221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
660918
Nguyên TT Võ Văn Kiệt góp ý cho dự án Dung Quất
1
Article
null
Nguyên TT Võ Văn Kiệt góp ý cho dự án Dung Quất
,

Ngày 10/6, Nguyên thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt đã có thư ngỏ gửi Quốc Hội góp ý cho dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau đây là nội dung thư ngỏ:

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt: " Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu" - Ảnh: TTO

"Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội đang tham dự kỳ họp lần thứ 7 khóa XI

Theo dõi kỹ phiên chất vấn và trả lời chất vấn và đọc lại tường thuật trên các báo về hai ngày làm việc tại hội trường 8 và 9/6/2005 của Quốc hội, tôi rất mừng về tinh thần thẳng thắn và tương đối mạnh dạn trong chất vấn và trả lời chất vấn.

Đặc biệt là trong vấn đề quyết định và tiến độ xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, bộ trưởng Bộ Công nghiệp, rồi tiếp đó Chủ tịch Quốc hội đã “nhận lỗi trước cử tri”.

Tôi hiểu đây là một bước của quá trình thảo luận công khai và minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước, công khai và minh bạch thực thi quyền dân chủ thảo luận trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng về những vấn đề lớn của đất nước mà nhân dân ta đang chăm chú theo dõi với ý thức trách nhiệm công dân và tình cảm thiết tha đối với công việc của đất nước.

Là người trước đây từng chịu trách nhiệm chính về chủ trương xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một công trình trọng điểm quốc gia, đứa con đầu lòng của ngành dầu khí VN, tôi xin được chia sẻ với đồng chí Chủ tịch Quốc hội về thái độ thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm.

Đồng thời, tôi cũng muốn góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ thảo luận, trong việc nhận rõ trách nhiệm đối với những công việc cụ thể có địa chỉ hẳn hoi, khắc phục tình trạng né tránh mà tôi vẫn thấy còn biểu hiện đây đó.

Để góp phần vào việc này, tôi xin cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác gắn liền với ý thức nhận lãnh phần trách nhiệm cụ thể về công việc của bản thân mình khi chịu trách nhiệm là Thủ tướng Chính phủ của nhiệm kỳ phải giải quyết về chủ trương và địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Về địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất:

Đúng như bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã giải trình trước Quốc hội, ban đầu có năm phương án đưa ra gồm: Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất (Quảng Ngãi), Hòn La (Quảng Bình) và Vân Phong (Khánh Hòa).

Khi xem xét ba phương án được ủng hộ nhiều hơn là Dung Quất, Long Sơn và Nghi Sơn, trong đó Dung Quất được ủng hộ nhiều nhất. Thật ra, đây là cả một quá trình trao đổi rất cụ thể và với nhiều cân nhắc rất nghiêm túc và hết sức chi tiết.

Đối tác đầu tiên mà chúng tôi thảo luận là Tập đoàn dầu khí Total của Pháp. Total muốn địa điểm đặt tại Long Sơn (Vũng Tàu). Việc lựa chọn này của phía nhà đầu tư là hợp lý đối với họ vì như vậy là kinh tế nhất. Tuy nhiên, nếu đặt nhà máy lọc dầu ở đây sẽ phải cân nhắc tính toán hai vấn đề:

Khu công nghiệp dầu khí không chỉ đơn thuần là một nhà máy lọc dầu, mà cùng với nó là nhà máy hóa dầu và rồi hình thành một cụm các công trình liên quan. Trong lúc đó, ta đã có chủ trương phát triển Khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu nối liền với Khu công nghiệp Đồng Nai, hình thành khu khí điện đạm Phú Mỹ.

Như vậy, nếu lại hình thành nên một cụm công nghiệp tại Long Sơn sẽ là sự tập trung quá lớn những công trình trọng điểm quốc gia vào một khu vực, trên bình diện vĩ mô, sẽ là điều không hợp lý.

Hơn nữa, ở Long Sơn không có cảng nước sâu, để triển khai xây dựng công trình trọng điểm quốc gia này phải làm 3km cầu cạn mới ra đến được cảng nước sâu phía bãi Trước của Vũng Tàu. Tuy không phải là lý do chính, song cũng phải tính toán trước để dè chừng, quá trình vận chuyển dầu, nếu có sự cố rò rỉ sẽ đe dọa trực tiếp hoạt động của khu du lịch Vũng Tàu.

