(VietNamNet) - Lịch sử có thể sẽ phải nhắc tới 1 người lần đầu tiên tạo ra lịch mới: Một tuần chỉ có 4 ngày. Rồi một ngày lại bị đảo ngược thời gian, đêm là lúc để sống, ngày là lúc để quên. Đó là quãng thời gian H3 làm việc quên mình để chuyển tin về tổ chức...
Tính theo vòng xoay của trái đất, một tuần có 7 ngày. Nhưng một ngày lại có hai miền sáng tối ở hai nửa bán cầu. Mỹ - Việt cách nhau đúng 12 tiếng. Nếu sống theo giờ Mỹ ban ngày thì có nghĩa là phải thức trắng đêm ở Việt Nam.
Lịch sử có thể sẽ phải nhắc tới 1 người lần đầu tiên tạo ra lịch mới: Một tuần chỉ có 4 ngày. Rồi một ngày lại bị đảo ngược thời gian, đêm là lúc để sống, ngày là lúc để quên.
Người định nghĩa: “Một tuần chỉ có 4 đêm”
Trong BTTM Sài Gòn có “rất nhiều con em tướng tá được nhét vô đây để tránh cầm súng ra trận, tụi tôi gọi là "lính kiểng"”. Thế nên, riêng khoản chơi bời thì đêm không bao giờ là đủ. Nhưng làm lính gác thì phải trực, mà trực thì nghỉ chơi. Thấy Ba Minh chẳng ham gì danh vọng, chỉ lầm lũi đi làm kiếm tiền nuôi con, những “chiến hữu” của ông thường xuyên nhờ trực giúp. Và Ba Minh chưa từ chối một lần.
H.3 đã sống đúng kiểu giờ Mỹ: Đêm là lúc để sống, ngày là lúc để quên, trong suốt gần 2 năm cuối của cuộc chiến, ngay tại Việt Nam. Ảnh: Hà Trường.
"Tụi tôi có 4 thằng, chia nhau trực 4 đêm. Nhưng tôi thường làm hộ một nửa. Cứ 4 đêm thì tôi làm việc mất 3 đêm rưỡi. 2 đêm chép tại nơi làm việc, 1 đêm chép tại nhà. Đêm thứ 4 tôi chỉ chép đến 9-10 giờ là ngủ, bù lại 3 đêm kia. Khi tôi chép ở nhà, vợ tôi canh chừng. Có thời kỳ tôi làm đêm nhiều, ban ngày tôi chỉ lờ đờ thôi nên nhiều cái nhanh quên lắm", Ba Minh nhớ lại giai đoạn làm việc quên mình khi đã tìm về đúng tổ chức, dù chưa bao giờ ông là người khoẻ mạnh.
Với một tập giấy pơ-luya dày bằng bao thuốc lá, ông có thể chép 30 trang trang tài liệu. Cách chép rất giản đơn: "Tôi chép bằng chữ ’’con lăng quăng’’ bé xíu và viết tắt. Cái nào tôi quan tâm mà bà Hai Kim cần, tôi để riêng nó ra trước khi lưu hồ sơ để tối chép. Có những tập kế hoạch quân sự hàng năm phải thay đổi, cũng có khi phải chép nguyên quyển sách dày 300-400 trang, mà tôi bảo đảm không chép sai con số nào".
Ông đã sống đúng kiểu giờ Mỹ liên tục trong suốt hai năm cuối cùng của cuộc chiến, ngay tại Việt Nam.
Kẻ nghiện số đề có đôi tai tình báo
Dưới vỏ bọc của 1 kẻ nghiện số đề nặng, Ba Minh luôn kè kè cuốn sổ tính toán bên người. “Cả ngày lẫn đêm, ai bất chợt vô cũng thấy tôi đang nghiên cứu số đề".
Để không bị ai để ý, khi ở văn phòng, "tôi thường để đèn cả ngày lẫn đêm. Có thời gian nó bắt tiết kiệm điện, đến giờ là tắt hết, nhưng riêng phòng tôi thì luôn để nguyên điện cho nó không để ý", Ba Minh kể. Vì thế, chẳng ai lấy làm lạ khi thấy phòng của kẻ yêu đề đóm quanh năm sáng đèn.
Đôi tai này luôn lắng nghe mọi âm thanh dù nhỏ nhất để đề phòng bất trắc, ghi nhận mọi thông tin có thể "lấy sức ít mà đánh được nhiều" để chuyển ra tổ chức... Ảnh: Thế Vinh.
