(VietNamNet) - Vụ án kéo dài vào loại nhất nhì trong lịch sử tố tụng, hơn 12 năm, đến nay vẫn chưa có hồi kết và quay lại vạch xuất phát.
Cuối tuần qua, tại Trường đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp đã tiến hành toạ đàm về vụ án Vườn điều theo sự gợi ý của Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng. Toạ đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có cả những người trong cuộc. Đặc biệt, tham dự Toạ đàm còn có hàng trăm học viên các ngành thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên Học viện Tư pháp.
Toạ đàm về vụ án Vườn điều tại Trường đại học Luật Hà Nội. |
Theo cách nói của TS. Nguyễn Văn Điệp, Phó trưởng khoa Đào tạo Kiểm sát viên, Học viện Tư pháp, vụ án Vườn điều đã xảy ra cách đây hơn 12 năm, ''nhưng đến nay vẫn còn nhiều bí hiểm, còn nguyên tính nhạy cảm và bức xúc, liên quan đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của 9 con người trong một gia đình''. Xét xử phúc thẩm lần thứ 2, đồng loạt các bị cáo đều phản cung và chối tội. Toà phúc thẩm TANDTC đã phải tuyên
huỷ án sơ thẩm, đề nghị Cơ quan điều điều tra, Bộ Công an vào cuộc.Chứng cứ chưa đủ để ''tâm phục, khẩu phục''
Nối dài vụ án, tranh cãi về chứng cứ tiếp tục nổi lên trong Toạ đàm này. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận khẳng định hiện trường là thật. Nhưng PGS. TS. Luật sư Phạm Hồng Hải, người từng trực tiếp bào chữa cho bị cáo trong 2 phiên toà phúc thẩm, bảo vệ suy đoán của mình, hiện trường là giả, thủ phạm giết người từ nơi khác rồi đưa đến Vườn điều dàn dựng.
Chẳng hạn, bức thư ''hẹn hò'' giữa nạn nhân Dương Thị Mỹ và ông Trần Văn Sáng mà bà Nguyễn Thị Lâm, vợ ông Sáng bắt được nhưng khi đó nạn nhân được coi là bà Mỹ không biết chữ. Sau này có nhân chứng Trần Thị Kim Yến (hàng xóm của nạn nhân) khai đã viết hộ cho nạn nhân nhưng chưa được thẩm định thật giả?
Nếu tính từ thời điểm ‘hẹn hò’’, 1 giờ sáng ngày 19/5/1993, đến khi phát hiện xác nạn nhân, khoảng hơn 50 tiếng đồng hồ, xác nạn nhân có rất nhiều vết chém phần đầu, mặt không nhận dạng được nhưng quần áo của nạn nhân không có vết máu? Trong khi thời gian đó trên địa bàn không có cơn mưa nào.
Đặc biệt, hung khí - theo lời khai của Huỳnh Văn Nén là 1 dao phay, 1 dao Thái Lan. Thế nhưng khi cơ quan điều tra khai quật thì phát hiện miếng sắt gỉ dài 28 cm, rộng 9,3 cm. Theo cáo trạng là dao phay dài 40cm, rộng 5 cm. Như vậy sau gần 6 năm chôn vùi dưới đất, con dao đã bị gỉ co lại 30% về chiều dài nhưng lại nở gần gấp đôi về chiều rộng? Khi cơ quan điều tra thu thập hung khí lại không có chứng kiến của Huỳnh Văn Nén.
‘Tôi không kết luận đấy là hung khí’, Thẩm phán Toà án Quân sự Trung ương Nguyễn Đức Mai bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an cho rằng hiện trường bị xoá sạch là điều có thể xảy ra với một vùng ‘đầy nắng và gió’ của tỉnh Bình Thuận. Nhưng ông cũng nghi ngờ về lá thư ''hẹn hò'', có phải do người hàng xóm của nạn nhân viết hộ hay không?
Ngay khi thu thập được những mẩu thuốc lá Everest tại hiện trường, Viện kiểm sát huyện Hàm Tân ''đã biết ngay'' là của Trần Văn Sáng hút. Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC Phạm Văn Thận, người hiện nay đang tham gia điều tra vụ án này, cho rằng mẫu thuốc lá đáng lẽ phải được giám định rõ ràng mới nên kết luận.
Ông Phạm Văn Thận không ngại ngần tiếp tục chỉ ra thiếu sót: ''Việc thu thập, xử lý, đánh giá chứng cứ không hoàn hảo. Mô tả dấu vết tội phạm thiếu chuẩn xác, như vết máu lá đào trước ngực, nồng độ nhiều hay ít? Với nhiều vết thương ở đầu, mặt… máu chảy nhiều, hơn 50 tiếng đồng hồ kiến ăn có hết được không? Khi phát hiện xác nạn nhân cho là bà Dương Thị Mỹ thì chồng bà bị công an áp giải đi, đến khi xác nạn nhân được bỏ vào quan tài mới cho nhận diện?''
