ngày này, khi Đại tướng Mai Chí Thọ vừa qua đời, hồi ức về ông lại ùa về trong lòng những người đồng chí, đồng đội, người dân... Qua những câu chuyện bình dị, đôi lúc bị ngắt quãng bởi người kể ứa nước mắt vì xúc động, thấy rõ hình ảnh một người lãnh đạo giản dị, gần dân, dám chịu trách nhiệm khi làm điều có lợi cho dân.
Dám chịu trách nhiệm khi thấy có lợi cho dân
Ông Lâm Tư Quang (Ba Toàn), Phó Ban Hoa vận Thành uỷ TP.HCM: Ở trong tôi, ông là con người rất phóng khoáng, cởi mở, vô tư, rất thẳng thắn và cũng rất thương yêu anh em cộng sự. Đối với người Hoa, ông Mai Chí Thọ đánh giá cao những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến. Trong mọi hoàn cảnh, ông đều tỏ rất thông cảm với bà con người Hoa.
Đại tướng Mai Chí Thọ, khi làm Chủ tịch UBND TP.HCM năm 1982 (bên trái), nghe Giám đốc Sở Giao thông - Công chính TP Ngô Lực Tải giới thiệu về tàu Bến Thành - tàu đầu tiên của TP. (ảnh tư liệu)
Thời kỳ ông làm Chủ tịch thành phố vào những năm 1979 - 1981, có lúc những kho vật tư cạn kiệt, kinh tế khủng hoảng tới đáy. Tôi là Phó chủ tịch Liên hiệp xã TP, ông gọi tôi tới, nói: Mình phải tìm lối thoát, đột phá làm ăn với thị trường tư bản.
Trong thời kỳ chống Mỹ, tôi hoạt động bí mật trong TP, có quan hệ với nhiều tư sản người Hoa. Nhờ vậy, tôi được ông phân công bằng mọi cách bắt liên lạc với người Hoa ra đi trong thời kỳ cải tạo công thương, để liên hệ làm hàng xuất khẩu đến thị trường các nước tư bản, tạo công ăn, việc làm cho người dân TP.
Vì làm việc này, lúc đó thành phố mang tiếng dữ lắm, bị coi là theo đường lối tư bản và gặp nhiều khó khăn. Ông hết sức động viên tôi, khuyến khích tôi làm tới: Mình chân đội đất, đầu đạp trời, không dính đến tiêu cực tới một cái kim, sợi chỉ, thì không sợ gì cả. Còn về chủ trương, đường lối, có gì sai thì tôi chịu trách nhiệm. Có khi, ngoài giờ nghỉ, ông đến chỗ tôi làm việc, ngồi tâm sự.
Lúc đó, tôi được rút khỏi chức Phó chủ nhiệm Liên xã, làm Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Iricsinco. Theo chỉ đạo trên của ông Mai Chí Thọ, chúng tôi đã xuất khẩu được các mặt hàng, như các loại đậu, dược liệu, hải sản, gia cầm, để đổi lại sợi tổng hợp đưa về cứu ngành dệt TP - nơi tập trung công nhân đông nhất lúc đó, trên 2 vạn - đang điêu đứng. Ngành dệt TP được khôi phục, cả TP hồ hởi hẳn lên. Đến năm 1982, việc xuất khẩu đã thu được 2,7 triệu USD, gây chấn động cả nước.
Trung ương tổ chức đoàn thanh tra kiểm tra công ty 100 ngày đêm, tôi phải đứng ra giải trình. Đoàn thừa nhận không có tiêu cực, chỉ sai về đường lối. Lúc đó, ông Mai Chí Thọ đeo bám sâu sát, nếu không sẽ rất khó khăn.
Cuối năm 1982, công ty được chuyển về xí nghiệp Cầu Tre và chuyển cơ ngơi xuất nhập khẩu về Sở ngoại thương TP. Tôi được đưa về thành lập xí nghiệp chuyên sản xuất, không trực tiếp xuất khẩu mà xuất khẩu qua Sở ngoại thương TP. Chỉ 10 tháng sau, thực tiễn chứng minh việc làm của chúng tôi đúng, việc xuất khẩu đó lại được khôi phục.
Tôi quen ông Mai Chí Thọ từ thời kháng chiến chống Pháp, khi ông ở Cần Thơ, nhưng chưa làm việc chung. Tôi tham gia Hoa triều giải phóng liên hiệp hội là tổ chức của người Hoa trong kháng chiến. Từ năm 1960 chi bộ Đảng của người Hoa nhập vào Đảng bộ TP tôi mới chính thức làm việc, gắn bó với ông.
Một cuộc đời sống đẹp
Ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật biển: Năm 1945, xứ uỷ Nam Kỳ và nhân dân hai tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ tổ chức đón các đồng chí cộng sản cách mạng từ Côn Đảo về đất liền qua cửa Trần Đề (Đại Ngãi) - Sóc Trăng về tham gia cách mạng, chống Pháp ở Nam bộ.
Bà dì Hai của tôi đã đích thân ra Côn Đảo đón nhiều đoàn, hồi đó gọi là chính trị phạm. Cho nên, gia đình tôi có dịp tiếp cận và là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng cho nhiều lãnh đạo cách mạng khi mới về trước khi được xứ uỷ Nam bộ phân công về các tỉnh công tác.
Trong số này có "chú Tám" thường gọi là chú Tám Mai (tên của Đại tướng Mai Chí Thọ trong thời gian hoạt động ở Cần Thơi - TG), bạn chiến đấu với ba tôi. Chú Tám người ngoài Bắc, còn rất trẻ, mới 23 tuổi, gầy, da trắng, người rất cao, tên là Nguyễn Xuân Mai, ở lại Cần Thơ làm Trưởng Ty công an tỉnh Cần Thơ và tham gia vào Thường vụ tỉnh uỷ.
Chú Tám và ba tôi rất thân thiết. Ba tôi hơn chú Tám độ 14 tuổi. Ba tôi xuống khu, chú ở lại. Ba tôi có gửi lại tôi cho chú trông nom.
Tháng 8 năm 1947, tôi được đưa đến nơi chú Tám ở Vàm Bi. Từ đó tôi tham gia cách mạng dưới sự dìu dắt của chú. Tôi làm liên lạc cho Ty công an Cần Thơ. Chú Tám thương tôi lắm, tôi được ăn ngủ chung với chú. Chú thích đá bóng, thích hát và có cây mangolin vừa hát vừa đàn. Chú dạy tôi nhiều bài hát cách mạng và các bài hát tiền chiến như: Nhớ chiến khu, Đàn chim Việt, Tiếng địch sông Ô... Đến giờ, thỉnh thoảng tôi lại hát.
Chú thích nhất là bài "Đàn chim Việt". Đôi lúc chú hát rồi dừng lại trầm ngâm. Tôi hỏi: "Sao chú buồn? Chắc là chú nhớ quê rồi". Đúng như vậy.
Tôi thường ngủ trên bắp vế của chú lúc chú họp tỉnh uỷ. Họp xong, chú gọi tôi dậy đi về. Kỷ niệm này chú vẫn còn nhắc mãi.
Có lần địch đi ruồng bố đúng vào khu vực hai chú cháu ở, làm cả hai suýt bị sát hại.
Giữa năm 1948, chú được điều lên Mỹ Tho làm Trưởng Ty công an. Tôi đòi theo, chú không cho và bảo: "Chiến trường trên đó ác liệt lắm, không như ở khu 9 đâu. Mày không theo được. Tao gửi mày xuống khu (tức rừng U Minh) để tiếp tục học. Muốn đánh Tây phải có văn hoá mới đánh tốt được".
Từ đó, tôi xa chú mãi đến năm 1975 mới có dịp gặp trở lại và công tác với chú đến khi về hưu. Trong suốt hơn mười năm làm Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở giao thông - công chính TP.HCM, tôi càng có điều kiện gần gũi với chú trong công việc. Có lần tôi báo cáo với chú số người chết vì tai nạn giao thông, chú trầm giọng nhìn tôi: "Sao để đồng bào chết nhiều vậy?".
Mỗi lần gặp chú, chú thường hỏi han những việc rất đời thường xung quanh bản thân và gia đình tôi, kể cả chuyện chăn nuôi. Nhưng chú không thích nghe ai xì xào về người thứ ba rằng có tật nọ, tật kia, không thích kiểu giao tiếp lấy câu chuyện làm quà. Là lãnh đạo ngành công an nhưng chú lúc nào cũng nhẹ nhàng, mềm mỏng, không thích cứng nhắc. Những người dân muốn gặp, trình bày rõ hoàn cảnh với thư ký, chú đều tiếp.
Nhiều lúc chú đi với tôi, người dân nhận ra chú, đi theo về đến tận nhà. Có lần chú ghé vào sạp hàng, hỏi han người dân, rồi mua đồ. Chủ sạp hàng không lấy tiền, chú nói: "Không được. Bà con phải làm ra tiền để sống chứ".
