Nối yêu thương tới đồng bào miền Trung
Ngày 6.11, VietNamNet lần nữa mở cầu nối đưa thêm nhiều hàng hóa của các nhà hảo tâm giúp bà con vùng lũ ở Quảng Bình vượt khó.
Nhịp sống đã trở lại bình thường ở vùng quê thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hai cơn lũ lịch sử đi qua không còn để lại nhiều dấu vết, trừ những vách tường trên những ngôi nhà thấp lợp ngói vẫn còn in dấu bùn vượt quá đầu người.
Cơn lũ hiểm ác bất ngờ ập đến lúc nửa đêm, cuốn trôi và làm chìm gần như toàn bộ số tài sản nhỏ bé của hơn 1.500 gia đình ở xã Hàm Ninh, thuộc huyện Quảng Ninh trong biển nước mênh mông trắng trời.
Sau cơn lũ, những người nghèo và không nơi nương tựa như bà Phan Mậu Hóa sẽ càng khó khăn hơn. |
Đất đã được vỡ ra trên những thửa ruộng vừa được dọn sạch xác cây cối, động vật chết trôi nhưng chưa thể gieo trồng cây gì vì vẫn còn sũng nước. Đứng bên thửa ruộng rộng 4 sào, bà Nguyễn Thị Huế giọng lo âu: “Nếu trời nắng thì khoảng 10 đến 15 ngày nữa, có thể gieo trồng trở lại, nhưng trời cứ âm u, mưa phùn thế này thì tôi cũng không biết có kịp cho vụ rau trồng để bán trước Tết âm lịch hay không”.
Cho tới khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên sau cơn lũ, bà Huế vun vén cho bữa cơm hàng ngày của gia đình bằng gạo, mì gói, thực phẩm cứu trợ, cộng với khoản tiền ít ỏi mà người con đi làm công nhân xa gửi về.
Đợt cứu trợ tiếp theo của báo VietNamNet đã nhận được sự tài trợ và phối hợp của Hãng hàng không Jetstar Paciffic, công ty sữa Vinamilk và nhà hảo tâm Nguyễn Ngọc Cường. Trong đó, ngoài vận chuyển hàng bằng máy bay miễn phí, cán bộ công nhân viên chức của Jetstar Pacific ủng hộ 1 tấn gạo, nhiều thùng quần áo và 24 triệu đồng. Công ty sữa Vinamilk góp 270 thùng sữa trị giá 50 triệu đồng. Nhà hảo tâm Nguyễn Ngọc Cường ủng hộ 30 triệu đồng. |
Mùa đông đã đến rất gần với cái lạnh co người dưới khoảng trời âm u ảm đạm. Người quê Hàm Ninh lại thêm lo âu vì không còn đủ áo rét cho cả nhà. Cơn lũ ào tới lúc nửa đêm mà như lời của Nguyễn Thị Ngân, 55 tuổi thì “ngay đến cả bẹ chuối cũng không kịp chặt, nói gì đến thu gom được quần áo”. Lại một khoản tiền nữa phải chi, cấp bách hơn nhiều so với việc mua đàn heo giống về thả lại trong cái chuồng trống hoác và trỏng trơ.
Những thùng quần áo được gửi đến bà con vùng lũ khi mùa đông gần kề. |
Bác Nguyễn Đức Nhiên, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Hàm Ninh – cơ quan địa phương đứng ra tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ trực tiếp đến người dân – đưa ra ước tính: “Nếu như không còn những đợt cứu trợ nữa, tôi nghĩ sẽ còn 150 hộ, chiếm khoảng 10% tiếp tục thiếu đói, khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo, hộ có người già không nơi nương tựa”.
Lần đầu tiên đối diện với lũ lớn, nên việc phải vật lộn với những khó khăn trước mắt khiến người ta chưa thể nghĩ xa hơn đến chuyện đối phó với những cơn lũ bất ngờ tương tự về sau. Nhưng một khi phải ứng phó với lũ trong tâm thế mà người dân nơi đây mô tả là “bỏ của chạy lấy người”, nước dâng đến đâu gom đồ đạc chất cao đến đó để đứng lên, cho tới khi phải trổ cả nóc nhà…thì thiệt hại chắc chắn sẽ rất lớn.
Rõ ràng, ai cũng có thể nhận ra sự nghịch lý của chiếc xuồng đua treo hoành tráng trong khu nhà mái che bên hông trụ sở UBND xã Hàm Ninh.
Chiếc xuồng dùng trong cuộc vui đua ghe hoàn toàn vô tác dụng trong cơn lũ dữ, và để có xuồng đi cứu dân, chính quyền xã phải hợp đồng thuê một chiếc xuồng máy khác.
Dưới đây là hình ảnh chuyến cứu trợ mới nhất của báo điện tử VietNamNet đến với vùng lũ miền Trung:
Những bao hàng đầu tiên của đợt cứu trợ đến sân bay Vinh trưa ngày 5.11. |
Quần áo, gạo, sữa nhanh chóng đến tay bà con xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào sáng ngày 6.11. |
Thầy Nguyễn Mậu Đỏ, hiệu trưởng trường tiểu học Duy Ninh nhận sữa từ đại diện báo VietNamNet. |
Niềm vui của các em nhỏ trường tiểu học Duy Nin |
Các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được nhà hảo tâm Nguyễn Ngọc Cường chia sẻ, động viên. |
Những món quà ấm lòng tình nghĩa đối với bà con vùng lũ. |
- Bài, ảnh: Kiến Quân