221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
871206
1/1/07: Tăng giá điện bình quân 7,6%
1
Article
null
1/1/07: Tăng giá điện bình quân 7,6%
,

(VietNamNet) - Tại phiên họp thường kỳ ngày 1/12, Chính phủ đã thông qua đề án điều chỉnh giá điện. Theo đó, từ 01/01/2007, giá điện sẽ tăng bình quân 7,6% so với hiện hành. Mức giá cho 100 kWh đầu tiên; giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và mức giá trần điện sinh hoạt nông thôn vẫn được giữ nguyên.

80% dân số vẫn hưởng chính sách trợ giá từ bán điện

Từ 1/1/2007, giá điện sẽ tăng bình quân 7,6%.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm nay (1/12), Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã công bố lộ trình điều chỉnh giá điện. Theo đó, lộ trình được chia làm ba bước, bước một thực hiện từ 1/1/2007, mức giá bình quân được điều chỉnh lên 842 đồng/kWh, tăng 7,6% so với mức hiện hành.

Bước hai thực hiện từ 1/7/2008 sẽ điều chỉnh giá bình quân lên 890 đ/kWh, tăng 5,7% so với mức điều chỉnh bước một. Bước ba, thực hiện từ 2010, sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá phát điện xác định trên thị trường cạnh tranh. 

Theo biểu giá bán lẻ thì mức giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng sẽ tăng 20%, mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang trên 100kWh đến dưới 400kWh tăng 19-23%, bổ sung bậc thang giá điện sinh hoạt trên 400kWh với giá 1.780đ/kWh, giá bán điện cho cơ quan hành chính sự nghiệp tăng bình quân 12-14%. 

Còn lại các mức giá như giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm, giá bán điện sinh hoạt bậc thang cho 100 kWh đầu tiên, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và mức trần điện sinh hoạt nông thôn sẽ không có thay đổi.

Về tác động của lần tăng giá này, Chính phủ đánh giá do tăng giá điện giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%. Trong trường hợp các hộ giữ nguyên lịch sản xuất như hiện tại thì mức tác động rất thấp. 

Đối với điện sinh hoạt, có 67% tổng số hộ, chiếm 80% số dân (tiêu thụ khoảng 19,3 tổng sản lượng điện) sẽ tiếp tục được hưởng chính sách trợ giá của Chính phủ qua giá bán điện bằng việc giữ nguyên giá điện sinh hoạt bậc thang 100kWh đầu và điện sinh hoạt nông thôn. 

Phương án

Giá hiện hành (đ/kWh)

Giá điều chỉnh (đ/kWh)

Cho 100 kWh đầu tiên

550

550

Cho kwh từ 101- 150

900

1.110

Cho kwh từ 151 - 200

1.210

1.470

Cho kwh từ 201 - 300

1.340

1.600

Cho kwh từ 301 - 400

1.400

1.720

Cho kwh từ 401 - 500

1.400

1.780

 

DN cố mà không được: Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải giải thích việc tăng 20% vào giờ cao điểm nhằm yêu cầu nhà sản xuất điều chỉnh cơ cấu dùng điện của mình để giảm chi phí sản xuất.

"Trường hợp nếu các công ty đã cố gắng hết sức mà không thể điều chỉnh được cơ cấu lẫn công nghệ sản xuất thì kể cả các cơ quan như Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính... sẽ xem xét cơ chế về tài chính, thuế, về sản xuất, về giá... xem có hỗ trợ được gì không", Bộ trưởng Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Hải cho biết việc xem xét hỗ trợ phải được tiến hành minh bạch chứ "không thể hỗ trợ tràn lan theo kiểu bỏ bao cấp này nảy bao cấp khác". 

Khó có thị trường điện cạnh tranh vào năm 2010

Về mục tiêu hình thành thị trường điện cạnh tranh vào năm 2010, Bộ trưởng Hải kêu "rất khó".

"Việc xây dựng thị trường phát điện hay thị trường cạnh tranh đòi hỏi phát triển đồng bộ với toàn bộ thể chế của quốc gia, trong đó có hệ thống luật pháp của Bộ, có hệ thống tài chính ngân hàng đi theo ủng hộ.

Hiện, các cơ quan như Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính... và cả Tổng Công ty điện lực (EVN) cũng đã phối hợp để xây dựng thể chế ấy. EVN được giao thực hiện thí điểm thị trường điện lực nội bộ của mình đã nhưng ngay cái việc này cũng đã hết sức khó bởi đặc thù của điện là không dự trữ được. Điện sản xuất và tiêu thụ phải ra đồng thời. Để đạt được mục tiêu ấy, tôi phải nói thật là hết sức khó. Những nước thành công trên thế giới là đếm trên đầu ngón tay, ông Hải giãi bày.

Bộ trưởng Công nghiệp cũng nói rằng, lộ trình cổ phần hoá các nhà máy thuỷ điện lớn phải từng bước, không thể làm ngay.

"Khi thể chế thị trường, luật lệ chưa được đầy đủ, chặt chẽ thì chúng ta chưa thể giảm cổ phần của các nhà máy điện xuống nhanh quá được. Bởi vì lúc đó, các nhà đầu tư chỉ thuần tuý vì lợi ích của mình, thao túng giá điện. Và trong trường hợp có biến động về giá thì nguy cơ ổn định cung cấp điện trên hệ thống sẽ có vấn đề ngay", Bộ trưởng Hải nói thêm.  

  • Quang Vũ
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,