(VietNamNet)- Hai dự luật đầu tiên được QH biểu quyết thông qua trong ngày hôm nay là dự Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và dự Luật bình đẳng giới
Một đại biểu Quốc hội nữ đóng góp ý kiến |
Vì sao phải cung ứng lao động qua môi giới?
Dự luật đầu tiên trình QH thông qua trong ngày hôm nay (21/11) là dự Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trước đó một số đại biểu đề nghị dự luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ QH (UBTVQH) cho rằng, hiện nay lao động Việt Nam là việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như làm việc trong các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân khác có thuê và sử dụng người lao động ở Việt Nam đã được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động
Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm đó là tiền môi giới, một số đại biểu băn khoăn tại sao doanh nghiệp lại không được trực tiếp ký hợp đồng cung ứng lao động mà phải thông qua môi giới? Ngoài ra có ý kiến đề nghị quy định rõ lượng tiền môi giới và thông báo công khai đối với người lao động
UBTVQH lý giải: Việc ký hợp đồng cung ứng lao động trực tiếp là mong mỏi của hầu hết doanh nghiệp, Nhà nước cũng khuyến khích. Nhưng thực tế tại các nước tiếp nhận lao động, chủ sử dụng lao động thường rất khó khăn trong tìm gặp doanh nghiệp cung ứng lao động và ngược lại. Bên cạnh đó, các công ty môi giới rất phát triển và hoạt động theo quy định của nước sở tại. Vì vậy để có hợp đồng, các doanh nghiệp cung ứng lao động (trong đó có doanh nghiệp Việt Nam) phải thông qua các công ty môi giới
Về tiền môi giới, thường thì người lao động phải chịu khoản tiền này. Tuy nhiên đối với một số thị trường hoặc một số hợp đồng cụ thể nếu tiền môi giới cao mà thu nhập người lao động tại nước ngoài thấp thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ đạo để doanh nghiệp phải chịu một phần tiền này. Ngoài ra người lao động cũng có thể thoả thuận với doanh nghiệp về khoản tiền môi giới, vì vậy không thể định rõ mức tiền môi giới trong dự luật. Mức tiền này sẽ được ghi cụ thể trong hợp đồng.
Luật đã được QH thông qua với sự tán thành của 400 đại biểu (81.3%)
Lãnh đạo nữ- một biểu hiện của bình đẳng giới
Dự luật tiếp theo trình QH là dự Luật bình đẳng giới
Tại phiên thảo luật về dự luật này, có đại biểu đề nghị phải quy định tỷ lệ nữ cụ thể để có mục tiêu, cơ sở phấn đấu. Có thể quy định nếu đơn vị có 30% lao động nữ thì có ít nhất 1 lãnh đạo là nữ.
Về điều này, UBTVQH cho rằng việc có một tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu QH, Hội đồng nhân dân và giữ chức danh lãnh đạo trong cơ quan nhà nước là cần thiết, bảo đảm cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào việc quản lý nhà nước.Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tính khả thi, dự luật chỉ quy định có tính nguyên tắc, trong quá trình thực hiện và xử lý cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác định cụ thể tỉ lệ nam nữ phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đối với tỉ lệ nữ tham gia QH, Hội đồng nhân dân thì trong từng cuộc bầu cử, UBTVQH và các cơ quan hữu quan sẽ có sự điều chỉnh.
Luật Bình đẳng giới đã được QH thông qua với 72.97% đại biểu tán thành
Trong hôm nay và ngày mai (22.11), QH đã và sẽ tiếp tục biểu quyết thông qua các dự luật: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật dạy nghề; Luật thể dục, thể thao; Luật quản lý thuế; Luật đê điều; Luật chuyển giao công nghệ; Luật cư trú và Luật công chứng.
-
Đỗ Minh