221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1073004
Gộp hai kỳ thi: Nhiều người không đồng tình
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (Từ 1/6-8/6):
Gộp hai kỳ thi: Nhiều người không đồng tình
,

 - Câu chuyện Gộp hai kỳ thi làm một của Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của bạn đọc trong tuần vừa qua. Ngoài ra, những trao đổi xung quanh việc dạy chữ cho trẻ khi chưa vào lớp 1, góp ý bình ổn tỷ giá thị trường... cũng nhận được nhiều phản hồi của độc giả.

 

Mô tả ảnh.
Hầu hết các ý kiến đều phản dối chuyện gộp 2 kỳ thi làm 1. Ảnh minh hoạ: VNN
Chủ đề gộp 2 kỳ thi TN PTTH và thi tuyển sinh ĐH làm một vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Sau khi Bộ GD-ĐT hoàn tất phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt, VietNamNet lại được hàng trăm thư của bạn đọc bày tỏ sự không đồng tình với đề án này.

 

Lê Trọng Hùng, Học Viện Ngân Hàng, bank_2108@...: "Trải qua nhiều kì thi, cho tới bây giờ em hiểu ra 1 điều là nền giáo dục Việt Nam chỉ còn có 1 kì thi nghiêm túc mà thôi, đó là kì thi đại học. Trong kì thi đại học này, sự nghiêm túc của nó là do chính thí sinh tạo ra, đó là do họ phải tự loại nhau để có thể vào được cổng trường đại học. Còn khi đã gộp 2 kì thi lại 1 thì điều ấy là hoàn toàn không thể, đó là do trong phòng thi có chừng 30 thí sinh thì họ đều quen biết nhau cả, mọi cố gắng của giám thị sẽ là khó khăn. Xin để 2 kì thi như lâu nay nó từng có. Cái gì sai sót thì mới có thể sửa được chứ thi cử chọn người tài thì sai coi như là chết."

 TS NGUYỄN PHỤNG HOÀNG GIẢNG SƯ ĐẠI HỌC HƯU TRÍ
Email: hoangnp@fulbrightweb.org

Kính báo Vietnam Net, Qua kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, chắc hẳn bộ GDDT một lần nữa thấy rõ khâu xem thi ở các địa phương không như nhau! Những ai có học lý thuyết trắc nghiệm đều biết thi TỐT NGHIỆP PTTH và thi TUYỂN SINH ĐẠI HỌC là hai kỳ thi mang tính chất kỹ thuật khác nhau. Một bên là trắc nghiệm dựa trên tiêu chí (criterion-referenced test--thi tốt nghiệp PTTH) và một bên là trắc nghiệm dựa trên nhóm chuẩn (norm-referenced test--THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC) nên KHÔNG THỂ nào gộp hai thành một. Bộ GDDT lập luận rằng trong bài thi sẽ có hai phần cho thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, độ giá trị và tính chất tin cậy của bài thi tăng theo số câu hỏi, và số câu hỏi Bộ GDDT dự kiến trong bộ đề thi gộp KHÔNG ĐỦ bảo đảm tính giá trị và độ tin cậy của điểm thi. Thế mà Bộ vẫn cứ làm! Chúng ta ở vào thời kỳ hậu WTO và đang ở vào năm 2008! Những người làm giáo dục không nên để các nước nhìn vào Việt Nam như một nước chưa phát triển về mặt giáo dục! Kính chào Quý Báo. NGUYỄN PHỤNG HOÀNG, Ph. D. (U.S.C.) Học giả Fulbright 2000-2001 Cựu Thành viên Tổ Công tác Chuyên gia Văn phòng Chính phủ về Đổi mới Thi Tuyển sinh Đại học Phó hiệu trưởng Chuyên môn Trường Trung học Quốc tế APU TP HỒ CHÍ MINH