Theo ông Thận, đây là bài học kinh nghiệm máu xương, thấm thía đối với cán bộ điều tra và những người tiến hành tố tụng.
Bác sỹ Cao Xuân Quyết, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng nêu ra hàng loạt những sai phạm trong giám định pháp y: ''Quá chú trọng đến những vấn đề xác định nguyên nhân chết mà không phân tích mổ xẻ xem những vết thương do những loại hung khí nào gây ra, xác định người chết có đúng là nạn nhân như đã nói trên không?''.
''Quá trình điều tra vụ án chưa tuân thủ nguyên tắc công khai hoá thu thập chứng cứ; thiếu sự giám sát của cơ quan kiểm sát'', PGS. TS. Võ Thành Vinh, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, nhận xét.
Cảm giác như có một kịch bản làm sẵn
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong vụ án Vườn điều. Điều tra viên đã bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án bút lục quan trọng về chứng cứ ngoại phạm của bị can Huỳnh Văn Nén trong vụ án này. Khai báo của người làm chứng Nguyễn Văn Mạnh (Chín Chè) có thể là căn cứ xác định tại thời điểm xẩy ra vụ án mạng, bị cáo Nén đang trong thời gian làm thuê cho ông Chín Chè ở tỉnh Đồng Nai.
''Người ta có cảm giác rất ghê sợ như có một kịch bản làm sẵn'', ông Huyên nói.
TS. Bùi Kiên Điện, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sự tắc trách của điều tra viên không thể chấp nhận được. Khi làm báo cáo xác minh lời khai của bị can, điều tra viên đã ghi: ''Các lời khai này do không phải là chứng cứ trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội của Nén và đồng bọn nên không bỏ trong hồ sơ. Vì vậy lâu ngày quá bị thất lạc, nay không có khả năng tìm lại''.
Khi cho bị can viết bản tự khai, điều tra viên đều không ký vào, trái với khoản 2, điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự 1999.
Theo tố cáo của các bị can, điều tra viên không phải một lần mà nhiều lần sử dụng các biện pháp thẩm vấn trái pháp luật như mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình. Chẳng hạn bị can Nén được điều tra viên mớm cung bằng cách cho xem các bức ảnh chụp hiện trường vụ án; cho xem đơn tố cáo của chồng nạn nhân… Với bị can khác, điều tra viên mớn cung bằng cách cho nghe chi tiết lời khai của người khác. Trước khi hỏi cung bà Lâm thì cho nghe băng ghi lời khai của Nén; trước khi hỏi cung Trần Thanh Vân thì cho nghe băng ghi âm của bà Lâm và Nén...
Tại phiên toà, bị can Trần Thanh Vân cho biết đã được điều tra viên dạy một tháng mới có các thông tin để khai trong băng video. Còn bị can Lâm cho biết cơ quan điều tra đã quay 7 cuộn băng và bắt bị can khai đi khai lại nhiều lần để chọn được cuộn băng hoàn chỉnh nhất.
Bị can Lâm khi phản cung khẳng định rằng, mình nhận tội trước đây là do điều tra viên đã đánh gãy răng bị can và hứa hẹn bị can: ‘Bà già rồi, không ai bắt bà làm gì, nếu bà khai ra sẽ được tha!’. Bị can cho biết, việc bị can phải khai nhận tội vì hy vọng mẹ được tha để được chữa bệnh ung thư hiểm nghèo, đã bị ép ký vào bản hỏi cung trong đó buộc phải thừa nhận chưa từng nghe lời khai của người khác...
TS. Bùi Kiên Điện cho rằng, định hướng buộc tội của điều tra viên quá nặng nề và có lẽ trong tiềm thức của điều tra viên, sự có tội của bị can là không thể thay đổi.
Một vấn đề cũng cần được rút kinh nghiệm là sự tham gia của Viện kiểm sát vào quá trình điều tra. Trong vụ án này, việc điều tra hầu như được ''khoán trắng'' cho cơ quan điều tra, vai trò của Viện kiểm sát là rất mờ nhạt. Việc phát hiện ra sự cần thiết phải điều tra bổ sung và điều tra lại trong vụ án đều không phải do viện kiểm sát mà do toà án. Vi phạm của điều tra viên diễn ra khá nhiều và ở mức độ nghiêm trọng nhưng viện kiểm sát vẫn không hay biết để có biện pháp khắc phục kịp thời. Bản cáo trạng của Viện kiểm sát hầu như đều dựa trên tài liệu (nếu không nói là sao chép lại) có trong hồ sơ điều tra vụ án do cơ quan điều tra xác lập và chuyển sang Viện kiểm sát.
Phát biểu tại Toà đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã nghiêm túc nhắc nhở những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tương lai: ''Chúng ta đứng trước những số phận con người, do đó khi làm việc phải hết sức thận trọng, không để xảy ra sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai''.
- Văn Tiến
Mời quý vị tham gia thảo luận tiếp về những tình tiết trong vụ án Vườn điều: