(VietNamNet) - Cả gia đình Ba Minh: Em gái, em trai, em rể, vợ đã cùng ông “vào trận”, để giúp H.3 hoàn thành nốt tâm nguyện mà người cha, trong những cuộc rượu buồn, vẫn ước mơ: Độc lập cho Tổ quốc… Và, anh em họ sát cánh bên nhau cũng vì lý do máu mủ: Để bảo vệ, che chở lẫn nhau.
Người đồng đội cùng chung dòng máu
Ngôi nhà nơi gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, em gái của Ba Minh, đang sống hiện nay từng là nơi mấy anh em bàn bạc, cất giấu tài liệu, đã được xây lại. Nhưng có một điều đặc biệt, lúc bấy giờ, không ai trong gia đình biết mình đang làm... tình báo.
... Nguyễn Thị Nguyệt bắt đầu hoạt động từ năm 1960 với sự giới thiệu, đưa vào tổ chức của ông Trần Văn Đạm. Khi mới tham gia, bà Nguyệt chỉ hoạt động binh vận, dân quân. Đến năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân, bà Nguyệt và Ba Minh phải tạm thời nằm yên.
Hai anh em Nguyễn Văn Minh (H.3) và Nguyễn Thị Nguyệt. Bà Nguyệt là người mang bí số H.4 trong lưới điệp báo A.3 do T.2 chỉ huy, thuộc Cụm tình báo A33. Ảnh: Thế Vinh.
Những năm tháng hoạt động hiện dần trong trí nhớ của người phụ nữ nhỏ bé, tóc đã điểm những sợi bạc thời gian.... Trong thời gian tạm yên, ông Ba Minh nóng ruột nói với em gái là tin tức ngày càng nhiều. Không thể ngồi yên được, nhất là khi đã ngồi trên ’’kho vàng’’ tư liệu quý.
Hai enh em cứ tìm kiếm, tìm kiếm hoài, mong có một ngày bắt được người của tổ chức.
Tính Ba Minh vốn cẩn thận từ nhỏ nên ông giao hết lại việc móc nối cho em gái. Hơn nữa, với bình phong là chủ xưởng dệt, bà Nguyệt có nhiều thuận lợi hơn. Không lâu sau, một người đàn ông về gặp bà Nguyệt. Mọi ám hiệu gặp mặt, trao đổi đã được người chị dâu Sáu Chi báo trước. Bà Nguyệt cầm tờ báo cuộn tròn trên tay đi ra ngã năm Thủ Đức để gặp đầu mối.
Theo quy ước, tổng số tên 2 người cộng lại là 10. Ông kia hỏi: ’’Chị Tư đi đâu vậy? Lúc này làm ăn được không?’’. Bà Nguyệt: "Cám ơn chú Sáu, tôi làm ăn được, chú có khoẻ không?’’. Hai cái tên cộng lại rất khớp. Đã nhận ra người cần tìm. Họ vào quán cà phê trao đổi. Lần đầu tiên, chỉ nói chuyện và trao đổi qua loa. Sau đó, cứ quy định gặp nhau, bà Nguyệt lấy tin từ Ba Minh, chuyển cho ’’ông Sáu’’.
Cứ thế, bà Nguyễn Thị Nguyệt vừa làm nghề dệt kiếm tiền nuôi gia đình, vừa vận chuyển tài liệu cho anh Ba Minh.
’’Ban đầu tôi cũng sợ lắm chứ, đâu có dám đưa bằng giấy tờ, chỉ học thuộc và truyền tin lại cho ’’ông Sáu’’. Làm một thời gian, anh Ba tôi thấy tin tưởng được nên mới chép. Ghi cái gì tôi cũng không biết nữa.’.
Đến năm 1973, khi bà sắp sinh con thì ’’ông Sáu’’ bảo nên tạm nghỉ mấy tháng, sau đó ông ấy sẽ bắt liên lạc lại. Nhưng sau đó, tin lại nhiều quá, mặc dù đang mang thai nhưng bà đứng ngồi không yên. Bà lại nói với bà Sáu Chi để nói lại với ông Vũ Đình Liệu để cử người bắt liên lạc.
Mãi sau này, bà Nguyễn Thị Nguyệt mới nhận thức được sự nguy hiểm trong công việc anh trai mình đang làm. ’’Anh tôi bây giờ như ’’cá nằm trên thớt’’, chỉ cần lộ một nguồn tin nhỏ thì coi như anh em tụi tôi chết luôn.Cả gia đình chết luôn...’’.
Lo cho cách mạng, cũng là lo cho sự an nguy của anh mình, của gia đình mình, bà Nguyệt yêu cầu bà Sáu Chi nói tổ chức đưa người nào có trình độ về “để khi lỡ có bị bắt, người ta có thể chịu đựng không khai”. Sau đó, tổ chức cử người về liên lạc vào cuối năm 1973. Đó là bà Hai Kim (Nguyễn Thị Xuân).
Thông thường, bà Hai Kim đến tận nhà Nguyễn Thị Nguyệt lấy tin. Ban đầu, lịch chuyển tin thưa, sau đó dồn dập hơn, một tuần 2 lần. Nguyễn Thị Nguyệt cũng quy ước với Hai Kim về tín hiệu an toàn và nguy hiểm khi giao dịch. Nếu thấy cửa sổ nhà bà Nguyệt cột một sợi dây trắng thì không được vào vì trong nhà có động.
Ngày ấy, bà Nguyệt thường xuyên vào Khu gia binh trong Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn để lấy tin từ Ba Minh. Vỏ bọc là em gái vào tiếp tế thực phẩm, tiền nong cho gia đình anh trai mình. Nhưng đó cũng là nhu cầu tiếp tế thực sự cho cuộc sống gia đình anh trai. Nguyệt vào khu gia binh nhiều đến nỗi lính gác cũng quen mặt.
"Thực phẩm vào, tin tức ra"
Đến tận bây giờ, khi nghĩ lại, bà Nguyễn Thị Nguyệt vẫn không thể hiểu được tại sao hồi đó mình làm việc được như vậy. Hơn 30 tuổi, vóc dáng nhỏ bé, chỉ nặng gần 40 ký, nhưng gánh nặng nuôi gia đình mình và cả gia đình anh trai còn nặng hơn.
Hai vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt ngày đêm lăn lộn trong xưởng dệt. Ngày nào cũng quần quật 17-18 tiếng đồng hồ. 8 máy dệt cộng với biết bao mồ hôi của 2 vợ chồng là ’’hậu phương’’ vững chắc cho Ba Minh yên tâm làm việc.
Cứ khi nào cần lấy tin, Nguyệt lại mang tiền, mắm muối, gạo, thịt, cá vào khu gia binh cho gia đình anh trai. Một đàn con, vợ không làm ra tiền, với đồng lương thượng sĩ nhất của mình, cuộc sống của Ba Minh đầy chật vật. ’’Gia đình có vững thì mới yên tâm công tác được’’ - Khi ấy, Nguyệt suy nghĩ rất đời thường.
’’Anh Ba Minh ngày đó yếu lắm. Ngoài việc chu cấp cho gia đình anh ấy, tiền mỗi lần đưa anh ấy đi khám bác sĩ, tiền thuốc tôi cũng trả. Hồi ấy đi bác sĩ đắt lắm, người dân thường chỉ mua thuốc về uống, chứ mấy ai dám đi khám. Tôi rất lo cho anh Ba Minh về sức khoẻ nên tôi đến nhà đưa anh ấy đi khám bằng được. Tiền lương của anh ấy không đủ cho anh ấy đi bác sĩ, con đi học. Tôi cáng đáng hết...’’.
Ngoài truyền thống cách mạng của gia đình, Nguyệt và Ba Minh lôi kéo anh, em, vợ, chồng của mình vào cuộc đều đơn giản một suy nghĩ: ’’Anh em ruột nên mới tin nhau, không thể hại nhau được, người ngoài thì đâu dám nhờ như vậy...’’.
Những người em của H.3 đều nói, nếu không như vậy, họ sẽ không làm vì nguy hiểm cho anh mình. Công việc khiến tính mạng Ba Minh như cá nằm trên thớt. Mọi người trong gia đình thường xuyên bàn bạc để có cách hoạt động an toàn nhất. Nguyễn Thị Nguyệt nói, tính tình Ba Minh cẩn thận, dứt khoát không gặp ai khác, chủ yếu là mấy anh em trong nhà.
Ba Minh và người em trai Nguyễn Văn Chí. Những ngày H.3 còn hoạt động, ông Chí trong bộ đồ cảnh sát "kiểng" là người chạy xe ào ào ngoài đường chuyển tài liệu giúp anh. Ảnh: Hà Trường.
Vỏ bọc của Nguyễn Văn Chí lúc đó khá tốt. Ông đang đi lính cảnh sát cho chế độ Sài Gòn cũ. Hồi ông còn khoác áo ’’bên kia chiến tuyến’’, người em của ông là Nguyễn Văn Dũng hoạt động ở Thủ Đức bị bắt và đày ra Côn Đảo.
Khi gia đình nhận được thư của ông Dũng gửi về, bọn chính quyền địa phương và cảnh sát biết nên hay rình mò. Cả gia đình bàn với nhau, muốn hoạt động an toàn, bảo vệ tốt cho Ba Minh thì phải có một người đi lính kiểng (lính không phải ra chiến trường), thời đó gọi là cảnh sát áo trắng chỉ đi gác công lộ, gác chợ.
Gia đình nghĩ cách chạy tiền để cho ông Chí đi lính kiểng. Riêng việc này, Ba Minh đã báo cáo với tổ chức và được đồng ý vì Chí làm cảnh sát áo trắng, không có hại gì nên cho phép Ba Minh sử dụng làm người liên lạc. Nguyễn Văn Chí có xe máy, lại mặc đồ cảnh sát chính quyền Sài Gòn nên rất thuận lợi cho việc chuyển tin.
Cứ theo quy ước, đến ngày chuyển tin, Nguyễn Thị Nguyệt vào tận nhà Ba Minh ở Khu gia binh (Bộ Tổng tham mưu) lấy tin. Bà Nguyệt khi đó vốn không biết đi xe gắn máy nên chồng hoặc anh trai thường xuyên chở đi. Với vỏ bọc ’’trách nhiệm gia đình’’, tiếp tế cho ’’ông anh’’ làm hạ sĩ quan nghèo khó, chồng bà Nguyệt và ông Chí thay nhau chở Nguyễn Thị Nguyệt vào khu gia binh đưa thực phẩm và lấy tài liệu.
"Lưới gia đình"
Vợ của Ba Minh, bà Đinh Thị Nữ đã cùng chồng "lâm trận", là người cảnh giới cho H.3 ngồi chép tại liệu tại nhà ở ngay trong trại gia binh Bộ tổng tham mưu chế độ cũ. Ảnh: Thế Vinh.
Nhiều hôm, Nguyễn Thị Nguyệt đau ốm hoặc bận việc buôn bán, gia đình không thể vào lấy tin, đích thân ông Nguyễn Văn Chí mang đồ tiếp tế vào và lấy tin ra, chuyển cho Nguyệt để chờ Hai Kim mang ra cứ. Khi cả 3 ’’liên lạc’’ của Ba Minh đều bận, người chuyển tin là vợ ông, bà Đinh Thị Nữ với vỏ bọc về thăm anh em nhà chồng.
Bà Đinh Thị Nữ vốn chỉ biết... đẻ cho chồng những đứa con và nội trợ, không hiểu được công việc của chồng. Một lần chuyển tin, hai lần chuyển tin bà không nghi ngờ gì. Nhưng đến lần thứ ba, thứ tư thì bà hiểu được công việc nguy hiểm mà chồng và các em chồng mình đang làm.
Bà vẫn hoàn thành việc chồng giao đơn giản với trách nhiệm của người vợ. Rồi sau đó, đêm đêm, trong căn hộ tập thể chật chội ở khu gia binh, bà Nữ cần mẫn ngồi canh cửa, canh tiếng động cho chồng chép tài liệu.
Ba Minh đã sử dụng ’’lưới gia đình’’ khép kín để đảm bảo an toàn cho vai trò một điệp viên, cho lưới tình báo của mình đến tận ngày 30/4/1975.
