(VietNamNet) - ĐB Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM trả lời PV riêng VietNamNet. Những câu trả lời của ông có lẽ - cũng là lời tâm sự của một "mắt xích" trong hệ thống - về những "sự khó" của cải cách hành chính (CCHC).
Nên tránh nói nhiều
- Như ý kiến một đại biểu cho rằng, cứ Quốc hội phê chuẩn một văn bản mới lại có thêm một bộ phận hành chính ra đời, bộ máy hành chính sẽ ngày càng cồng kềnh? Vậy có cách nào để chúng ta tinh giản biên chế hay không?
- Đúng là hiện nay bộ máy hành chính của chúng ta rất nặng nề, nhiều tầng nhiều nấc. Cán bộ thì nhiều, tất nhiên nhiều cán bộ mà làm việc nhiều thì cũng tốt, nhưng mà cái hiện nay chúng ta đang quan tâm là thủ tục nhiêu khê quá, làm lâu quá, người dân tiến hành các thủ tục vất vả quá. Khâu quan trọng nhất là phải tiến hành cải cách hành chính, phải làm thật, làm triệt để. Nếu chỉ nói nửa vời như cử tri bức xúc họ nêu hoặc cán bộ bức xúc nói ra mà cuối cùng không ai giải quyết, không ai làm... thì đúng là hiện nay chúng ta đang vấp phải.
- Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần ra chỉ thị rằng công chức nhà nước không được nhũng nhiễu dân, không được làm phiền DN. Nhưng xem ra, biện pháp này chưa được thực hiện triệt để, thưa ông? Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc này như thế nào?
- Tôi cho rằng trước hết là do việc chỉ đạo chưa kiên quyết, chỉ đạo chưa tới nơi tới chốn. Ai là người chỉ đạo? Ai cũng nói phải cải cách hệ thống chính trị nhưng ai là người phác thảo, ai là người triển khai và ai là người tổ chức thực hiện? Nên tránh nói nhiều, làm được bao nhiêu giờ ai là người đánh giá một cách nghiêm túc?
Nói về bức xúc thì nói nhiều. Dân bức xúc kêu, cán bộ bức xúc cũng kêu, cuối cùng thì cả cơ chế chúng ta kêu, cuối cùng ai là người phác thảo để thực hiện cải cách hành chính?
Chỉ thị của Thủ tướng mới dừng ở kêu gọi
- Như vậy thì có lẽ chăng chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ chưa được các địa phương thực hiện, hoặc không được coi trọng?
- Bởi vì chúng ta không có chế tài. Có chế tài mới kỷ luật, kiểm điểm nơi làm sai được. Hiện chỉ thị của Thủ tướng cũng chỉ dừng ở kêu gọi thôi, và địa phương nào tự nguyện làm thì làm. Như vậy, phải có chế tài mới cách chức được. Thiếu chế tài nên thiếu đánh giá, kiểm tra, tức là khâu tổ chức, chỉ đạo của mình chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ.
- Khi ông đi tiếp xúc cử tri, thì trong vấn đề thủ tục hành chính, người dân kêu ở khâu nào nhất?
- Dân họ kêu nhiều hiện nay liên quan đến các thủ tục, các dự án đầu tư, thu hồi đất... trong đó, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... là vấn đề người dân kêu nặng nề nhất. Tôi cho rằng trước hết là giá đền bù thấp, nhưng người ta kêu nhiều đến cách tổ chức thực hiện của mình không bằng, thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, chưa công khai. Rồi ngay cả xây dựng nhà tái định cư, khu di dân rất ọp ẹp, chất lượng kém. Trong khi đó, Nghị quyết của Đảng thì nhấn mạnh rằng phải lo cho dân tái định cư có chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ, giờ trên thực tế chỉ là lý thuyết. Điều này làm người dân bất mãn ghê lắm.
Thứ hai, quá trình tổ chức thực hiện, các dự án đầu tư thường hạch toán về tiền, chưa ai tính toán đầy đủ đến nguồn nhân lực, lao động ở nông thôn, không tạo cho người ta cái nghề để khi mở ra khu công nghiệp, khu dân cư, thì chính số dân này bổ sung lao động cho họ. Các DN tuyển dụng phải là lao động học xong 12, học trung cấp... còn người nông dân bị loại. Điều này tạo ra một tầng lớp thoát ly, ly hương dồn về các đô thị, làm cho tình hình đô thị trở nên bất cập.
-
Hà Yên (thực hiện)