221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
787842
Nên để đại hội bầu trực tiếp tổng bí thư
1
Article
null
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đức Tâm:
Nên để đại hội bầu trực tiếp tổng bí thư
,

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, bí thư T.Ư Đảng, trưởng Ban Tổ chức T.Ư - ông Nguyễn Đức Tâm nói:

Ông Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: TTO

- Điều tôi quan tâm nhất ở đại hội (ĐH) này là vấn đề con người. Vì từ việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách cho tới thực hiện đều từ con người mà ra. Đường lối, chính sách đúng mà con người không tốt thì cũng không thực hiện được.

Nhưng có khi đường lối, chính sách còn khiếm khuyết, thiếu sót song có con người tốt, có năng lực thì đường lối, chính sách sẽ lại được bổ sung hoàn thiện trong quá trình đi vào cuộc sống.

* Nhưng làm cách nào để tìm được con người tốt, thưa ông?

- Phải có qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Đã đưa vào qui hoạch rồi thì phải theo dõi để phát huy cái tích cực, hạn chế cái khiếm khuyết, thường xuyên kiểm tra giám sát. Làm qui hoạch con người thì không nên nói vị trí nào trước cả. Thậm chí người ta còn luân chuyển trong thời gian dự bị, đưa về vị trí này một thời gian, vị trí khác một thời gian. Đào tạo toàn diện, coi anh nào có khả năng ở chỗ nào thì bổ nhiệm.

* Vấn đề ở đây là cách làm chứ chúng ta đâu có thiếu người tài, một vị trí vẫn có thể tìm được nhiều người và khi đó sẽ tạo sự cạnh tranh, động lực rèn luyện, phấn đấu giữa những ứng viên với nhau...

Dân thật sự có dân chủ thì dân sẽ phát hiện được rất nhiều vấn đề, như vấn đề tham nhũng. Thật ra trong Đảng có phát hiện được cũng là rất cá biệt, mà hầu hết vẫn là do dân phát hiện. Việc “mua quan, bán chức” hiện nay diễn ra khá phổ biến, một chức nhỏ thôi cũng mất hàng trăm triệu đồng, chức càng to thì tiền càng lớn.

Bỏ tiền ra, được chức rồi thì phải thu tiền lại, mà không phải thu để hòa vốn đâu mà tất phải có lãi, lãi ít còn phải lãi nhiều hơn, càng nhiều càng tốt. Do đó phải triệt ngay tệ nạn này. Không triệt mà chỉ hô hào chung chung thì cũng khó lòng đánh lùi tệ tham nhũng.

(Trích thư góp ý kiến ĐH X của ông Nguyễn Đức Tâm)

- Quan điểm của tôi vẫn là đào tạo chung những người có năng lực. Rồi tùy tình hình mà bổ nhiệm theo khả năng thích hợp. Còn qui hoạch theo chức danh rõ ràng thì dễ bị gây chuyện ganh đua, chèn ép nhau, phát sinh tiêu cực. Còn tất nhiên người làm qui hoạch cũng đã ngắm nghía ai vào chức danh nào rồi.

* Thời ông làm tổ chức có nạn chạy chức, chạy quyền không?

- Hồi đó cán bộ không mấy ai đặt nặng chuyện bổng lộc. Nhưng bọn tham ô tất nhiên cũng có, mặc dù giá trị có thể không lớn nhưng những vụ tham ô sẽ tác động mạnh đến tinh thần xã hội. Còn bây giờ thì ảnh hưởng tới cái gì người ta cũng mặc kệ, họ chỉ biết cần tiền! Làm cái nhà thì họ rút bớt ximăng; làm cọc bêtông thì chêm cọc tre thay trụ sắt; làm đường thì ăn bớt nhựa...

* Thế còn biếu xén, quà cáp hồi đó thì sao, thưa ông?

- Đi địa phương, thỉnh thoảng chỗ này chỗ khác cho cân đậu, cân gạo. Nhưng mà thường tôi không nhận vì khi nhận chút quà là dễ bị tình cảm chi phối.

Trong cuộc sống cũng như công tác, thiện cảm giữa cá nhân với nhau tất nhiên phải có nhưng không thể ảnh hưởng đến việc cất nhắc, đề bạt. Tôi vào Phan Thiết, các anh chị gửi cho vài chai nước mắm cũng không dám nhận.

* Đó là nguyên tắc cá nhân của ông hay nguyên tắc của người làm công tác tổ chức?

- Cá nhân thôi. Vẫn có người vẫn nhận đấy. Mà nhận thì dễ quen lắm.

* Công tác cán bộ hiện nay đang tồn tại cái gọi là “chủ nghĩa thân quen”. Tức là những người thuộc êkip, bà con thân thích thì dễ được đưa vào bộ máy. Ông nghĩ sao?

