(VietNamNet) - Đúng 18h chiều nay, Lễ kết nạp 13 thành viên mới của ASEM diễn ra tại khách sạn Daewoo, Hà Nội. Đây là đợt mở rộng lớn nhất của ASEM.
Trong số 13 nước mới được kết nạp có 3 nước thành viên ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar; 10 nước là thành viên mới của EU bao gồm Síp, Slovakia, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovenia.
Đây là đợt mở rộng lớn nhất của ASEM. Mở đầu lễ kết nạp, lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEM và Ủy ban châu Âu (EC) được mời lên bục danh dự. Tiếp đó, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 5, đọc diễn văn chào mừng các thành viên mới.
Thủ tướng nói: "Chúng ta trông đợi và tin tưởng rằng, các nước thành viên mới sẽ có những đóng góp tích cực và cụ thể cho những nỗ lực chung của ASEM cũng như tiến trình ASEM ngày càng phát triển, nâng cao vai trò, vị trí của ASEM trên trường quốc tế."
Tiếp theo phát biểu chào mừng của Thủ tướng Phan Văn Khải, quốc kỳ 13 quốc gia thành viên mới của ASEM đã được kéo lên trong niềm hân hoan chung của mọi người.
Sau phần lễ trọng thể, đại diện các nước Campuchia và Estonia, thay mặt cho các thành viên mới được kết nạp đã lần lượt phát biểu cảm tưởng của mình.
Thay mặt cho 3 nước thành viên ASEAN vừa được kết nạp vào ASEM, Thủ tướng Campuchia, ông Hunxen xúc động nói: "Chúng tôi tin tưởng rằng, việc mở rộng ASEM lần này sẽ không chỉ là mở rộng về mặt không gian mà còn mở ra một chân trời mới cho mối quan hệ hợp tác dài lâu và đối tác chặt chẽ hơn giữa 2 châu lục chúng ta.
Chúng tôi tin tưởng rằng, các nước thành viên mới hoàn toàn có thể đem lại những giá trị mới cho tiến trình ASEM, nhằm giúp thu hẹp khoảng cách địa lý giữa 2 châu lục: Châu Á và châu Âu."
Đánh giá cao tiến trình hợp tác Á - Âu hơn 8 năm qua, Thủ tướng Estonia thay mặt các nước EU vừa được kết nạp vào ASEM nhận định: "Trên thực tế, ASEM đưa ra một viễn cảnh rõ ràng về tương lai, chúng tôi, các nước thành viên mới, đánh giá cao khuôn khổ hợp tác Á - Âu 2000 đã xác định tầm nhìn trung hạn và dài hạn, định hướng cho tiến trình ASEM khi bước vào thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, ông đưa ra 4 điểm về giá trị của ASEM đối với Campuchia, Lào và Myanmar:
Thứ nhất, ASEM tạo ra một môi trường khu vực hoà bình và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thịnh vượng của cả 2 khu vực.
Thứ hai, mặc dù ASEM về bản chất là một tiến trình đối thoại mở và không chính thức nhưng các nguyên tắc về tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi đã giúp ASEM trở thành một kênh quan trọng nhằm tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức thông qua đối thoại và hợp tác. Nguyên tắc đồng thuận trong việc đưa ra các quyết định của ASEM tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường tinh thần cộng đồng, văn hoá hợp tác giữa hai châu lục.
Thứ ba, thông qua ASEM, châu Âu và châu Á sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử thúc đẩy hội nhập giữa hai châu lục. Chính vì vậy, quan hệ hợp tác thực sự giữa châu Á và châu Âu sẽ giúp tăng cường quan hệ về kinh tế, du lịch và thương mại, đồng thời, thúc đẩy đầu tư.
Thứ tư, thông qua những nỗ lực này, Campuchia, Lào và Mianma hy vọng sẽ có những đóng góp thiết thực vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của ASEM. Chúng tôi cũng ý thức được rằng, trước mắt sẽ còn nhiều thách thức, trong đó có sự khác biệt về thể chế chính trị, về bối cảnh xã hội, văn hoá, tôn giáo và tâm lý, đặc biệt là sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào tầm nhìn này và lạc quan rằng, chúng ta sẽ cùng nhau biến tầm nhìn đầy tham vọng đó thành hiện thực."
Lễ kết nạp đã kết thúc trong không khí hân hoan, thắm tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên cũ và mới.
-
PV