221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
938376
Quy trách nhiệm người đứng đầu: Phải trao thực quyền
1
Article
null
Quy trách nhiệm người đứng đầu: Phải trao thực quyền
,

(VietNamNet) - Nghị định quy định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước được chờ đợi từ lâu mặc dù trách nhiệm người đứng đầu đã từng được đề cập trong một số văn bản luật như Luật Phòng chống tham nhũng, Pháp lệnh Công chức...

>> Lấy ý kiến dân về quy định trách nhiệm người đứng đầu
>> Xem toàn văn dự thảo Nghị định

Dự thảo lần đầu tiên của một nghị định về vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 25/5 nhằm trưng cầu ý kiến nhân dân vì thế đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ công chúng. Các ý kiến từ nhiều giới trong xã hội bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo nghị định, song băn khoăn về hiệu quả thực thi và những khó khăn khi áp dụng nghị định vào các trường hợp cụ thể.

Đại biểu QH khóa XI tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân:

Nghị định được ban hành sẽ tạo điều kiện cho cơ chế từ chức 

a
Nếu có tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, địa phương sẽ chịu trách nhiệm về sai phạm.
Có một điểm hay trong dự thảo là các vị đứng đầu trước khi phát hiện ra sai trái xảy ra trong lĩnh vực của mình nếu kịp thời khắc phục hậu quả rồi xin từ chức thì được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Tôi rất đồng tình điều này, vì trước đây có nhiều vụ việc mà QH đặt vấn đề là các vị quan chức nên từ chức, nhưng chúng ta không có cơ chế nào cho từ chức cả. Vì vậy, nghị định này sẽ là một trong những văn bản tôi nghĩ là liên quan đến vấn đề từ chức.

Nghị định này đã được chờ đợi từ lâu, bởi sau khi ra chúng ta có Luật phòng chống tham nhũng, trong đó đã nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng, thì đây là nghị định đầu tiên của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật đó.

Điều tôi thấy không ổn ở đây là tên của nghị định: Quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Thế nhưng nội dung bên trong thì đề cập đến cả người đứng đầu và cấp phó. Điều này có vẻ không logic lắm. Chúng ta nói về người đứng đầu thì phải quy về người đứng đầu thôi. Nhưng người phó cũng trở thành người đứng đầu khi xét đến lĩnh vực của họ.

Khi chúng ta xét một bộ nào đó, thì ông bộ trưởng là người đứng đầu. Ông thứ trưởng là người giúp việc thôi nên bình thường ta không xét đến trách nhiệm ông thứ trưởng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực cụ thể như vụ thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu thì xét riêng lĩnh vực cấp quota thì ông Dâu là người đứng đầu và phải chịu trách nhiệm về những tiêu cực. Như vậy chúng ta phải xét trách nhiệm người đứng đầu là ông thứ trưởng.

Vậy việc xét trách nhiệm của người đứng đầu sẽ gặp khó khăn gì, theo ông?

Theo tôi, để xét trách nhiệm của người đứng đầu trong từng vụ việc xảy ra thì đôi khi gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nông Quang Lộc, hưu trí, cựu Hiệu trưởng trường Sỹ quan quân đội:

Lâu nay tôi thấy chúng ta thường mang danh tập thể, rồi có sai sót thì không gán cho cá nhân nào cả. Đã đến lúc chúng ta phải có quy định cụ thể xem thủ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc gì. 

Nếu có sai sót thì người đứng đầu phải dũng cảm thừa nhận, đúng với tư cách của một thủ trưởng cơ quan. Làm thủ trưởng mà cái gì cũng chờ tập thể thì không được. 

Khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thì phải theo đúng quy trình, nhưng thủ trưởng có quyền giới thiệu, bảo đảm lời giới thiệu của mình và chịu trách nhiệm trước lời giới thiệu. Về tài sản của công, thủ trưởng phải kiểm tra, đôn đốc từ khi mua sắm đến khi sử dụng.

Nếu không kiểm tra, không chịu trách nhiệm về những thất thoát, lãng phí thì đứng đầu làm gì. Rõ ràng người thủ trưởng hưởng lương cao hơn mà lại không chịu trách nhiệm thì theo tôi, điều này không công bằng. Mọi việc xảy ra trong cơ quan, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó mới xét đến cấp dưới.

Với một vụ lật tàu hỏa chẳng hạn, người đứng đầu là ai? Là ông Tổng Cục trưởng  Tổng cục Đường sắt, ông thứ trưởng phụ trách Giao thông đường sắt hay Bộ  trưởng Giao thông? Như vậy ta phải xét người đứng đầu theo nhiều cấp và phải  có quy định về việc này.

