221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
719806
Tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua
1
Article
null
Tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua
,

(VietNamNet) - Ngay sau bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, QH khoá XI của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã lạc quan thông báo trước các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2005. Ông còn cho biết, thu và chi ngân sách đều vượt dự toán. Bên cạnh đó, Thủ tướng thừa nhận: chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang tăng cao.

Năm 2005: GDP gần đạt kế hoạch, thu - chi ngân sách vượt dự toán

Soạn: AM 205767 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại kỳ họp QH,

Thủ tướng vui mừng thông báo: Năm 2005, tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2005 dự báo đạt khoảng từ 8,4%. Trong đó: nông, lâm, ngư nghiệp 4,1%, công nghiệp và xây dựng 10,7%, dịch vụ 8,4%. Trong khi đó, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng từ 40,1% năm 2004 lên 40,8% năm 2005. Tỷ trọng của ngành dịch vụ tăng từ 38,1% năm 2004 lên 38,5% năm 2005.

Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tác tiếp tục tăng lên, giá trị sản xuất của ngành từ 83% năm 2004 tăng lên 84,7% năm 2005; trong khi tỷ trọng của ngành khai thác mỏ giảm từ 6,2% năm 2004 xuống còn 5,6% năm 2005.

Cơ cấu nội bộ các ngành dịch vụ bắt đầu có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế cũng được cải thiện một bước. Đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng trong thời gian qua là rất rõ, trước hết là ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Do áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và chú trọng đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ sản xuất nên năng suất lao động xã hội đã tăng lên từ 17 triệu đồng/lao động/năm 2004 lên 19 triệu đồng/lao động/năm 2005.

Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 theo hướng đa dạng hóa sở hữu với các hình thức cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

Thêm một thông báo đầy lạc quan: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 210 nghìn tỷ đồng, vượt con số dự toán đề ra là 183 nghìn tỷ. Tuy nhiên, tổng chi ngân sách cũng lên tới 258 nghìn tỷ, vượt mức dự toán 229,8 nghìn tỷ (bội chi 4,86%).

Tỷ số tiêu dùng tăng cao do... giá dầu thế giới tăng

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức:

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt mức khá cao, nhưng tốc độ tăng giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp và xây dựng, chưa đạt kế hoạch. Chi phí sản xuất trong một số ngành tuy đã có xu hướng giảm, song vẫn còn ở mức cao; sức cạnh tranh của một số sản phẩm mặc dù có được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực" -  Thủ tướng nhấn mạnh. .

Thủ tướng lý giải: Tuy Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế tăng giá, nhưng do giá dầu và một số mặt hàng khác trên thị trường thế giới tăng cao, gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu trong nước, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

Do thời gian qua, xuất khẩu phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt nên cơ cấu hàng xuất khẩu đã qua chế biến vẫn thấp, tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và hàng sơ chế năm 2005 còn chiếm tới 51% trong tổng giá trị xuất khẩu.

Thủ tướng cũng tỏ rõ sự quan tâm của Chính phủ đến tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong việc sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, trong sử dụng đất đai, trong đầu tư xây dựng cơ bản; sự nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân khi phải tiếp xúc giải quyết công việc với các cơ quan công quyền,... 

"Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp về cơ chế chính sách và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm,... nhưng tình trạng trên chậm được khắc phục. Nạn tham nhũng gây bất bình lớn trong nhân dân". Ông cho biết.

Thủ tướng cũng nêu bật những hạn chế như: Thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn vẫn rất gay gắt; Chất lượng nguồn lao động còn nhiều yếu kém; Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhiều dịch vụ văn hóa không lành mạnh vẫn có chiều hướng gia tăng...

2006: Phải phát triển kinh tế "nhanh và nhanh hơn nữa"

Mới chiều qua, Chính phủ đã làm việc với ngành điện. Qua đó cho thấy, nếu không có 1 cơ chế đặc biệt giảm thủ tục hành chính thấp nhất, tăng quytền tự chủ của các nhà đầu tư và sử dụng đúng vốn đầu tư thì có nguy cơ thiếu điện. Nếu xảy ra tình trang thiếu điện làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung thì đó là lỗi của Chính phủ. Tính chung cả vốn liếng cho ngành điện từ nay đến 2010 là 300 nghìn tỷ đồng!