Những năm gần đây, tuổi cao, bệnh trọng, nhưng chú vẫn đến dự hội đồng hương Cần Thơ, dự đám giỗ bố tôi. Các con ông hay nói với tôi: "Ba thương anh nhất".
Lần cuối cùng tôi gặp chú là lần đến thăm ông ở bệnh viện 175 gần đây. Không biểu hiện gì từ ông và không có linh tính gì trong tôi báo hiệu ông sắp đi xa, bởi vì ông vẫn rất minh mẫn. Có người mang nhiều bệnh như ông mà vẫn qua khỏi, vậy mà...
Điều bao trùm tôi có thể nói về ông rằng, đó là một người cộng sản kiên cường, liêm khiết, nhân hậu, thuỷ chung. Một cuộc đời sống đẹp. Chú là tấm gương để tôi noi theo suốt cuộc đời.
Có thể nói thời kỳ ông Năm Xuân làm chủ tịch UBND thành phố (1978-1984) là giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chưa có đổi mới. Tập thể lãnh đạo của thành phố lúc đó người ta nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ - bộ lãnh đạo xuất sắc cùng với cán bộ và nhân dân thành phố tìm tòi những yếu tố mạnh dạn cho phát triển, lúc đó gọi là “xé rào”. Cuộc đấu tranh cho đổi mới ở thành phố này cũng rất phong phú, nhiều mặt. Có thể so sánh nếu ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú xé rào “khoán chui” thì ở miền Nam có việc đấu tranh cho “hai giá” (một giá nhà nước, một giá kinh doanh), TP.HCM bí quá “nuốt mật gấu”, chủ trương cho phép cả tư nhân thực hiện xuất nhập khẩu. Điều đó là đại cấm kỵ vì xuất nhập khẩu là độc quyền của Nhà nước. “Mấy ông người Hoa rành cái này. Để cho họ xuất khẩu hải sản tôm, cá, lúc đó chưa có gạo đâu mà xuất. Công nghệ lúc ấy cũng không có gì, bị cải tạo hết rồi”. “Không đổi mới là chết luôn” - ông Năm Xuân nhận định. Chính vì thế ban lãnh đạo của Sài Gòn cho “phá rào” xuất nhập khẩu, tổ chức nhà nước và các tổ chức quần chúng làm xuất nhập khẩu. Tổ chức những nhà kinh doanh có cơ sở, cán bộ Hoa vận đứng ra tổ chức tư nhân để xuất nhập khẩu, mua nguyên liệu về. Lúc đó ngành dệt không có nguyên liệu làm, công nhân thất nghiệp. “Bị trù ẻo dữ lắm. Nhưng đó là lối thoát. Viso bột giặt nhập trước, trả sau bằng bán mua tôm xuất khẩu. Quay vòng thế mới chạy ra được. Xuất nhập khẩu chủ yếu phục vụ nguyên liệu cho sản xuất”. Ông đi xuống chợ Thiếc thấy tình hình cải tạo đến từng gian hàng tiểu thương, thú thật là thấy bất nhẫn trong lòng không yên. Nhìn lại giai đoạn đó, ông cho đó là một sai lầm. Sau này khi làm chủ tịch, ông cố gắng trả lại những gì có thể như nhà cửa, vải vóc. “Nhưng mất nhiều lắm. Nhà nước cũng chẳng được lợi gì. Tâm lý xã hội lúc đó bi quan, ảm đạm, không đường ra. Việc một ông chủ tịch thành phố chủ động ra một chỉ thị khôi phục phát triển sản xuất mà còn khó, nếu phục vụ tiêu dùng thì chắc còn chết nữa”. “Ngay khi vừa tiếp quản thành phố, phải lo nhiều việc và cái tết đầu tiên, chúng ta đã lo cho nhiều người nghèo - ông Năm Xuân nói - Tết không của riêng ai, những người đầu đường xó chợ cũng được tổ chức lại có quà tết”. Về nghỉ hưu sau này, sống ở TP.HCM, ông cảm thấy “hạnh phúc, là một may mắn vì được sống với nhiều cán bộ quen biết suốt từ thời kỳ kháng chiến. So với cuộc sống của các đồng chí cũ, thí dụ như những đồng chí hoạt động ở Hà Nội cũ, ở đây tôi có điều kiện tốt hơn nhiều. Tôi tha thiết muốn dựa vào thành phố này để đạt được nguyện vọng của mình là phổ biến, trao đổi những suy nghĩ, việc làm của mình đóng góp cho cái chung”. (Trích Tướng con dân của Nguyễn Thị Ngọc Hải) |
-
Phạm Cường (thực hiện)