Chính vì vậy, Thường trực Chính phủ đã cân nhắc và báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để yêu cầu dịch chuyển nhà máy lọc dầu ra miền Trung, tìm nơi nào có cảng nước sâu đúng với yêu cầu. Có ba địa điểm được gợi ra: cảng Ba Ngòi ở sát đường dẫn vào vịnh Cam Ranh và tiếp đó là vịnh Vân Phong ở Khánh Hòa và cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng.

Với Ba Ngòi thì không thể đặt ra vì lúc ấy có nhiều lý do chưa thể thu xếp được. Vịnh Vân Phong thì Total sau khi đến nghiên cứu đã từ chối vì lý do cũng tương tự như trên.

Về phía Chính phủ ta, khi đến trực tiếp khảo sát Vân Phong, chúng tôi nhận ra được đây là một vị trí cho xây dựng một khu du lịch sinh thái thuộc loại đẹp nhất của nước ta. Một công ty của Malaysia đã đệ trình một dự án đầu tư khai thác du lịch sinh thái rất có triển vọng.

Với Liên Chiểu ở Đà Nẵng tuy cũng có những lợi thế, song cũng sẽ gặp tình huống như ở Long Sơn (Vũng Tàu) vì quá tập trung vào một nơi đã có nhiều kế hoạch đầu tư đang được triển khai.

Chính vì vậy, sau buổi khảo sát Vân Phong, khi về làm việc tại Đà Nẵng, được giới thiệu về vịnh Dung Quất, lại được nghe là đã có một nhóm chuyên gia khoa học về cảng nước sâu của ta đến đây khảo sát và đưa ra những kết luận khả quan.

Ngay sau đó, chúng tôi cùng với đồng chí Trương Quang Được, bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, nay là phó chủ tịch Quốc hội, về trực tiếp khảo sát Dung Quất.

Sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt: có cảng nước sâu ở bên ngoài để dẫn dầu thô vào, có cảng trong vịnh để làm cảng phân phối. Ở đây lại gần quốc lộ 1A và đường sắt thống nhất, tiếp đó là sân bay Chu Lai. Công trình thủy lợi Thạch Nham sẽ cung cấp đủ nước ngọt...

Như vậy rõ ràng Dung Quất có nhiều lợi thế để đặt nhà máy lọc dầu: nằm ở khu vực giữa Nam Trung bộ và Tây nguyên, vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của đất nước. Với sự cân nhắc lợi thế đó, Thường trực Chính phủ đã báo cáo với Bộ Chính trị và được sự nhất trí cao cho việc đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất.

Sau khi Total khước từ, chúng ta đã liên hệ với một đối tác khác là Petronas (Malaysia). Cũng với những cam kết như Total, họ chỉ yêu cầu thêm một điều kiện: Sau khi nhận được phần dầu được chia, xin tạo điều kiện cho họ phân phối ngay tại thị trường VN để tránh khỏi phải chi phí vận chuyển về lại Malaysia để rồi mới xuất đi.

Theo nhận định của Thường trực Chính phủ, hoàn toàn có thể chấp nhận đề nghị đó để Petronas cùng Petro VN trực tiếp bắt tay vào ngay qui trình xây dựng. Rất tiếc là ý kiến này không được chấp thuận.

Trong điều kiện ấy, sau khi cân nhắc mọi mặt, xin ý kiến Bộ Chính trị đi đến quyết định tự mình làm lấy. Đó là một quyết định đúng. Vì chúng ta có đủ điều kiện để tự mình làm, vấn đề kỹ thuật, công nghệ nếu cần thì có thể chủ động mời chuyên gia nước ngoài.

Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu, góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Nếu bây giờ, trước những diễn biến của tình hình, Quốc hội phân tích và kết luận việc lựa chọn đó là sai thì người nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm đó phải chính là tôi, Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ.

Nêu lên những vấn đề trên trong thư ngỏ này kính gửi Quốc hội, tôi muốn góp phần làm rõ trách nhiệm và muốn được công khai và minh bạch trong dân chủ trao đổi và thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, tạo nên một không khí mới trong sinh hoạt dân chủ của đời sống xã hội, động viên tinh thần hăng hái đóng góp ý kiến xây dựng đất nước của mọi tầng lớp nhân dân ta ở trong và ngoài nước.

Xin kính gửi đến đồng chí Chủ tịch Quốc hội và tất cả các vị đại biểu Quốc hội lời chào tin tưởng và trân trọng.

Kính thư,

VÕ VĂN KIỆT

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,