(VietNamNet) - Tệ tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo, bài toán về phát triển con người, giáo dục, khoa học, văn hóa dân tộc và hội nhập toàn cầu... Đây là những vấn đề nóng bỏng, đồng thời là những đề tài lớn của văn học, đòi hỏi nhà văn phải cùng Đảng, cùng nhân dân góp sức giải quyết. Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Hội Nhà văn VN, diễn ra sáng 19/5 ở Hội trường Ba Đình.
>>Toàn văn bài phát biểu của ông Trương Tấn Sang
Có mặt tại lễ kỷ niệm, còn có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch UBTW MTTQ Phạm Thế Duyệt, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được, Trưởng ban Tuyên giáo TW Tô Huy Rứa.
Ông Trương Tấn Sang: "Văn học chân chính phải phản ánh sâu sắc sự nghiệp cách mạng của nhân dân".
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng tới tham dự lễ kỷ niệm.
Thông điệp nhà văn: phát triển kinh tế-xã hội phải đi đôi với phát huy dân chủ
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: "Tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Hội vào đúng ngày sinh Bác Hồ kính yêu, các nhà văn VN muốn bày tỏ tình cảm thiêng liêng nhất đối với Bác vĩ đại, người sáng lập Đảng và Nhà nước, người tìm đường và đi tiên phong xây dựng một nền văn hóa mới của VN".
Ông Thỉnh cũng nhấn mạnh vai trò của văn học trên mặt trận tư tưởng văn hóa. "Văn học đã phát huy năng lực dự báo, tham gia rất sớm vào công cuộc đổi mới của đất nước. Văn học đã lên tiếng ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng. Đường lối ấy thể hiện trí tuệ ưu tú của nhân dân, dám tổ chức lại xã hội, nhằm tìm kiếm thêm những động lực cho phát triển, đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, đề cao các giá trị dân chủ, nhân văn, giải quyết các mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích".
Chủ tịch Hội Nhà văn nói, "từ rất sớm và không hề né tránh, văn học chỉ ra một cách sâu sắc tính lưỡng phân của kinh tế thị trường, dữ dằn của cạnh tranh, thách thức của hội nhập. Phát huy bản lĩnh sáng tạo, các nhà văn đã nói lên thực trạng xã hội, phê phán mọi cái xấu, cái ác, phê phán lối sống thấp hèn, phi nhân tính và mọi biểu hiện hạ thấp con người.
Đại diện của 867 hội viên Hội Nhà văn dự Lễ kỷ niệm.
Qua 20 năm đổi mới, với sự phát triển đột khởi về đề tài, chủ đề, bút pháp, văn học đã khắc họa ngày càng sâu hơn, chân thật hơn những chuyển động lịch sử của đất nước, trong cuộc tách mình khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Chưa bao giờ, vấn đề đạo đức xã hội lại được các nhà văn quan tâm như bây giờ. Các nhà văn từng ngày gửi đến bạn đọc thông điệp về một cuộc sống giàu sang nhưng phải có lẽ phải và tình thương, phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với phát huy dân chủ, công bằng, văn minh".
"Nhà văn không bao giờ được quên mình đang đứng ở đâu"
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đánh giá, 50 năm qua, văn học - nghệ thuật VN đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. "Đó chính là một trong những nguồn lực tinh thần quý giá, góp phần tạo nên sức mạnh vô địch cho các thế hệ chiến đấu và lao động, sáng tạo vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Ông Sang nhấn mạnh: "Yêu nước, phấn đầu cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho thắng lợi của CNXH là đích chung của toàn dân tộc và cũng là sứ mệnh cao cả của nhà văn".
Ông Trương Tấn Sang cho rằng, các nhà văn của chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới của sáng tạo nghệ thuật. "Tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, giữa thành thị và nông thông, vùng sâu, vùng xa, vùng cơ sở cách mạng, bài toán về phát triển con người, giáo, dục, khoa học, văn hóa dân tộc và hội nhập toàn cầu đang diễn ra... Với bao nhiêu vấn đề nóng bỏng, bao nhiêu thách thức đan xen cũng là những vấn đề, những đề tài lớn của văn học, đòi hỏi các nhà văn phải cùng Đảng, cùng nhân dân nhiệt huyết và dũng cảm góp sức tham gia giải quyết".
Theo Thường trực Ban Bí thư, sức mạnh của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị, trong đó có Hội Nhà văn, ngòi bút của các nhà văn phải được huy động dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm chuyển biến tình hình, giải quyết các trở ngại trên đường đi tới. "Sáng tạo văn học nghệ thuật trước tiên phải là tầm nhìn, cái nhìn, cách nhìn cuộc đời, con người, thế giới"
"Các nhà văn là những người luôn có khát vọng tìm tòi, đổi mới, ham muốn tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nhiều cách viết, nhiều nền văn học nhưng không bao giờ được quên mình đang đứng ở đâu, đang viết cho ai, đang nhìn cuộc đời này, thế giới này bằng đôi mắt trí tuệ và tâm hồn VN", ông Sang nói.
"Văn học chân chính phải phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp cách mạng của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN XHCN bằng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, tuyệt đối không được hạ thấp con người, không tuyên truyền cho bi quan, tuyệt vọng, cho bạo lực, bạo dâm, cho cái ác và không khi nào văn học từ bỏ lý tưởng nhân đạo và cách mạng của chúng ta".
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh, dân tộc, nhân văn, trí tuệ và cách mạnh là đích đến của văn hóa, văn học VN. "Chúng ta không bao giờ buông lỏng ngọn cờ độc lập - tự do - hạnh phúc theo tư tưởng HCM; không bao giờ xa rời sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, sự hài hòa lợi ích của các bộ phận trong cộng đồng dân tộc VN. Phải chăng đó là quan điểm sáng tác và là cảm hứng lớn của văn học nghệ thuật, là đòi hỏi của chính đời sống đối với sự nghiệp văn học VN và đối với mỗi nhà văn VN".
Từ năm 1957 đến nay, 2 nhà thơ hội viên Hội Nhà văn được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, 25 nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước, 35 nhà văn được tặng Huân chương Độc lập, 15 nhà văn đoạt giải thưởng văn học quốc tế và khu vực. Nhiều tác phẩm xuất sắc của văn học VN đương đại đã được dịch và xuất bản ở nhiều nước. |
-
Vân Anh