(VietNamNet) - Trước ý kiến cử tri cho rằng "đoàn đại biểu QH Hà Nội gần Trung ương nhưng vẫn đi sau đoàn TP.HCM" và "So với đại biểu các tỉnh thành khác, đoàn HN chưa thực sự nổi bật khi chất vấn; chưa hăng hái, sắc sảo; chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng cử tri", Đại biểu QH Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói đoàn Hà Nội sẽ kiểm điểm.
Các ý kiến của cử tri đơn vị bầu cử số 1 (hai quận: Hoàn Kiếm và Ba Đình) tại cuộc tiếp xúc với đoàn đại biểu QH Hà Nội diễn ra hôm nay, 27/2, cũng đề nghị dân phải được bàn một cách công khai, dân chủ công tác đề cử, ứng cử đại biểu, bởi “QH là của dân, không được áp đặt từ trên xuống trong quá trình hiệp thương”.
Quốc hội chưa làm tốt quyền bỏ phiếu tín nhiệm
Cử tri cũng cho rằng Quốc hội thời gian qua chưa thực hiện tốt quyền bỏ phiếu tín nhiệm, tiếp xúc của đại biểu với cử tri còn quá ít, thời gian đi thị sát chưa nhiều…
Ông Nông Quang Lộc, cử tri phường Hàng Mã thẳng thắn: “Tôi thấy ở cấp cơ sở, công tác bãi nhiệm cán bộ đã được làm rất tốt, lãnh đạo một phường có khuyết điểm là bị bãi nhiệm ngay, nhưng ở Quốc hội, chỉ trừ một vài đại biểu vi phạm pháp luật thì bị miễn nhiệm thôi. Quốc hội khóa tới phải nghiên cứu làm tốt vấn đề này”.
Chia sẻ ý kiến với ông Lộc, ông Nguyễn Trí Nguyện, cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho rằng việc xử lý cán bộ có chức có quyền còn nhẹ tay, “QH lẽ ra phải bãi nhiệm Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình chứ không gọi là miễn nhiệm được”.
Ông Nguyện cũng nêu bức xúc của nhiều cử tri nơi ông cư trú trước công tác giám sát “chưa chặt chẽ” của QH đối với những vụ tham nhũng lãng phí lớn bị phát hiện năm 2006. Theo ông, đoàn đại biểu HN cũng cần đặc biệt giám sát việc kê khai tài sản, để phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.
Quá trình hiệp thương: Không nên áp đặt từ trên xuống
Đối với công tác bầu cử QH khóa XII, ông Nguyễn Trí Nguyện đề nghị người dân phải được bàn một cách công khai, dân chủ công tác đề cử, ứng cử đại biểu, bởi “QH là của dân, không được áp đặt từ trên xuống trong quá trình hiệp thương”.
Ông Nguyện cũng cho rằng, "đoàn đại biểu HN gần Trung ương nhất, nhưng vẫn đi sau đoàn TP.HCM". Cùng chung ý kiến này, cử tri của Công đoàn Hội người mù HN Nguyễn Thanh Sơn phát biểu: "Tôi chưa thấy tự hào về đại biểu HN. So với đại biểu các tỉnh thành khác, đoàn HN chưa thực sự nổi bật khi tham gia chất vấn ở QH, chưa hăng hái, sắc sảo, chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm".
Nên có cuộc tiếp xúc chỉ để nghe ý kiến cử tri
Nhân sự có mặt của TBT Nông Đức Mạnh, các cử tri kiến nghị QH cải tiến công tác tiếp xúc cử tri bởi công tác này hiện còn diễn ra “quá ít” và “hình thức”.
Ông Nông Quang Lộc đề xuất: “Nên có những cuộc tiếp xúc chỉ để nghe cử tri phát biểu, chứ không nhất thiết phải nghe báo cáo của đại biểu”. Theo ông, cũng cần phải tăng số lần tiếp xúc cử tri của đại biểu lên.
Cùng quan điểm này, cử tri Trần Công Đồng, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm nói: “Hiện nay, cách tiếp xúc cử tri vẫn chưa ổn. Đại biểu nên đi thị sát nhiều hơn, đi để sâu sát tình hình thực tế, không cần “tiền hô hậu ủng”.
Ông Đồng cũng cho rằng sau khi ghi nhận ý kiến bức xúc, khiếu nại của cử tri, đại biểu QH cần trả lời, nếu không trả lời ngay thì cũng phải trả lời sau đó. “Để cử tri không mất niềm tin với đại biểu”, ông Đồng nói.
Trong 90 phút, đã có 14 người phát biểu đại diện cho 250 cử tri có mặt tại buổi tiếp xúc. TBT Nông Đức Mạnh hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn đó và thừa nhận: “Hiệu lực giám sát của QH hiện chưa cao. QH sẽ phải hoạt động giám sát tốt hơn nữa”. TBT cho biết: “Đoàn đại biểu QH Hà Nội sẽ kiểm điểm nghiêm túc hoạt động của mình trước khi kết thúc nhiệm kỳ”.
-
Vân Anh
Ý kiến của bạn?