Tuy vậy, công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. "Tôi làm việc ban đêm, phòng có cửa sổ dài hai thước, đi từ ngoài cổng 1 vô cách cây số đã nhìn thấy ánh đèn, mà cửa sổ ngày đêm không đóng, mưa không tạt, gió không lùa. Cứ đến đêm trực, tôi lại để cái giường xếp đằng sau bàn làm việc, 9 giờ - 9 rưỡi đã mắc mùng rồi. Tối thiểu từ 10 giờ trở đi tôi mới giở hồ sơ ra chép".
Ba Minh cứ chép liền tù tì như vậy đến 4-5 giờ sáng. Khi ngồi chép, ông chốt cửa phòng, cẩn thận móc thêm khoá. Tay viết, mắt nhìn tài liệu nhưng tai vẫn phải lắng nghe để phân biệt tiếng giày, tiếng dép đi. Giày của người chuyển công văn khác, giày của an ninh khác, giày của quân cảnh khác, thậm chí tiếng giày của đồng nghiệp trực chung đêm như lái xe, thượng sĩ quan, sĩ quan cùng trực đều phải lắng nghe rõ.
"Cứ nghe tiếng động là phải xếp hồ sơ đang chép vào trong bìa, sau đó mới nhè nhẹ đi dép cao su ra mở hết các chốt cửa rồi vô giường nằm giở cuốn số đề ra.
Tổng cộng trong vòng 1 năm cũng bị 7,8 lần như vậy. 3,4 lần bị tuỳ phái vô, có lần thì an ninh, quân cảnh đẩy cửa xông vào, thấy mình đang nghiên cứu số đề nên thôi. Khi nó đi rồi, tôi lại ra chốt cửa vào và chép tiếp", ông nhớ lại.
Những bức tin mật
Tài liệu mà Ba Minh gửi về thường rất sớm. Ngay từ tháng 2/1974, kế hoạch quân sự năm 1975 đã nằm trên bàn Bộ chỉ huy ở Hà Nội.
Đôi bàn tay của người đàn ông này đã là một bí mật mà CIA đã muốn tìm hiểu nhiều năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam: Ông đã chép và chuyển được những tin tức chiến lược gì ra Hà Nội? Ảnh: Hà Trường.
T2 nhớ lại: "Lúc đó mình đặt ra nhiều vấn đề lắm: Một là, sau khi Việt Nam hoá chiến tranh, Mỹ có quay trở lại không? Hai là, kế hoạch quân sự năm 1974 là gì? Ba là, nếu Việt Nam hóa chiến tranh thì Sài Gòn có bắt đủ quân không? Lúc đó, cũng có một nguồn tin ở quân đoàn 4 cũng trả lời là không thể tới, giỏi lắm là hơn 80%. Phối hợp với tin tức của Ba Minh, ta có thể khẳng định rằng Sài Gòn không thể bắt tới 1 triệu lính được.
Thứ 4 nữa là hỏi về việc Mỹ rút quân: Mỹ rút quân thì để lại phái đoàn quân sự nào? Số lượng bao nhiêu? Phương tiện chiến tranh nữa. Mỹ vẫn nói trên đài, trên báo rằng sẽ tiếp tục viện trợ cho VNCH. Thế nên phải thêm câu hỏi rằng liệu Mỹ có duyệt ngân sách quân sự cho chiến tranh Việt Nam không? Đó là những câu hỏi lớn mà Ba Minh phải trả lời. Trả lời gấp, và phải trả lời rất nhiều lần cho chắc chắn.
Thế nhưng, tất cả những gì Ba Minh làm được là... còn nhiều hơn thế nữa. Ngoài việc cung cấp tài liệu cho những câu hỏi chiến lược trên, Ba Minh còn "tiện tay" vớ luôn những tin tức mà ông nghĩ có lợi cho cách mạng. Ví như tin về 1 tay điệp viên đang trú ở cơ quan mình, chỗ tỉnh miền Tây. Đọc xong, ông liền gửi ngay ngoài ra để mình bắt gián điệp.
Chưa hết, trên đường về sau một lần nhận tin, bà Hai Kim thấy 1 đoàn xe rồng rắn hơn 70 chiếc, chở đầy lính tráng, kèm theo cả vợ con, giường chiếu không rõ đi đâu. Nghĩ là có việc chuyển quân lớn, trên yêu cầu chị hỏi lại Ba Minh. Giữa ngồn ngộn cả núi hồ sơ quân sự, H3 vẫn nhanh chóng truy ra câu trả lời rõ ràng.