Bạn đọc ở Hà Tĩnh, tinhoc_vp@...: "Nếu được hỏi ý kiến về vấn đề gộp hai kì thi làm một, tôi sẽ dứt khoát phản đối. Một trăm lần phản đối! Tôi nói câu này phát xuất từ ý thức trách nhiệm với cả tương lai đất nước này. Bao năm theo dõi thi cử qua những lần các con đi thi tôi biết lắm. Thi đại học vẫn là kì thi nghiêm túc nhất, có thể chấp nhận được trong thời điểm hiện tại. Nói như thế có nghĩa là trong kì thi này đây đó vẫn có tiêu cực, vẫn có sai phạm nhưng không nó chỉ nhỏ lẻ, không thành hệ thống như thi tốt nghiệp. Nó không chịu áp lực như thi tốt nghiệp. Trong thi tốt nghiệp người ta thường chặc lưỡi cho xong, chẳng qua là tấm bằng tốt nghiệp cho nó xong 12 năm đèn sách để nó kiếm một cái nghề... Mức độ ảnh hưởng đến "nguyên khí quốc gia" không lớn lắm. Đằng này lại là việc xét vào đai học! Các bạn có thể nghĩ được rằng rồi đây khi con cái chúng ta đang học ở các cấp phổ thông ai quan tâm và có sự "chăm sóc" đến cô thầy sẽ có điểm đẹp, lời phê học bạ đẹp. Còn những gia đình không có điều kiện, những gia đình khó khăn liệu có được đối xử bình đẳng? Môi trường giáo dục của chúng ta chưa lành mạnh, trình độ dạy và học đang có vấn đề thì dứt khoát CHƯA THỂ GỘP HAI KÌ THI LÀM MỘT được!"

 

Lê Thị Mai Hà, Biên Hòa, Đồng Nai, maiha1087@...: "Tôi thấy bộ GD-ĐT cần nên xem xét kĩ mọi vấn đề và có quyết định sớm trước khi năm học mới bắt đầu, để cho học sinh và phụ huynh yên tâm và có phương pháp hướng dẫn các em học cho đúng. Đừng như đầu năm học vừa qua bảo rằng thi trắc nghiệm toán, sau đó gần hết kì 1 lại thông báo thi tự luận môn toán. Cần có quyết định chính thức trước năm mới bắt đầu."

 

Tổ chức hai kỳ thi trong một kỳ thi - Đã đến lúc chưa?

 

Phan Dũng, Cầu Giấy, Hà Nội, dunggdct2008@...: "Trước hết tôi ủng hộ Bộ trưởng đưa ra chính sách 2 không, rồi 4 không trong ngành giáo dục và thắt chặt kỷ luật kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trong thời gian qua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp cả 2 kỳ thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào đại học là cả vấn để khó khăn, phức tạp, chưa khả thi với nước ta hiện nay. Nó sẽ làm xuất hiện nhiều tiêu cực và hạn chế cho các trường đại học, cao đẳng trong quá trình tuyển sinh.

 

Tôi con nhớ trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách tuyển thẳng đại học nhưng sau đó phải bỏ đi vì tỷ lệ tuyển thẳng vào đại học ở các địa phương quá nhiều. Đặc biệt là sau khi vào học đại học thì chính các em sinh viên được tuyển thẳng lại phải thi lại và bị đúp lớp nhiều nhất. Tại sao vậy? Vì chất lượng giả, vì Bộ Giáo dục không thể kiểm soát được chất lượng đào tạo ở các trường trong cả nước, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc.

 

Chính vì vậy, tôi không đồng ý với Bộ trưởng khi cho rằng xét tuyển vào đại học, cao đẳng cùng với kỳ thi tốt nghiệp vì nó không khả thi: sẽ xuất hiện tiêu cực trong thi cử, các em ở những nơi có giáo dục phát triển cao lại đỗ ít đại học hơn các vùng có chất lượng giáo dục thấp nhưng coi thi và chấm thi nhẹ hơn... Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục cần phải có chiến lược rõ ràng, bước đi cụ thể, không thể đem hơn triệu học sinh ra thí nghiệm giống như chế độ tuyển thẳng đại học, học đại cương trước đây... vừa gây lãng phí và bất bình trong xã hội.