Việc xảy ra liên quan đến 2 sở thì phải xét trách nhiệm của người đứng đầu  tỉnh, việc xảy ra ở 2 tỉnh thì phải xét trách nhiệm của người đứng đầu Chính  phủ. Hay chẳng hạn như vụ nước tương có chất gây ung thư. Vì nơi sản xuất  nước tương này ở địa bàn TP. HCM, nên người đứng đầu đầu tiên ta nghĩ đến  là Chánh thanh tra Sở Y tế hay cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm của thành  phố. Nhưng cũng phải nghĩ đến người ở cương vị cao hơn: Giám đốc Sở Y tế  hay cao hơn nữa là Bộ trưởng Y tế. Vậy thì theo tôi, phải có cơ chế để quy  trách nhiệm rõ ràng, nếu không sẽ không có điểm dừng và khó xử lý.

Theo ông, việc thực hiện nghị định này có thể gặp khó khăn hay không, bởi  trong thực tế, người đứng đầu không hoàn toàn có quyền bổ nhiệm hay cách  chức cán bộ cấp dưới?

Đây là một vấn đề khó khăn. Một số bộ trưởng đã nói trước QH rằng họ không  có quyền chọn cấp phó của mình hay thậm chí cả vụ trưởng. Muốn miễn nhiệm  các vị đó thì càng khó hơn.

Nhưng khi chúng ta có nghị định này rồi thì ông bộ trưởng sẽ có cơ sở để đề  đạt với Chính phủ thay đổi cấp phó của mình. Cơ sở để đề đạt là: Nếu không  thay ông cấp phó này thì tôi không chịu trách nhiệm việc làm của ông ta.

Nếu tôi nhớ không nhầm, khi còn là phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có lần nói: Tôi chưa thấy bộ trưởng nào đề nghị thay cấp phó cả. Bây giờ cứ thử đề nghị xem Chính phủ có ý kiến thế nào. Như vậy vấn đề có hai mặt, một mặt người đứng đầu không có quyền quyết định, nhưng khi bổ nhiệm cấp phó bao giờ người ta cũng hỏi ý kiến cấp trưởng và nếu thủ trưởng đề nghị thay đổi hay kỷ luật cấp phó thì cấp trên cũng luôn xem xét. Sau khi ra nghị định này thì ý kiến của người đứng đầu sẽ càng quan trọng hơn.

Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng:

Để người đứng đầu chịu trách nhiệm, phải trao thực quyền cho họ

Vụ nước tương có chứa chất gây ung thư đang xôn xao dư luận nhưng "quả bóng" trách nhiệm lại được "đá qua đá lại" giữa Sở Y tế TP.HCM và Cục Vệ sinh ATTP Bộ Y tế. Chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc nghiêm trọng đã bị ém nhẹm thông tin hàng năm trời này.
Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta thực hiện được đến đâu những quy định của nghị định này. Bởi đã có nhiều văn bản về trách nhiệm người đứng đầu: trong Hiến pháp, Pháp lệnh Công chức, Luật Phòng chống tham nhũng...

Tôi thấy hầu như văn bản nào cũng chốt lại rằng, người nào vi phạm pháp luật hay không làm tròn trách nhiệm của mình thì tuỳ theo tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Vấn đề vĩ mô đã có, nhưng đi vào cụ thể là cái gì thì phải rõ hơn nữa.

Nghị định phải quy định rõ điều gì, theo ông?

Ông Trần Đại Nghĩa, UB Khoa học Xã hội Nhân văn:

Theo tôi, chúng ta nên làm thí điểm ở cấp vụ, viện xem những quy định trong dự thảo có tính khả thi đến đâu. Điều quan trọng, theo ý tôi, là liệu chúng ta có thực hiện được việc người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi sai phạm trong đơn vị mình và phải chịu những hình thức kỷ luật nặng như cách chức hay không. 

Nếu để thất thoát, lãng phí thì không ai khác, người đứng đầu phải đền toàn bộ số tiền bị mất. Điều này giống như đối với doanh nghiệp tư nhân, có một đồng vốn thì giám đốc ít nhất phải có trách nhiệm bảo toàn số vốn đó. 

Thậm chí, trong chính trị, chúng ta phải làm quyết liệt hơn lĩnh vực kinh tế.

