Bàn tròn trực tuyến với Đại sứ Pháp, ông Jean-Francois Blarel đã kết thúc vào lúc 11h 15. Mời các bạn theo dõi toàn bộ nội dung:
Tuy nhiên, trong một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, nước Pháp sẽ còn quá nhiều việc phải làm để giữ vững được vị thế của mình tại châu Âu và trên thế giới.
Cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp EU với kết quả đa số phiếu phản đối là một minh chứng. Không cần phải so sánh với các quốc gia năng động, tăng trưởng mạnh ở châu Á, ngay so với một số quốc gia châu Âu, kinh tế Pháp vẫn có dấu hiệu trì trệ. Xã hội Pháp là một cộng đồng khá mở, đa sắc tộc, đa tôn giáo nên có nhiều mâu thuẫn,, thậm chí còn tiềm ẩn cả một số nguy cơ xung đột. Việc Paris, với những lợi thế hiển nhiên, phải chịu nhường vị trí nước chủ nhà Olympics 2012 trước London cũng là một điều đáng để người dân Pháp suy ngẫm.
Tiểu sử Đại sứ Jean - Francois Blarel |
Sinh ngày 30 tháng 1 năm 1955 tại Lille (miền Bắc)
Có vợ, ba con Cử nhân văn học (lịch sử), 1974 Từng công tác tại các Đại sứ quán ở Buenos Aires, Washington, Madrid. Từ 11/2004 là Ðại sứ Pháp tại Hà nội |
Mối quan hệ Pháp Việt là một trong những ví dụ sinh động về chính sách khép lại những trang buồn đồng thời phát huy những di sản tốt đẹp của quá khứ để xây dựng những giá trị mới.
Chuyến thăm Cộng hoà Pháp vào tháng 6 vừa qua của Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng CS Việt Nam Nông Đức Mạnh cho thấy, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp.
Về phía mình, Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ hữu nghị với Pháp là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương và thiết lập trên thực tế khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Pháp là: Hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện lâu dài, tin cậy trong thế kỷ 21.
Tất cả những vấn đề trên và những vấn đề khác liên quan đến đất nước, con người Pháp, nền văn hoá rực rỡ của Pháp, mối quan hệ Việt Nam - Pháp sẽ được đề cập tới trong Bàn tròn với Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam Jean-Francois Blarel, bắt đầu vào hồi 9h30 ngày 14/7. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, TBT VietNamNet dẫn chương trình.
Bàn tròn trực tuyến với Đại sứ Pháp, ông Jean-Francois Blarel đã kết thúc vào lúc 11h 15. Sau đây là toàn bộ nội dung:
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, bây giờ ngài ĐS Pháp Jean-Francois Blarel đã có mặt ở trường quay VietNamNet.
Hôm nay (14.7) là Quốc khánh Pháp, chúng tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp đến Chính phủ và nhân dân Pháp.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn Đại sứ Blarel đã quan tâm và đến bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay. Đến giờ này, VietNamNet đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc dành cho Ngài. Điều đó chứng tỏ nước Pháp có vị trí rất quan trọng với người dân VN.
"Việt Nam là nước tôi thích nghi dễ dàng nhất"
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, chúng tôi muốn hỏi: Ngài có hài lòng với cuộc sống và công việc của mình ở Việt Nam không?
ĐS Jean-Francois Blarel: Trước hết, tôi rất cảm ơn VietNamNet đã mời tôi đến bàn tròn hôm nay. Tôi rất vui được đến đây vào đúng ngày Quốc khánh Pháp (14.7). Tôi mới sang nhậm chức ở VN được 9 tháng (từ 11.2004), nên chưa có nhiều thời gian để hiểu những thay đổi tuyệt vời của các bạn, đặc biệt là sau khi Chinh phủ VN quyết định chính sách mở cửa từ năm 1986.
Tuy nhiên, những người bạn Pháp sống ở HN, TPHCM từ 15 năm nay cho tôi biết là cuộc sống của người dân VN đã phát triển rất nhiều - về mức sống, về chất lượng cuộc sống - sau gần 20 năm đổi mới. VN hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào quá trình toàn cầu hoá của kinh tế thế giới.
Với tư cách là một nhà ngoại giao Pháp, tôi cũng rất vui mừng vì nhà nước VN - chính quyền thành phố HN đã dành cho sứ quán Pháp chúng tôi những toà nhà được xây dựng từ thời Pháp, mang đặc trưng kiến trúc Pháp. Những viên gạch trong đó đã thể hiện dấu ấn của sự tương đồng giữa văn hóa hai nước.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ngài có nhận xét thế nào về đồ ăn thức uống, về khí hậu, về môi trường sống của VN?
