221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
736584
Thêm một "lời hứa" của Bộ trưởng Y tế
1
Article
null
Thêm một 'lời hứa' của Bộ trưởng Y tế
,

(VietNamNet) - Ngoài những vấn đề "muôn thủa" chưa giải quyết nổi như viện phí, bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ cho y bác sĩ vùng cao..., trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến lại có thêm một nhiệm vụ khó khăn nữa.
>> Mời quý vị góp ý về phần chất vấn của Bộ Trưởng Y tế tại đây

Sẽ có "hơn một làng ung thư Thạch Sơn"?

Soạn: AM 630460 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lạng Sơn là người mở đầu chất vấn Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến với bức xúc: "Bộ Y tế có trách nhiệm đối với việc ban hành và thực thi pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo nhận xét của nhiều người dân, pháp lệnh chưa thực sự mạnh. Trên thực tế, thực phẩm bày bán không bảo đảm, không an toàn về vệ sinh gây mối lo ngại cho nhân dân, ảnh hưởng tới sức khoẻ và duy trì giống nòi?".

"Bộ trưởng rất quan tâm về vụ làng ung thư Thạch Sơn. Nhưng theo tôi, mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn là một vấn đề nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới cả giống nòi. Nếu không giải quyết được chắc chắn không chỉ có một làng Thạch Sơn. Tôi cũng không dám nghĩ nữa!... Vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào đối với vấn đề này". ĐB Thuyết nhức nhối.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến đã trả lời: Việc tổ chức giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không thuộc chức năng của Bộ. Bộ Y tế chỉ có nhiệm vụ xây dựng tiêu chí áp dụng đối với các cơ sở giết mổ, liên quan đến quy trình sản xuất thực phẩm nói chung. Với trách nhiệm của mình, thời gian qua Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra giám sát  liên tục các cơ sở giết mổ, bếp ăn tập thể. Đối với thực phẩm đường phố, Bộ thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đi kiểm tra các cơ sở buôn bán.

Với câu trả lời này của Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tỏ ý không hài lòng: ''Câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ ràng. Chúng tôi mong muốn được biết hiệu quả của việc kiểm tra?''

Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời: Với trách nhiệm của nhà quản lý, xây dựng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra quy trình, chất lượng chúng tôi đã tiến hành thường xuyên các cuộc kiểm tra. Còn việc thực thi áp dụng chính sách có đúng hay không còn là trách nhiệm của cả các cơ sở. Bộ không thể nào kiểm tra, giám sát tất cả. Bộ đưa ra chính sách, tiêu chí, nếu chưa thấy hợp lý thì đề xuất sửa đổi. Chúng tôi không có trách nhiệm giám sát việc buôn bán. Nếu trong quá trình kiểm tra thấy tiêu chí mà chúng tôi xây dựng tiêu chí nào không hiệu quả chúng tôi sẽ chấn chỉnh.

Với vẻ mặt thất vọng, ĐB Thuyết chậm rãi đáp: "Tôi chỉ muốn nhân đây cảnh báo Bộ và các cơ quan chức năng khác vấn nạn này. Cá nhân tôi và cử tri không cần yêu cầu Bộ trưởng đích thân kiểm tra từng chợ rau quả, không ai bắt đồng chí đến từng nơi, nhưng Bộ trưởng phải có thực tế và chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống mình thực hiện".

ĐB Vũ Minh Mão (Thái Bình): Báo cáo của Bộ trưởng TN - MT Mai Ái Trực có nói tại xã Thạch Sơn đã phát hiện 132/8000 dân mắc ung thư. Nhưng số liệu mà Bộ trưởng đưa ra lại rất khác. Kết quả kiểm tra tại Thạch Sơn: các chất độc hại như thủy ngân, mangan đều thấy thấp dưới tiêu chuẩn vệ sinh liệu đã chính xác chưa?  Trong khi đó, theo GS Bùi Ngọc Phong công tác trường ĐH Y, khí flo cao gấp 70 lần, và nhiều khí độc khác cao gấp nhiều lần so với bình thường.  Bộ trưởng đã xuống tận nơi chưa?

Bộ trưởng Chiến trả lời: Chúng tôi đã bố trí hai đoàn khảo sát. Chúng tôi báo cáo dữ liệu chứ không nói có hay không có tác nhân gây ung thư. Chúng tôi chưa khẳng định nó cao hay nó thấp. Chúng tôi chủ trì một đề tài nghiên cứu rất khoa học. Chúng tôi kiến nghị Bộ TN & MT cùng phân tích tác động của môi trường đến sức khỏe người dân.

Còn về số liệu, hai đoàn khảo sát số liệu có thể chênh nhau. Có thể con số đó chúng ta chưa khẳng định được.
Cần giao cho bệnh viện K phối hợp Bộ y tế xác định. Qua các công trình nghiên cứu chúng ta sẽ có con số cụ thể hơn.

Sẽ làm khám chữa bệnh miễn phí tốt hơn?

Tiếp đến, ĐB Triệu Sỹ Lầu, Cao Bằng đưa ra câu hỏi: Tình trạng khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi còn nhiều bức xúc nhất là vùng cao, vùng sâu. Còn với những địa phương đã làm nhưng chưa đầy đủ. Qua quá trình thực hiện nhìn chung còn nhiều khó khăn về kinh phí, cách thực hiện chưa thống nhất. Đến khi nào vấn đề khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được thống nhất và thành hiện thực? Hiện nay Bộ trưởng nắm vấn đề này ở các địa phương như thế nào? Hướng giải quyết của Bộ trưởng ra sao?

Bộ trưởng Bộ Y tế đã có câu trả lời: Việc khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi Bộ Y tế đã triển khai và có nghị định 36 hướng dẫn rõ ràng, sau đó là thông tư hướng dẫn về tuyến thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi. Chúng tôi xin đảm bảo kinh phí và quyền lợi cho các cháu dưới 6 tuổi được khám bệnh theo đúng quy định.

Hiện việc phát thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi do Uỷ ban DSGĐ&TE thực hiện, còn Bộ Y tế có chức năng khám chữa bệnh cho các cháu. Chúng tôi cũng đã tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các khoa nhi, chuyên khoa nhi tại các bệnh viện được đảm bảo việc khám chữa bệnh cho các cháu. Đối với những cháu chưa có thẻ vẫn được tạo điều kiện khám bệnh đầy đủ.

Hiện nay có hai khó khăn chúng tôi đang gặp phải, thứ nhất, một số địa phương trẻ em dưới 6 tuổi chưa được phát thẻ. Thứ hai, việc thực thanh thực chi tại các cơ sở khám chữa bệnh còn khó khăn. Đó là do hiện cả nước có hơn 1.000 bệnh viện công lập, mỗi bệnh viện đều có khoa nhi. Do đó, việc thực thanh thực chi làm sao phải công khai  về tài chính, trung thực.

Những gì còn vướng mắc chúng tôi xin giải quyết trong thời gian tới, đồng thời rút kinh nghiệm những việc làm chưa được để công tác khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tốt hơn.

Cần quan tâm hơn với đối tượng tham gia BHYT

"Nhà nước có chính sách điều chỉnh lại chế độ khám chữa bệnh đối với người mua BHYT theo yêu cầu thực tế của thầy thuốc điều trị không nên khống chế định mức chi tiền thuốc (thực tế không vượt quá 20.000 đồng cho mỗi lần khám chữa bệnh), đó là đề nghị của cử tri Đồng Tháp nêu ra với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Với thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn cho rằng: ''Trong tất cả các văn bản hướng dẫn về thực hiện chính sách BHYT từ trước đến nay, không có văn bản nào quy định mức chi tiền thuốc không được vượt quá 20.000 đồng cho mỗi lần khám chữa bệnh. Theo quy định tại điều 7, chương 2 của Nghị định 63/2005/NĐ-CP ban hành điều lệ BHYT, và Thông tư liên tịch số 21/2005/TT-BYT-BTC, ngày 27/7/2005 của liên Bộ Y tế, Tài chính về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, “người có thẻ BHYT bắt buộc còn giá trị sử dụng khi khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập có hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội về khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT được hưởng quyền lợi: khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng; xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng...

Nhiều ý kiến của cử tri TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra đề nghị người có thẻ BHYT được khám tổng quát 2 lần/năm.

Bộ Y tế giải thích rằng, các quy định trong điều lệ BHYT hiện hành không hạn chế người có thẻ BHYT được khám bệnh bao nhiêu lần trong năm vì phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật của người tham gia bảo hiểm. Trên thực tế, có nhiều người không đi khám BHYT lần nào trong năm, nhưng cũng có những người đi khám rất nhiều lần do tình trạng bệnh tật. Số lần khám bệnh bình quân chung của người có thẻ bảo hiểm y tế là 2,3 lần/năm, nhưng nhóm người hưu trí có tần suất khám bệnh cao nhất 3.5-4 lần/năm.

Bộ muốn tăng viện phí, người dân lại nói ''không''

Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung chính sách thu viện phí, nhằm khắc phục những bất cập trong các chính sách đã được ban hành từ hơn 10 năm trước đây (Nghị định 95/CP và Thông tư số 14/TTLB ngày 30/9/1995). Theo đó, giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng giá.

Tuy nhiên, về vấn đề này, cử tri các tỉnh Nam Định, Vĩnh Long đề nghị Nhà nước xem xét tính toán mức lệ phí khám chữa bệnh, vì như hiện nay là cao so với thu nhập của người nông dân. Cử tri cũng tha thiết yêu cầu Chính phủ không tăng giá viện phí trong tình hình hiện nay.

Phúc đáp lại các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế lập luận: Chính sách viện phí hiện đang được áp dụng là chính sách thu một phần viện phí, do vậy mức thu viện phí chỉ là một phần của chi phí khám chữa bệnh, và mới chỉ bằng khoảng 30-50% chi phí thực tế cho việc khám và điều trị bệnh. Thực tế, Nhà nước vẫn còn bao cấp rất nhiều cho các cơ cơ sở khám chữa bệnh về chi phí tiền lương cho cán bộ y tế, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chi phí về đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Theo đề nghị của nhiều tỉnh, thành phố và các Bộ ngành, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung chính sách thu viện phí. Quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi, bổ sung chính sách viện phí là giãn rộng khoảng cách của khung giá viện phí hiện nay, theo hướng giữ nguyên mức giá tối thiểu, và nâng mức giá tối đa. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân mỗi tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân ở địa phương mình, để quyết định áp dụng mức giá nào trong khung giá viện phí này.

Tuy nhiên, đối với việc khám chữa bệnh của người nghèo, người trong diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như khám chữa bệnh cho người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, chính sách bảo hiểm y tế cho những người trong diện chính sách xã hội, những người ở các vùng đặc biệt khó khăn... để hỗ trợ cho những người thuộc nhóm đối tượng này.

  • Nhóm PV thời sự

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,