Tôi nghĩ, để người giữ chức vụ cao nhất chịu trách nhiệm thì phải trao thực quyền cho họ, quyền được chọn và sa thải cấp dưới chẳng hạn. Quyền và nghĩa vụ phải gắn với nhau.

Ví dụ, để quyết định một dự án đầu tư ở một tỉnh, thì phải có cả một tập thể quyết định: Ủy ban nhân dân, các sở ngành liên quan. Như vậy, quyền của cá nhân người đứng đầu không có mà nằm rải rác nhiều cơ quan, khi có sai sót, nếu quay trở lại gắn trách nhiệm cho cá nhân thì không  hợp lý. Đi vào triển khai nghị định sẽ rất khó thực hiện.

Tôi cũng nghĩ, để xây dựng nghị định, chúng ta cần rút kinh nghiệm khi ban  hành những văn bản pháp quy khác. Lấy ví dụ nghị quyết 388 của Thường vụ  QH về bồi thường thiệt hại đối với những án oan sai. Do có nghị quyết, những  án oan sai đang có xu hướng bị đóng băng, bởi nếu phải bồi thường thì trước  hết ảnh hưởng uy tín cơ quan bảo vệ pháp luật. Người ta ngại mất uy tín nên  không muốn làm. Thứ hai, hầu như việc bồi thường đều lấy từ ngân sách Nhà  nước, chứ chưa có vụ oan sai nào mà thẩm phán, điều tra viên hay kiểm sát  viên sau khi bồi thường thì phải bồi thường lại cho Nhà nước. Cứ lấy tiền của  Nhà nước ra, còn trách nhiệm của cá nhân thì không có.

Cần rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 388 đó và xét xem ngân sách lấy ở đâu ra  trong trường hợp thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Những cá nhân làm sai lấy đâu ra tiền để bồi thường thiệt hại? Nếu quy ra vật chất thì có khi rất lớn: khu đô thị mới, khu công nghiệp chẳng hạn. Những thất thoát khi thu hồi đất, xây dựng dự án có thể vô cùng lớn. Nếu cá thể hoá trách nhiệm thì vô hình trung những người đứng đầu sẽ "án binh bất động", không làm gì cả, hoặc làm nhưng phải tham nhũng, kiếm chác để có một quỹ ngầm trong bản thân họ để lỡ có sai thì có tiền mà trả. Đấy là điều chúng ta nên tính đến.

Vân Anh (thực hiện)

*****************************************

Ý kiến độc giả:

 

Hoà Minh Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoaminhtan05@yahoo.com

 

Để có thể phát huy tốt nhất vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước và đồng thời có thể quy trách nhiệm cá nhân với họ, theo tôi, trước hết, Nhà nước cần mạnh dạn trao quyền lực thực sự cho họ mà biểu hiện cốt lõi của vấn đề là trao cho họ quyền bổ nhiệm và cách chức các vị trí cấp dưới. Theo cơ chế hiện nay, những vị trí như cấp phó, kế toán trưởng thường do cấp trên bổ nhiệm, điều đó gây nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành công việc.

 

Thứ đến là qui định cụ thể chặt chẽ quy chế làm việc, báo cáo công tác sao cho tránh tối đa tình trạng báo cáo vượt cấp, thì thụp với cấp trên vượt cấp (chẳng hạn ông Trưởng phòng nếu muốn báo cáo trình bày điều gì thì đầu tiên phải báo cáo người phụ trách trực tiếp, nếu không được ủng hộ mới được báo cáo lên cấp trên nữa để bảo lưu ý kiến, cấp trên sẽ làm việc với 2 người để lắng nghe ý kiến bảo lưu của họ để quyết định cuối cùng).

 

Tôi thấy việc này được các cơ quan của nước ngoài làm rất nghiêm túc, tạo nên kỷ cương và sự thống nhất điều hành trong đơn vị (nhân viên thường không được trực tiếp báo cáo giám đốc nếu anh chưa thông qua trưởng phòng). Sau khi trao quyền rồi thì tất nhiên người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm cá nhân trước mọi hoạt động của cơ quan. Nếu để xảy ra sai phạm thì tuỳ mức độ anh phải chịu trách nhiệm cá nhân.

 

Hồ Minh Long, longhominh@gmail.com

 

Theo quy định tại Điều 10, người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm cá nhân trong trường hợp không có ý kiến khác với ý kiến đa số thành viên lãnh đạo trong trường hợp ý kiến đa số là sai chủ trương, chính sách và pháp luật. Trước tiên, cần phải thống nhất chung quan điểm rằng: “không có ý kiến khác” tức là “đồng ý với ý kiến đa số”.

