(VietNamNet) - Ngày 26/12, Chính phủ bắt đầu phiên họp thường kỳ cuối cùng trong năm dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tình hình kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, chống tham nhũng,... trong năm 2006 và các giải pháp cho năm tới đã được đặt lên bàn nghị sự.
Sẽ trưng cầu ý dân về thủ tục hành chính
Chính phủ chỉ đạo tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005; tiếp tục triển khai giai đoạn II (2006-2010); nhân rộng cơ chế “một cửa”; cải cách tổ chức bộ máy, tài chính; ban hành chỉ thị về giảm văn bản, giấy tờ hành chính nhà nước.
Các thành tựu kinh tế năm 2006 - Tăng trưởng kinh tế: 8,2% - Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17% - Xuất khẩu: 39,6 tỷ USD - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: 10,2 tỷ USD - Cam kết cho vay ODA: 4,45 tỷ USD - Số người sử dụng dịch vụ Internet: 14,5 triệu người - Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% |
Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện để nhân dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ làm; đồng thời mở chuyên đề lấy ý kiến trên Website Chính phủ về thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND các cấp nhằm công khai các hoạt động, thống nhất về nguyên tắc và thủ tục giải quyết công việc trong bộ máy hành chính nhà nước; quy rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo nếu để xảy ra vi phạm ở đơn vị mình; xử lý kỷ luật kịp thời những cán bộ, công chức sai phạm.
Qua khảo sát cho thấy, các quy chế làm việc mẫu bước đầu có tác dụng tốt trong việc thống nhất lề lối làm việc và quy trình giải quyết công việc trong mỗi cấp hành chính, được nhiều địa phương đánh giá cao.
Mặt khác, công tác ban hành văn bản pháp luật được đẩy nhanh hơn, số văn bản nợ đọng đã giảm nhiều.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2006. Ảnh: website Chính phủ. |
Chính phủ cũng xác định phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2006. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng Chương trình hành động để thực hiện; nhanh chóng hoàn thành Đề án về “Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương cụ thể hoá Chương trình hành động của Chính phủ.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 3 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1186/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài ra, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an sớm thanh tra, điều tra, có kết luận về một số vụ án nổi cộm về KT-XH, xử lý kịp thời và kiên quyết những cán bộ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo cơ quan tố tụng khẩn trương hoàn thành hồ sơ để đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm mà dư luận quan tâm.
Chính phủ sát sao nhưng địa phương vẫn lơ là
Tuy nhiên, các báo cáo cũng chỉ rõ những yếu kém còn tồn tại như một số Bộ, cơ quan chưa bảo đảm thời gian đề án theo đăng ký, thiếu chủ động khẩn trương triển khai thực hiện các đề án đã đăng ký mà thường dồn công việc vào cuối quý, cuối năm gây ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ hoàn thành chương trình.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của cấp trên và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa được quan tâm thường xuyên.
Một số vấn đề Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo nhưng chậm được chấp hành như việc kiểm tra các dự án sử dụng vốn ODA, việc xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng...
Có những việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, kiên quyết và cụ thể nhưng việc chấp hành của địa phương vẫn chưa nghiêm, hoặc chủ quan, lơ là nên đã làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của cấp trên, điển hình là việc phòng chống cơn bão số 9 vừa qua ở một số tỉnh Nam Bộ.
Nên coi vấn đề giảm tai nạn giao thông là một chỉ tiêu phát triển KT-XH
Một số thành viên Chính phủ đóng góp thêm ý kiến vào công tác cải cách hành chính và kiềm chế tai nạn giao thông. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực cho rằng, năm 2007, Chính phủ cần rà soát lại các văn bản để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác này, đồng thời Chính phủ cũng cần tăng cường giám sát và kiểm tra các địa phương để công tác cải cách hành chính và công tác giảm thiểu tai nạn giao thông đạt hiệu quả hơn.
Bàn về giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, Chính phủ nên coi vấn đề giảm tai nạn giao thông là một chỉ tiêu phát triển KT-XH. Thực tế, với số vụ và người chết, bị thương bởi tai nạn giao thông hiện nay đang đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương nên đưa chỉ tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông này vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đa số các đại biểu đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Các đại biểu cho rằng, ngoài các nguyên nhân như do ý thức của người tham gia giao thông, gia tăng số lượng phương tiện giao thông thì vẫn có nguyên nhân quan trọng là thiếu sự phối hợp thường xuyên giữa các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để hướng dẫn, kiểm tra, xử phạt và bảo đảm an toàn giao thông.
Ngày mai (27/12), Chính phủ sẽ tiếp tục nghe và lấy ý kiến về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; Quyết định áp dụng cơ chế đặc thù đối với việc đầu tư các dự án xây dựng đường tuần tra biên giới; Dự án Luật Hóa chất…
-
P.V
Ý kiến của độc giả về thủ tục hành chính hiện nay?