Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung có cuộc trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị toàn quốc về tổ chức, hoạt động của HĐND và UBND quanh mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM đang được nghiên cứu, hoàn chỉnh.
Không phải việc gì cũng chính quyền làm
- Chắc hẳn Bộ trưởng đã nhận được đề án chính quyền đô thị (CQĐT) của TPHCM? Bộ trưởng có nhận xét gì?
Tôi đồng tình! Nếu có bổ sung thì không nhiều lắm.
- Theo Bộ trưởng “điểm nhấn” của CQĐT ở TPHCM là gì?
Ở TPHCM, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển khá mạnh, trình độ dân trí cao, vì vậy nên tổ chức sớm mô hình chính quyền theo hướng: Tinh gọn hơn, nhanh nhạy hơn, thông suốt và hiện đại hóa. TPHCM có thể đi trước các nơi về mặt hiện đại hóa hành chính.
Chẳng hạn, xây dựng chính phủ điện tử ở các cơ quan hành chính sao cho mối quan hệ giữa chính quyền TP với người dân, với doanh nghiệp được trực tiếp, rõ ràng và minh bạch hơn. Như thế sự năng động, sáng tạo của chính quyền TP sẽ được phát huy cao độ.
- Theo ý Bộ trưởng thì CQĐT sẽ rút gọn cả bộ máy, tổ chức và con người trong khi công việc hiện nay “chồng chất như núi”, nhất là ở cơ sở. Liệu bớt người đi có giải quyết hết công việc của dân không?
Số lượng công việc nhiều hay ít không đồng nghĩa bộ máy phải cần nhiều hay ít người. Sắp tới, công việc chẳng những không giảm đi mà ngày càng nhiều lên, nhưng không phải tất cả công việc đều do chính quyền làm hết. Có cái do doanh nghiệp làm. Chính quyền chỉ tạo môi trường, tạo cơ chế cho hoạt động dịch vụ tốt hơn. Cần lấy chất lượng và hiệu quả phục vụ dân là cơ sở đánh giá hoạt động tổ chức, bộ máy.
- Nếu CQĐT ra đời thì việc sửa đổi luật theo hướng thế nào?
TPHCM đang đề nghị và Chính phủ đang nghiên cứu. Trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND, tiếp đến là sửa đổi một số luật có liên quan.
- Thưa Bộ trưởng, sau Quốc hội khóa XII (dự kiến bầu cử trong tháng 5-2007) liệu có thể áp dụng CQĐT được chưa?
Bây giờ chưa thể khẳng định được, vì còn chờ cơ quan thẩm quyền đồng ý thì mới tổ chức thực hiện được.
Số câu chất vấn ở TPHCM bằng của 1 tỉnh trong 3 năm liền
- Khi CQĐT ra đời thì vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của HĐND có thay đổi gì nhiều không?
Theo tôi không phải thay đổi mà hoạt động chất lượng hơn, làm đúng chức năng hơn. Hiện nay tất cả cơ quan chính quyền đang hoàn thiện chức năng hành chính Nhà nước. Như thế, hoạt động của HĐND như giám sát, chất vấn cũng phải theo đúng chức năng thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan chính quyền. Khi đó, giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn sẽ được điều chỉnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động giám sát, trả lời chất vấn của HĐND TPHCM trong thời gian vừa qua?
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy hoạt động giám sát, nhất là trả lời chất vấn ở HĐND TP diễn ra rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Có đại biểu HĐND TPHCM mỗi kỳ họp chất vấn 20-30 câu hỏi dành cho cho lãnh đạo sở, ngành TP. Tuyệt quá! Số lượng câu hỏi chất vấn này có khi bằng cả câu hỏi chất vấn ở HĐND một tỉnh trong vòng 3 năm liền!
Khi chất vấn, có đại biểu HĐND TPHCM còn đưa hình ảnh, hiện vật minh họa, rất sinh động. Mỗi phiên họp, HĐND TP thiết lập đường dây nóng để cử tri trực tiếp bày tỏ nguyện vọng, phản ánh bức xúc từ cơ sở; chiếu những phim phóng sự ngắn về những vấn đề còn vướng mắc trong cuộc sống như kẹt xe, ngập nước, xây dựng lãng phí, quy hoạch treo…
Gần đây, HĐND TP phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức truyền hình trực tiếp “Nói và làm” mang tính chất đối thoại giữa đại biểu HĐND TP và chính quyền TP, giám đốc sở, ngành. Tôi cho đây là cách làm rất bổ ích và thiết thực.
Sẽ thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã
- Sắp tới chúng ta có làm thử mô hình dân bầu trực tiếp chủ tịch xã không?
Có chứ, nhưng chưa biết lúc nào thôi! Qua 8 năm thực hiện Nghị định 29/CP (sau nâng thành Nghị định 79/CP của Chính phủ), chúng ta làm khá tốt việc bầu chức danh trưởng thôn, mặc dù đó không phải chức danh của một cấp hành chính mà chỉ là mang tính chất đại diện UBND xã.
Có thể nói, đây là một bước tiếp rất quan trọng trong tiến trình thực hiện dân chủ trực tiếp về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về sắp xếp tổ chức hoạt động bộ máy Nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã.
(Theo Sài gòn giải phóng)