 

Theo lý thuyết trò chơi trong kinh tế học, đây quả là một tình thế lưỡng nan: Đồng ý cũng không được mà phản đối cũng không xong. Đứng trước hai phương án: (1) đồng ý hoặc (2) phản đối, người đứng đầu sẽ lựa chọn phương án mang lại lợi ích cao hơn hoặc phí tổn thấp hơn.

 

Phương án (1) đồng ý: Người đứng đầu sẽ được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo, dễ bề thăng tiến trong chốn quan trường, có thể có nhiều bổng lộc trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự đồng tình. Tuy nhiên, người đứng đầu cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân nếu như sự việc bị phanh phui.

 

Phương án (2) phản đối: Người đứng đầu sẽ không bị xử lý trách nhiệm cá nhân nếu sự việc bị phanh phui. Mặt khác, người đứng đầu sẽ không được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo, chốn quan trường khó bề thăng tiến, bổng lộc đâu còn.

 

So sánh lợi ích và chi phí của hai phương án, người đứng đầu sẽ quyết định chọn phương án (1) đồng ý. Lựa chọn này còn được củng cố bởi thực tế là: Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật hiện nay đều thực hiện theo cơ chế điều hành tập thể, các lãnh đạo đều phải đối mặt với tình thế lưỡng nan này nên xác suất sự việc bị phanh phui là rất thấp. Trong trường hợp sự việc lỡ bị phát hiện (thường thông qua báo chí hoặc phản ảnh của nhân dân), lãnh đạo luôn ủng hộ nhau, ai nỡ trừng phạt nhau qua đáng.

 

Tóm lại, dưới góc nhìn của lý thuyết trò chơi trong kinh tế học, quy định tại Điều 10 trong dự thảo Nghị định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu là không có tác dụng. Vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu chỉ có thể giải quyết triệt để khi không còn cơ chế lãnh đạo tập thể trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, tính độc lập của cơ quan bảo vệ pháp luật tăng lên, cơ chế bổ nhiệm, lương bổng của người đứng đầu được cải thiện...

 

Nguyễn Trung Kiên, 8BE/269, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, trungkien1979vp@yahoo.com

 

Tôi đã đọc kỹ bản dự thảo Nghị định của Chính phủ về trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan nhà nước. Xin có một số ý kiến đóng góp như sau: Trước hết, tôi cũng như đông đảo người dân khác rất vui mừng vì Chính phủ ban hành Nghị định này. Thực hiện Nghị định này sẽ hạn chế được tình trạng “quả bóng” trách nhiệm cứ bị người ta “đá” cho nhau mỗi khi trong đơn vị xảy ra vụ việc tiêu cực. Sẽ tránh được tình trạng “công thì của tôi” còn “trách nhiệm thuộc về chúng ta” như đang diễn ra. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình phụ trách, từ đó trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được nâng cao, hạn chế được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị…

 

Tuy nhiên, để Nghị định rõ ràng hơn, phát huy tác dụng tốt hơn, theo tôi, Khoản 4, Điều 6 về “trách nhiệm vật chất” “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi… làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật” nên sửa thành “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi… làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Sửa đổi từ “chịu trách nhiệm vật chất” thành “bồi thường” để khẳng định một cách rõ ràng rằng người vi phạm phải bỏ tiền túi để bồi thường những thiệt hại vật chất cho cơ quan, đơn vị do mình gây ra.

 

Nguyễn Văn Hùng, nguyenvanhungdhy@yahoo.com.vn
Tôi xin có 3 ý kiến về trách nhiệm người đứng đầu:

 

Cần nhấn mạnh và làm rõ Chương 2, Điều 10: Hiện nay, có rất nhiều trường hợp, khi sự cố xảy ra thì trách nhiệm là chung, do Hội đồng, Uỷ ban... chịu trách nhiệm. Cần phải quy định rõ hơn, nếu người đứng đầu không có ý kiến phản đối bằng văn bản, thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm, dù nó do ai quyết định (vì họ là người đứng đầu).

 

Đề nghị bổ sung một ý khái quát như sau: Người đứng đầu phải đủ năng lực để giải quyết tất cả các vấn đề chính thuộc thẩm quyền của mình. Nếu sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ mà nhận thấy không đủ năng lực thì cần kịp thời xin từ nhiệm. Không được nêu các lý do "bận họp", "nhiều việc quá" để trì hoãn, gây khó khăn cho người dân (có thể nêu rõ, nếu người đứng đầu cho rằng do "bận họp" hoặc "quá nhiều việc" thì có nghĩa là họ không đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ hiện hành và nên thay thế người khác).