ĐS Jean-Francois Blarel: VN là nước thứ 5 tôi nhận nhiệm vụ, và quả thật đây là nước tôi thích nghi dễ dàng nhất. Món ăn VN không xa lạ với người Pháp, vì ở Pháp có nhiều quán ăn VN. Có rất nhiều người Pháp sang VN du lịch, đầu tư. Người Pháp biết nhiều về VN vì hai nước có lịch sử chung lâu dài, vì cộng đồng Việt kiều tại Pháp rất mạnh, và vì người Pháp có mối quan tâm đặc biệt đến VN.
Ngoài ra, có một số bộ phim Pháp giới thiệu về VN. Rồi ngày càng nhiều bộ phim VN được giới thiệu và biết đến ở thị trường Pháp.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trần Ngọc Tâm, Thủ Đức, TP HCM muốn hỏi: "Công việc của Ngài Đại sứ phải thường xuyên xa gia đình, làm sao ngài có thể gần gũi với con cái. Ngài có lo rằng tình cảm gia đình, tình cảm của con cái đối với Ngài sẽ không gắn bó không?
ĐS Jean-Francois Blarel: Quả thật đây là vấn đề đặt ra không chỉ cho Đại sứ mà còn cho rất nhiều cán bộ khi phải đi công tác ở nước ngoài. Về cá nhân tôi, hai vợ chồng tôi đã quyết định ra nước ngoài và để con cái ở lại Pháp vì chúng còn phải tiếp tục học tập. Đây là quyết định khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ con cái đã lớn, phải dành cho chúng sự tự chủ hơn để chúng vẫn học tốt dù vắng bóng bố mẹ.
So với thời kỳ tôi mới vào ngành ngoại giao, bây giờ những tiến bộ công nghệ đã giúp chúng tôi gần gũi với gia đình hơn rất nhiều mặc dù phải công tác ở nước ngoài. Ví dụ: đã có máy bay nên từ Hà Nội về Pháp chỉ mất khoảng 12 tiếng. Hay nhờ có điện thoại, thư điện tử mà chúng tôi có thể gần gũi hơn với gia đình ở Pháp.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Rất nhiều Đại sứ ở VN học tiếng Việt để có thể thân thiện, gần gũi hơn với người dân nước sở tại. Còn Ngài thì sao? Ngài có học tiếng Việt không?
ĐS Jean-Francois Blarel: Trước khi sang VN, tôi đã theo học một số course tiếng Việt để biết chút ít tiếng của các bạn, đồng thời biết cách phát âm của người VN. Vì thực chất tiếng Việt đối với người nước ngoài chúng tôi hết sức khó khăn, vì tiếng Việt là tiếng đơn âm, đồng thời lại có rất nhiều dấu khác nhau nên chúng tôi rất khó nghe, khó phân biệt.
Tiếc là do công việc quá bận bịu nên chúng tôi không dành đủ thời gian để học tiếng Việt cho đến nơi đến chốn.
Chiến lược ngoại giao của nước Pháp?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa Ngài, chúng tôi muốn hỏi về chiến lược ngoại giao của nước Pháp. Chúng tôi đã được biết, nước Pháp có một nền văn minh rực rỡ, là một trong những cái nôi văn hóa. Paris đã từng được coi là thủ đô nghệ thuật của thế giới. Nước Pháp có những danh họa, văn hào, những kịch tác gia nổi tiếng. Nước Pháp cũng đã có vị trí quan trọng trên vũ đài chính trị toàn cầu. Vậy hiện nay, chiến lược của nước Pháp là gì? Nước Pháp có mục tiêu gì cho vị trí của mình trên bản đồ chính trị thế giới?
ĐS Jean-Francois Blarel: Quả thật Pháp không có 1 chiến lược cụ thể nào để duy trì vị trí nổi trội của mình trên trường quốc tế. Nhưng như quý vị đã biết, Pháp vẫn có một vai trò quan trọng với quốc tế. Chỉ riêng việc là 1 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã nói lên điều đó. Nhưng Pháp vẫn có chủ trương cải cách LHQ, mở rộng HĐBA LHQ với mong muốn tổ chức quyền lực này thích nghi với thực tế mới, với những biến chuyển của tình hình thế giới.
Về vấn đề mở rộng HĐBA LHQ thì Pháp và VN có quan điểm rất tương đồng với nhau. Chúng ta đều nhất trí sẽ có thêm 2 thành viên thường trực, và tăng cường thêm một số thành viên không thường trực, đại diện của Châu Á trong HĐBA LHQ, đồng thời cũng cần phải tăng thêm vai trò của Châu Á trong hội đồng.
Đại hội đồng LHQ đang thảo luận về vấn đề cải cách tổ chức này. LHQ được thành lập từ những năm 1945, và việc cải cách đã được nhiều nước suy nghĩ từ 10 năm nay. Tổng thư ký LHQ cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, các đối tác khác cũng đang bắt tay xúc tiến. Chúng tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để đưa ra nhiều cải cách cho LHQ.
Tháng 9 tới ở NewYork sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia đại diện cho các thành viên trong LHQ. Một trong những chủ đề chúng tôi quan tâm là tăng viện trợ phát triển chính thức cho các nước nghèo nhất.
