221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
932164
Chính quyền đô thị: Bao giờ có?
1
Article
null
Chính quyền đô thị: Bao giờ có?
,

(VietNamNet) - Trong chiến lược xây dựng VN vài thập niên nữa với mục tiêu thoát hẳn tình trạng nghèo, kém phát triển, bắt kịp một số quốc gia đi trước, việc xây dựng các thành phố đẳng cấp quốc tế đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, mô hình chính quyền đô thị - mô hình quản lý tạo nên đô thị đẳng cấp quốc tế - bao giờ có, lộ trình cụ thể liệu đã được xây dựng?

Chính quyền đô thị là mô hình quản lý hành chính dựa trên đặc thù của đô thị, có sự phân biệt rõ rệt với nông thôn, đào tạo và phát huy nguồn lực con người đến mức tối đa. TS. Lê Văn Yên, một học giả nghiên cứu hành chính, khẳng định: Nếu bắt tay vào làm ráo riết thì trong khoảng vài chục năm tới, Tp.HCM sẽ có mô hình chính quyền đô thị hiện đại; nếu không thì... không bao giờ có.

Yêu cầu bức thiết

Trong một cuộc trao đổi với VietNamNet, chuyên gia đô thị Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, khẳng định tính tất yếu của việc xây dựng thành phố tầm cỡ toàn cầu: Cạnh tranh toàn cầu đã và đang chuyển từ cạnh tranh giữa các nước sang cạnh tranh giữa các khu vực hoặc giữa các thành phố. Một vùng đô thị sẽ là một nút liên kết với các đơn vị khác trong nước và ở các nước khác tạo thành mạng lưới toàn cầu. 

Người dân Tp.HCM vẫn phải chờ chực giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có nhiều thủ tục không đáng có. (Ảnh chụp tại phòng công chứng số 1, TP.HCM: Phạm Cường)

Bàn về định hướng phát triển cho VN đến năm 2045, TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore cho rằng, cần thử nghiệm xây dựng thành phố có đẳng cấp quốc tế theo các định hướng: 

Thị trưởng của thành phố do người dân trực tiếp bầu. Bộ máy được tuyển chọn trên các tiêu chí chủ đạo là tài năng, tính trung trực, và lòng tâm huyết. Cơ chế trả lương sẽ do thành phố tự cân đối quyết định để đảm bảo một chính quyền ưu tú, tận tâm, và tuyệt đối trong sạch.

Thành phố được xây dựng theo đẳng cấp hàng đầu quốc tế về quy hoạch, giao thông công cộng, cây xanh, bảo vệ môi trường, nhà ở, bệnh viện, trường học, tiện ích văn hóa - thể thao. Thành phố sẽ là cái nôi của các đại học đẳng cấp quốc tế và các công ty tầm vóc quốc tế của VN...

Mô hình mới

Những tiêu chí cho đô thị đẳng cấp quốc tế mà tiến sỹ Khương đưa ra rất gần với mô hình chính quyền đô thị đang được nghiên cứu tại VN, mà Tp.HCM là đô thị đi đầu trong việc xúc tiến xây dựng.

Theo mô hình chính quyền đô thị ở một số nước đi trước, bộ máy quản lý quy tụ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, ưu tú cả về tài năng và đạo đức, gây ảnh hưởng tốt đến lối sống của toàn xã hội. Thủ tục hành chính được tinh giản triệt để, số công chức được tinh giản còn 1/3 so với hiện nay. Ngân sách cho bộ máy cồng kềnh trước đây sẽ được tập trung cho những công chức xứng đáng được tuyển chọn minh bạch.

Sự tinh giản thủ tục hành chính, tinh giản công chức dựa trên sự tinh giản các cấp trung gian quản lý, mà công nghệ thông tin là phương tiện của việc này. Trách nhiệm quản lý của chính quyền đô thị thường được tập trung vào cấp thành phố, cấp còn lại chỉ là cánh tay nối dài, chứ không phải một cấp quyền lực khác. Danh tính của mỗi cá nhân được lưu trữ đầy đủ, khoa học, không cần công chứng, chứng thực một cách bùng phát như hiện nay tại VN.