Thủ tướng Phan Văn Khải ra quyết tâm: Năm 2006 chúng ta phải phát triển nhanh và nhanh hơn nữa, phát triển sao cho vững chắc, bền vững và phải quan tâm tới chỉ số phát triển con người.

Thủ tướng đưa ra những chỉ tiêu trong năm 2006: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8% so với năm 2005. GDP theo giá thực tế khoảng 970 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người khoảng 720 USD. Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 3,8%; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng tăng trên 10,2%; giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ tăng trên 8%.

Đối với mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, theo Thủ tướng, VN cần "chủ động thực hiện lộ trình của Hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Khai thác tối đa các lợi thế và hạn chế các mặt bất lợi do mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ tăng trưởng. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu; thu hút vốn, công nghệ cao từ bên ngoài". 

Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút mạnh hơn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư của khu vực dân doanh. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhiệm vụ trước mắt được nhấn mạnh là: Tăng cường tiềm lực tài chính của đất nước; nâng tỷ lệ tích lũy trong nước, huy động 38,6% GDP cho đầu tư phát triển; thu ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi trả nợ và dành một phần cho đầu tư phát triển. Tăng cường công tác quản lý các nguồn vốn của nhà nước, khắc phục tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.

Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tiền tệ, ổn định sức mua và giá trị đồng tiền, giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phát triển doanh nghiệp. Kiên quyết sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô lớn. Hình thành một số tập đoàn kinh tế. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp (thống nhất) sau khi được Quốc hội thông qua.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các thị trường mới, có giải pháp tích cực khắc phục tình trạng khó khăn do các nước áp đặt rào cản kỹ thuật. Triển khai thực hiện Luật Ðầu tư chung, thực hiện tốt lộ trình AFTA và các cam kết đa phương và song phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường tính hiệu quả, minh bạch của các chính sách nhà nước, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ công chức vi phạm pháp luật.

Chống đục khoét vốn đầu tư nhà nước

Thủ tướng khẳng định rõ tầm quan trọng của quản lý đầu tư và quản lý vốn nhà nước. Theo ông, cần "kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư ồ ạt, phân tán, không đồng bộ, không tính đến hiệu quả, gây lãng phí lớn. Chính phủ sẽ chỉ đạo việc tổng kết các công trình đã xây dựng trong năm 5 qua nhưng không sử dụng hoặc phát huy tác dụng rất hạn chế do chủ trương sai, hoặc do không đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư (kể cả cấp TW) để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn tái diễn".

"Năm 2006 phải tạo được chuyển biến rõ rệt trong việc ngăn chặn tệ đục khoét vốn đầu tư nhà nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nên bật một số biện pháp: "Coi lĩnh vực đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước là một trọng điểm triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng. Hoàn chỉnh quy chế xác định trách nhiệm của chủ đầu tư đi đôi với xoá bỏ vòng khép kín của khâu thiết kế, thi công, giám sát đối với một dự án đầu tư trong các tổ chức thuộc cơ quan chủ quản. Xúc tiến nhanh chuyển các tổ chức thiết kế, thi công, giám sát của nhà nước thành công ty hoạt động độc lập. Quy định cụ thể và tạo điều kiện cần thiết để HĐND và dân cư tham gia giám sát thực hiện các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn địa phương.".

Về chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng, tư tưởng chỉ đạo trong việc thi hành pháp luật nói chung là chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn, đồng thời phải xử lý thật nghiêm người vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra vi phạm nghiêm trọng. Từ 2006 trở đi, Báo cáo hàng năm của chính phủ trình QH sẽ có phần đánh gía chính thức về tình hình công tác chống tham nhũng, lãng phí của các Bộ và địa phương. Ngành nào, địa phương nào chấp hành luật không nghiêm túc, tệ nhũng nhiễu và lãng phí không giảm thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước QH, Chủ tịch UBND TP phải chịu trách nhiệm trước HĐND.

"Tại kỳ họp QH cuối năm 2004, chính phủ đã báo cáo với QH về chủ trương xây dựng và vận hành cơ chế thanh tra công vụ. Chính phủ đề nghị QH ủng hộ chủ trương này để trong những năm tới chúng ta thiết lập một hệ thống thanh tra công vụ hoạt động có hiệu quả" - Thủ tướng nói.