Tại hội nghị Thượng đỉnh G8 vừa tổ chức tại Anh, các nước G8 đã quyết định xóa nợ cho các nước nghèo nhất. Tuy nhiên chúng tôi phải nhấn mạnh rằng, việc xóa nợ không phải là 1 công cụ, mà chỉ là hành vi hỗ trợ thêm cho sự phát triển của các nước đó mà thôi.
Chính vì vậy mà từ vài tháng nay, Pháp và một số nước khác đã đưa ra sáng kiến đóng góp hỗ trợ quốc tế cho các nước nghèo. Giải pháp của Pháp là "trích 1 phần giá vé máy bay để tạo nên nguồn vốn hỗ trợ". Chúng tôi sẽ đưa ý tưởng này ra hội nghị của LHQ sau 5 năm (từ 2000) phát triển những mục tiêu Thiên niên kỷ.
Hai ví dụ mà tôi đưa ra để muốn nói rằng: Pháp rất quan tâm đến việc phát triển 1 thế giới công bằng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ngài. Vậy đối với nước Pháp, vùng địa chiến lược nào có ý nghĩa quan trọng sống còn?
ĐS Jean-Francois Blarel: Nước Pháp nằm tại châu Âu nên đây là địa bàn chiến lược đầu tiên của chúng tôi. Nước Pháp mong muốn xây dựng một châu Âu thống nhất về mặt chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời là một châu Âu của tất cả người dân.
Sau khi cộng đồng kinh tế châu Âu được thành lập, chính sách ngoại giao của Pháp trước hết phải hướng vào vấn đề châu Âu. Trong đó, Pháp cũng muốn châu Âu phát triển thành một cộng đồng chính trị, có chính sách đối ngoại chung với người dân các nước trong khu vực.
Mặc khác, trong chính sách đối ngoại của Pháp, chúng tôi cũng gắn lịch sử của mình với các nước khác trên thế giới. Điều này được thể hiện không chỉ qua những liên minh, tôi muốn nói cụ thể nhất tới Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) được hình thành sau chiến tranh thế giới II với phần lớn các nước châu Âu liên minh với Mỹ và Canada. Ngoài ra, Pháp còn gắn bó với lịch sử của mình, với những nước trước đây là thuộc địa của Pháp ở châu Phi, châu Á, mà trước hết phải kể tới Việt Nam.
Pháp đã xác định một khu vực đoàn kết ưu tiên bao gồm các nước đang phát triển có mối quan hệ đặc biệt với Pháp, phần lớn là các nước châu Phi và 3 nước châu Á có quan hệ lịch sử hết sức gắn bó với Pháp là Việt Nam, Campuchia và Lào. Pháp muốn dành sự giúp đỡ đặc biệt cho sự phát triển của những nước này.
Vị trí của Việt Nam trong chiến lược phát triển đối ngoại của Pháp?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, cảm ơn Ngài. Vậy theo Ngài, Việt Nam có vị trí thế nào trong chiến lược phát triển đối ngoại của Pháp?
ĐS Jean-Francois Blarel: Đối với Việt Nam, Pháp có những mối quan hệ chính trị hết sức gần gũi. Quan điểm của hai nước về nhiều vấn đề quốc tế rất tương đồng. Gần đây, chúng ta có thể thấy rõ mối quan hệ chính trị giữa hai nước tốt đẹp như thế nào qua những chuyến thăm cấp cao của hai bên. Cụ thể là chuyến thăm của Tổng thống Pháp Chirac sang Việt Nam vào ngày 7/10/2004 hay gần đây nhất là chuyến thăm của TBT Việt Nam Nông Đức Mạnh sang Pháp vào ngày 9/6/2005.
Những chuyến thăm cấp cao đó là dịp để hai bên trao đổi, bàn luận với nhau về những điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Ngoài ra, quan hệ giữa hai bên còn được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp Bộ trưởng.
Về phương diện kinh tế, tôi xin phép được nhắc lại, Pháp hiện là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam ngoài châu Á. Pháp hiện là nhà viện trợ chính thức lớn thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản mà thôi.
Ngoài quan hệ giữa hai chính phủ, còn có quan hệ giữa người dân trực tiếp với nhau. Điều đó được thể hiện qua sức sống cũng như sự mạnh mẽ trong việc giao lưu giữa các địa phương của Pháp với các tỉnh, vùng của Việt Nam. Hàng loạt hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ của Pháp cũng đang tiến hành tại Việt Nam.
Ngay sau chuyến thăm của TBT Nông Đức Mạnh sang Pháp, chúng tôi đã tổ chức hội nghị lần thứ 6 hợp tác phi tập trung giữa Pháp và Việt Nam tại Huế. Tại hội nghị, có hơn 500 đại biểu đại diện cho các cấp chính quyền tại 64 tỉnh thành của Việt Nam và các hiệp hội địa phương của Pháp. Thông qua hội nghị này, hai bên đã trao đổi để thiết lập các mối quan hệ mới, đồng thời tăng cường phối hợp trong các hoạt động đã được tiến hành giữa hai bên để phát triển hơn nữa hợp tác phi tập trung giữa hai Chính phủ.
"Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TGV từ HN tới các tỉnh thành lớn là một ý tưởng rất hay"
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng chuyến thăm Pháp của TBT Nông Đức mạnh đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Về tàu cao tốc TGV, tôi đã có dịp đi và thấy đó là một hệ thống rất hiện đại. Tại sao Pháp không đầu tư phát triển hệ thống này tại VN?
ĐS Jean-Francois Blarel: Để có thể phát triển được tàu cao tốc như TGV, phải tiến hành những nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đặc biệt để biết nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa của người dân từ HN tới các tỉnh của VN.
Một vấn đề nữa là hệ thống đường sắt VN hiện tại tương đối cũ. Việc đầu tiên phải làm là hiện đại hóa hệ thống, có hệ thống biển báo đầy đủ, để giao thông trên những tuyến đường được đó tốt và an toàn hơn.
Pháp cũng đã tham gia rất tích cực trong lĩnh vực hiện đại hóa hệ thống đường sắt của VN. Chúng tôi đã có những dự án nâng cấp hệ thống biển báo trên tuyến đường sắt HN - Vinh, tham gia vào việc cải tạo tuyến đường hầm giữa Huế - Đà Nẵng. Hy vọng các DN Pháp tiếp tục thể hiện trình độ công nghệ của mình trong bước 2 của dự án hệ thống biển báo HN - Vinh.
Các DN Pháp cũng hết sức quan tâm đến giao thông công cộng bằng đường sắt trong nội thị HN. Chúng tôi đã trình lên Chính phủ VN dự án tàu điện thí điểm tại Hà Nội.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là với đường sắt thì phải nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên với địa lý trải dài của VN, nhu cầu đi lại bằng đường sắt lớn chưa từng thấy. Nếu hệ thống TGV của Pháp đầu tư ở đây thì sẽ thu lợi nhuận lớn. Tại sao Pháp không quyết tâm đầu tư toàn diện cả hệ thống, từ hạ tầng đường sắt đến tàu TGV. Có trở ngại gì không?
ĐS Jean-Francois Blarel: Quả thật ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TGV từ HN tới các tỉnh thành lớn trong cả nước là một ý tưởng rất hay. Nhưng để xây dựng cơ sở hạ tầng thì chính phủ VN phải quyết định, phải thể hiện những nhu cầu, nguyện vọng trong kế hoạch kinh tế 5 năm.
Cho đến nay, tôi chưa thấy có kế hoạch phát triển tuyến đường sắt cao tốc trong hoạch định của Chính phủ VN. Không biết trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 có đề cập đến vấn đề này không? Chúng ta phải chờ đến mùa hè này mới biết được.
Nước Pháp và cuộc chiến chống khủng bố?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trước cuộc khủng bố đẫm máu tại London vừa qua, nước Pháp đánh giá tình hình an ninh châu Âu thế nào? Nước Pháp đã có những biện pháp nào để phòng chống nạn khủng bố?
Đại sứ Jean-Francois Blarel: Cuộc tấn công nước Anh ngày 7/7 vừa qua - diễn ra đúng vào ngày khai mạc hội nghị G8 tại miền Bắc nước Anh - là 1 hành động dã man. Tổng thống Pháp đã gửi tới thủ tướng Anh và nhân dân Anh 1 thông điệp về tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước.
Trên phương diện quốc tế và Châu Âu, chúng tôi luôn nhắc nhở rằng mình đang có 1 cuộc chiến chống lại khủng bố quốc tế. Và chúng tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm cần tăng cường hơn nữa những cơ chế đoàn kết giữa các nước trên thế giới...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin Ngài cho biết nuớc Pháp đã có những biện pháp an ninh nào để bảo vệ đất nước mình và chống nạn khủng bố?
Đại sứ Jean-Francois Blarel: Kế hoạch chống khủng bố riêng của Pháp có tên là Vigipirate. Kể từ khi xảy ra vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9, mức độ báo động ở Pháp đã được tăng lên so với bình thường. Sau vụ khủng bố nước Anh 7/7 vừa qua, mức độ cảnh giác của chúng tôi lại được nâng cao hơn nữa.
Với những mức độ cảnh giác khác nhau, chúng tôi sẽ tùy điều kiện cụ thể để quy đinh những đơn vị nào sẽ phải tham gia kiểm soát an ninh trật tự, kiểm soát nơi công cộng như cửa khẩu, sân bay, hải cảng.. Các đơn vị đó có thể trực thuộc bên quân cảnh, bên cảnh sát hay cơ quan hải quan, và đều chịu sự chỉ đạo chung của Bộ Nội vụ và Bộ quốc phòng Pháp.
Đương nhiên trong cơ chế hợp tác chống khủng bố đó cũng có sự tham gia của các cơ quan đại diện Bộ ngoại giao đang đóng ở nước ngoài, trong đó có vai trò của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.
Khi người dân Pháp nói "không" với dự thảo Hiến pháp chung châu Âu?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một câu hỏi của bạn đọc: "Khi người dân Pháp không đồng ý với dự thảo Hiến pháp châu Âu, chính phủ đã làm gì để thuyết phục người dân. Nếu người dân vẫn nói không, liệu có khả năng Pháp sẽ rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không?".
ĐS Jean-Francois Blarel: Trước hết tôi muốn nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân Pháp bỏ phiếu chống lại dự thảo Liên minh châu Âu. Người Pháp muốn phản đối một mô hình châu Âu quá mang tính hành chính, quan liêu, xa vời với những quyền lợi sát sườn trong thực tế đời sống của họ, ví dụ như việc giải quyết nạn thất nghiệp.
Việc người Pháp, và người Hà Lan vài ngày sau đó, nói không với bản dự thảo không có nghĩa là chúng tôi dừng việc tham khảo ý kiến của người dân 25 nước thành viên Liên minh. Gần đây, Luxemburg qua hình thức trưng cầu ý dân đã quyết định phê chuẩn dự thảo thông qua con đường nghị viện.
Nói cách khác, tiến trình phê chuẩn hiến pháp ở châu Âu vẫn đang được tiếp tục triển khai. Điều mà lãnh đạo chúng tôi cần nghĩ đến bây giờ là sẽ phải tiếp tục tiến hành thế nào sau khi kết thúc tiến trình tham khảo ý kiến người dân.
Để giải quyết vấn đề này, có nhiều giải pháp khác nhau. Nhớ lại những cuộc trưng cầu tương tự về các vấn đề của liên minh châu Âu, những nước nói "không" với bản dự thảo lần đầu nhưng sẽ ủng hộ khi trưng cầu ý dân lần thứ 2. Nhưng dù sao, việc người Pháp nói "không" với bản hiến pháp không có nghĩa sẽ làm dừng lại tiến trình xây dựng liên minh châu Âu, cũng không có nghĩa người dân Pháp có vị trí kém hơn trong liên minh châu Âu.
Vận hội và thách thức mới của nước Pháp?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trong tình hình thế giới hiện nay, nước Pháp có những vận hội gì để vươn lên?
ĐS Jean-Francois Blarel: Tôi nghĩ có rất nhiều vận hội để nước Pháp khẳng định vị thế của mình. Chỉ sau mùa hè tới, Pháp sẽ có vai trò lớn trong việc đề xuất những giải pháp liên quan tới vấn đề cải cách LHQ, nâng cao ODA cho các nước nghèo. Mong muốn của chúng tôi là làm sao để quá trình toàn cầu hoá trở thành một cơ hội để thế giới công bằng hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy thách thức lớn nhất đối với nước Pháp hiện nay là gì?
ĐS Jean-Francois Blarel: Tôi nghĩ thách thức lớn nhất với Pháp bây giờ là giải quyết vấn đề chậm phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Các nước phát triển phải có trách nhiệm dành một khoản GDP lớn hơn cho sự phát triển của các nước nghèo.
Chính vì vậy, tại hội nghị G8 vừa qua, chúng tôi đã quyết định xóa một phần nợ cho các nước nghèo nhất. Trong khuôn khổ Câu lạc bộ Paris, chúng tôi cũng thường xuyên có những cuộc họp về giãn nợ hoặc xoá nợ cho các nước nghèo.
Thông qua tuyên bố của Tổng thống Pháp, chúng tôi thể hiện quyết tâm muốn dành 0,7% GDP của Pháp cho ODA. Và chúng tôi cũng muốn hình thành một nguồn vốn quốc tế để tài trợ cho sự phát triển của các nước nghèo, đặc biệt qua sáng kiến trích một phần rất nhỏ trong giá vé máy bay để làm quỹ.
"Ưu tiên hiện nay của chúng tôi là tăng học bổng cho những sinh viên sau bậc đại học"
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bây giờ sẽ là câu hỏi của bạn Bùi Sĩ Phong ở Paris:
- Thưa ngài đại sứ, là một sinh viên Việt Nam, tôi rất quan tâm đến chính sách của Pháp dành cho các sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam. Theo con số thống kê của trung tâm giáo dục Pháp EduFrance, trong năm 2002-2003 vừa qua, đại sứ quán Pháp tại VN đã cấp rất nhiều visa cho sinh viên VN sang Pháp học tập. Số lượng lượng sinh viên Việt Nam ở Pháp đã tăng đáng kể (2495 trong năm 2003, trong đó chỉ có 578 suất học bổng do chính phủ Pháp cấp). Tôi biết Pháp còn muốn tăng con số này lên nữa. Vì vậy ngài có thể vui lòng cho biết về chính sách của CP Pháp đối với những sinh viên muốn đi học tại Pháp? Có hay không sự khác nhau giữa những yêu cầu để cấp visa cho một sinh viên (đang học đại học ở Việt Nam) có nhu cầu theo học những khóa học tiếng và những sinh viên muốn sang Pháp để tiếp tục theo học đại học?