Những ’’liên lạc’’ trong gia đình Ba Minh không ai biết nội dung thông tin mình đang vận chuyển quan trọng như thế nào đối với cách mạng. Chỉ biết làm, có lợi cho cách mạng là làm. Cả ’’anh lính Sài Gòn’’ Nguyễn Văn Chí, vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt và vợ Ba Minh đều ngấm ngầm hiểu được, chỉ cần sơ sẩy, cả gia đình sẽ tiêu tan...
’’Anh tôi, chồng tôi chở tôi đi lấy tin từ anh Ba Minh, nhưng tôi luôn là người giữ tài liệu. Vì nếu có bị bắt, tôi sẽ đứng ra chịu hết, không ai bị dính líu...’’ - Trong con người Nguyễn Thị Nguyệt còn có thêm một phẩm chất anh hùng, anh hùng ngay cả với những người ruột thịt của mình...
"Đặt cả gia đình bàn mổ!"
Ngày 30/4/1975, một ngày không thể quên đối với những người trong gia đình Ba Minh. Khi đó, Ba Minh đang tiếp tục làm nhiệm vụ bảo quản tài liệu, hồ sơ trong Bộ tổng tham mưu còn Nguyễn Thị Nguyệt đang ở tại nhà. Bà Nguyệt cùng ông Trần Văn Đạm nghe thông tin chiến thắng qua radio. Khi quân giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, chế độ Sài Gòn sụp đổ, bà mừng đễn nỗi... nhảy tưng tưng như trẻ con.
Ba anh em: Nguyễn Văn Minh (H.3), Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Thị Nguyệt (H.4) đã thực hiện xuất sắc tâm nguyện của người cha về một đất nước hoàn toàn độc lập. Ảnh: Thế Vinh.
Hết chiến tranh, người đồng đội, người anh thân thương của Nguyệt sẽ trở về. Cô đã mua sẵn một cái nhà dành cho gia đình anh mình. Thương anh, chu cấp cho gia đình anh trong chiến tranh chưa đủ, bản tính lo xa của người buôn bán thôi thúc cô dành dụm mãi được 610 ngàn đồng mua nhà cho anh. Nguyệt bảo, đơn giản một điều, cô không bao giờ nghĩ hoà bình lập lại, anh cô sẽ chờ hưởng ’’đền bù’’ của đất nước. Cô hiểu hơn ai hết tính cách khí khái của anh mình.
Giờ đây, H.3 đã 73 tuổi, sức nặng của bệnh tật đeo bám cả cuộc đời khiến ông không còn nhanh nhẹn, tinh tường. Chỉ có nụ cười luôn thân thiện với hàm răng đã rụng khá nhiều. Đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo run run lật lại những hồi ức của quá khứ .
’’Làm công việc này là đặt gia đình lên bàn mổ!’’ - một đồng đội của ông đã nói hộ những tâm sự thời ấy của vị Đại tá tình báo như vậy. Gia đình ông bị chính ông ’’đặt lên bàn mổ’’ như thế nào?
Để tạo vỏ bọc tốt, Ba Minh đã chuyển cả gia đình vào sống trong khu gia binh Bộ tổng tham mưu. Gần 10 con người sống trong căn nhà bé nhỏ. Đồng lương thượng sĩ nhất 3.000 đồng không nuôi nổi gia đình. Ông lôi các thành viên trong gia đình vào cuộc với mình.
Và giữa Sài Gòn hoa lệ nhưng đầy hiểm nguy, không phải lúc nào những ’’mạng lưới gia đình’’ của H.3 cũng trong tình cảnh an toàn.
Từ bé sinh ra đã còi cọc và lao động nặng nhọc, đến lúc làm trong Bộ tổng tham mưu chế độ Sài Gòn, phải thức đêm để chép tài liệu, sức khoẻ Ba Minh ngày càng yếu đi. Ba Minh đau ốm suốt ngày. Đi khám, bác sĩ cũng không tìm ra bệnh, mặc dù ông biết mình bị chủ yếu ở bộ phận tiêu hoá.
Bác sĩ chữa đủ mọi cách vẫn không được mới khuyên ông mỗi bữa cơm nên uống một ly nhỏ rượu Tây để làm ấm đường tiêu hoá, đỡ đau bụng. Từ đó, ông mới đỡ hơn. Nhưng ông không để ý gì đến sức khoẻ mình.