 

Việt Nam không phải là nước Pháp, giáo dục, kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của nước ta còn thấp, chưa thể học theo Pháp được( Và theo phản ánh của các giáo sư Việt ở Pháp thì rõ ràng nước Pháp đang bị sa lầy bởi việc bỏ thi  này) . Theo tôi hãy để 20 năm nữa rồi hãy từng bước để thực hiện ý tưởng này, hay những chưa khả thi."

 

Minh Khang, Bến Tre, songtim24@...: Tôi là một nhân viên làm việc trong ngành tài chính, tôi thấy Bộ GD&ĐT không nên gộp 02 kỳ thi thành một vì:

 

1. Tỉnh nào cũng muốn tỷ lệ đậu ĐH của học sinh của mình là cao nên có thiên vị trong công tác coi thi và chấm thi gây không công bằng cho các tỉnh thực hiện nghiêm túc.

 

2. Không thể bảo lưu kết quả TNPT sang năm sau để tiếp tục xét tuyển, vì đề năm nay khác đề năm sau thì việc so sánh sẽ khập khiễng, không cùng cơ sở chung (đề). Như vậy những học sinh năm nay bị loại ĐH thì số phận như thế nào, nếu họ muốn vào đại học thì chằng lẽ phải thi lại TNPT?

 

3. Chịu tốn kém chi phí tổ chức thi ĐH để tuyển chọn nhân tài phục vụ cho đất nước sau này thì tôi thấy xứng đáng.

4. Hiện nay các công ty muốn chọn được người tài vào cty của mình thì không những tổ chức thi 01 vòng mà thi thành nhiều vòng. Họ chấp nhận tốn kém để chọn người có năng lực thực sự, chỉ qua kiểm tra sát sao thì mới đánh giá đúng thực chất.


Mô tả ảnh.
Ảnh:VNN
Tổ chức 2 kỳ thi làm một: Không thực tế

Nguyễn Hoàng Thao, Tôn Đức Thắng, Hà Nội, thao_tedi@...: "Tôi là Nguyễn Hoàng Thao, 31 tuổi, lứa tuổi mà vừa rời xa giảng đường không lâu lắm. Qua thông tin đài báo tôi được biết là Bộ GD&ĐT dự định gộp hai kỳ thi vào làm một. Tôi thấy những người dự định đưa ra cái chủ trương đó rất thiếu thực tế. Hai kỳ thi trên có tính chất khác hẳn nhau. Theo suy nghĩ của tôi nếu bây giờ kỳ thi tốt nghiệp PTTH mà làm chặt chẽ, con số tốt nghiệp sẽ không quá 40% cho tất cả các tỉnh thành.

 

Có thể các nhà hoạch định chính sách giáo dục nước nhà không tin vào điều đó, nhưng điều này tôi rút ra từ thực tế bản thân của tôi. Ở lớp cấp 3 của tôi có trường hợp đạt học sinh giỏi nhưng khi thi đại học thì chỉ đỗ cao đẳng. Ngay cả trường hợp của tôi khi thi đại học đỗ cả 4 trường BK, XD, KHTN, GTVT (năm 1995), ngày thi tốt nghiệp PTTH năm đó có thể là tôi cũng đã cứu cả phòng các môn tự nhiên. Theo tôi đánh giá ngày đó nếu thi nghiêm túc phòng thi tốt nghiệp PTTH của tôi đỗ không quá 10 người/30 người (tỷ lệ 30%).

 

Mà trường cấp III của tôi là một trường PTTH nội thành của một thành phố lớn thuộc trung ương. Câu chuyện thành tích của ngành GD đã quá trầm trọng rồi, và những người làm công tác chính sách GD bây giờ tôi cảm tưởng vẫn đang ngồi trên mây???"

