(VietNamNet) - Tuần qua, những thông tin xung quanh sự việc hỏi cung học sinh ở Đồng Tháp nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng nâng tầm cả về kiến thức, kỹ năng lẫn đạo đức ứng xử của những người thầy? Ngoài ra, những vấn đề như cải cách giáo dục, cải cách thời gian tính thuế trước bạ, cải tạo chung cư cũ nát, giải đáp pháp luật... cũng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Trở về sau khi bị công an tra vấn, bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm cứ bám lấy mẹ, sợ sệt hoảng hốt khi có người lạ. (Ảnh: Hoàng Hậu). |
Rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bất bình xung quanh việc em Ngọc Trâm ở Đồng Tháp bị hỏi cung. "Tôi thấy đây là một việc làm phi đạo đức của thầy Lưu Văn Ca và cán bộ công an xã đối với cháu Trâm, tôi rất đồng tình với ý kiến đóng góp, nhận xét của các bạn đọc gần xa, cần có biện pháp xử lý thích đáng các đối tượng có liên quan bằng pháp luật", ý kiến của hạnh H.V.Thanh, Bến Tre, email: hvthanh2005@yahoo.com.vn. Bạn Đào Hoài, Hà Nội bất bình: "Tôi thực sự bất bình và đau xót trước tình cảnh của cháu Trâm. Lẽ nào chừng đó tiền to tát đến mức người ta có thể hủy hoại đi một tâm hồn ngây thơ trong sáng của một đứa trẻ. Những người thầy, những người công an xã có liên quan trong vụ này hãy tự hỏi mình xem liệu mình có lương tâm hay không. Họ đang góp phần trồng người hay hủy hoại con người. Tôi mong Bộ Giáo dục và các cơ quan pháp luật hãy có những hành động kịp thời để ngăn chặn hiện tượng này. Nghề giáo là nghề cao quý vì vậy, không thể để những con sâu làm rầu nồi canh".
Chúng ta phải xem lại "người lớn" là ý kiến mà bạn Nguyễn Thanh Bình, Đà Nẵng muốn gửi tới những người có trách nhiệm trước sự việc của em Trâm: "sau hàng loạt vụ tiêu cực xảy ra của ngành giáo dục và công an vừa qua, tôi không quan tâm vì xem đó như là những ham muốn tầm thường hay lòng tham bình thường của con người. Nhưng sau việc một em bé bị hành hạ vì "48.000 đồng" thì thật không thể bỏ qua được mà có lẽ chúng ta phải xem lại "người lớn". Với số tiền đó, có đáng để họ hành hạ em bé như thế không, người ta có thấy chột dạ không vì bản thân những người hành hạ em bé chắc gì đã... Tôi kính mong Bộ Giáo dục và Bộ Công an có những xử lý đích đáng đối với "Hội đồng" bức cung em bé, để phụ huynh yên tâm khi gửi con em của mình cho ngành giáo dục nước nhà".
Lán của lâm tặc trong rừng Thuận Hóa. |
Đọc bài “Ồ ạt phá rừng nguyên sinh ven đường xuyên Á”, đăng trên VietNamNet ngày 13/4/2007, bạn đọc ở địa chỉ email: pfcu_thanh@yahoo.com có ý kiến: "là một người dân, tôi cảm thấy xót ruột và tiếc cho những khu rừng nguyên sinh còn lại hiếm hoi của đất nước. Được biết, hiện nay, hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đã được quy định rất cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn như: Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Quyết định số 186/2006QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng, Nghị định 139/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Tôi không hiểu năng lực, trách nhiệm và tâm huyết nhiệt tình với công tác quản lý bảo vệ rừng của cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Thuận Hóa, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đến đâu mà để xảy ra tình trạng lâm tặc, người dân tự do chặt phá rừng nguyên sinh như bài báo nêu. Tôi rất mong Cục Kiểm lâm, UBND tỉnh Quảng Bình có biện pháp chỉ đạo kiên quyết để sớm dẹp được tình trạng phá rừng ở Thuận Hóa huyện Tuyên Hóa, đồng thời kiểm điểm nghiêm khắc những người có trách nhiệm đã để xảy ra tình trạng như bài báo nêu, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".