 

Có thêm một điều khoản ràng buộc, đảm bảo tất cả các công việc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu mà không được giải quyết thoả đáng thì có cơ chế kiểm tra (nhất là cơ chế phản hồi từ người dân, cán bộ khác) và sa thải những cán bộ này ra khỏi bộ máy để tránh gây trì trệ xã hội.

 

Nguyễn Văn Quảng, Văn phòng HĐ ND và UB ND huyện Đông Triều, Quảng Ninh, Muongadetrung@yahoo.com
Theo tôi, nhìn chung, Dự thảo Nghị định đã đưa ra những kiến nghị giải quyết những bức xúc của nền hành chính Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể trở thành một công cụ điều tiết hữu hiệu nền hành chính quốc gia thì Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần có một cơ chế, chính sách tổng thể để theo đó, người đứng đầu thực sự được trao quyền thì mới có thể ràng buộc trách nhiệm cho họ.

 

Hiện nay, theo tôi thấy, người đứng đầu (cấp phó của người đứng đầu) vẫn không được quyền quyết định tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức dưới quyền trong cơ quan (chưa nói đến việc người đứng đầu cần được quyền tuyển dụng, sử dụng ít nhất 50% cán bộ, công chức dưới quyền) mà chủ yếu là do cấp trên trực tiếp chỉ định (có những nguyên nhân mà có lẽ phải nhiều năm nữa chúng ta mới có thể giải quyết được). Hơn nữa, chính sách tài chính công của ta còn khiến cho người người đứng đầu (cấp phó của người đứng đầu) nói riêng, cán bộ, công chức nói chung "vẫn phải tham nhũng" ở mức độ thấp hay cao nên thực sự học chưa thể chịu trách nhiệm lớn được.

 

Cơ chế thu hút người tài vào làm tại cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn nhiều vướng mắc, chủ yếu nằm ở vấn đề lương, cơ chế sử dụng, "cơ chế tuyển dụng". Nếu như Đảng ta có chính sách sát thực hơn, Nhà nước ta có cơ chế phù hợp hơn (tuy rằng, tôi biết đó là vấn đề còn phải thực hiện lâu dài trong quá trình quá độ), nhưng chúng ta vẫn phải mạnh dạn có chính sách thí điểm cho những vùng có điều kiện thực hiện trước để cho các vùng khác học tập và rút kinh nghiệm.

 

Theo tôi, cần thành lập một uỷ ban nghiên cứu đổi mới đất nước với vai trò trưởng ban là đồng chí Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo có chiều sâu công cuộc đổi mới toàn diện để chúng ta phải "luôn luôn đổi mới".

 

Là một cán bộ trẻ (24 tuổi), tôi mới làm việc được gần hai năm trong cơ quan hành chính nhà nước (hiện tôi đang làm cán bộ tổng hợp tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện Đông Triều). Nhờ được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan một cách minh bạch, công bằng nên tôi hy vọng rằng 5 năm sau, chúng ta sẽ có một nền hành chính mạnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và vững bước hội nhập kinh tế quốc tế. 

 

Võ Thanh Bình, 256/20/52 Cách Mạng Tháng Tám, F.5, Q.Tân Bình, Tp.HCM, Binhvothanh@Yahoo.com
Muốn quy trách nhiệm của người đứng đầu thì phải cho người đứng đầu quyền lựa chọn những người dưới quyền (lựa chọn bộ máy hoạt động do mình đứng đầu). Không thể bắt người đứng đầu chịu trách nhiệm khi nhân viên của người đó lại do người khác lựa chọn. Người đứng đầu không thể chịu trách nhiệm khi nhân viên dưới quyền do ai đó lựa chọn làm sai, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi người đứng đầu được quyền lựa chọn bộ máy hoạt động của mình. Như vậy, muốn người đứng đầu chịu trách nhiệm thì một trong những điều kiện là phải cho người đứng đầu lựa chọn bộ máy nhân sự (các cấp dưới và nhân viên) của mình.