Cách làm tình báo của anh “ít học”
Tài liệu chép xong, Ba Minh cho vào trong chiếc áo lính rộng thùng thình, nhét trước bụng, lững thững tay cầm cuốn sổ nghiên cứu đề, ra khỏi BTTM đi gặp T2. Cuộc hẹn khi thì ở quán nước, lúc lại dưới dạng 1 anh lính chạy xe kiếm thêm. H3 gặp T2 dưới mọi hình thức có thể, rất nhanh rồi chia tay.
Cũng có khi, việc giao tài liệu thông qua H4 lên trại gia binh thăm anh, đồng thời tiếp tế cho mấy đứa cháu. Rồi cậu em cũng kiêm luôn vai trò "xe ôm" cho H.4, mặc áo cảnh sát kiểng (cảnh sát áo trắng) chạy ào ào chở H4 đi giao tài liệu cho cách mạng. Tài liệu nhiều, thời gian gấp quá, nhiều hôm chồng H4 cũng được huy động luôn trong 1 vài chuyến lên thăm anh trai vội vã.
Ba Minh luôn nói rằng: Ông là người ít học. Việc của ông chỉ là "chép và chuyển" về tổ chức những tin tức được yêu cầu, hoặc những thông tin mà ông nghĩ rằng "có thể góp sức ít mà đánh được nhiều"... Ảnh: Hà Trường.
"Hồi đó anh Ba Minh chỉ lo viết và viết, còn tôi chỉ lo chuyển và chuyển mà thôi. Nội dung chính xác đến đâu, dù mình cũng có kiến thức để phân loại tin nào chuyển trước, tin nào chuyển sau, nhưng không đủ để thời gian để nghĩ nữa. Tài liệu của anh thì nhiều. Giấy pơluya như vậy, anh viết 4 mặt chứ không phải 2 mặt, chữ nhỏ, đến nỗi mà sau một thời gian viết lại, tôi phải mang kiếng luôn", bà Hai Kim nhớ về những ngày chuyển tin như con thoi giữa Sài Gòn và căn cứ.
Đến khoảng giữa năm 1974, chỉ để phục vụ mỗi việc chuyển tin của Ba Minh, lưới A3 đã phát triển tới hơn 10 liên lạc viên: trong thành phố, ở cửa ngõ và ngoài căn cứ... đặt dưới quyền chỉ huy của T2.
Sau khi nhận tài liệu, bà Hai Kim phải viết lại ngay để kịp chuyển đi. Ra ngoài, tài liệu sẽ được 1 người của ta đọc lại lần nữa. Dẫu vậy, tài liệu nhồi về nhiều đến nỗi, như Hai Kim thuật lại: "Mấy thằng nó la quá trời, vì quá nhiều thứ phải chuyển. Cứ thấy tài liệu của H3 thì tức là phải làm việc cả đêm. Có lần, không lấy được tài liệu, tụi nó mừng lắm, vì hôm nay được đỡ việc. Nhiều khi tôi phải mua thêm dầu để cho tụi nó làm, rồi phải dặn thêm những bà bán dầu rằng mình mua về cho dân quê đi nhà thờ, chứ nếu không, mua nhiều dầu quá thì sẽ lộ".
Về sau, Ba Minh lý giải lý do mình làm việc hăng say như vậy "vì tôi thấy mình tin đưa ra là có người biết dùng. Trước khi làm với chị Hai Kim, chừng giữa năm 73, có lần tôi báo tin qua 1 chỗ khác là tụi Sài Gòn rút hết lính biệt kích từ vùng 3, vùng 4 chiến thuật ra để tập trung phá đường Hồ Chí Minh, nhưng cũng chẳng ai quan tâm hỏi lại quân số, vị trí... gì cả. Nay thì...".
Ba Minh bỏ lửng câu nói vì đột nhiên ông chuyển nghĩ về một điều gì đó rất lung. Nhưng câu trả lời thì được T2 giải thích: "Sau này, Ba Minh cũng tâm sự rất nhiều về công việc, về gia đình. Ảnh nói rằng ảnh tiếc là “đã gặp chị muộn quá”. Còn tôi cũng tiếc là đã gặp anh chậm quá, chứ sớm hơn thì chắc...". Nói xong, bà Hai Kim, như không hẹn, cũng ngồi lặng yên nghĩ rất xa về một điều gì.
