(VietNamNet)- Có 5 luật đã được các đại biểu QH tán thành thông qua trong ngày hôm nay, gồm: Quản lý thuế; Đê điều; Chuyển giao công nghệ; Cư trú và Công chứng.
Nghị trường Quốc hội |
Vẫn quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu
Trước khi được thông qua hôm nay, ngày 20/10 dự Luật cư trú đã được các đại biểu thảo luận và đa số đều tán thành việc giữ mô hình quản lý cư trú hiện hành. Các ĐB cho rằng trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật; khả năng của bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ công chức chưa thể đáp ứng được yêu cầu quản lý bằng phương pháp mới thì vẫn phải thực hiện phương thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, cá nhân; sổ tạm trú đối với trường hợp tạm trú.
Có ý kiến đề nghị xem lại quy định nghiêm cấm hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vì chưa làm rõ, cụ thể được các hành vi lạm dụng hộ khẩu; ý kiến khác lại đề nghị cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú.
Theo Uỷ ban Thường vụ QH (UBTVQH), trên thực tế có những trường hợp quy định về hộ khẩu bị sử dụng sai mục đích, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phải căn cứ vào việc đăng ký thường trú (hộ khẩu) của công dân để thực hiện một số quyền khác như bầu cử, ứng cử, thực hiện chế độ bảo hiểm, giao đất để sản xuất theo hộ gia đình…Do đó, không thể cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú được.
Về hành vi lạm dụng quy định hộ khẩu để hạn chế các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì rất khác nhau, lại diễn ra ở các ngành, lĩnh vực nên khó có thể liệt kê hết được. Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định trên, đồng thời bổ sung thêm nội dung: “Chính phủ chỉ đạo cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu để tự mình hoặc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”
Luật cư trú đã được QH thông qua với sự tán thành của 409 đại biểu (83.13%)
Quy định rạch ròi về nguồn vốn, có thể gây vỡ đê
Về dự Luật đê điều, có đại biểu đề nghị cần quy định rõ ngân sách trung ương đầu tư cho những tuyến đê nào và ngân sách địa phương đầu tư cho những tuyến đê nào để dễ thực hiện, vì quy định việc đầu tư ngân sách theo cấp đê như dự luật là chưa rõ ràng và trùng lặp, khó khả thi.
UBTVQH nhận định: Việc đầu tư cho đê điều cần huy động từ nhiều nguồn, không nên phân định rạch ròi vốn trung ương và vốn địa phương.
Nếu quy định cứng nguồn vốn trung ương chỉ đầu tư cho đê cấp đặc biệt, cấp I, II, III thì nhiều địa phương nghèo đang gặp khó khăn không có đủ điều kiện để xây dựng, tu bổ đối với đê cấp IV, V.
Hơn nữa, nếu quy định ngược lại ngân sách địa phương chỉ đầu tư cho đê cấp IV, V thì có thể dẫn đến nguy cơ vỡ đê khi trung ương chưa huy động đủ nguồn kinh phí, thậm chí khi đó một số địa phương có khả năng nhưng không được pháp luật cho phép đầu tư và coi đó là trách nhiệm của trung ương. Thực tế hiện nay nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng, tu bổ đê điều cho mọi cấp đê đều do địa phương quản lý và làm chủ đầu tư.
Về vấn đề sử dụng bãi sông, có ý kiến đề nghị cấm xây dựng tất cả các loại công trình ngoài bãi sông, ý kiến khác đề nghị hạn chế việc cho phép xây dựng công trình ở bãi sông theo hướng không được xây dựng nhà ở.
Theo nhìn nhận của UBTVQH, đây là vấn đề phức tạp. Quỹ đất của các địa phương hiện nay không nhiều. Nếu không cho xây dựng thì không tận dụng triệt để quỹ đất để giải quyết vấn đề di dời dân cư, hạn chế các dự án đầu tư, rất khó thu hút vốn để kè cứng hiện đại hoá 2 bờ sông đi qua đô thị. Nếu cho xây dựng tất cả các loại công trình thì lại làm tăng số người chịu rủi ro khi có lũ. Vì vậy dự luật quy định việc xây dựng các công trình ở bãi sông cần phải theo dự án đầu tư và quy hoạch; đồng thời đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn cho công trình, đê điều và khả năng thoát lũ.
Luật đê điều đã được QH thông qua với 82.52% đại biểu tán thành
-
Đỗ Minh