 

Nguyễn Thị Mai, THPT Huỳnh Thúc Kháng, mai@...: "Là một giáo viên nên tôi rất quan tâm tới đề án gộp hai kì thi làm một của bộ GD & ĐT. Tôi thấy làm như vậy chắc sẽ không tìm ra đúng người tài cho đất nước. Tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến của một số thầy cô giáo đó là xét tuyển đối với học sinh tốt nghiệp và tổ chức một kì thi tuyển vào đại học thật nghiêm túc, những học sinh nào không có đủ trình độ và năng lực cả về học lực lẫn kinh tế thì thôi không thi. Chúng ta không thể lo hết cho tất cả các em con gia đình khó khăn học giỏi được. Theo tôi thì những em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn đó phải tự biết vươn lên để làm sao tự lo việc học cho mình được. Nếu nhập hai kì thi làm một thì rất nhiều học sinh mặc dù học yếu nhưng cảm thấy việc vào đại học rất gần với các em dẫn đến sẽ có tiêu cực trong thi cử. Tôi mong muốn Bộ xem xét lại đề án này."

 

Học "dự thính" vào lớp Một.

 

Một thực tế trong nền giáo dục nước ta, nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp một đều cho rằng, nếu không cho con mình học trước, thế nào vào lớp 1 cũng sẽ không theo kịp bạn bè. Và vì tâm lý đó nên ai cũng cho con học trước nên khi các em bước vào lớp 1 đã gần như biết hết các chữ cái, biết viết và biết đánh vần… Tuy nhiên, không phải vị phụ huynh nào cũng cổ xuý cho phong trào này.

 

Mô tả ảnh.
Nguồn: luyenchudep.net
Bạn đọc Trần Thanh Chi, Hà Nội viết: "Có một thực tế rất khó quyết định đối với bố mẹ các cháu trước khi vào lớp 1 là có cho con đi học trước hay không, nếu cho đi học trước các con đến lớp ỷ vào việc biết trước rồi nên không tập trung học tập, còn nếu không biết trước thì đến lớp có một số bạn biết trước rồi nên lại có tâm lý thua kém và tự ti."

 

Bạn Đăng Hòa, Hà Nội, ho_danghoa@... có ý kiến: "Tôi phản đối. Tôi phản đối việc cho trẻ luyện chữ trước khi vào lớp 1. Nếu trẻ biết hết chữ rồi thì chương trình biên soạn cho trẻ lớp 1 có những bất cập lớn và thời gian ở lớp trẻ ở lớp 1 làm gì? Tôi cho rằng hệ thống giáo dục hiện nay đã tạo ra những lo lắng không đáng có cho các bậc phụ huynh.

 

Tôi cũng phản đối phong trào "Vở sạch chữ đẹp" trong các trường tiêu học hiện nay. Hãy nhìn các cháu gò đầu, ngoẹo cổ viết hàng trang luyện chữ. Mặc dù tôi khâm phục những nhà thư pháp, những trang viết tay chữ đều tăm tắp, nhưng tôi không nghĩ mục đích đào tạo của hệ thống giáo dục Việt Nam là tạo ra những người chuyên viết bằng khen cho Ủy ban phường.

 

Chữ viết là những ký tự chứa đựng thông tin và việc viết đúng, viết đủ và khả năng đọc đúng, hiểu nghĩa chính xác quan trọng hơn hình thức và bệnh hình thức của phong trào thi đua. Vì ở tuổi học sinh tiểu học chơi cũng là học, cho dù chơi gì đi nữa, thì các trò chơi có khi lại bổ ích hơn việc luyện chữ.

Thời gian ở lớp ở trường nên dành cho việc trang bị cho các cháu các kiến thức cuộc sống và các kỹ năng khác.

 

Thêm vào đó, tôi phản đối việc bắt các cháu phải ngồi im trong lớp và nói những gì cô nói và các bạn khác nói, làm những gì cô bảo làm và không được cãi lại. Hãy để các cháu thể hiện suy nghĩ, tư duy của mình và tôn trọng các cháu như những con người. Nếu xã hội là đa dạng hãy để các cháu bộc lộ mình và phát triển lên theo những suy nghĩ của mình. Nói như thế không phải là tôi phủ nhận chức năng giáo dục của hệ thống trường học và giáo dục. Cô giáo và nhà trường phải chuyển sang cách giáo dục hướng dẫn chứ không phải bắt ép các cháu phải theo một khuôn mẫu chung, cố định.