ĐS Jean-Francois Blarel: Đây là một câu hỏi rất thú vị, đề cập tới một chủ đề trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, chủ đề giáo dục, đào tạo Đại học và sau ĐH cho những cán bộ, cá nhân xuất sắc. Theo số liệu được cập nhật hiện nay, khoảng 3.500 sinh viên VN đang theo học tại Pháp.
Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã thành lập một cơ chế mới là Trung tâm du học Pháp tại Hà Nội và TPHCM, nhằm hỗ trợ các ứng cử viên muốn đi du học Pháp tất cả các khâu thông qua các phương tiện điện tử, phi vật chất.
Khi tra vào địa chỉ Internet của trung tâm du học Pháp, các bạn VN có thể có thông tin về các trường ĐH Pháp để lựa chọn. Sau đó thông qua hệ thống điện tử, các bạn có thể thực hiện mọi công đoạn, từ điền vào hồ sơ cá nhân những thông tin cần thiết đến khi bạn được cấp visa để đi du học tại Pháp.
Chúng tôi cũng rất muốn nâng cao số học bổng cho sinh viên VN nhưng nguồn ngân quỹ chỉ có hạn, không thể mở rộng mãi. Vì vậy, ưu tiên hiện nay của chúng tôi là tăng học bổng cho những sinh viên sau bậc đại học.
Mặc khác, để tăng thêm số học bổng cho sinh viên VN sang Pháp du học, chúng tôi cũng tăng cường các mối quan hệ đối tác với các DN VN. Nhiều DN nhà nước VN đã phối hợp với chúng tôi để có được học bổng cho sinh viên VN sang Pháp. Sau khi họ về nước, các DN này sẽ tuyển dụng họ vào làm việc.
Hướng đi này đã được triển khai trong lĩnh vực hàng không và dầu khí.
Có một mảng hành động thứ hai dành cho những sinh viên VN không thể hoặc không muốn đi du học ở Pháp. Chúng tôi có chương trình đào tạo của Pháp ngay tại VN, cấp bằng của Pháp.
Hiện tại, trong một số trường ĐH ở VN đã có những chương trình hợp tác cụ thể như vậy, như chương trình đào tạo về quản lý ở Hà Nội và TPHCM, chương trình đào tạo kỹ sư tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Những gì chúng tôi đang triển khai là kết quả của thoả thuận giữa hai Chính phủ, được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp sang VN tháng 10/2004.
Các trung tâm đại học của Pháp tại VN, trước mắt được hình thành trong hai trường ĐHQG của VN tại Hà Nội và TPHCM. Kể từ năm học 2006, sinh viên VN có thể theo học chương trình ĐH của Pháp tại hai trung tâm đào tạo trên, với những ngành học đầu tiên liên quan tới kinh tế, quản lý, luật, kỹ sư.
Học tiếng Pháp để làm gì?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin gửi đến Ngài Câu hỏi của bạn Lê Minh Hằng - Vạn Phúc (Hà Nội):
- Hiện nay có rất nhiều học bổng từ phía Pháp dành cho Việt Nam, nhưng hầu hết đều dành cho sinh viên. Tôi xin hỏi, có học bổng dành cho học sinh hết cấp 2 lên cấp 3 không? Tôi học hệ song ngữ (tiếng Pháp), hêt cấp 2 sẽ phải thi lấy bằng song ngữ. Vậy tấm bằng đó có lợi ích thế nào cho việc học cấp 3 ở Pháp?
ĐS Jean-Francois Blarel: Câu hỏi của bạn có 2 ý khác nhau. Trước hết về học bổng cho trung học và những năm đầu ĐH, nếu bạn không học những trường Pháp tại VN (trường Alexandre de Yersin tại HN và Collette tại TPHCM) thì bạn sẽ không có học bổng để du học tại Pháp. Hiện tại, chúng tôi chỉ có học bổng dành cho những học sinh xuất sắc nhất của 2 trường kể trên học ĐH tại Pháp.
Còn nếu bạn muốn du học theo học bổng của Chính phủ Pháp, bạn phải học xong ĐH ở VN. Khi đó, muốn học cao học hay tiến sỹ tại Pháp, bạn có thể nộp hồ sơ trong khuôn khổ trung tâm du học Pháp mà tôi vừa trình bày.