"Điều đáng quan tâm hiện nay là ngay tại các cơ quan có chức năng quan trọng thực thi pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng cũng xảy ra không ít vi phạm như sách nhiễu nhân dân, nhận hối lộ... Chính phủ đề nghị QH sớm có những chủ trương, biện pháp cụ thể tăng cường công tác giám sát của QH, HĐND, của công chúng và báo chí đối với hoạt động tư pháp nhằm phát hiện và xử lý tham nhũng trong khu vực này".

Xây dựng biện pháp phòng vệ chính đáng cho hàng hoá trong nước

Đường hướng phát triển công nghiệp là đường hướng nổi bật được đưa ra: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các biện pháp phòng vệ chính đáng đối với hàng hóa sản xuất trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. 

Tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phổ biến kịp thời cho các doanh nghiệp về thủ tục và các nội dung cam kết của Việt Nam đối với WTO, với các nước và khu vực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, cần phát triển các ngành dịch vụ, phấn đấu tạo được bước phát triển mạnh của ngành dịch vụ cả về số lượng và chất lượng.

Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng để phát huy ưu thế và khả năng cạnh tranh như du lịch, hàng không, vận tải biển, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và kiểm toán; tiếp tục củng cố và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản...

Ðẩy mạnh xuất khẩu, tham gia có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu. Tập trung phát triển những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu (xúc tiến thương mại, tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, phát triển thương hiệu,...).

Ðịnh hướng sử dụng vốn đầu tư của nhà nước là tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển những trục đường giao thông quan trọng, tuyến giao thông đến các vùng kinh tế trọng điểm... 

Tăng cường đầu tư hạ tầng viễn thông, các hạ tầng dịch vụ khác với cơ chế phù hợp.

Về giáo dục - đào tạo, phát triển quy mô giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Phấn đấu hoàn thành việc chuyển 6 trường đại học, cao đẳng bán công hiện có sang tư thục. Huy động các nguồn lực xã hội cùng phát triển giáo dục đào tạo. Xây dựng chế độ học phí mới...

Về khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; tạo bước đột phá về giống cây, con có năng suất và giá trị kinh tế cao phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp và nông thôn. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

Nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Về tài nguyên - môi trường, xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010, kiểm kê tài nguyên nước quốc gia. Tiếp tục điều tra hiện trạng đánh giá nguyên nhân suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các nguồn nước ở những vùng trọng điểm. Tiếp tục theo dõi, giám sát mọi diễn biến của thời tiết, khí hậu, thủy văn, môi trường. Tiếp tục điều tra về môi trường đất, nước, không khí, môi trường biển, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Ðẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường...

Về lĩnh vực y tế, Thủ tướng khẳng định, nhà nước đầu tư nhiều hơn cho y tế (năm  2006 ngân sách nhà nước chi cho y tế 32,5% so với năm 2005); đồng thời đổi mới cơ chế tài chính y tế, cơ cấu lại chi tiêu ngân sách dành cho y tế.

Ngoài ra, còn một số định hướng khác như: nâng cao chất lượng xoá đói giảm nghèo và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, kéo giảm tệ nạn xã hội...

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quy định chi tiết việc tặng quà, nhận quà; việc kê khai tài sản trước và sau khi nhận chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện công khai, minh bạch trong mọi lĩnh vực, trước hết công khai về ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản ở tất cả các ngành, các cấp. 

Tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với việc thực hiện các cơ chế chính sách của nhà nước.

Phát triển thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản

Thủ tướng nêu rõ kế hoạch phát triển trong năm tới: Khuyến khích các công ty nhà nước lớn và tổng công ty nhà nước làm ăn có hiệu quả thực hiện việc phát hành và niêm yết trái phiếu công ty, trái phiếu công trình; thống nhất mức ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước.

Tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hóa DNNN gắn liền với việc thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán; bán cổ phần nhiều hơn cho các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Tiếp tục tái cơ cấu tài chính và xử lý nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại nhà nước.