 

Việc chấm điểm, đánh giá điểm của các cháu các lớp đầu tiểu học cũng cần xem xét lại. Xuất phát của các cháu khi vào lớp một có thể không giống nhau nên chỉ nên đánh giá tiến bộ của trẻ bằng so sánh với riêng cháu và không dùng một thước đo chung. Có như vậy mới có thể giúp cho trẻ tự tin và có như vậy việc sâu sát với học sinh của cô giáo mới được cải thiện."

 

"Là phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp một, tôi thực sự thấy lo lắng vì chương trình học bây giờ của các cháu rất nặng so với chương trình cũ trước đây. Tôi xem sách Tiếng Việt tập 2, thấy các cháu đã phải biết đọc những bài tập đọc ngắn, trước đây chúng tôi học lớp một thì chỉ học hết chương trình học vần, giờ các cháu phải đọc trơn chu. Còn môn Toán cũng vậy, học kỳ II đã có bài toán có lời văn. Tôi nghĩ, nếu các cháu chưa đọc thông, viết thạo, thì làm sao có thể làm được bài toán có lời văn? Tôi thực sự lo lắng về điều này. Nếu đòi hỏi ở các cháu quá nhiều thì thời gian đâu để các cháu nghỉ ngơi và vui chơi?" Nguyễn Thị Yến, Phạm Văn Đồng, honglam2007@...

 

Khanh Dương, Khánh Hòa, luukhanhduong@...: "Không ở đâu trên thế giới này, cha mẹ có con đi học và chuẩn bị đi học khổ như ở Việt Nam. Cha mẹ làm việc để đủ nuôi sống cho bản thân là một điều khó (trong một cuộc sống đầy bất trắc hiện nay, nuôi con lớn là một điều khó hơn (trong một xã hội nhiều nguy cơ hiện nay). Cho con đi học và "chuẩn bị đi học vào lớp 1" là một điều khó hơn nữa (trong một môi trường giáo dục phi nhân bản hiện nay) thì bậc cha mẹ Việt Nam có con đi học là hiện thân của "Thái Sơn", của "suối nguồn" đầy đủ và tuyệt vời nhất."

Góp ý việc quản lý đồng USD

Mô tả ảnh.
Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do biến động phức tạp khiến người dân hoang mang. (Ảnh minh hoạ)
Trong những ngày qua, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do biến động phức tạp khiến người dân hoang mang. Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại lớn đã phát đi tín hiệu sẽ có những biện pháp mạnh để bình ổn thị trường. Thậm chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu kiểm tra, giám sát các hoạt động thu đổi ngoại tệ trên địa bàn. Nhiều bạn đọc đã gửi thư về VietNamNet góp ý xung quanh vấn đề này.

Võ Đình Vinh, Ban Tuyên giáo TW, vinhbkg@...: "Theo tôi, Nhà nước phải quản lý đồng ngoại tệ mạnh này bằng cách thiết lập hệ thống trao đổi ngoại tệ tự do trên thị trường và cấm tư nhân mua bán ngoại tệ như hiện nay. Thật là nghịch lý, khi người dân cần dolla vào ngân hàng chỉ được bán mà không có quyền mua. Còn ở thị trường chợ đen thì ai muốn mua bao nhiêu hoặc muốn bán bao nhiêu thì không ai cấm. Vì vậy, giá thị trường lên xuống thất thường như vừa qua là tất yếu, Nhà nước không kiểm soát được, dân thì lo lắng đổ xô đi mua lúc cao giá, bán lúc xuống giá. Xin các cơ quan chức năng hãy nhìn và học tập cách quản lý 2 đồng tiền nội tệ và ngoại tệ của ngay các nước trong khu vực như Thái Lan và Singapore và nhiều nước khác. Hễ ra phố, đến siêu thị là có nơi trao đổi ngoại tệ do Nhà nước quản lý, mọi nhu cầu đều được thỏa mãn, còn ở Việt Nam thì cái đó chỉ có ở chợ đen."

Hiếu Lân, Hà Nội, ueihtn@...: Để chống đầu cơ ngoại tệ (hay bất kỳ một mặt hàng gì khác) thiết nghĩ Chính phủ cần có các hành động thiết thực hơn, chẳng hạn Thống đốc NHNN có thể cam kết cấp đủ USD cho các NHTM để bán cho doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán bằng USD với giá trong biên độ 2% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, nhưng cam kết này cần được cụ thể hoá là nếu doanh nghiệp nộp đủ tiền VND cho ngân hàng thì sẽ mua được USD sau một thời hạn nhất định. Làm được như vậy dân và doanh nghiệp mới tin rằng Chính phủ không thiếu ngoại tệ và đó cũng là cách hiệu quả nhất để làm nguội thị trường, còn nếu chỉ tuyên bố, hô hào chung chung thì sợ rằng không thuyết phục.

Bạn đọc giấu tên: "Một trong những cách Chính phủ cần làm để củng cố lòng tin của người dân lúc này là công bố sớm những công trình cắt giảm hoặc hoãn đầu tư. Như tôi cũng đã kiến nghị, là Chính phủ cần giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại tránh hiện tượng lợi dụng chênh lệch tỉ giá trên thị trường để kinh doanh lậu (có thể tôi nói sai nhưng tôi e rằng có những kẽ hở có thể giúp họ hoặc nhân viên trục lợi về vấn đề này), mặt khác cần phải thanh tra những cơ sở tư nhân (các tiệm vàng) đang kinh doanh lậu ngoại tệ. Như tôi đang học ở Thụy Điển, chỉ một cơ sở duy nhất trong thành phố đăng ký kinh doanh ngoại tệ, không thể tìm ra một nơi trao đổi ngoại tệ trên thị trường. Điều này sẽ giúp Chính phủ kiểm soát tốt cán cân ngoại tệ, không bị thị trường tự do lũng đoạn.

Hãy kiểm tra (có thể bằng nghiệp vụ an ninh) để nghiêm cấm và xử phạt nặng kinh doanh trái phép đồng ngoại tệ. Chính phủ cũng cần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về tỉ lệ cắt giảm chi tiêu công. Sẽ không có vấn đề khó khăn gì lớn khi tất cả các cơ quan hành chính đều cắt giảm 1 phần chi tiêu, kinh nghiệm từ chi tiêu gia đình cho thấy điều ấy.

Nguyễn Ngọc Chính, Hải Phòng, chinhnn@...: "Đồng ý với quyết định của Ngân hàng nhà nước. Vừa qua ngoài thị trường đồng USD rất bất ổn do đó nhiều người dân hoang mang lo sợ đặc biệt là sự mất giá của tiền VNĐ. Nhiều đối tượng còn tung tin khủng khoảng tiền tệ dẫn tới người dân không yên tâm. Quyết định trên của NHNN là quyết định chính xác và đảm bảo được cuộc sống nhân dân. Theo tôi NHNN cần khuyến kích thưởng cho những cái nhân phát hiện những cơ sở thu đổi ngoại tệ vi phạm."

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề đời sống, xã hội khác:

Một Dự thảo quy định tài trợ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học vừa được soạn thảo. Theo đó, mức nhận tài trợ đối với các đề tài nghiên cứu lý thuyết tối đa là 20.000 USD/đề tài, nghiên cứu thực nghiệm tối đa 25.000 USD/đề tài (chưa bao gồm chi phí mua nguyên vật liệu và thuê máy móc thiết bị) và nghiên cứu mang tính thăm dò khám phá tối đa là 10.000USD-12.000USD. Nhiều nhà khoa học đã bày tỏ ý kiến đồng tình với Dự thảo này, coi đây là bước ngoặt cho nền nghiên cứu KH-CN Việt Nam.