Câu hỏi của bạn còn đề cập đến yếu tố Pháp ngữ trong các trường cấp 3 tại VN. Đây là một mảng quan trọng, và Pháp có hai chương trình song song bổ sung nhau. Để gia tăng số lượng học sinh học tiếng Pháp, chúng tôi đã phối hợp với phía VN mở lớp Pháp ngữ ở một số trường VN. Ưu thế của học sinh các lớp này là đựơc học chương trình cả theo tiếng Việt và tiếng Pháp cho đến bậc trung học.
Một nỗ lực nữa của chúng tôi là cố gắng để tiếng Pháp là ngoại ngữ thứ 2 trong các trường học ở VN. Bên cạnh tiếng Anh, sẽ rất hữu ích khi học sinh VN học thêm sinh ngữ thứ 2, chúng tôi mong đó là tiếng Pháp.
Những học sinh học tiếng Pháp ở bậc phổ thông (dù theo cách nào) sau đó sẽ có thuận lợi để học trong các trường đại học VN những chương trình đào tạo theo kiểu Pháp, bằng tiếng Pháp. Chúng tôi không có ý định thay thế tiếng Anh - chìa khóa hội nhập - mà chỉ muốn bổ sung thôi. Một bạn trẻ nắm vững tiếng Pháp sẽ có thể tham gia các hoạt động kinh tế nơi các DN Pháp đang hoạt động. Các DN Pháp ở VN ngày càng đông đảo, đa dạng trong các lĩnh vực từ dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn) đến sản xuất công nghiêp. Mặt khác, trong phòng thương mại Pháp tại VN cũng có văn phòng giới thiệụ việc làm để giúp đỡ những bạn trẻ biết tiếng Pháp làm việc trong các DN Pháp tại VN.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Câu trả lời của Ngài cũng phần nào giải đáp cho câu hỏi của bạn Nguyễn Minh Phương (Đội Cấn - Hà Nội):
- Thưa ông, trong những năm qua, CH Pháp đã trở thành đối tác quan trọng bậc nhất của VN tại Châu Âu. Quan hệ hợp tác Pháp - Việt nở rộ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, v.v...( Khó có thể tưởng tượng hai nước đã từng là kẻ thù của nhau).
Nhưng trên bình diện thương mại, tôi nhận thấy còn hạn chế rất nhiều. Thực tế sinh viên học tiếng Pháp sau khi ra trường khó tìm được việc làm. Một phần do còn ít DN Pháp đầu tư tại Việt Nam. Còn những người tìm được việc thì mức thù lao DN Pháp trả lại quá thấp so với công sức bỏ ra để đạt trình độ cao về tiếng Pháp. VD: 100USD/tháng cho vị trí thư ký. Ông có giải pháp gì, có ý kiến gì cho vấn đề này không?
ĐS Jean-Francois Blarel: Trước hết xin cám ơn lời chúc mừng của bạn. Quả thực, quan hệ hai nước là quan hệ lâu đời. Thật ra, không phải chỉ trong thời kỳ Pháp đô hộ) tại VN, mà trước đó rất lâu, Pháp đã mang đến cho VN tinh thần Tự do - bình đẳng - bác ái từ thời kỳ Cách mạng Pháp (14.7 .1989). Vì thế, quan hệ hai nước hết sức gần gũi, hai dân tộc có sự thấu hiểu sâu sắc.
Trở lại câu hỏi về số lượng DN Pháp tại VN còn rất ít, bạn có thể yên tâm vì xu hưóng đó đang được tăng dần lên. Trong 1 năm qua (từ 14.7 năm ngoái đến bây giờ), có rất nhiều DN mới đến làm ăn tại VN.
Tôi xin nhắc lại, những lời phàn nàn về số DN ít và lương thấp sẽ ngày càng ít đi trong số các bạn trẻ biết tiếng Pháp và tìm việc làm tại các công ty Pháp. Ví dụ, công ty ximăng hàng đầu La Fache đã đến làm ăn tại VN. Hay gần đây, Chính phủ VN đã quyết định giao cho tổ hợp quốc tế - do tập đoàn Technique dẫn đầu - đứng đầu việc xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 của VN tại Dung Quất. Trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều KS Pháp được triển khai xây dựng trên khắp các miền VN. Nhiều công ty Bảo hiểm như Prevoir đã có mặt tại VN, hay Group Ama được cấp giấy phép mở rộng hoạt đông.
Trong dịp TBT Nông Đức Mạnh sang Pháp, 2 bên đã quyết định thành lập hội đồng cấp cao về phát triển hợp tác kinh tế. Chúng tôi hy vọng cơ cấu này sẽ thúc đẩy hơn nữa việc DN Pháp đến làm ăn tại VN.
"Về công nghệ, nước Pháp không phải xấu hổ với các đối tác quốc tế của mình"
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Nguyễn Mạnh Hùng ở TP.HCM hỏi:
- Tôi rất yêu thích văn hoá, văn minh Pháp, với những tác phẩm nổi tiếng của các tác giả như Victor Hugo, Banzac. Nhưng hình như trong kinh doanh, giới doanh nhân Pháp chưa thực sự mạnh mẽ và năng động. Chẳng hạn, trước đây nước Pháp rất tự hào đã có mạng Minitel đi trước cả mạng Internet. Nhưng rồi không phải Minitel mà Internet mới trở thành mạng phổ cập toàn cầu. Ông có bình luận, đánh giá gì về vấn đề này?
ĐS Jean-Francois Blarel: Nhận xét của bạn Mạnh Hùng cũng giống nhiều người, rằng nước Pháp là 1 cường quốc văn hoá, là đất nước của các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, đồng thời là một đất nước của ẩm thực. Chúng tôi nghĩ điều đó hoàn toàn chính xác. Đây là thế mạnh mà chúng tôi mong muốn duy trì và tiếp tục phát huy.
Bạn cũng đã nói đến 1 thành tựu trong công nghệ của Pháp là Minitel. Đây là nỗ lực của chính phủ Pháp để trang bị cho mỗi gia đình 1 màn hình điện tử, giúp người dân được dùng các dịch vụ đa dạng trực tiếp qua mạng như đặt vé tàu xe, đăng ký, khai báo... Như vậy, người dân Pháp trong 1 khoảng thời gian rất dài đã có một ưu thế hơn hẳn so với các nước khác khi được sử dụng một số dịch vụ qua mạng
Intenet chỉ mới thực sự phát triển từ giữa những năm 90 trở lại đây. Dù sao cũng phải nói rằng, Pháp vẫn là 1 cường quốc về mặt công nghệ. Tôi xin đưa ra một ví dụ để minh chứng.
Một địa điểm ở miền Nam nước Pháp vừa được các nước lớn trên thế giới, cụ thể là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, liên minh Châu Âu lựa chọn để các nhà khoa học về nghiên cứu nguồn năng lượng cho tương lai, năng lượng hạt nhân.
Dự án ITER là một minh chứng cho những bước tiến của Pháp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Quả thật, tôi có rất nhiều ví dụ để chứng minh Pháp không chỉ là một đất nước nổi tiếng với Victor Hugo, Banzac mà Pháp còn được biết đến với những loại ôtô nổi tiếng như Renault hay Peugot . Nước Pháp cũng là nơi lắp ráp máy bay Airbus, phóng tên lửa Arian, xây dựng cây cầu vượt Mireau nổi tiếng thế giới. Hàng năm, Pháp vẫn dành 2% GDP cho công tác nghiên cứu khoa học. Do vậy, Pháp vẫn duy trì được những thành tựu khoa học, tiếp tục có những bước tiến đáng kể về công nghệ, không phải xấu hổ với các đối tác quốc tế của mình.
Mặc dù đang cố gắng phát triển công nghệ cao nhưng chúng tôi vẫn hết sức chăm chút để sản xuất được rượu vang ngon, rượu sâmbanh ngon, cũng như phát triển thời trang cao cấp.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Điều bạn Hùng muốn nói, là nước Pháp rất mạnh về công nghệ nhưng do doanh nhân Pháp đôi lúc thiếu sự mạnh mẽ, quyết đoán, không dám chấp nhận rủi ro dẫn đến trường hợp như Minitel không trở nên đại chúng như Internet. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
ĐS Jean-Francois Blarel: Xét về tổng thể, nước Pháp không chỉ là cường quốc về mặt công nghiệp mà còn là một cường quốc về thương mại. Chúng tôi không chỉ mạnh về những phát kiến của mình, mà còn biết bán những sản phẩm ra ngoài.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cám ơn ngài đại sứ. Thời gian không đủ để trả lời rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Chúng tôi xin chuyển những câu hỏi còn lại tới ngài. Nhân ngày Quốc khánh Pháp, chúng tôi xin chúc nhân dân Pháp hạnh phúc phồn vinh, chúc nước Pháp ngày càng nâng cao uy tín của mình trên thế giới. Chúng tôi cũng chúc ngài đại sứ có quãng đời tươi đẹp, có những ngày vui và hạnh phúc tại VN. Và chúng tôi mong trong thời gian làm việc của ngài tại đây, quan hệ VN - Pháp ngày càng phát triển ở tầm cao hơn nữa.
ĐS Jean-Francois Blarel: Xin cảm ơn VietNamnet đã mời tôi đến bàn tròn hôm nay. Cảm ơn ông TBT và các bạn đọc đã chứng kiến buổi làm việc này. Tôi sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi mà tôi chưa có dịp trả lời trực tiếp. Tôi cũng xin cảm ơn ông TBT về những lời chúc tốt đẹp dành cho tôi và nước Pháp.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bàn tròn đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn bạn đọc VietNamNet.đã tham gia gửi câu hỏi và theo dõi. Hẹn gặp lại các bạn trong bàn tròn chiều nay với ĐS Trung Quốc.
Ý kiến của bạn về Bàn tròn
-
Nhóm thực hiện: Bích Ngọc - Khánh Linh - Ngọc Nhung - Huyền Trang