(VietNamNet) - Sáng 21/4 tại Hội trường, các đại biểu đã tham gia thảo luận và biểu quyết một số vấn đề liên quan đến việc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) khóa X. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thay mặt Đoàn chủ tịch điều khiển phiên họp.
Chỉ bầu uỷ viên dự khuyết tại Trung ương
Mở đầu, Trưởng ban tổ chức TƯ, ông Trần Đình Hoan trình bày Báo cáo về một số vấn đề trong Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi liên quan đến bầu cử BCH TƯ khóa X. Theo đó, từ Đại hội VII đến nay, không quy định bầu ủy viên dự khuyết ở tất cả các cấp. Xuất phát từ yêu cầu đào tạo cán bộ trẻ, BCHTƯ khóa IX đề nghị bầu ủy viên TƯ dự khuyết ở cấp TƯ, không yêu cầu bầu từ cấp tỉnh trở xuống. Ông thông báo là BCH khóa IX đã đồng ý với phương án này.
Trước khi diễn ra phần biểu quyết, ông Trần Đức Lương thay mặt Đoàn Chủ tịch giải đáp một số ý kiến xoay quanh vấn đề giữa Ủy viên dự khuyết và Ủy viên chính thức.
Một số ý kiến khác liên quan đến việc giao cho BCH TƯ xem xét việc tuyển các Ủy viên dự khuyết…
Ông Trần Đức Lương chốt lại: "Đại hội giao cho BCH TƯ xem xét việc lựa chọn những Ủy viên dự khuyết có đủ điều kiện để thay thế Ủy viên chính thức khi cần. Tôi cho rằng đề nghị này là xác đáng và đề nghị cho tiếp thu, bởi vì đây là sửa trong điều lệ thì không chỉ cho khóa X mà cho cả các khóa tiếp theo nữa".
Quang cảnh Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Giới thiệu Tổng Bí thư: Bỏ phiếu kín tại hội trường?
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư có tờ trình tiếp thu và giải trình các ý kiến đại biểu tham gia vào Dự thảo Quy chế bầu cử BCH TƯ Đảng khóa X. Đáng chú ý trong đó là Điều 12, về giới thiệu chức danh Tổng Bí thư.
Các phiếu giới thiệu Tổng Bí thư đã phản ảnh: Có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định này, có ý kiến cho rằng phiếu giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư nên thực hiện ở Đoàn; ý kiến khác lại cho rằng nên giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư ở Hội trường bằng phiếu kín; có ý kiến cho rằng lấy ý kiến giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư ở Đại hội là cơ sở để BCH TƯ khóa X bầu chứ không phải để tham khảo; Có ý kiến cho rằng bầu xong Bộ Chính trị mới đến tiến hành giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị; Có kiến nghị đưa dự thảo quy chế bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra TƯ để Đại hội biết; Có ý kiến đề nghị Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư.
Đoàn Chủ tịch phân tích: trong quy chế làm việc của Đại hội đã được thông qua có quy định lấy phiếu giới thiệu của đại biểu Đại hội về nhân sự Tổng Bí thư khóa X chọn trong số các ủy viên TƯ chính thức vừa trúng cử, cách làm này đã được thực hiện tại Đại hội IX. Quy chế bầu cử các cơ quan lãnh đạo và các chức danh lãnh đạo của BCH TƯ khóa X sẽ được thông qua tại hội nghị lần thứ I, BCH TƯ khóa X.
Việc Đại hội bầu Tổng Bí thư là vấn đề lớn và hệ trọng cần được nghiên cứu kỹ, nếu các cơ quan lãnh đạo và các chức danh lãnh đạo của BCH TƯ đều do Đại hội bầu thì trách nhiệm quyền hạn và mối quan hệ của các cơ quan và chức danh trên sẽ thay đổi, hiện nay chúng ta chưa nghiên cứu đầy đủ vấn đề này, vì vậy Đoàn Chủ tịch đề nghị cho giữ như dự thảo.
Đoàn Chủ tịch đề nghị tiếp thu ý kiến và sửa câu “lấy ý kiến đại biểu Đại hội giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư bằng phiếu kín tại hội trường, chọn trong số các Ủy viên TƯ chính thức vừa trúng cử làm cơ sở để BCH TƯ khóa X bầu Tổng Bí thư”.
Đại hội thông qua quy chế bầu cử, số lượng ủy viên TƯ.
Nên linh động... một hai tuổi với những người có năng lực
Bỏ phiếu kín để bầu ra ban kiểm phiếu gồm 9 người. Tổng số đại biểu được triệu tập là 1178 người. Tổng số đại biểu được biểu quyết công nhận tư cách 1176. Số phiếu 1176, thu về 1168. Phiếu trắng 3 phiếu. ý kiến khác 17 phiếu. Đồng ý bổ sung ủy viên dự khuyết. Chính thức và dự khuyết do Đại hội quyết. BCH điều chuyển là 1068, chiếm đa số. |
Khi cho ý kiến thông qua quy chế bầu cử, nhiều đại biểu thắc mắc về thời gian thông báo ứng cử, đề cử. Người được đề cử phải có lí lịch, kê khai tà sản trước Đại hội 15 ngày. Việc này không thể làm được do thống báo gấp quá.
(Quy định ngặt nghèo về đề cử, tự ứng cử trong lúc công văn ra chậm khiến các Đảng viên ít có cơ hội tham gia thực hiện không chỉ là thắc mắc của Đảng viên tại Hội trường này)
Ông Trần Đình Hoan thừa nhận là Công văn 469 ra chậm. "Nếu được sớm thì tốt hơn, có người kịp, có người không kịp nhưng cũng phải ghi vào để đảm bảo quyền lợi và đã có người làm được" - ông nói.
"Quá trình này cũng đã được thảo luận nhiều lần. Nếu không ghi thì không phát huy hiết quyền đảng viên. Nhưng để làm được phải có Công văn 469 và nếu làm khẩn trương cũng sẽ đề cử thành công". Ông nói.
Có một số ý kiến phân vân về quy định tuổi. Họ nói rằng không nên lấy tuổi là căn cứ duy nhất bầu vào BCH TƯ mà phải lấy cả tiêu chuẩn năng lực. Có ĐB dẫn chứng: Có thứ trưởng ở bộ tôi còn rất sung sức nhưng không có tên trong nhân sự dự kiến vào TƯ vì quy định tuổi. Có ĐB đề nghị Đại hội linh động một hai tuổi với nhân sự vào TƯ.
Vấn đề tuổi ủy viên TƯ được ông Đào Duy Quát nói rất kỹ. Ông nói, hiện ở TƯ, có người 67 - 68 tuổi nhưng năng lực vẫn tốt và người được thay chưa chắc đã tốt bằng thì nên giữ.
Đại biểu Đoàn Quốc Anh (khối cơ quan nội chính TƯ) nói: "Không nhất thiết quy định về độ tuổi. Đây là vấn đề được bàn từ nhiều đại hội trước. Đại hội này ta bỏ phiếu hoặc biểu quyết. Nếu Đại hội này là trí tuệ sáng tạo thì nên làm điều này làm tiền lệ cho các đại hội sau".
Chủ tịch Trần Đức Lương chủ trì thảo luận quy chế bầu cử đã thống nhất một số điểm và xin ý kiến đại hội biểu quyết thông qua bằng hình thức giơ thẻ Đảng viên.
Do còn ý kiến khác nên ông Trần Đức Lương đề nghị Đại hội biểu quyết. Đại hội biểu quyết giơ thẻ đảng viên: Toàn thể đại hội nhất trí thông qua Điều 6 (về Ủy viên chính thức và dự khuyết).
Đại hội biểu quyết thông qua quy chế bầu cử: Đại hội nhất trí cao thông qua quy chế bầu cử.
Đại hội biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Trung ương chính thức là 160 người.
Đại hội biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên dự khuyết là 25 người.
-
Đỗ Minh - Phạm Tuấn (ghi)