Bạn Phạm Trà Giang, Hà Nội, email: noichuyensuotngay@yahoo.com:
Quả thật, mỗi khi nghe tin về những vụ cháy rừng sao tôi đau xót thế không biết. Người ta được giáo dục thế nào, sao vô ý thức vậy. Lỗi ở đây thì tất nhiên là do lòng tham của con người, các cấp của từng địa phương, móc ngoặc, phá hoại đi cả môi trường của đất nước này. Tôi đề nghị những kẻ chặt cây phá rừng phải bị trừng trị thật nặng, chứ không phải là phạt mấy chục, mấy trăm nghìn... Tiền là một chuyện, nhưng còn những cánh rừng nguyên sinh kia, làm sao mà lấy lại được. Còn gì để nói nữa khi mà truyền thông, truyền hình cứ ngày ngày đưa tin cháy rừng ở chỗ này, đốt rừng, phá cây ở chỗ khác... Thật không thể kiềm lòng mà thấy mình bất lực quá.
Diễn đàn của VietNamNet về đổi mới triệt để các kỳ thi mà thực chất là gộp 2 kỳ thi để nâng cao chất lượng vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Có ý kiến cho rằng đề án này là đổi mới, nhưng đại bộ phân ý kiến cho rằng, việc bỏ kì thi đại học và gộp với thi tốt nghiệp là không hợp lý, chắc chắn sẽ không mang lại chất lượng các tốt cho các trường ĐH. Và mong rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ hỏi dân về vấn đề này như Thủ tướng đã chỉ đạo, nhất là hỏi học sinh vì sao họ lại không muốn bỏ kỳ thi đại học?
Bạn Đỗ Thuỳ Chi, Lê Trọng Tấn, Hà Nội, email: thuychigv@gmail.com cho rằng chưa thể nên thực hiện trong điều kiện hiện nay: "Ý tưởng tổ chức thi 1 kỳ tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét vào đại học là hay. Song, theo tôi, ở Việt Nam, trong vài năm tới sẽ vô cùng khó thực hiện được điều này một cách công bằng. Các kỳ thi TNTH phổ thông được tổ chức ở các tỉnh miền khác nhau, việc coi thi bị ảnh hưởng rất nhiều từ yếu tố bên ngoài, vấn đề địa phương chủ nghĩa, hoặc sức ép của dân địa phương và kể cả tinh thần trách nhiệm của giám thị coi thi... Những yếu tố đó có thể và chắc chắn sẽ đem lại kết quả thi không trung thực. Và như vậy, những học sinh thực sự có cố gắng học, học giỏi và khá, đồng thời có thái độ thi nghiêm túc sẽ bị thiệt thòi oan uổng. Học sinh ở những địa phương và những hội đồng coi thi nghiêm túc cũng sẽ thiệt thòi. Với những băn khoăn, trăn trở trên đây, tôi tha thiết mong Bộ Giáo dục - Đào tạo có giải pháp phù hợp để việc thi hay xét vào đại học được công bằng. Theo tôi, trong mấy năm tới chưa nên bỏ kỳ thi vào đại học vì dù tốn kém, nhưng đó vẫn là phương án công bằng".
Hội nghị phổ biến quy định về khớp lệnh liên tục do Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn dành cho các nhà đầu tư Hà Nội ngày 13/4/2007 đã xảy ra xô xát do quá tải. Nhiều bạn đọc đã lên tiếng về công tác tổ chức của hội nghị này. Bạn Vũ Ngọc Giang, Bắc Ninh, email: vngiang83@yahoo.com cho rằng, công tác tổ chức của BTC quá kém: "Tất cả chúng ta đều biết thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đang lên cơn sốt cao độ. Rất nhiều người tham gia chơi chứng khoán. Gọi là buổi phổ biến kiến thức thì phải giới thiệu rộng rãi cho mọi người, vậy mà chỉ lựa chọn Nhà hát lớn với sức chứa chỉ khoảng 600 người. Mặt khác, công tác bảo đảm an ninh quá kém, không có sự phối hợp giữa các đơn vị. Tôi thấy BTC phải xem xét lại cho những lần tổ chức sắp tới, đồng thời phải có biện pháp xử lý nặng những nhân viên bảo vệ có hành vi khiếm nhã với nhà báo và mọi người". "Tôi đọc được thông tin này vừa thấy bất ngờ và không. Bất ngờ vì nỗi, đây là buổi hội nghị mang tầm cỡ Nhà nước tổ chức, với kinh nghiệm của mình thì xô xát là điều không dễ xảy ra. Không bất ngờ vì: Thứ nhất, tôi đã từng tham dự buổi phổ biển kiến thức do trung tâm nghiên cứu và đào tạo chứng khoán tổ chức ở tòa nhà Hoa Sen vào năm ngoái đã thể hiện sự quá tải này. Thứ hai, hiện nay, đầu tư chứng khoán đang nóng dần lên vì tỷ lệ siêu lợi nhuận của nó. Do vậy, việc ý thức được địa điểm tổ chức là điều phải được xem xét từ trước vì có quá nhiều người quan tâm. Theo tôi, đối với Hội nghị kiểu dạng này nên được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia mới đúng để thỏa mãn cơn khát của những người quan tâm đến nó", ý kiến của bạn Nguyễn Duy Định, email: duydinh2015@yahoo.com.
Những thông tin liên quan tới việc thị trường xăng dầu vẫn nhận được rất nhiều sự chú ý của bạn đọc trong thời gian gần đây. Bạn Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Trãi, Hải Dương cho rằng nên mở cửa thị trường này cho các doanh nghiệp nước ngoài cùng hoạt động để chống độc quyền kinh doanh xăng dầu, vì: "xăng dầu là mặt hàng quan trọng của mỗi quốc gia, việc quản lý phải theo cơ chế thị trường. Mở cửa để doanh nghiệp nước ngoài cùng kinh doanh là yếu tố quan trọng. Đã là hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường thì số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh một dịch vụ, một sản phẩm nào đó càng nhiều càng tốt. Và Nhà nước có các biện pháp quản lý như quản lý bằng cơ chế chính sách, ví dụ, dùng thuế để điều chỉnh giá cả xăng dầu, thuế tính theo giá bán lẻ, khuyến khích giá bán hợp lý, ổn định, theo những tỷ lệ thuế khác nhau. Quản lý chặt chẽ về chất lượng, số lượng xăng dầu bán ra (có khung phạt những vi phạm)".
Bạn Nguyễn Trọng Tuấn, Nghệ An, email: chuyenxebuytcuoituan@yahoo.com phản đối việc để các doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu vì "như vậy các doanh nghiệp sẽ đẩy giá xăng lên cao". "Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nếu chỉ phó thác cho một số công ty như hiện nay tôi không biết rồi sẽ ra sao? Ngoài vấn đề cung cấp đủ theo nhu cầu tiêu dùng, liệu họ có chịu đầu tư vốn để dự trữ khi thị trường có biến động không? Nếu thuận lợi, giá rẻ thì có lợi cho đất nước và người dân, ngược lại, khi có biến động lớn không kiểm soát được thì thật tai hại. Một số quốc gia như Mĩ, Anh... luôn có dự trữ năng lượng chiến lược, vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, nước ta cần có một đơn vị chuyên trách làm việc này, như Cục dữ trữ Quốc gia chẳng hạn", ý kiến của bạn Đỗ Xuân Thiệm, Vũ Thư, Thái Bình, email: doxuanthiem@yahoo.com.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của một số bạn đọc về các vấn đề sau:
Nghi ngờ về nguyên nhân xuất hiện váng dầu trên biển: P.Hùng, Hải Phòng, email: ng_phunghung@yahoo.com.vn: "Tôi là độc giả của VietNamNet, thường xuyên đọc những tin bài về các váng dầu xuất hiện trên biển Việt Nam thời gian qua. Là người đã từng làm việc trên tàu biển, tôi xin nêu một nghi ngờ sau: một người bạn đi tàu với tôi trước đây kể rằng, trong thời gian anh ta đi thực tập trên tàu chở dầu của nước ngoài, tàu thường rửa két dầu thô (két chở hàng) rồi tranh thủ xả xuống biển. Tuy việc xả nước rửa két dầu có quy định chặt chẽ, nhưng theo ý kiến riêng tôi, sẽ có những trường hợp nước xả không được xử lý đúng theo yêu cầu trước khi xả xuống biển. Có lẽ, việc quản lý theo dõi ô nhiễm dầu của Việt Nam ta còn chưa chặt chẽ (đối với các tàu chạy qua lãnh hải Việt Nam) do thiếu phương tiện theo dõi, kiểm tra, nên không kiểm tra hết được. Ở các nước khác, họ có máy bay bay theo tàu theo dõi và chụp ảnh, nếu có nghi ngờ nước lẫn dầu được xả ra từ tàu và nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng của ta tăng cường phương tiện giám sát các tàu, đặc biệt là tàu chở dầu chạy qua vùng biển Đông, thì có lẽ sẽ phát hiện được một trong số những nguyên nhân gây ô nhiễm dầu trên biển. Nếu phát hiện thấy có vi phạm theo luật pháp thì phải bắt giữ và xử phạt thích đáng. Trên đây là một ý kiến đóng góp nhằm ngăn chặn nạn ô nhiễm các vùng biển nước ta do dầu gây ra. Mong các cơ quan hữu trách xem xét".
Ảnh minh họa |
Cần có biện pháp hạn chế sử dụng túi ny-lon: Phương Dung, email: blue_twinkle_star_0601@yahoo.com.vn: "Con đang học lớp 11 chuyên hoá. Tụi con làm 1 bài thuyềt trình về po-li-me. Con biết po-li-me rất tiện ích, nhưng nó cũng đang trở thành hiểm họa của môi trường sống. Con thấy để hạn chế việc đó cũng đâu có khó khăn lắm,chỉ là tại sao ta không làm cho chặt chẽ và nghiêm minh. Chẳng hạn việc bắt buộc sử dụng túi giấy thay thế, túi po-li-me tự phân hủy... Con người có thể làm được nhiều từ những việc rất nhỏ nhặt thôi, ví dụ như việc công ty sữa Dutch Lady cho sản xuất loại lon sữa tươi bằng nhựa gần đây, con nghĩ tại sao các cơ quan chức năng không suy nghĩ, cân nhắc về tác hại của nó. Mà còn ý thức của người dân nữa, chuyện không nên xả rác là hiển nhiên mà dân mình vẫn không làm được. Con biết có 1 ông khách quen nước ngoài lúc nào đi mua sắm ở zen plaza cũng chỉ dùng 1 túi nilon cũ, có lần người bán hàng ngỏ ý đưa cho ông ấy túi mới nhưng ông ấy từ chối. Con cảm thấy ý thức của người ta quá cao ngay trong những việc nhỏ nhặt nhất đó thôi".
Dưới nhan đề "Báo động"! bạn Bình Minh, Hà Nội, email: phambangoc@gmail.com cho biết: "Tôi xin kể câu chuyện của chính gia đình tôi. Tôi có một đứa cháu gái học lớp 5. Cháu học giỏi nhưng đến lớp không bao giờ dám tranh luận với thầy về phương pháp làm bài hay thắc mắc vì một câu nói nào đó. Thấy lạ tôi hỏi, nó trả lời: "thầy khó tính lắm, ai không làm được bài thầy mắng, ai mà bị điểm kém thầy ghi thêm chữ "ngu" bên ô cho điểm. Hôm con không chú ý nghe giảng, bị thầy mắng rồi bảo con nghỉ học về lấy chồng còn hơn... nên con sợ!". Trẻ con như một tờ giấy trắng, bôi vẽ thế nào thì được thế ấy. Xét trên khía cạnh đạo đức làm thầy, câu chuyện mà tôi vừa kể ở trên chắc chắn nhiều người không chấp nhận được! Cần phải có những biện pháp như thế nào để những chuyện như tôi vừa kể trên không có cơ hội tiếp diễn trong ngành giáo dục Việt Nam... Xin được gửi câu hỏi ấy cho những nhà chức năng trả lời giúp!".
Ảnh hưởng phim Trung Quốc: Đặng Văn Giang, Hà Nội, email: giang_yt_bachkhoa@yahoo.com: "Tôi là một sinh viên của trường ĐH Bách Khoa. Chúng tôi lên lớp hay trao đổi với bạn bè, chủ đề của bọn tôi là Việt Nam chúng ta đang ở trong tình trạng và thực trạng nào. Thật buồn khi nhìn lại văn hoá của mình thiếu bản sắc, bây giờ thì trên ti-vi thì luôn chiếu phim Trung Quốc, rất ít phim Việt Nam. Những bộ phim Trung Quốc ca ngợi đất nước họ, lịch sử hào hùng của họ. Có thể nói, gần như mọi người Việt Nam biết rõ lịch sử, văn hoá Trung Quốc hơn về dân tộc mình. Tại sao vậy? Hãy nhìn vào Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Triều Tiên, lòng tự hào dân tộc của họ cao vô cùng, bao giờ cũng tự lực, nội lực".
Giảm cước điện thoại công cộng, Lê Văn Hải, Hà Nội, email: nvh_nt@yahoo.com: "Tôi thấy giá cước điện thoại công cộng của Việt Nam quá cao so với các nước khác (VD: Trung Quốc...). Điện thoại công cộng phục vụ chủ yếu cho người nghèo và những người cơ nhỡ, không có khả năng trang bị điện thoại tại gia đình và điện thoại di động. Tôi mong muốn có sự giảm giá, phổ cập điện thoại công cộng để mọi tầng lớp đều được sử dụng các dịch vụ viễn thông. Hiện nay, ngươi nghèo gọi điện thoại công cộng phải chịu giá cước điện thoại cao hơn người có tiền".
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!