Phát triển mạnh thị trường bất động sản. Ban hành các chính sách, giải pháp cụ thể và rõ ràng để chuyển đất từ nguồn tài nguyên thành vốn, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong việc chuyển quyền sử dụng đất và sở hữu bất động sản. Phát triển các trang trại có quy mô lớn và vừa trong một số vùng có điều kiện. Thu hồi diện tích đất của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang sử dụng lãng phí, kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Tiếp tục nới rộng dần các quy định về quản lý sử dụng đất đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam".

Giảm bớt các hình thức bao cấp

Về hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao sức cạnh tranh, Thủ tướng cho rằng: "Đi đôi với việc xúc tiến chương trình và phương thức đã được QH thông qua về sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp phù hợp với các quy định của WTO, cần làm cho các DN, cơ quan quản lý nhà nước hiểu và làm quen với luật pháp và thông lệ quốc tế, biết cách ngăn ngừa và xử lý tranh chấp khi làm ăn với bên ngoài".

Khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết nhiều tầng giữa các DN trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, kểt cả các hộ sản xuất kinh doanh cá thể. |Bổ sung luật phá sản, tạo khung pháp lý cho sự vận động theo quy luật của kinh tế thị trường, đào thải các DN làm ăn kém, thua lỗ.

Theo Thủ tướng, "thời gian tới phải triển khai thực hiện nghiêm chỉnh luật cạnh tranh đã được ban hành, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN; đấu tranh chống các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, xoá bỏ đặc quyền, kiểm soát và hạn chế độc quyền kinh doanh, chấm dứt phân biệt đối xử giữa các loại hình DN".

Báo cáo về kế hoạch thời gian tới, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cho biết: Về tài chính, áp dụng rộng rãi cơ chế tự chủ tài chính đối với các hoạt động sự nghiệp; thực hiện quản lý bội chi ngân sách phù hợp với thông lệ quốc tế và giảm dần mức bội chi ngân sách.

Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu. Ðẩy mạnh cải tiến quy trình, thủ tục quản lý thu thuế; quản lý chặt chẽ hoá đơn, chứng từ; tăng cường công tác kiểm tra quyết toán thuế, thu kịp thời đầy đủ các khoản tồn đọng; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, lậu thuế. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.

Ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân thay cho Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; tăng cường các biện pháp kiểm soát thu nhập, nâng cao hiệu quả thu thuế. Ban hành Luật thuế tài sản đánh vào việc mua sắm và sở hữu bất động sản. 

Nghiên cứu, sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm bớt các hình thức bao cấp qua thuế. Tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng theo hướng thống nhất 1 mức thuế suất cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (hiện nay là 2 mức 5% và 10%).

Thực hiện lộ trình hội nhập về chính sách tài chính và thuế theo hiệp định đã ký kết. Chủ động điều chỉnh các chính sách tài chính để phù hợp với WTO.

Ðẩy mạnh chủ trương khoán chi hành chính, khoán biên chế, mở rộng thực hiện cho tất cả các đơn vị hành chính các cấp. Thực hiện quản lý ngân sách chặt chẽ tiết kiệm, thực hiện đúng chế độ công khai ngân sách; tổ chức công tác kiểm tra thường xuyên việc quản lý sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước ở các đơn vị sử dụng ngân sách; ban hành và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm, thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.

Giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các hình thức bao cấp gián tiếp cho các doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và thực hiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp theo hướng tăng quyền tự chủ về tài chính, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, về quản lý tổ chức, biên chế,... để áp dụng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu. 

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá thận trọng linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp,  đẩy mạnh phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng, thị trường ngoại hối liên ngân hàng. Thực hiện tốt nghiệp vụ thị trường mở, bảo đảm các hoạt động dịch vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng và doanh nghiệp tiếp cận ngày càng nhiều với sản phẩm và tiện ích ngân hàng; trên cơ sở đó mở rộng nhanh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng.

Thủ tướng chỉ thị: Kiên quyết giải thể hoặc sáp nhập các ngân hàng yếu kém hoặc không có khả năng tăng vốn. Nâng cao khả năng sinh lời, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng và cải thiện bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại. Phát hành cổ phiếu và trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có của các ngân hàng thương mại theo đúng chuẩn mực quốc tế. Thực hiện cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước, trước mắt là Ngân hàng Nhà đồng bằng Sông Cửu Long và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

  • Phạm Cường

>>Tiếp tục cập nhật...

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,