Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân 80 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam tại Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Chủ tịch nói: "Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi bày tỏ vui mừng có dịp gặp mặt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cơ quan báo chí Trung ương, Hội Nhà báo và các cơ quan quản lý báo chí, và các đồng chí phóng viên. Trên cương vị công tác của mình, những năm qua, tôi đã có nhiều dịp đến thăm, làm việc tại cơ quan của các đồng chí - và thông qua các đồng chí - động viên toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trong toàn hệ thống báo chí cả nước tích cực thực hiện nhiệm vụ. Buổi gặp mặt thân mật hôm nay cũng với mục đích như vậy!"
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã điểm lại lịch sử đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam, chỉ ra những yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội hôm nay đối với báo chí.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vẫn báo chí. |
Chủ tịch nhấn mạnh: "Cả dân tộc ta đang phấn đấu hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN nhằm mục tiêu: dân giàu, nước manh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá là bước quan trọng tiến tới mục tiêu đó. Cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, báo chí cách mạng nước ta-với truyền thống 80 năm-không thể đứng ngoài quá trình thực hiện mục tiêu này; phải làm sao để giữ vững và phát huy những thành quả cách mạng mà dân tộc chúng ta đã phải đổ bao xương máu để có được ngày hôm nay. Thực tiễn đang đòi hỏi chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí phải ngày càng cao hơn. Báo chí cần phát hiện và biểu dương các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt việc tốt; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; góp phần phát hiện và đề xuất cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; tuyên truyền pháp luật, cổ vũ nhân dân sống và làm theo pháp luật; chủ động chống lại các luận điệu của kẻ thù xuyên tạc phá rối an ninh quốc gia; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội, trở thành một lực lượng quan trọng tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội, vì sự tiến bộ của xã hội. Tiến bộ xã hội là quá trình phát triển đan xen, nhiều mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn để phát triển, do đó cần thường xuyên phát hiện mâu thuẫn, tổng kết thực tiễn để giải quyết mâu thuẫn, tạo tiền đề cho sự phát triển hợp quy luật. Theo tôi, báo chí có khả năng lớn trong thực hiện yêu cầu này.
Trong bức tranh chung sự phát triển của báo chí hôm nay, xu hướng tích cực, đáp ứng các yêu cầu phát triển và tiến bộ xã hội là xu hướng cơ bản. Đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, có một số hạn chế mà dư luận và các cơ quan quản lý báo chí đã nói đến nhiều. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề - không phải chỉ là những hạn chế - mà thực tiễn đang yêu cầu chúng ta xem xét một cách khoa học:
Thứ nhất, do nhu cầu nhận thức và do có sự phân ngành trong các lĩnh vực, đã xuất hiện ngày càng nhiều báo và tạp chí mang tính chuyên sâu, hoặc tổng hợp, dẫn đến việc nhiều tờ báo ở các chuyên ngành khác nhau nhưng lại có nội dung trùng lặp, giống nhau, gây lãng phí, mà nguyên nhân do các báo đều muốn thu hút nhiều độc giả và có lượng phát hành cao. Sự phát triển ngày càng đa dạng của báo chí từng bước tạo điều kiện hình thành những tập đoàn báo chí-truyền thông lớn, trong đó có nhiều loại hình báo chí cùng tồn tại sẽ là một xu hướng cần được quan tâm nghiên cứu sớm.
Thứ hai, trong cơ chế thị trường hiện nay, một số tờ báo rất năng động đã tự trang trải và có được lợi nhuận không nhỏ, là điều đáng mừng, nhưng cũng đang làm xuât hiện xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận đơn thuần và thị hiếu tầm thường của một số ít công chúng, quá lạm dụng những sự kiện giật dân, câu khách, thoát ly tính định hướng dư luận vốn là một chức năng quan trọng của báo chí cách mạng; một số tờ báo về danh nghĩa thuộc tổ chức nhà nước, hay đoàn thể, hiệp hội, nhưng lại đang có xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích và trách nhiệm, thoát ly sự lãnh đạo của các cơ quan chủ quản...
Tình hình trên đặt ra yêu cẩu với công tác quản lý nhà nước về báo chí, hơn bao giờ hết, rất đa dạng và phức tạp. Tôi mong công tác quản lý phải bắt kịp trình độ phát triển rất cao của kỹ thuật, công nghệ và sự biến chuyển của xã hội; cần xây dựng tốt quy hoạch phát triển báo chí, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực báo chí, kiện toàn tổ chức và bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, đặc biệt là nâng cao năng lực và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, chăm lo tốt hơn nữa đời sống của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Đứng trước yêu cầu mới của cách mạng, đội ngũ báo chí trong cả nước phải thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ và có bản lĩnh nhìn thấu đáo quá trình vận động mọi mặt của đời sống xã hội, thấy rõ sự liên quan giữa các sự vật, hiện tượng tưởng như rời rạc, tản mạn, hợp lại thành một chỉnh thể và đề xuất vấn đề một cách chính xác, toàn diện và tiến bộ. Tôi mong mỗi nhà báo chúng ta hãy là một ngọn lửa của "cái tâm" luôn tự vượt qua mình để lớn lên từng ngày; hãy truyền cho từng người niềm say mê và hoài bão để biến những ước mơ của cả dân tộc thành hiện thực trong một tương lai gần.
(Theo TTXVN)