(VietNamNet) - Sổ hộ khẩu sẽ vẫn được sử dụng để quản lý cư trú của công dân, ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ QH được hầu hết đại biểu tán thành tại phiên thảo luận chiều 20/10 về dự thảo Luật Cư trú. Song, đằng sau sự đồng thuận, đại biểu QH vẫn rất lo lắng nếu không ngăn ngừa được tình trạng lạm dụng hộ khẩu, gây phiễn nhiễu cho người dân.
Làm thủ tục hộ khẩu ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải |
Quá nhiều thứ ăn theo hộ khẩu
Các ý kiến đại biểu đều cho rằng, trong tình hình thực tế hiện nay, việc quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu vẫn phù hợp do chưa có mô hình khả thi nào để quản lý con người theo phương thức mới. Song, Đại biểu Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam), kiến nghị, phải rà soát lại các văn bản có quy định liên quan đến hộ khẩu, tức cắt đi những phần ăn theo nó. Con số này lên tới hơn 400 văn bản. Để người dân bớt khổ xung quanh chuyện hộ khẩu, cũng cần có những chế tài đủ mạnh và cụ thể nhằm răn đe, xử lý các hành vi lạm dụng sổ hộ khẩu.
Vì sao có quá nhiều văn bản ăn theo như vậy? Theo đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM), đó là do sự "tiện thể".
"Có lẽ, do lâu nay chúng ta không ngăn chặn, nó tiện thể, cho nên người ta cứ dùng. Riêng con số của Bộ Công an cho thấy có 6 luật đề cập đến hộ khẩu, liên quan đến hộ khẩu. Khi chúng ta đưa hộ khẩu vào như một điều kiện để thực hiện quyền nào đó thì QH đã cân nhắc kỹ chưa? Tôi đề nghị, phải chăng trong luật này phải có một điều rằng ai, cơ quan nào, bản thân QH, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ hay các Bộ... có quyền cho phép một việc nào đó được sử dụng hộ khẩu như một điều kiện hay không?", ông Lộc góp ý.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Dung (An Giang), e ngại rằng chế tài như trong dự thảo Luật chưa có đủ mạnh để ngăn cản các trường hợp lạm dụng sổ hộ khẩu.
Đại biểu Lê Quốc Trung (Bình Thuận) cũng đồng tình với ý kiến trên và nhận xét, quy định tại Điều 9, Khoản 2 chế tài về lạm dụng sổ hộ khẩu "không chặt chẽ và không đủ". Ông nói: "Thế nào là lạm dụng, vì từ này không có một định lượng rõ ràng; người ta có thể hiểu như thế nào cũng được và vận dụng thế nào cũng được. Ví như, bây giờ dùng hộ khẩu để tính lũy tiến cho tiền điện, tính lũy tiến cho tiền nước, thì có phải là lạm dụng hay không? Những cái này phải có quy định rõ ràng. Nếu để chặt chẽ hơn, nên cấm việc sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú".
Điển hình như, có xã muốn người dân làm việc gì đó thì thu giữ hộ khẩu của các hộ dân, khi nào họ làm xong các nghĩa vụ đó mới trả lại hộ khẩu. Tâm lý người dân cứ nói đến sổ hộ khẩu là sợ. Đại biểu Nguyễn Thị Thảnh (Hưng Yên) phát biểu, thực ra, họ chẳng sợ sổ hộ khẩu mà sợ quy định, sợ những cơ quan, những người thực hiện nó có nhiều rườm rà, phiền nhiễu.
Cũng chính vì những bất lợi trên, một số đại biểu vẫn kiến nghị nên thay sổ hộ khẩu bằng thẻ cư trú. H' Luộc NTơr - một đại biểu ở vùng sâu, vùng xa (Đăk Lăk) kiến nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, thay vào đó là quản lý công dân bằng thẻ cư trú. Sở dĩ ông đề xuất như vậy vì hiện ngành công an đã có đề án thực hiện cấp và quản lý chung chứng minh nhân dân điện tử, được Chính phủ phê duyệt. Do vậy, đề nghị tích hợp các nội dung dữ liệu về vấn đề cư trú của công dân vào quản lý chung cùng với chứng minh nhân dân điện tử, tránh việc đi lại của công dân nhiều lần, tránh tốn kém, lãng phí Ngân sách Nhà nước trong việc giải quyết cư trú của công dân.