- PMU 18 là một ví dụ, họ đưa cả họ hàng, người thân vào đấy. Hơn thế, một số người cấp trên còn gửi gắm cả người của mình vào. Thế là chằng chéo nhau, khi vụ việc vỡ lở là bao nhiêu người có liên quan...

* Nhưng bây giờ cũng không hẳn lộ liễu đưa người của mình vào cơ quan, đơn vị mình mà biến tướng theo kiểu tôi giới thiệu, tiếp nhận con em anh; anh giới thiệu, tiếp nhận con em tôi...

- Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít vụ việc thối nát kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện. Thậm chí phát hiện ra được nhưng còn bao che bởi xử lý nó cũng là xử lý mình.

* Và một thực tế khác: những người xuê xoa, ít va chạm, thiếu đấu tranh, tỏ ra hiền lành thì dễ được cất nhắc. Ngược lại ai mặc dù làm tốt nhưng thẳng thắn, không ngại đấu tranh thì không được chú ý, khó cất nhắc...

- Trước kia cũng có chuyện đó. Những anh hiền lành thường vào ĐH luôn được phiếu cao. Đó không phải nguyên tắc nhưng thói quen nó cứ tự vận hành như thế. Thời tôi làm bí thư tỉnh ủy, có một đồng chí phó chủ tịch ủy ban cũng cùng được bầu. Đồng chí ấy hiền lành, được 100% phiếu. Tôi thì vẫn vào, nhưng thua 5 phiếu. Lý do là trong quá trình làm tôi đấu tranh, phê bình, kỷ luật người nọ người kia... Những người có ý thức thì hiểu nhau; người không có ý thức thì không thích mình.

* Cho nên có ý kiến đề nghị phải công khai danh sách tất cả ứng cử viên trước khi bầu vào cấp ủy, kể cả vào ban chấp hành trung ương, thậm chí công khai cả ứng cử viên tổng bí thư bởi Đảng là Đảng của dân, việc của Đảng cũng là việc của dân. Quan điểm của ông thế nào?

- Vậy thì tốt chứ sao! Việc này ta chưa làm bao giờ nhưng tôi nghĩ nên làm. Chọn được người tốt thì dân sẽ an tâm; chọn người chưa tốt thì dân sẽ có ý kiến. Dù thế nào cũng đều tốt cả. Ai ăn ở ra sao, đi lại thế nào, có “ăn” hay không, quà cáp thế nào, thích rượu thích chè hay thích phong bì... dân họ biết hết cả đấy. Công khai cho dân là để dân kiểm tra giúp Đảng.

* Theo ông, ĐH Đảng toàn quốc có nên bầu trực tiếp tổng bí thư?

-Hai vị trí tổng bí thư và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nên để ĐH bầu. Bởi Ủy ban Kiểm tra là cơ quan có toàn quyền thay mặt ĐH kiểm tra tất cả cán bộ đảng viên (cấp cao) trong hệ thống, kể cả BCH trung ương và tổng bí thư. Cơ quan này chỉ phục tùng ĐH. Chứ còn nếu BCH trung ương bầu thì quyền năng của cơ quan này vẫn bị hạn chế và phụ thuộc vào BCH T.Ư. Tổng bí thư cũng vậy, nếu được ĐH bầu thì vị thế, mức độ tín nhiệm sẽ cao hơn.

* Xin cảm ơn ông.

Để sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, T.Ư Đảng đã tổ chức Hội nghị T.Ư lần thứ 10 khóa II mở rộng. Tôi lúc đó là phó trưởng Ban Tổ chức trung ương cũng được dự hội nghị này.

Trong hội nghị (kéo dài từ 25-8 đến 24-9-1956), các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị có trách nhiệm về cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức đã kiểm điểm sâu sắc sai lầm của mình: đồng chí Trường Chinh xin rút chức tổng bí thư; các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương xin rút khỏi Bộ Chính trị.
Tối 24-9, Bác Hồ đã tự phê bình, mở đầu bằng câu: “Những khuyết điểm, sai lầm của Bộ Chính trị cũng là của tôi”. Điều này có thể hiểu sâu sắc về nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và người đứng đầu một tổ chức chịu trách nhiệm cao nhất. Sau đó, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bác cũng tự phê bình, cũng là tự phê bình trước quốc dân đồng bào, và Bác rút khăn tay lau nước mắt. Hình ảnh đó in sâu mãi trong tâm trí tôi, không bao giờ quên được.

Việc kiểm điểm sâu sắc khuyết điểm, sai lầm, có biện pháp và quyết tâm sửa chữa đâu có phải làm mất uy tín của Đảng mà thực tế đã nhanh chóng gây được lòng tin của dân đối với Đảng. Không dám nhận khuyết điểm, sai lầm mà còn bao che cho nhau mới tự làm mất lòng tin đối với dân và với đảng viên nói chung.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,