(VietNamNet)- Cùng lãnh đạo các nước, các tập đoàn bàn thảo "xây dựng chương trình nghị sự toàn cầu, chuyển đổi cán cân quyền lực" tại WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang giới thiệu một VN thực sự cởi mở và hội nhập.
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Italia và hội kiến Giáo hoàng
> Thủ tướng đang ở thăm Italia
Diễn đàn Kinh tế thế giới, nơi các nhà lãnh đạo kinh tế - chính trị bàn thảo chương trình nghị sự toàn cầu. |
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Italia và Tòa thánh Vatican, ngày 26/01, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có mặt tại Davos, Thụy Sỹ, "nơi gặp gỡ của những người giàu có và quyền lực" tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, cùng các nhà lãnh đạo kinh tế - chính trị bàn thảo chương trình nghị sự toàn cầu trong hai ngày 26-27/01.
Mặc dù chủ trương năm nay sẽ tập trung vào giới doanh nhân, hạn chế chính trị gia tham dự, ông Klaus Schwab, Chủ tịch diễn đàn vẫn mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về vị thế của Việt Nam sau khi chính thức trở thành thành viên WTO.
Sự có mặt lần đầu tiên của Thủ tướng thay vì Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng như trước đây cũng phản ánh sự hội nhập, cởi mở của Việt Nam vào cộng đồng thế giới. Sau 18 năm thiết lập quan hệ (từ năm 1989), đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Chính phủ VN tham dự diễn đàn.
Thủ tướng sẽ cùng với 2.400 nhà lãnh đạo chính trị - kinh tế đến từ 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có gần 900 chủ tịch tập đoàn lớn, 85 Bộ trưởng Nội các và 23 người đứng đầu các nước khác "hiểu sâu hơn và định hình chương trình nghị sự toàn cầu cho năm tới" như lời bà Schwab nói trong buổi họp báo trước hội nghị.
Cùng nỗ lực để tìm tiếng nói quốc tế lớn hơn cho ASEAN
Thủ tướng sẽ cùng các "lãnh đạo đầy quyền lực và ảnh hưởng ở các lĩnh vực và các khu vực địa lý khác nhau bày tỏ mối quan tâm và xây dựng cách tiếp cận mới, hiệu quả, tích cực về ý thức công dân toàn cầu".
Thủ tướng cùng cộng sự sẽ tham dự và cùng đại biểu toàn cầu "xây dựng chương trình nghị sự toàn cầu, chuyển đổi cán cân quyền lực" trong điều kiện mới với những thách thức đang đặt ra.
Với bài phát biểu tại chương trình kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN mang tên: "ASEAN 40 năm: Tương lai mới", Thủ tướng Việt Nam sẽ cùng lãnh đạo các nước "tìm kiếm một tiếng nói quốc tế lớn hơn cho ASEAN".
Thủ tướng sẽ cùng các đại biểu bàn thảo về những bước tiến Hiệp hội đã đạt được trên con đường hội nhập kinh tế, những hành động cụ thể được tiến hành nhằm giải quyết các vấn đề như ô nhiễm môi trường, cúm gia cầm hay an ninh năng lượng, sự sẵn sàng của các thành viên trong việc xem xét khả năng hội nhập chính trị sâu hơn để đối phó với các thách thức, và những cơ hội, thách thức của Đông Nam Á trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ...
Bên cạnh dự chương trình toàn thể và họp kín trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu như Intel, EDF, Holcim, Metro... Đây được xem là cơ hội để Thủ tướng giới thiệu về những thành công, những chính sách của Việt Nam, thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Chính hình ảnh Thủ tướng năng động, tích cực tham gia công việc quốc tế sẽ là biểu hiện tập trung nhất một Việt Nam cởi mở và hội nhập.
-
Phương Loan