Sau này, khi tài liệu đã trở nên quá nhiều, bà Hai Kim đề nghị cấp cho ông 1 chiếc máy ảnh để chụp cho đỡ vất vả. Nhưng Ba Minh đã từ chối ngay, vì rất đơn giản: "Tui không được học. Lỡ chụp mà tụi đi tuần nó nghe tiếng lạch xạch, hay tự nhiên nó nhá đèn thì sao? Với lại một anh lính quèn cứ kè kè cái máy ảnh bên người là sao? Thôi để tui chép".
Rồi ông còn nói thêm, ông không hiểu tin tức, không hiểu nghiệp vụ, việc duy nhất làm được chỉ là "chép và chuyển" thì ông cứ làm thôi, còn sử dụng thế nào là việc của cấp trên.
Nói vậy, nhưng về sau, chính cái sự "ít học" khiến ông tiếc mãi: "Một ngày tôi nhận được 15-30 mật điện, nếu có máy hình chụp tý là được nhưng tôi không có trình độ. Vậy nên không chuyển đi được. Rồi hàng tháng tôi nhìn thấy bản tin của nó, nhưng cũng vì không có trình độ nên không thể lấy về cho mình dùng".
“Tôi không bán tin”
Nhưng anh chàng ít học, 1 vợ, 10 con, nghèo ốm thường xuyên đó lại có quan điểm nghề nghiệp rất rành mạch. Ông làm vì Tổ Quốc. Đất nước bảo sao ông làm vậy, bằng hết sức mình chứ không đòi gì hơn .
Nụ cười thanh thản của Đại tá, anh hùng tình báo Nguyễn Văn Minh khi đã hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ Quốc. Ảnh: Thế Vinh.
Chính người trưởng lưới A3 cũng đã nhoè nước mắt khi nhớ lại câu chuyện này: "Hồi đó lương thượng sĩ nhất không đủ nuôi vợ con, tôi đặt vấn đề để tổ chức mua cho anh cái xe máy. Trước đó, có lần đi ra Thủ Đức thôi mà anh phải đi xe lửa, vì vé nó rẻ nhất, rẻ hơn cả xe đò.
Mấy tháng sau, tôi đề nghị anh dùng xe DAM nữ mà đi, giá khoảng 200.000 đồng (tiền Sài Gòn cũ), nhưng ảnh không nhận. Ảnh bảo: lương tôi thấp quá, không thể đi xe 200.000. Anh tự mua xe 67, giá đâu hơn 100.000, tiền dư anh trả lại. Tôi chả biết gì, lúc anh đưa thì tôi cầm về trả tổ chức thôi. Sau, ông Ba Phấn biết chuyện mới la tôi dữ: “Trời ơi, sao cô cầm lại? Để nó cầm cho nó nuôi con chớ”.
Mãi sau này, tôi đặt lại câu hỏi thì anh Ba Minh bảo: Tôi không có bán tin. Tôi chỉ làm cách mạng như các anh chị thôi".
Nghĩ về những ngày gian khó đó, ông Ba Minh cười: “Hồi anh trai tôi từ chiến khu về, có dạy tôi mấy bài hát. Tôi nhớ nhất bài hát "Mắng Ích Tắc" của ông Lưu Hữu Phước, có đoạn thế này:
...Anh nghe chăng, hỡi ai theo mùi phú quý quên non sông,
Hãy nghe đây lời tra huấn muôn năm
Sao nỡ đành đem người ngoại quốc ác tâm
Xâm chiếm quê hương nhà sát tàn nòi giống
Loài bán nước, loài buôn dân, loài phản quê hương...
Giọng run run, nhà tình báo anh hùng hơn 70 tuổi bỗng cất tiếng hát.
-
Việt Hà – Hà Trường - Thế Vinh
Kỳ tới: Người đặt cả gia đình lên bàn mổ
’’Làm công việc này là đặt gia đình lên bàn mổ!’’ - một đồng đội của ông đã nói hộ những tâm sự thời ấy của vị Đại tá tình báo như vậy. Gia đình ông bị chính ông ’’đặt lên bàn mổ’’ như thế nào?
LTS: Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tài liệu, nhân chứng cho loạt bài viết này, VietNamNet chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ, đa chiều về tất cả nhân chứng, tài liệu của sự kiện. Vì vậy, những thiếu sót rất có thể xảy ra. Toà soạn mong muốn nhận được sự góp ý, tư liệu, tài liệu của người đọc, để có thể hoàn thiện hơn góc nhìn, dẫn chứng về sự kiện, nhân vật.