Ông đã cùng gia đình, đồng đội đi qua 1 quãng đường dài nhiều hiểm nguy luôn rình rập, nhưng rất vinh quang. "Làm công việc này là đã đặt cả gia đình lên bàn mổ!" - một đồng đội của ông đã nói hộ những tâm sự thời ấy của vị Đại tá, Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Minh như vậy. Ảnh: Hà Trường.
Ông đã cùng gia đình đi qua 1 quãng đường dài nhiều hiểm nguy luôn rình rập. Cả gia đình đều biết đang làm việc cực kỳ nguy hiểm. H.4 còn nhớ, vào thời điểm ’’lưới gia đình’’ đang hoạt động hiệu quả nhất, có một người láng giềng tự nhiên nói với H.4: ’’Tôi thấy có cảnh sát đến hỏi tôi biết nhà cô Nguyệt ở đâu không? Không biết họ có tìm vào nhà cô không?’’. Mặc dù vốn cẩn thận, nhưng từ đó cả gia đình H4 đã đề phòng, cảnh giác hơn. ’’Nhưng vẫn lo, vì ở đời đâu biết được chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Khi đó, chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều...’’ - H4 nhớ.
… Đến bây giờ, đã mấy chục năm không còn tiếng súng chiến tranh, bà Nguyễn Thị Nguyệt vẫn không thể quên những giấc mơ ngày xưa. Hồi đó, đêm đêm bà nằm mơ thấy bà và Ba Minh bị bắt, rồi nắm tay nhau lẩn trốn.
Những người đồng đội một thời của H4 đều có chung một nhận xét, Ba Minh là người giản dị, cẩn thận và khí khái. Ông làm tất cả cho cách mạng, nhận rất nhiều hiểm nguy nhưng không muốn nhận về bất cứ thứ vật chất nào.
’’Tôi đi làm vậy tức là đặt vợ con lên bàn mổ!’’ - Đó là lời của một đồng đội dẫn lại lời về Ba Minh. Bây giờ ông không thể nhớ mình đã nói câu này khi nào, ở đâu, với ai. Nhưng những câu chuyện của ông, của gia đình ông đã minh chứng điều đó.
Trước câu hỏi: ’’Vì sao cả gia đình lại chấp nhận làm một việc khó khăn và nguy hiểm như vậy?’’, những giao liên thầm lặng cho H3 thổ lộ như một lẽ tự nhiên: ’’Ba tôi là người mang tư tưởng cách mạng, thường xuyên nói chuyện với con cái về chuyện này. Gia đình tôi lúc nào cũng nghĩ phải làm gì cho đất nước. Làm việc vì một mục đích cao nhất là đánh đuổi Mỹ, để đất nước hoà bình...!’’.
-
Thế Vinh - Việt Hà - Hà Trường
>> Kỳ 1: Người giữ khóa bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
>> Kỳ 2: Ai là người mang bí số H.3?
>> Kỳ 3: Tìm đôi mắt cộng sản cho anh lính cộng hòa
>> Kỳ 4: Cuộc thử lửa cho tấm lưới vàng
>> Kỳ 5: Những tin vàng cho cách mạng
>> Kỳ 6: Anh lính Việt sống bằng giờ của... Mỹ
Kỳ cuối: Điều tiếc nuối của thủ trưởng Hai Kim
Như rất, rất nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia cách mạng trong chiến tranh, người vợ, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Xuân ’’gói’’ hạnh phúc riêng tư lại. Chiến tranh là chia ly, thậm chí là mất mát, mà cuộc đời đại uý tình báo Hai Kim chỉ là một trong nhiều ví dụ.
LTS: Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tài liệu, nhân chứng cho loạt bài viết này, VietNamNet chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ, đa chiều về tất cả nhân chứng, tài liệu của sự kiện. Vì vậy, những thiếu sót rất có thể xảy ra. Toà soạn mong muốn nhận được sự góp ý, tư liệu, tài liệu của người đọc, để có thể hoàn thiện hơn góc nhìn, dẫn chứng về sự kiện, nhân vật.