(VietNamNet) - Cuộc tiếp xúc cấp cao nhất của Việt Nam với Tòa thánh được ghi nhận là mốc quan trọng cho ngoại giao hai bên cũng như tự do tôn giáo và sự cởi mở hội nhập của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp kiến Giáo hoàng Benedict XVI, Ảnh Reuters |
Chuyến thăm Italia và tiếp kiến Giáo hoàng Benedict XVI của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được mối quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài quan tâm theo dõi, đưa tin và chụp ảnh về cuộc gặp gỡ. Các tờ báo có cách nhìn nhận đánh giá khá tương đồng về ý nghĩa của chuyến thăm.
Các tờ báo cũng phản ánh không khí hân hoan chào mừng chuyến thăm của nhân dân Công giáo Việt Nam cũng như của Tòa thánh.
Các hãng tin AP, AFP, Reuters đồng loạt đưa nhận định của Giám mục Việt Nam rằng "đây là thời điểm của quan hệ chính thức giữa hai bên"..." quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican sẽ không phải gặp bất kỳ trở ngại nào nữa" và "chuyến thăm là bước chuẩn bị sớm thông qua bày tỏ thiện chí sẵn sàng thiết lập quanhệ ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh".
Với tuyên bố về việc Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là: tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican, các tờ báo đồng loạt nhận định "chuyến thăm đánh dấu một bước tiến mới đi tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ". Tờ BBC nêu "đây là bước tiến đáng kể sau hơn mười năm quan hệ căng thẳng".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tiếp kiến Giáo hoàng, Ảnh AP |
Tờ Cathnews nhận định "Quan hệ ngoại giao với Vatican không trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế, chính trị cho Việt Nam nhưng sẽ giúp nâng vị thế của Việt Nam trên thế giới".
Tờ BangkokPost nhận định chuyến thăm "thể hiện sự cởi mở và hội nhập thực sự của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế".
Các tờ tin nước ngoài đều ghi nhận chuyến thăm là bằng chứng rõ ràng của mở rộng tự do tôn giáo, sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Chính phủ Việt Nam. "Chuyến thăm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo của Việt Nam, cả Thiên chúa giáo và các đạo giáo khác".
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tôn trọng quyền dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, được quy định trong pháp luật Việt Nam và được nhất quán thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trên thực tế cho việc thăng tiến đời sống tôn giáo, coi đây là một nhân tố quan trọng bảo đảm đoàn kết toàn dân tộc. Ở Việt Nam, cộng đồng những người Công giáo là một cộng đồng năng động, kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển đất nước.
-
Phương Loan (tổng hợp)