221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
451722
Từ 1/7, vợ chồng cùng đứng tên sở hữu đất
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Từ 1/7, vợ chồng cùng đứng tên sở hữu đất
,

(VietNamNet) -  Theo Luật Đất đai mới, vợ được quyết định mua bán, cho thuê, thế chấp đất chung như chồng. Thế nhưng để giành thực quyền này cho người phụ nữ, còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Sổ đỏ - giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chị Nguyễn Thị Yên (42 tuổi, bản Quảng Ngoài, xã Đông Phong, Cao Phong, Hoà Bình) dù có trong tay 1,53ha đất rừng, vẫn phải lên Hà Nội làm nghề giúp việc. Chị không thể thế chấp ngân hàng, vay vốn phát triển kinh tế chỉ vì giấy chứng nhận QSD đất đứng tên người chồng quá cố.

Không hiếm những trường hợp phụ nữ bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà do chính mình gây dựng, bị chồng lừa bán đất để cá độ bóng đá, đánh bạc, tiêu xài, hoặc đơn giản, bỏ vào quỹ ''đen'' chỉ vì không đứng tên trong giấy chứng nhận QSD tài sản chung.

Theo ước tính của TS. Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu - Phát triển xã hội, Liên hiệp các hội khoa học - Kỹ thuật VN, hiện có đến 90% phụ nữ không có tên trong giấy chứng nhận QSD đất hoặc không có thực quyền với tài sản do mình và chồng gây dựng từ ngày lấy nhau. Vì vậy, quy định ghi tên cả người vợ trong GCNQSDĐ có ý nghĩa to lớn trong việc thay đổi vị thế người phụ nữ Việt Nam; đặc biệt trong trường hợp người đứng tên trong giấy (thường là chồng) tự ý mua bán, chuyển nhượng, đem cầm cố... Càng quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người phụ nữ sống ly thân, sau ly hôn (thường bị gia đình đòi lại đất của hai vợ chồng do tài sản này đứng tên nhà chồng), quyền được tham gia quyết định về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng QSD đất của họ.

Quyền bình đẳng về sử dụng đất đai của người phụ nữ sẽ được thực hiện kể từ ngày 1/7/2004, khi Luật Đất đai 2003 (Luật Đất đai mới) có hiệu lực. Điều 48, khoản 3 luật này ghi rõ: ''Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng''.

Trong mẫu GCNQSDĐ mới đang được Bộ Tài Nguyên - Môi trường chỉnh sửa, sắp ban hành, có nhiều thay đổi. Phần Tên người sử dụng có khoảng trống rộng hơn (để đủ ghi họ, tên của cả vợ, chồng). Giấy chứng nhận mới bỏ phần thống kê các thửa đất, nhằm mục đích tiết kiệm phí đăng ký quyền sử dụng đất (đặc biệt cho các hộ nông dân, thường có đến chục thửa đất nông nghiệp và bằng ấy giấy này), cũng để tăng hợp lý khi người dân dồn điền, đổi thửa xong.

Đặc biệt, mẫu GCNQSDĐ mới có thêm 2 mục: Tài sản gắn liền với đất (giúp xác định rõ tài sản có trên đất trước, sau khi mua bán, chuyển nhượng, tạo điều kiện cho vợ, chồng phân chia tài sản và Nhà nước dễ điều tiết thu nhập sau này) và Những hạn chế về quyền sử dụng đất (mô tả các chi tiết liên quan các công trình phúc lợi của thửa đất 2 vợ chồng đứng tên như nằm trong hành lang dẫn dầu, cạnh đường cáp quang, hoặc đơn giản, nêu nguồn gốc do dồn điền... nhằm tránh trường hợp người sở hữu vô tình vi phạm pháp luật).

Bình đẳng trên luật, chưa chắc bình quyền trong nhà

Điều 40: Ghi tên người sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

3. Đối với hộ gia đình sử dụng đất:
a. Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng; trường hợp hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của vợ và chồng.
b. Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì ghi họ, tên chủ hộ.

...
6. Đối với trường hợp nhiều người sử dụng đất có quyền sử dụng chung thửa đất thì ghi tên tất cả những người sử dụng đất đó, trừ trường hợp nhà chung cư.
Đối với nhà chung cư thì việc ghi tên trên giấy chứng nhận QSD đất được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này.


(Trích Dự thảo Nghị định thi hành Luật đất đai)

Thời gian qua, phụ nữ 20 xã thuộc 20 tỉnh đã được đứng tên cùng chồng trong GCNQSDĐ, theo một dự án cấp, đổi thí điểm loại giấy này do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Vụ Đăng ký & Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường), Trung tâm Nghiên cứu & Hỗ trợ pháp lý (Khoa Luật, ĐHQGHN) và Trung tâm Nghiên cứu về giới (Viện Khoa học xã hội) thực hiện.

Theo ghi nhận của đại diện các địa phương này tại Hội thảo Kinh nghiệm triển khai cấp GCNQSDĐ ghi tên cả vợ và chồng tổ chức mới đây tại Hà Nội, không phải người phụ nữ nào cũng sẽ được thực sự hưởng QSD mảnh đất mình cùng chồng đứng tên.

Ông Vũ Đức Luận - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đồng Văn, Hà Giang cho biết, dân cư xã Đồng Văn thuộc 17 dân tộc; người chồng, theo tập quán bao đời, luôn là nhân vật quyết định mọi 'sự' trong nhà; đứng tên 96,8% GCNQSDĐ hiện có. Thế nên, người phụ nữ khó có thể đòi hỏi, thậm chí nhận thức quyền bình đẳng trong sử dụng đất với chồng, dù biết GCNQSDĐ có tên của mình. Chưa nói đến việc có cán bộ tuyên truyền nào biết đến 17 ngôn ngữ khác nhau để ''rỉ tai'' cho chị em về cái quyền mà xưa nay ít người dám nghĩ là của mình.

Hoặc ngay như ở miền xuôi, xã kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, theo ông Chủ tịch UBND xã Phùng Quốc Việt, một tỷ lệ lớn trong số 2.471 GCNQSDĐ ghi tên cả vợ và chồng vừa cấp theo dự án nói trên có thể không giúp thay đổi gì nhiều vị thế người phụ nữ. Không hiếm những đức ông chồng gia trưởng quá quen với quan niệm trọng nam khinh nữ và luật tục dòng họ bao đời (chỉ cho đàn ông thừa kế đất) sẽ nổi giận lôi đình, thậm chí đập cho tan nhà nát cửa nếu người vợ cự tuyệt hoặc có phản đối ý muốn chuyển đổi, sang nhượng, thậm chí cầm cố đất của ông ta. Chứ đừng nói đến việc đồng ý cho vợ cầm tờ giấy này đi thế chấp ngân hàng, vay vốn làm ăn riêng.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Chí - GĐ Trung tâm Nghiên cứu & Hỗ trợ pháp lý, trên thực tế người phụ nữ rất ít quyền sở hữu, sử dụng tài sản chung, trong đó có QSD đất. Ví dụ, nhiều chị được Nhà nước giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp khi ở cùng bố mẹ đẻ, khi lấy chồng xa thường không thể mang theo mảnh đất này, cũng không được địa phương của chồng giao đất mới, trở thành người 'không tấc cắm dùi', nhất nhất phụ thuộc vào chồng và gia đình anh ta. Với những người phụ nữ ly hôn, dù đã cùng chồng xây nhà cửa trên phần đất của nhà chồng, thường chỉ được nhận đền bù công sức - số tiền không đủ tạo lập một nơi ở mới. Chưa nói đến phụ nữ các vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, do tập tục lạc hậu, hoàn cảnh phụ thuộc và trình độ thấp, thường không nhận thức được QSD đất đai của mình theo luật mới, nghiễm nhiên cam chịu phận 'làm công không có lương' trong nhà chồng...

Trong khi chính người phụ nữ khó ''nắm'' QSD đất của mình, việc triển khai quyền này, về phía các cơ quan chức năng, cũng còn nhiều vướng mắc. Theo ông Đỗ Đức Đôi - Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký & Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường), các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cấp GCNQSDĐ (nay cho cả phụ nữ) như Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ & phát triển tài nguyên rừng đều đang trong quá trình chỉnh sửa; Luật Xây dựng thì mới cơ bản được thông qua. Thế nên, các nhà làm luật chưa thể tìm được sự thống nhất giữa những luật này để hoàn thiện các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành luật Đất đai 2003.

Đấy là chưa nói đến con số khổng lồ GCNQSDĐ cần cấp, đổi để khẳng định quyền này cho người phụ nữ. Số liệu của Vụ Đăng ký & Thống kê đất đai cho thấy, cả nước mới cấp được hơn 20 triệu chiếc; cơ bản mang tên 1 người (thường là chủ hộ - đàn ông). Trong đó, mới cấp cho
khoảng 35% đất đô thị, 50% đất lâm nghiệp; 90% đất nông nghiệp. Nhưng do nông thôn đang thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa (tập trung và quy hoạch lại đất nông nghiệp), sẽ phải đổi toàn bộ GCNQSDĐ
cũ, song song với việc cấp mới.

Tuy nhiên, dù vì lý do gì, khó khăn đến đâu trong thực hiện, việc người phụ nữ được đứng tên cùng chồng trong GCNQSDĐ, theo ý kiến của nhiều người dân, cũng là một bước tiến mới trong thực hiện quyền bình đẳng với nam giới trong sử dụng đất đai của người phụ nữ. Trên cơ sở đó, không chỉ bảo vệ quyền này cho các trường hợp ly thân, ly hôn hay goá bụa mà sâu xa hơn, giúp rất nhiều chị em thoát khỏi cảnh sống phụ thuộc, vững vàng làm ăn, góp phần to lớn trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo.

Nguyễn Văn Minh (44 tuổi, nông dân xã Xuân Kiên, Xuân Trường, Nam Định): ''Tôi nghĩ ai, vợ hay chồng đứng tên đều không quan trọng. Vấn đề là khi có việc lớn liên quan đến đất đai, cô ấy sẽ thuận theo ý tôi''.

Đỗ Minh Đức (32 tuổi, kỹ sư xây dựng, Hà Nội): ''Nếu muốn bán đất cho ai, tôi phải xin ý kiến cô ấy? Phụ nữ bây giờ sướng nhỉ?!''

Đinh Thanh Vân (Thương gia chợ Rồng Nam Định): ''Chúng tôi cũng đóng góp không kém cho kinh tế gia đình, không lẽ gì chỉ mình chồng được đứng tên sổ đỏ. Có vợ cùng đứng tên đất, các ông chồng khó mà đem sổ đi cầm lấy tiền trả nợ cá cược bóng đá hay nổi máu phiêu lưu buôn hàng qua biên giới''.

Nguyễn Ngọc Hợi (52 tuổi, giảng viên ĐH Vinh): ''Thời nay khác rồi, cần phải bình đẳng với phụ nữ. Đất đai là tài sản lớn, chị em cũng phải được ý kiến về chuyện mua, bán chứ''.

Nguyễn Thu Hoa (nội trợ, Huế): ''Tôi rất mừng vì mình cũng được chia QSDĐ. Nhà chúng tôi xây trên đất ba mẹ chồng cho bằng tiền của hai vợ chồng, nay nếu được đứng tên cùng chồng, tôi cũng sẽ được bày tỏ ý kiến nếu gia đình chồng muốn bán, chuyển nơi ở''.

  • Quảng Hạnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,