Mắt kính xuất xứ Trung Quốc nhưng trên bao bì ghi nguồn gốc Nhật Bản, Đức. Khoảng 95% máy đo khúc xạ, máy đo kính mắt (máy đo tiêu cự) có sai số vượt quá tiêu chuẩn.
TIN LIÊN QUAN
Sử dụng kính thuốc không đảm bảo khiến bệnh mắt nặng hơn |
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Kết quả ban đầu của đợt khảo sát hiện trạng thị trường kính thuốc ở nước ta do Viện Đo lường Việt Nam phối hợp cùng các địa phương đang triển khai thực hiện cho thấy một thực trạng đáng giật mình, đó là hầu hết các mắt kính thuốc trên thị trường hiện nay không đảm bảo đúng công bố, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Cụ thể, 90% mắt kính thuốc được lấy mẫu trên thị trường chuyển về Viện Đo lường Việt Nam để kiểm tra không có tem của nhà nhập khẩu hay phân phối; không ghi nhà sản xuất; các vỏ bao bì đựng kính thuốc thì chủ yếu do các công ty và cửa hàng kinh doanh kính mắt tự in; phần lớn mắt kính thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc… khi nhập về Việt Nam chưa được chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn nhà sản xuất hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Ths Cao Xuân Quang - Trưởng phòng Quang học, Viện Đo lường Việt Nam cho biết, vi phạm phổ biến nhất trong kinh doanh kính thuốc ở nước ta hiện nay là tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Tại Hà Nội, các cán bộ của Viện phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và lấy mẫu tại 10 cửa hàng kính thuốc tư nhân, trong đó có cả những quầy kính thuốc lớn ở Giảng Võ, Hai Bà Trưng, Bạch Mai…
Qua kiểm tra, rất nhiều cửa hàng bán mắt kính xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên bao bì mắt kính thì lại ghi nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, Đức, nghĩa là “ruột một đằng, vỏ một nẻo”, đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, theo quy định thì trên các mắt kính hoặc bao bì của kính thuốc phải ghi đầy đủ các thông số quang học đặc trưng kính mắt, song qua kiểm tra hầu hết loại kính thuốc trên thị trường không công bố rõ ràng các thông số này.
Về chất lượng các máy đo kính thuốc, qua kiểm tra cho thấy khoảng 95% máy đo khúc xạ, máy đo kính mắt (máy đo tiêu cự) có sai số vượt quá tiêu chuẩn (TCVN 8290:2009 hay ISO 8598:1996 - máy đo tiêu cự; TCVN 8295:2009 hay ISO 10342:2003 - máy đo độ khúc xạ), thậm chí có những máy đo sai số gấp 3 lần quy định. Thực tế trong quá trình kiểm tra đã ghi nhận, có những trường hợp đến đo kính cận tại một cửa hàng kính thuốc trên phố Giảng Võ có độ cận là 3,5điôp, song khi đến đo lại tại một cửa hàng kính thuốc trên phố Bạch Mai thì cũng mắt ấy, nhưng độ cận chỉ còn 2,5 điôp… khiến người bệnh không biết tin vào kết quả nào.
Càng dùng càng hại mắt
Ths Cao Xuân Quang phân tích, việc sử dụng kính thuốc không chuẩn trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng cho mắt. Chẳng hạn, một mắt kính an toàn và chất lượng phải đạt được một số tiêu chuẩn về chất liệu (phải trong suốt và tinh túy), tiêu chuẩn độ dầy (chiết suất), chuẩn đường cong, chuẩn về độ kính… Với những sản phẩm mắt kính thuốc không đạt chất lượng chuẩn, không trong suốt, nếu sử dụng lâu dài sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, làm tăng độ của mắt. Với các loại mắt kính có độ dầy không chuẩn khiến cho mắt kính dễ vỡ khi sử dụng, có thể đâm vào mắt. Với mắt kính không chuẩn đường cong, có độ cong không đều thì cho điểm hội tụ và hình ảnh không chuẩn…
Theo ông Quang, kính thuốc là loại kính có tác dụng chữa bệnh, ngăn chặn các thông số của mắt tiến triển theo chiều hướng xấu, do đó cần được quản lý chặt chẽ hơn so với các loại kính thông thường hay kính râm, kính mát. Tuy nhiên, thực trạng chung ở nước ta hiện nay là chất lượng của các loại kính thuốc đang bị thả nổi, không có cơ quan nào kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Ngành quản lý thị trường có trách nhiệm quản lý về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm kính, còn chất lượng kính thì từ trước đến nay chưa có một cơ quan nào quản lý chuyên sâu.
Đây mới là lần đầu tiên một cuộc khảo sát hiện trạng chất lượng kính thuốc được thực hiện ở nước ta với quy mô rộng và thực tế đã phát hiện rất nhiều sai phạm. Các đoàn kiểm tra đã tịch thu 4.500 mắt kính và 1.100 gọng kính không rõ nguồn gốc, giao cho Đội Quản lý thị trường số 17 xử lý theo quy định. Về chất lượng của các loại kính thuốc sẽ được Viện Đo lường Việt Nam công bố trong thời gian tới.
Được biết, ngay trong tuần này, các đoàn kiểm tra, lấy mẫu kính thuốc sẽ tiếp tục tiến hành mở rộng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau đợt kiểm tra này, đoàn sẽ nghiên cứu đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra các văn bản pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát về mặt đo lường, chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa kính thuốc và các phương tiện đo kính thuốc nói riêng, kính mắt nói chung, cũng như khuyến cáo người tiêu dùng các phương pháp lựa chọn kính thuốc đảm bảo chất lượng và phù hợp.
(Theo An ninh Thủ Đô)