Một số học giả đồng nhất quan điểm xây dựng chính quyền đô thị Tp.HCM không tồn tại cấp quận - huyện, cấp phường - xã là cấp quản lý trực tiếp cư dân đô thị, là cánh tay nối dài của UBND Tp. Bộ máy quản lý chuyển dần sang hướng phục vụ. Nhiều ý kiến góp ý Tp.HCM cần bỏ HĐND cấp phường - quận, chỉ giữ lại HĐND cấp thành phố.

Tương lai chưa rõ

Hạn mức về thời gian đến năm 2045 cho sự bứt phá của VN cùng với yêu cầu cấp thiết xây dựng các thành phố đẳng cấp quốc tế đã được đưa ra. Tuy nhiên, lộ trình xây dựng chính quyền đô thị Tp.HCM - địa phương đang đi đầu trên lĩnh vực này - chưa hề được định rõ.

Năm 2006, báo giới tung tin rằng dự kiến năm 2007, đề án chính quyền đô thị Tp.HCM sẽ được trình Quốc hội phê duyệt. Nhưng, trong cuộc trao đổi mới đây với VietNamNet, ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM, cho hay, đề án vẫn đang được nghiên cứu và sẽ được trình lên Chính phủ, Bộ chính trị, Quốc hội xem xét thông qua. Mốc thời gian cụ thể vẫn chưa rõ.

Hướng đến chính quyền đô thị là hướng tới sự tinh giản biên chế. Tuy vậy, năm 2007, dự kiến biên chế của Tp.HCM tăng thêm 3.572 người. Việc tăng biên chế hành chính do yêu cầu thành lập thêm các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại một số sở - ngành, như: Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ), Phòng Đánh giá và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư), Phòng Kiểm tra văn bản, Phòng Công chứng số 6, dự kiến thành lập Phòng Công chứng số 7 năm 2007,  Đội Thanh tra cơ động - Thanh tra Sở Xây dựng.

Đó là chuyện của năm 2007, nhìn về tương lai xa cũng chưa rõ lộ trình giảm biên chế của Tp.HCM, chuyện giảm mới chỉ dừng ở tuyên bố. Ông Châu Minh Tỷ thừa nhận, "chỉ khi toàn bộ nền hành chính cải cách lớn thì mới có thể đi đến việc giảm biên chế".

Mặt khác, mô hình chính quyền đô thị là mô hình tập trung quản lý ở thành phố. Trong khi đó, Tp.HCM vẫn chủ trương phân cấp quản lý cho quận - huyện trong nhiều năm tới, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch, gây băn khoăn về sự phình to của bộ máy cơ sở và chất lượng quản lý.

Tại kỳ họp HĐND Tp. cuối năm 2006, nhân chuyện một cây cầu do cấp quận được phân cấp quản lý được xây dựng ở nơi không có người đặt chân, gây lãng phí, Giám đốc Sở giao thông - công chính Tp.HCM Trần Quang Phượng phân trần: "Muốn tập trung quản lý vào cấp Sở nhưng chưa thể, vì nhân lực quá hạn chế".

Trong cuộc họp giao ban HĐND các quận - huyện tại Tp.HCM vào đầu năm 2007, có đại biểu phát biểu: "Nghe nói chính quyền đô thị sẽ xóa HĐND cấp phường - quận, cần thông báo sớm để chúng tôi còn chủ động đi tìm việc khác". Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND Tp., cười: "Cứ yên tâm làm việc tốt!".

Chưa nói đến sự dè dặt có thể có từ phía Trung ương đối với một mô hình quản lý còn quá mới mẻ với VN này, tình hình hiện nay ở Tp.HCM cũng cho thấy tương lai của chính quyền đô thị hiện đại còn khá mờ mịt.

  • Phạm Cường

(Bài 2: Đề án chính quyền đô thị không phải cái đũa thần để cứ xây dựng hoàn chỉnh là có tất cả. Ngay bây giờ, cần sự chủ động hướng tới đô thị đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả những việc trong tầm tay trên đường đến cái đích trên liệu đã được thực hiện?)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,