(VietNamNet) - Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, trong năm 2006, nhiều địa phương đã tích cực chuyển biến trong việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương thụ động, chậm trễ khi tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Cải cách hành chính: Nhiều bộ, ngành còn thụ động
Trong năm 2006, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận và xử lý 132 kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Các kiến nghị chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cấp phép, thuế, hải quan, xây dựng…
Người dân chờ làm thủ tục tại TP.HCM (ảnh: Phạm Cường) |
VPCP đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời có các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc. Điển hình là Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Công an sửa đổi nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, xây dựng đề án điều chỉnh tốc độ xe cơ giới.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quyết định đưa lệ phí sân bay vào tiền vé đối với các chuyến bay quốc tế, bãi bỏ thủ tục mua lệ phí sân bay. Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì xây dựng thông tư liên tịch về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và dấu cho doanh nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông...
Trong số các địa phương tích cực chuyển biến trong việc thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính, có thành phố Hồ Chí Minh. UBND thành phố đã tổ chức 5 cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp về thuế, hải quan. Các câu hỏi đều được trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi ngay sau đối thoại trong vòng 10 ngày. Đặc biệt UBND thành phố đã xây dựng hệ thống đối thoại doanh nghiệp với hơn 1000 tổ chức thành viên.
Tại Hà Tĩnh, các sở, ngành, huyện, thị xã, xã, phường đã áp dụng cơ chế “một cửa” với việc đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Hải Phòng thì triển khai thực hiện quy trình “một cửa liên thông” với thủ tục đăng ký kinh doanh, khắc dấu và cấp mã số thuế.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn thụ động, chậm trễ khi tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đã đến lúc xếp hạng năng lực cạnh tranh các bộ, ngành, địa phương
Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế, VCCI: "Phải xếp hạng năng lực cạnh tranh của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố". |
Tại cuộc gặp giữa đại diện Văn phòng Chính phủ và đại diện các Hiệp hội, cơ quan thông tấn, báo chí, ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng:
“Đã đến lúc chúng ta phải xếp hạng năng lực cạnh tranh của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Kỳ vọng của người dân vào công cuộc cải cách hành chính rất lớn. Có đến 75% doanh nghiệp dân doanh tuyên bố sẽ tăng đầu tư nếu có điều kiện thuận lợi, trong đó có việc thủ tục hành chính được đơn giản hoá”.
Ông Huỳnh cho biết, để làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải mất từ 30-90 ngày.
Như vậy, “chỉ riêng CCHC cũng sẽ làm tăng GDP lên nhiều, chứ chưa cần gọi thêm vốn”, ông Huỳnh quả quyết. Ông đề nghị Văn phòng Chính phủ tổ chức gặp gỡ với các Hiệp hội hàng quý. “VCCI xin làm cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Hãy phát tín hiệu để những ai còn chần chừ phải tăng tốc!”.
-
Vân Anh