Rắc rối về cư trú, tạm trú, lưu trú
Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long), nhận xét, hiện vấn đề cư trú, tạm trú, lưu trú ở nhiều địa phương hết sức phức tạp. Một số bộ phận nhân dân cư trú, ở không đăng ký kéo dài thời gian, thậm chí những cơ quan chức năng ở địa phương phải nhập hộ khẩu cho họ. Hoặc lưu trú, tạm trú là không rõ thời gian nào, ở mãi, do đó nhiều vấn đề về quyền lợi ở địa phương những hộ này không được hưởng, đồng thời điều tra dân số một số địa phương đúng là cũng không nắm chặt.
"Cư trú là một trong những vấn đề hiện nay cử tri quan tâm nhất. Từ chỗ ta bó quá, bây giờ qua Dự thảo Luật này thì ta lại thấy nó thoáng quá. Thoáng đến mức là sẽ rất khó khăn trong quá trình quản lý ở các địa phương. Thoáng nhưng không đảm bảo nguyên tắc", đại biểu Nguyễn Bá Thanh (TP.Đà Nẵng), bức xúc.
Hấu hết các ý kiến đóng góp đều tập trung vào Điều 21 liên quan đến đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc TƯ. Ông Thanh đồng ý, nếu cho phép người dân trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc TƯ, nay trở về đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình thì được, song, trường hợp chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nếu không, họ cứ nhận đăng ký cho hàng chục người không công ăn việc làm vào thì TP quản sao nổi?
"1h đêm tôi đã từng đến một khu phố ở những chỗ họ tạm trú, diện tích chỉ hơn 20m2 mà 18 người nằm, xếp gối lung tung với nhau như thế, ăn ở với nhau kiểu đó thì làm sao?", ông Thanh nói.
"Cho nên, TP. Đà Nẵng 9 năm nay không phân biệt là anh ở Đà Nẵng mới được mua đất, mua nhà. Bất kể công dân Việt Nam nào muốn mua thì mua. Tôi lấy cái đó làm gốc, anh có chỗ ở thì tôi cho anh nhập hộ khẩu, anh có việc làm thì tôi cho anh nhập hộ khẩu, chứ không phải ngược lại là anh có hộ khẩu thì chúng tôi mới giải quyết nhà, giải quyết đất. 9 năm nay, việc này giải quyết rất bình thường. Giờ nếu tính cho ở nhờ, đồng ý ở nhờ, rồi bây giờ lại thảo luận là có được người chủ đó đồng ý hay không, thảo luận sôi nổi thì nhiều lúc tôi cũng không hiểu nổi nữa".
Đại biểu Phan Anh Minh (TP.HCM) chia sẻ với ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh là: "dứt khoát vào nhà người khác phải được chủ nhà đồng ý, đó là đồng ý về nội dung về việc cho ở nhờ, cho thuê, cho mượn. Nhưng giải trình của Ủy ban Thường vụ QH thì lại đồng ý cho đăng ký hộ khẩu, tôi cho rằng chúng ta lẫn lộn giữa hai khái niệm. Một khái niệm là quyền năng dân sự về việc sử dụng chỗ ở mà tôi đã được chủ nhà đồng ý, còn việc đăng ký thường trú là nghĩa vụ của công dân với cơ quan Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về việc quản lý cư trú".
Ngoài ra, ông Minh cũng phân vân xung quanh việc chúng ta dùng hộ khẩu để điều tiết cư trú vào các thành phố lớn, trong khi kết cấu hạ tầng và phúc lợi xã hội không đáp ứng được số lượng lớn người nhập cư. Trên thực tế, những người cư trú không có điều kiện vẫn đang ở tại các thành phố, chúng ta giải quyết bằng cách cấp sổ tạm trú cho họ theo tinh thần dự luật. Song, sổ tạm trú lại gây ra chuyện không chỉ làm khổ cho người dân mà còn làm khổ cho người được giao chức trách quản lý.
"Tôi nhiều khi hết sức áy náy khi mình không duyệt cho một trường hợp nào được đăng ký thường trú mà mình biết chắc rằng, con em họ sẽ khó khăn trong việc học hành, chữa bệnh, còn họ sẽ không đi đâu mà vẫn tiếp tục cư trú tại thành phố", ông Minh nói.
-
Hà Yên
Ý kiến của bạn: