- Không lâu sau khi TP.HCM ban hành quyết định 39 quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố, trong đó có việc cấm quảng cáo trên xe buýt, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND thành phố nêu rõ “việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông là được phép” và yêu cầu thành phố xem xét, sửa đổi những điểm không phù hợp.
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, quyết định 39 của UBND TP.HCM ban hành quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố có nhiều điểm chưa phù hợp.
Chẳng hạn, quyết định 39 nêu rõ “cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải” chưa phù hợp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động quảng cáo.
Theo pháp lệnh quảng cáo của Chính phủ: quảng cáo trên các phương tiện giao thông là được phép. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện quảng cáo cho các nội dung thể hiện trên phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, quyết định 39 còn quy định hồ sơ xin giấy phép thực hiện quảng cáo phải có “bản sao hợp đồng dịch vụ quảng cáo, bản sao hợp đồng thuê phương tiện quảng cáo” cũng chưa phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo 1 cửa liên thông.
Những điều này khẳng định rõ việc quảng cáo trên xe buýt hoàn toàn không bị cấm.
Cứ kiến nghị là… bác bỏ!
Từ năm 2002, UBND thành phố đã ban hành quyết định 108 về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố, trong đó không cho phép các doanh nghiệp quảng cáo trên xe buýt vì sợ “mất mỹ quan đô thị”.
Đến tháng 10/2008, Sở GTVT thành phố lại tiếp tục nuôi hy vọng thành phố sẽ chấp thuận phương án cho phép quảng cáo trên xe buýt bằng việc lập hẳn đề án chi tiết quảng cáo bên ngoài thân xe buýt. Vị trí quảng cáo là trên phần sơn hai bên vỏ thân xe buýt (kể cả phần cửa xe, trừ vị trí thông tin về xe buýt).
Tại thời điểm đó, TP.HCM có 153 tuyến xe buýt với hơn 2.360 xe buýt (không kể xe 12 chỗ ngồi). Sau khi tham khảo đơn giá 1 số đơn vị tham gia quảng cáo bên ngoài thân xe buýt tại Hà Nội, giá thuê bao là 33 - 50 triệu đồng/năm (khoảng 2.000 - 3.000 USD). Với đề án trên, ngân sách thành phố sẽ có thêm hơn 100 tỷ đồng mỗi năm nhằm giảm bớt gánh nặng bù lỗ cho xe buýt.
Liệu quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM có được "cởi trói"? Ảnh: Thái Phương |
Thậm chí, trong đề án còn nêu rõ cách phân phối nguồn thu từ việc quảng cáo này nhằm có lợi cho cả doanh nghiệp vận tải và ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, đề án này vẫn bị Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài bác bỏ ngay sau đó . Theo ông Tài, hoạt động quảng cáo trong thời gian qua trên địa bàn có nhiều hạn chế, sai sót, thậm chí lệch lạc quan điểm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… Do đó, đề án tổ chức cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt ở thành phố chưa thể thông qua.
Đến khi quyết định 39 ra đời thay thế quyết định 108 (năm 2002), người dân thành phố hy vọng việc quảng cáo trên xe buýt được chấp thuận để ngân sách thành phố không phải “gồng gánh” bù lỗ cho xe buýt. Nhưng quyết định vẫn tiếp tục cấm.
Mới đây nhất, tại kỳ họp HĐND thành phố, nhiều ý kiến từ phía các đại biểu tiếp tục kiến nghị cho phép quảng cáo trên xe buýt, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Thành Tài vẫn cương quyết: cấm.
Nguyên nhân được ông đưa ra là: “Con số 100 tỷ đồng từ quảng cáo trên xe buýt ở đâu ra? Xe buýt không phải của nhà nước hoàn toàn mà của cả tư nhân, HTX. Do vậy, quảng cáo trên xe buýt không phải 1 mình nhà nước thu toàn bộ số tiền này mà các HTX sẽ được điều tiết, thu tiền… Vậy phương thức ăn chia như thế nào, kích thước quảng cáo ra sao…?”.
Được biết, trong lúc TP.HCM hết lần này đến lần khác bác bỏ hoạt động quảng cáo trên xe buýt thì các tỉnh thành khác như Hà Nội, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… hoạt động quảng cáo đã mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Phải đến lần này, chính Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi công văn “can thiệp” vào những quy định về hoạt động quảng cáo tại TP.HCM (trong đó có việc cấm quảng cáo trên xe buýt). Nhiều người hy vọng, với lần “tuýt còi” và yêu cầu UBND thành phố xem xét, sửa đổi những điểm chưa phù hợp này, quảng cáo trên xe buýt sẽ được “cởi trói”.
-
Thái Phương