(VietNamNet)- Cải cách hành chính đã được Chính phủ xác định là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2007 cùng với tăng trưởng kinh tế cao và chống tham nhũng hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cải cách hành chính phải chuyển biến căn bản từ xin cho sang phục vụ dân.
>>>CCHC ở TP.HCM: Thêm mảng sáng, vẫn nhiều mảng tối
>>>CCHC ở Hà Nội: Người dân bắt đầu tạm hài lòng?
>>>CCHC ở Nghệ An, Hà Tĩnh: Đã có hiệu ứng tốt
Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trong cả nước. Trưởng ban sẽ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và văn phòng Ban sẽ đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, thành phố. Chức năng nhiệm vụ, cơ cấu của Ban này sẽ có một quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ quy định.
Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phiền hà
Tăng trưởng kinh tế đạt mức báo cáo Quốc hội - Tăng trưởng kinh tế: 8,17% - Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17% - Xuất khẩu: 39,6 tỷ USD - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: 10,2 tỷ USD - Cam kết cho vay ODA: 4,45 tỷ USD - Số người sử dụng dịch vụ Internet: 14,5 triệu người - Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết: Điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) năm 2006 là sự sâu sát, quyết liệt của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Có rất nhiều văn bản trong năm của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải triển khai các việc cụ thể, thiết thực nhằm đẩy mạnh CCHC, tạo chuyển biến trong quan hệ giữa cơ quan hành chính- doanh nghiệp- dân.
Bước đầu đã có sự tiến bộ tích cực trong quan hệ này theo hướng phục vụ dân tốt hơn, nâng cao tính công khai, minh bạch của nền hành chính, đơn giản hoá và công khai thủ tục hành chính ở các cấp, ngành.
Ông Phúc cũng ngắn gọn chỉ ra những tồn tại của công tác này: Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phức tạp, phiền hà, tầng nấc, quan liêu… chưa được công khai đầy đủ. Thái độ, phương thức làm việc của cơ quan hành chính, của cán bộ công chức vẫn chưa theo đúng tinh thần phục vụ, một bộ phận còn tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng giao việc cụ thể cho từng bộ, ngành
Tại phiên họp cuối năm này, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành phải nhanh chóng rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, hết hiệu lực.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xem xét các văn bản liên quan đến chứng nhận đầu tư, Luật Phá sản… Bộ Xây dựng xem xét lại các thủ tục liên quan đến xây dựng cơ bản, bán nhà sở hữu thuộc Nhà nước, thanh tra xây dựng… Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy cho phép khai thác mỏ và tài nguyên khoáng sản; công tác giải phóng mặt bằng… Bộ Tư pháp xem xét vấn đề công chứng, chứng thực và hộ tịch. Thanh tra Chính phủ rà soát lại các văn bản liên quan đến thủ tục giải quyết khiếu nại… Thủ tướng yêu cầu, trong quý I năm 2007, các Bộ phải có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét về những vấn đề này.
Chính phủ cũng sẽ mở chuyên đề lấy ý kiến người dân về thủ tục hành chính thông qua website Chính phủ. Chính phủ đã xác định năm 2007 phải triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn CCHC. Một trong những trọng tâm sẽ là: Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước cả ở Trung ương và địa phương thực hiện việc rà soát thủ tục hành chính, đơn giản hoá, công khai thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan, của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
-
Đỗ Minh
Ý kiến của độc giả về hành chính hiện nay?