(VietNamNet) - Từ quyết định của Thủ tướng: Chọn vang Đà Lạt đãi khách quý đến từ các nền kinh tế APEC thay vì dùng rượu ngoại, tác giả Nguyễn Trung tin tưởng trong một tương lai không xa, nhiều sản phẩm tưởng chừng ... vô danh của Việt Nam sẽ được "chắp cánh" để khẳng định chất lượng cũng như gây dựng thành công thương hiệu "Việt Nam đồng nghĩa với chất lượng cao" trên toàn thế giới.
Dưới đây là bài viết của tác giả Nguyễn Trung
Đ
ược biết có ý kiến trình đi trình lại, song cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn quyết: Không mua rượu ngoại, rượu để đãi khách quý APEC là vang Đà Lạt!Quyết định này, một chi tiết rất nhỏ trong quá trình chuẩn bị Hội nghị cấp cao APEC 14, rồi đây tự nó sẽ toát lên ý nghĩa của nó đối với cuộc sống. Còn với vang Đà Lạt, quyết định này được xem là lời thách đấu: Tồn tại hay không tồn tại?!
"Chiếc găng trắng" đã quăng xuống đất, lời thách đấu được vang Đà Lạt chấp nhận. Ngày và đêm, vang Đà Lạt từ cả năm nay, từ nhiều tháng nay không từ một cố gắng nào dù là nhỏ nhất hay khó nhất - ở từng khâu sản xuất của từng người trong toàn bộ dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp - để quyết tâm đưa đến Hội nghị cấp cao APEC sản phẩm chất lượng nhất để đãi khách quý của quốc gia. “Tồn tại hay không tồn tại!?”. Rồi đây khách quý sẽ đánh giá.
Đã từng có “duyên” được uống vang Đà Lạt, mua từ siêu thị về, tôi có niềm tin: Khách quý sẽ hài lòng! APEC chiếm 47% dân số, hơn 55% GDP và 50% thương mại thế giới, cho nên nếu vang Đà Lạt được những người đứng đầu 21 quốc gia APEC chấp nhận, cũng có nghĩa từ đây, vang Đà Lạt sẽ trở thành một thương hiệu có giá trong thị trường WTO. Từ vang Đà lạt có chất lượng cao nếu được khách quý APEC chấp nhận, sẽ có một lời giải loé sáng cho nhiều câu hỏi khác liên quan đến câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?” khi đi vào thị trường thế giới.
Cũng là đồ uống, vang Đà Lạt chất lượng cao thì có cơ may tồn tại và phát triển, còn nếu đi vào con đường “làm theo” ra vang Bordeaux hay vang California thì có bỏ công của ra gấp 5 - 10 lần nhưng sản phẩm chính quốc sẽ vẫn mãi mãi tụt hậu, phá sản cầm chắc trong tay! Kẽ lách cho những nước đi sau là thế!
Thêm một tin vui trong những ngày này: Trái cây thanh long của hợp tác xã Hà Minh (Bình Thuận) vừa mới được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn xuất vào thị trường các nước EU. Vang Đà Lạt và thanh long Hà Minh chỉ là 2 sản phẩm của một quốc gia nghèo, nhưng đang hé mở ra một chân trời mới: Hôm nay mới chỉ là những sản phẩm khiêm tốn, nhưng nhất thiết phải có kẽ lách và chất lượng cao. Tin rằng trong nay mai, đây sẽ là những sản phẩm ngày một cao cấp hơn, nhiều hàm lượng công nghệ và chất xám hơn. Chất lượng cao từ đào tạo con người cho đến thể chế điều hành quản lý đất nước. Chất lượng cao trong đối nhân xử thế với cả thế giới. Tất cả nhằm làm ra ngày một nhiều những sản phẩm chất lượng cao đưa vào thị trường thế giới, để đem về phồn vinh cho đất nước. Ngày một ngày hai cứ như thế tích tụ lại, để sẽ làm nên sản phẩm cao quý nhất, chất lượng cao nhất: Việt Nam đồng nghĩa với chữ tín!
Hôm qua khi còn mất nước, nhân dân ta đã không từ một hy sinh nào với khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm!”. Hôm nay, vì sự nghiệp chấn hưng đất nước, lẽ nào mỗi người dân Việt Nam ta không mang hết tâm trí và nghị lực làm cho hai tiếng Việt Nam trên thế giới đồng nghĩa với chất lượng cao!?
Nếu trong câu truyện cổ ngày xưa lời thần chú để mở cửa đi vào kho báu là “Vừng ơi vừng, mở cửa ra!..”, thì ngày nay, bí quyết cho chúng ta đi vào thị trường thế giới là: "Hàng Việt Nam chất lượng cao! Vietnam = High quality!"
Việt Nam = Chất lượng cao! Tại sao không?
-
Nguyễn Trung
Ý kiến của bạn: