(VietNamNet) - TP HCM vừa bãi bỏ quy định điều tiết 10% quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở tại các dự án kinh doanh nhà để bán lại bằng giá vốn cho thành phố. Còn TP. Hà Nội thì sao?
Người dân phải chịu giá nhà cao vì đâu? |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ từng phản ánh, với thị trường nhà ở đang ''đói'', nhưng chủ đầu tư nhà ở trên địa bàn Hà Nội bị Thành phố ''chặt'' 25%, 25% bán theo giá chỉ đạo, còn lại cho bán theo giá thị trường.
'Như thế là dùng cơ chế hành chính can thiệp vào thị trường! Thất bát không phải chủ đầu tư mà là người mua căn hộ cuối cùng!'', ông Hùng thẳng thắn.
Như vậy, toàn bộ lời lãi mà chủ đầu tư dự án nhà ở tính toán sẽ dồn hết vào 50% quỹ nhà còn lại ''bán theo giá thị trường'', đổ hết lên đầu người mua nhà tự do.
Tổng thư ký Hiệp hội Công thương Hà Nội Vũ Duy Thái cũng có nhận định tương tự: ''Không chỉ Hà Nội và một số nơi khác cũng như thế! Đơn vị xây dựng được giao đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, Nhà nước lấy 20% đất. Còn 25-30% nhà xây xong thành quỹ nhà thành phố, cho tái định cư. 50% còn lại được bán theo giá kinh doanh nên phải cao lên, bù đắp cho tiền hạ tầng, bù đắp cho quỹ nhà giao cho Nhà nước, trả lãi ngân hàng, trả giá vật liệu cao...''
Trước thực tế này, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ khẳng định, tất cả các dự án nhà hiện tại đều được giao đất không thu tiền, nên không có mối liên hệ nào giữa việc điều chỉnh khung giá đất với giá nhà dự án quá cao.
Ông đưa ra 2 ví dụ để minh chứng: Thứ nhất, cùng hạng nhà chung cư, ở Huế bán 4 triệu đồng/m2 sàn, Hà Nội trung bình từ 8-15 triệu đồng/m2. Giá thành xây dựng ở Huế và Hà Nội chắc chắn không khác nhau nhiều, sự chênh lệch ở đây có phải là ''siêu lợi nhuận''?
Thứ hai, hãy làm một phép tính đơn giản: Giá xây dựng nhà trung bình hiện ở mức 2,5 triệu đồng/m2, chẳng hạn với một khu chung cư 1.000m2 xây 10 tầng, tiền sử dụng đất tính cao là 50 triệu đồng/m2 thì mỗi m2 sàn phải chịu 500.000 đồng tiền đất, tổng cộng là 3 triệu đồng/m2. Nhà cao tầng phải đầu tư móng, thang máy... có thể cao hơn chút ít nhưng cũng không thể ở mức 10-15 triệu đồng.
Có thể suy đoán rằng, doanh nghiệp kinh doanh dự án nhà ở không thể ''ôm, hưởng thụ'' khoản siêu lợi nhuận nói trên mà bị chia sẻ bởi quy định điều tiết quỹ nhà, đất của dự án. Không loại trừ có các khoản chi phí trung gian, ''bôi trơn'' khác...
Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cũng nói: ''Tôi khẳng định đầu cơ nhà ở đang có! Nguồn cung quỹ nhà ra thị trường có vấn đề. Nếu ai đó mua hết chung cư bán ra ngoài có chấp nhận được không?''.
Còn theo đề xuất của ông Vũ Duy Thái: ''Tại sao chúng ta lại bỏ quên những yếu tố ấy mà đổ riệt tất cả cho đầu cơ? Đầu cơ thế nào được hàng triệu m2 nhà trên thành phố này? Chúng ta muốn đổ tội cho ''anh vô danh" là đầu cơ là dễ nhưng thiếu phân tích một cách thực tế và khách quan!''.
UBND TP HCM vừa ban hành văn bản 7623, bãi bỏ quy định điều tiết 10% quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở tại các dự án kinh doanh nhà để bán lại bằng giá vốn cho thành phố. Theo giới kinh doanh bất động sản ở TP.HCM, quy định mới này giải tỏa nhiều bức xúc vốn âm ỉ từ 3 năm nay. |
- Văn Tiến