(VietNamNet) - Phần lớn chất vấn của các đại biểu QH sáng nay (25/11) với Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đều hỏi thêm, hoặc xoáy sâu vào những câu hỏi đã Bộ trưởng đã trả lời bằng văn bản. Song, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét, phần trả lời thêm của Bộ trưởng Ninh, nhất là về vấn đề nhà công vụ và ngân sách, chưa làm hài lòng các đại biểu.
>>Bộ trưởng Tài chính "né" trách nhiệm về nhà công vụ
Sẽ công khai số liệu về hoá giá nhà biệt thự
Chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính bằng văn bản, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tiếp tục chất vấn ông Vũ Văn Ninh xung quanh vấn đề nhà công vụ. Đại biểu Thuyết đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Trước tình trạng quản lý công sản hiện nay, sắp tới, liệu Bộ Tài chính có nên kiến nghị ban hành Luật Quản lý công sản hay không?
Phần hỏi đáp, diễn ra liên tục. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, đến nay, theo ông nắm được thì chưa có trường hợp nào bán nhà công vụ, mà chỉ có Hà Nội và TP.HCM được phép bán biệt thự. Riêng nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nếu đã bán thì chấp hành đúng Nghị định 61. Ngay lập tức, đại biểu Thuyết lên tiếng. Ông nghi ngờ và đề nghị kiểm tra lại thông tin này. Có đúng là từ trước đến nay, chưa có nhà công vụ nào bị bán? "Chúng tôi biết có một danh sách cũng không phải là ít các nhà mà các đồng chí giữ các chức vụ nhất định đã được bố trí ở nhưng bây giờ đã hoá giá rồi, chuyện đó có đúng hay không?", ông Thuyết hỏi lại.
Nét mặt đại biểu Thuyết thể hiện rõ sự chưa hài lòng. Ông nhận xét, trả lời của Bộ trưởng như vậy rất khó thuyết phục với cử tri. Ông đề nghị Bộ trưởng giải thích thế nào là nhà công vụ? Thứ hai, theo báo cáo giải trình của Bộ trưởng toàn Hà Nội có 43 biệt thự không được bán trên tổng số là bao nhiêu, vì con số này quá nhỏ với tổng số biệt thự của Hà Nội.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Như thế nào là nhà công vụ thì Chính phủ đã quy định rõ. Biệt thự ở Hà Nội có trên dưới 700 cái. Ngoài danh mục vừa rồi, hiện số biệt thự còn lại đang được sử dụng làm cơ quan, nhà ở... Tuy nhiên, ông không hề nhắc tới câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc tham mưu cho Chính phủ trong việc quản lý nhà công sản.
Chính vì vậy, chất vấn về nhà công vụ tiếp tục nóng. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lập luận, việc quản lý công sản là thông điệp thể hiện chính sách công bằng của Nhà nước. Nếu Bộ trưởng cho rằng mọi người có thể yên tâm vì tất cả mọi việc xử lý đều đúng luật pháp, không có điều gì sai cả. Nhưng để yên tâm hơn, đại biểu Quốc kiến nghị Bộ trưởng nói rõ, biệt thự và nhà công vụ đã được bán thế nào, quy trình ra sao? Liệu Bộ trưởng có thể cung cấp những số liệu bán nhà công, biệt thự, thu ngân sách nhà nước bao nhiêu? Đây có phải là bí mật quốc gia hay không?
Có phần hơi lúng túng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói, các địa phương đang vận dụng Nghị định 61 để bán nhà dạng này. Khi bán bán xong, sẽ thực hiện theo luật nhà ở. "Tôi chưa có số liệu bán nhà công, biệt thự công. Việc bán nhà công, Chính phủ đã giao cho các địa phương và Bộ Xây dựng. Tôi sẽ phối hợp với Bộ và các địa phương và nắm số liệu này".
"Vậy số liệu đó có phải là bí mật không, có được công khai không", đại biểu Dương Trung Quốc hỏi ngay. Ông Ninh khẳng định rằng sẽ công khai vì đây không phải bí mật quốc gia.
Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng tài chính "đi đúng trọng tâm"
Về các vấn đề liên quan đến khung giá đất, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng, việc ban hành khung giá này là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Vậy mà bất lâu nay, Bộ vẫn im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, cử tri lại muốn biết ý kiến của Bộ Tài chính về mặt quan điểm, về mặt phương pháp xác định và đánh giá hệ quả của giá đất mà được xác định như thế nào đối với diễn biến của thị trường bất động sản, đối với tranh chấp, đối với khiếu nại, tố cáo. Với giọng điệu thông cảm, đại biểu Trân nói tới giờ, mỗi lần đưa giá đất ra thì hình như chỉ có Bộ Tài Nguyên, môi trường là đứng ra án ngữ chịu sào.
Sau một hồi vòng vo nói về tiêu chí, phương pháp xác định giá đất, giá một số loại đất... Bộ trưởng Tài chính không đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc lại câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng đi vào đúng trọng tâm.
Đại biểu Trân cũng thẳng thắn, vậy khung giá đất mà Bộ Tài chính đưa ra có phải là "khuôn vàng thước ngọc" hay không? Về vấn đề giá đất, Bộ Tài chính như vậy có bàng quan không và trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu trong việc này?
Khi đó, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh mới cho rằng, khung giá đó không phải cố định. Trên thực tế, các địa phương chỉ cần dựa trên khung này để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện từng địa phương. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương đề xuất phương án chỉnh sửa sớm.
Ngoài ra, các đại biểu sáng nay cũng chất vấn gay gắt về phần bổ ngân sách, sắp xếp lao động dôi dư của DN sau CPH, về đầu tư tài chính cho vùng ĐBSCL, về gian lận thuế giá trị gia tăng... Hầu hết sau câu trả lời của Bộ trưởng, các đại biểu tuy không chất vấn thêm nhưng đều góp ý thêm cho Bộ trưởng cần lưu ý vấn đề này, vấn đề khác.
Trước khi kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong số 14 chất vấn với Bộ trưởng, ông thấy có một số đại biểu tỏ ra chưa hài lòng, nếu vậy đại biểu có thể chất vấn thêm bằng văn bản. Ông cũng lưu ý Bộ trưởng Bộ Tài chính hai điểm, đó là nghiên cứu, giải quyết xung quanh vấn đề phân bổ ngân sách sao công bằng, đúng Luật và từng bước hoàn thành chích sách, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để quản lý tài sản công tốt hơn, bởi các địa phương hiện vẫn lúng túng trong việc này.
-
Hà Yên