 

Nguyễn Lan Hương, nlh105@yahoo.com
Theo tôi, cần phải có quy định trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu để họ không thể đổ trách nhiệm cho người khác khi có vi phạm xảy ra. Nếu có vi phạm, tùy theo mức độ, điều đầu tiên cần làm là buộc từ chức... Các mức phạt khác cũng phải thật nghiêm, có thể cả phạt tiền, đền bù thiệt hại... Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết, chọn người có đủ năng lực, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Sau đó là mở rộng quyền hạn của người đứng đầu. Anh ta phải có nhiều quyền hạn, kể cả quyền cho thôi việc nhân viên, quyền tăng lương, cắt thưởng... Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể dễ dàng phát huy năng lực cũng như quy trách nhiệm của người đứng đầu được.

 

Phan Thị Thuý Truyền, An Giang, attip@vnn.vn
Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của các cơ quan nhà nước còn có yếu tố quyết định là trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý công việc của cơ quan mà người đứng đầu được giao quyền hành. Đề nghị: Trong điều 8, cần nêu rõ hơn việc quy trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, trong trường hợp bổ nhiệm người đứng đầu không đúng không đủ trình độ chuyên môn... để chống nạn chạy chức.

 

Đỗ Đại Minh, Việt Trì - Phú Thọ, daiminh191072@yahoo.com.vn
Đứng đầu một cơ quan cũng như một người điều khiển xe tham gia giao thông. "Cái xe" không hề vi phạm luật giao thông mà là người điều khiển nó. Vì vậy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hoạt động của đơn vị mình. Để xảy ra tiêu cực thì người đứng đầu phải là người đầu tiên bị kỷ luật, không thể đổ lỗi cho ai khác, vì nếu làm đúng trách nhiệm của mình thì không thể có tiêu cực, còn nếu không đủ năng lực để xảy ra thì tại sao trước đó anh nhận nhiệm vụ này?

Thang, tbnihem@yahoo.com
Tôi thấy, việc xác định trách nhiệm người đứng đầu là hết sức cần thiết, chỉ có như thế mới đáp ứng được hàng loạt các vấn đề hiện nay. Nhưng phải có cơ chế để người đứng đầu bắt buộc phải chịu trách nhiệm và người đứng đầu phải có đủ thẩm quyền trước các vấn đề mà họ phải chịu trách nhiệm. Hai vấn đề trách nhiệm và quyền hạn không được tách rời. Như hiện nay, cùng một sự việc nếu cần phải xử lý thì gắn trách nhiệm, nếu bao che thì lại bảo không có đủ thẩm quyền hay đã thông qua tập thể.

 

Trần Hồng Hải, Bình Định, mrhai_businessman@yaoo.com
Trong bất kỳ tổ chức nào (kể cả kinh tế lẫn chính trị), mỗi người lãnh đạo đều có những ảnh hưởng rất sâu sắc đến thái độ và tinh thần làm việc của toàn thể CB - CNV trong tổ chức, đó chính là văn hóa của tổ chức. Một người lãnh đạo giỏi, tài ba sẽ là người tạo ra một tổ chức có môi trường làm việc tích cực, năng động, chuyên nghiệp và hiệu quả. Tất cả sẽ vì mục tiêu chung. Do đó, hầu hết các tổ chức kinh tế đều rất quan trọng trong việc tuyển chọn và đào tạo cho mình những người quản lý ưu tú và "hợp gu", nên họ luôn có sự thay đổi các cấp quản lý khi cần thiết để bộ máy không bị đình trệ chỉ vì một cá nhân nào đó không phù hợp.

 

Như vậy, theo tôi các cơ quan công quyền cũng vậy, cũng nên có sự thay đổi các cấp quản lý khi họ làm sai hoặc quản lý kém. Hiện nay, theo tôi, lãnh đạo các cơ quan công quyền hầu như không hoặc chưa bao giờ thấu hiểu hết những cái hay, những cái tốt đẹp mà theo tôi đó là văn hóa trong lãnh đạo của tư tưởng Mác - Lênin và Hồ Chí Minh. Với những ý kiến nhỏ nhoi của riêng mình, tôi mong đất nước Việt Nam xinh đẹp và giàu tiềm năng của chúng ta sớm thoát khỏi những quốc nạn và ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

Trung Đoàn, Hà Nội, lytruong1@yahoo.com
Nghị định này của Chính phủ ra đời hết sức cần thiết và là một khâu đột phá trong quá trình cải cách hành chính và chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quy định gì thì quy định nhưng khâu thực hiện các quy định của các cơ quan nhà nước mới là quan trọng. Cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với những người đứng đầu vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và pháp lệnh của Nhà nước tránh tình trạng ban hành quy định chi là "khẩu hiệu" mà thôi.

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,