 

Mô tả ảnh.
Theo Dự thảo, mức nhận tài trợ đối với các đề tài nghiên cứu lý thuyết tối đa là 20.000 USD/đề tài, nghiên cứu thực nghiệm tối đa 25.000 USD/đề tài và nghiên cứu mang tính thăm dò khám phá tối đa là 10.000USD-12.000USD
PGS.TS. Phạm Hữu Lý, Viện Khoa học và Công Nghệ Việt Nam, phly@...: "Hoan nghênh dự thảo mới. Đây là một dự thảo đúng hướng, có tính chất đổi mới, cách mạng, chắc chắn sẽ có tác động to lớn tới nền KH-CN, GD-ĐT của nước ta. Rất mong dự thảo sớm được hoàn chỉnh, thông qua và đi vào cuộc sống. Tôi chỉ bổ xung thêm một ý nhỏ cho chặt chẽ: 2 bài báo quốc tế chuyên ngành có uy tín và phải do các tác giả Việt Nam làm trong nước (có địa chỉ ở Việt Nam và tác giả chính (người được đánh dấu (*) để liên hệ) phải là người Việt Nam."

 

Bính Hoà, Đinh Tiên Hoàng, hoabinh@...: "Nếu được thực hiện, đây là một bước đổi mới thực sự về chính sách nghiên cứu khoa học của nước ta. Từ lâu chủ nhiệm đề tài và các thành viên có thu nhập từ đề tài chủ yếu là bớt xén kinh phí nghiên cứu khoa học. Tuy vậy việc thành lập hội đồng tuyển chọn đề tài phải dựa trên các tiêu chí cụ thể hơn nữa. Còn chỉ có 2 bài báo và hội đồng xét duyệt ngồi với nhau thì cũng chẳng chọn được đề tài nào có ý nghĩa thực sự cả. Cái quan trọng là làm sao chọn được đề tài có chất lượng."

 

BS VTT: "Tôi xin góp ý hai vấn đề: Một là, báo quốc tế có uy tín là báo nào? Hệ số ảnh hưởng (impact factor) cần phải được tính đến. Hai là, sẽ rất khó xác định chính xác kinh phí cho riêng từng đề tài. Các dụng cụ nghiên cứu như pipette, găng tay, khẩu trang,.... không thể nào tính chi tiết được. Bởi vì khi một labo hoạt động thì có nhiều đề tài cùng được thực hiện song song, nhiều nghiên cứu sinh và kỹ thuật viên làm gối đầu hai ba đề tài cùng lúc. Hơn nữa, nếu xé lẻ kinh phí cho từng đề tài thì sẽ không chấm dứt được tình trạng "đánh quả " của người làm khoa học hiện này.

 

Một số người giỏi "chạy" kinh phí để làm một đề tài nào đó để kiếm một mẻ. Các đề tài như thế không nằm trong một dự án chung thì giá trị không nhiều Ở nước ngoài họ duyệt kinh phí cho dự án lớn, và người đứng đầu labo (thường là một vị giáo sư) sẽ chịu trách nhiệm và tự quản lý kinh phí. Người này sẽ tự phân chia kinh phí cho nhiều đề tài nhỏ có liên quan đến dự án lớn. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều lúc có những sáng kiến nảy sinh mà sẽ phải làm thêm nhiều thí nghiệm khác, lúc đó không thể chờ đợi được xét duyệt kinh phí rồi mới làm. Bởi vì nghiên cứu khoa học còn phải chạy đua với thời gian, nếu chậm chân thì người khác có thể đăng báo trước thì coi như mình làm công cốc."

 

Nguyễn Đức Thọ, Viện nghiên cứu quốc gia Oak Rigde, Hoa Kỳ, emailtho01@...: "Một đề xuất hay thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Sau đây là một số ý kiến cá nhân của tôi:

 

1) Danh sách trả lương cho những người thực hiện nghiên cứu còn quá dài. Theo tôi nghĩ, chỉ cần chủ nhiệm đề tài và nghiên cứu sinh là đủ. Những người khác, nếu tham gia dự án, sẽ được đứng tên trong bài báo. Đây là quyền lợi của họ. Chủ nhiệm đề tài cùng với nghiên cứu sinh phải có khả năng sửa chữa những sự cố nhỏ trong khi nghiên cứu như là một kĩ thuật viên không chuyên.

 

2) Phải có báo cáo chi tiết từ chủ nhiệm dự án, khi kết thúc dự án. Nếu không đang được bài báo nào trong tập chí khoa học thế giới, chủ nhiệm dự án sẽ ít có cơ hội có được dự án mới. Làm như vậy, sẽ thúc đẩy nghiên cứu hợp tác quốc tế. Các nhà khoa hoc trong nước có thể tham khảo và học hỏi từ những hợp tác.

 

3) Nên có chính sách lương bổng phù hợp cho những nhà nghiên cứu có nhiều bài báo quốc tế, và tiến đến việc sa thải các nghiên cứu viên nếu không có được hay quá it bài báo khoa học. Việc nay sẽ tạo ra môi trường nghiên cứu trong nước và cũng tạo ra nhưng vị trí cho các tiến sĩ trẻ.

 

4) Việc đặt chỉ tiêu 2 bài báo quốc tế cho chủ nghiệm đề án là hơi ít."

 

Người đào đường phải đeo phù hiệu do cơ quan quản lý mặt đường cấp. Trịnh Thanh Phi, Lý Nam Đế, Hà Nội, trinhthanh38@...: Đọc bài “Bí mật tài sản quốc gia dưới lòng đất lộ từ từ đâu?” tôi thấy cũng giật mình vì sự bình tĩnh của những kẻ gian manh giả danh là công nhân đã mở hẳn công trường trên đường phố ngang nhiên đào đường lấy cắp tới 1220 mét cáp điện ngầm để bán “đồng nát”.

 

Sở dĩ việc đào trộm của kẻ gian đã tiến đến mét thứ 1220 của đường cáp cũ trên đường phố Nguyễn Bỉnh Khiêm mới bị phát giác và bị bắt vì dưới lòng đất đường phố có khá nhiều công trình ngầm của nhiều ngành khác nhau quản lý (điện lực, viễn thông, cấp thoát nước…) nên khi có người đào đường thì ngành này lại tưởng công nhân ngành kia sửa chữa, lắp đặt công trình nên không ai lưu tâm xét hỏi. Trên các thành phố khác việc mất cắp công trình ngầm cũng đã xảy ra tương tự mà không ai phát hiện. Để chặn đứng thủ đoạn kẻ gian lợi dụng nhiều ngành có công trình ngầm để làm điều gian dối tương tự trường hợp kể trên thì chỉ cần mọi ngành có công trình ngầm cần thống nhất nhận thức:

 

- Các công trình ngầm của mỗi ngành dưới lòng đường coi như đó là kho tài sản của ngành đó dưới lòng đường.

 

- Ngành giao thông công chính là ngành quản lý hệ thống đường, hè phố, hệ thống cột tín hiệu giao thông, dây ngầm cấp điện cho hệ thống này… có vai trò như một Tổng kho mặt đường và phần ngầm dưới lòng đường hè…

 

Vì vậy bất cứ chuyên ngành nào cấn đào đường (mở cửa kho) để sửa chữa lắp đặt thiết bị của mình nhất thiết phải trình báo, đăng ký với “tổng kho”, tức là ngành giao thông công chính về đoạn đường đào thời gian, mục đích đào đường, thời gian hoàn trả mặt đường và nhận giấy phép đào đường. Để dễ kiểm tra ngành giao thông công chính khi cấp giấy phép đào đường cho một ngành nào đó cần cấp luôn một lượng phù hiệu do ngành này phát hành có ghi ký hiệu và cần phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan công an trên địa bàn và cơ quan cảnh sát giao thông khu vực đó biết để có thể nhận biết những người đang đào đường đang thi công là có phép chính đáng. Hết đợt thi công phù hiệu đó được thu hồi hoặc không còn giá trị.

 

Thực ra, lâu nay ngành giao thông công chính địa phương, thành phố vẫn cấp giấy phép đào đường cho các ngành khác có nhu cầu đào đường và có kiểm tra nhưng việc làm này thực hiện thường không chặt chẽ, cơ quan đào đường chỉ có giấy phép chung, khi kiểm tra công nhân đều nói do người phụ trách cầm giấy phép nên người kiểm tra thường cho qua. Chỉ có thực hiện biên pháp như trên việc này mới được thực thi chặt chẽ, kẻ gian khó lợi dụng đào lấy trộm các tài sản dưới lòng đất.
 

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,