221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
434486
Ồ ạt bán trụ sở của Nhà nước cho tư nhân
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Ồ ạt bán trụ sở của Nhà nước cho tư nhân
,

(VietNamNet) - ''Một loại vi phạm mới'' theo cách gọi của ngành công an. Đó là hiện tượng hàng loạt cơ quan, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ào ạt ''bày'' đủ ''trò'' để bán đứt trụ sở, nhà xưởng, đất đai đang thuê của Nhà nước cho tư nhân, lấy hàng trăm tỉ đồng chia nhau. Và rồi, giải tán!

Trụ sở Nhà nước nay đã được sở hữu bởi tư nhân. Ảnh: H.T. Giang.

Ấn tượng khó phai nhất trong những ai đã từng sống qua thời bao cấp tại Hà Nội, là những cửa hàng thịt, cửa hàng gạo mà phố nào cũng có vài cái, rồi các cửa hàng mậu dịch, bách hoá với những tủ kính ố mờ, rạn nứt bán mấy bánh xà phòng cứng đơ, đen sì, vài thếp giấy 5 hào 2... ''Sành điệu'' nhất thời ấy phải kể đến một số cửa hàng cắt tóc, chụp ảnh của hợp tác xã, rồi các xưởng may mặc, thêu đan lúc nào cũng nhộn nhịp. Chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành cũ, các cửa hàng, trụ sở cơ quan, hợp tác xã này bao giờ cũng được ưu ái ở vị trí trung tâm nhất, mặt tiền thoáng rộng, tóm lại là ''địa điểm đẹp'', bề thế và hoành tráng! Tất cả (tính sơ sơ khoảng 700 địa điểm) đều được các hợp tác xã, tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính sự nghiệp thời ấy thuê của Nhà nước.

Ta về ta bán nhà ta, dù trong dù đục bán nhà vẫn hơn???

Thời ''mở cửa'', ngày càng thưa dần những người ăn ''phở mậu dịch''. Gạch và rổ rá rế cũng trở về đúng chức năng của chúng chứ không còn dùng vào việc xếp hàng trước những ''hàng thịt quốc doanh'' nữa. Quán bar, nhà hàng, tiệm gội đầu cắt tóc, shop quần áo, minilab rồi studio ảnh... mở ra nhan nhản khiến người ta buồn cười khi nhớ đến bộ mặt lạnh lùng của mấy ''xã viên Hợp tác xã uốn tóc'' trước kia, hay tiếng quát khách hàng chao chát của mấy anh ''xã viên Hợp tác xã chụp ảnh''!!! Do kém năng động, không kịp chuyển mình, hầu hết hoạt động của các tổ chức kinh tế thời bao cấp, các mô hình hợp tác xã đều đi vào ngõ tối. Cán bộ, xã viên không có đủ công ăn việc làm, thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Và thế là, bài toán mới bắt đầu...

Theo số liệu của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, trên toàn địa bàn thủ đô có 133 hợp tác xã đang thuê 187 địa điểm kinh doanh (chưa kể đất) thuộc sở hữu Nhà nước và 333 tổ chức, doanh nghiệp khác đang thuê 550 địa điểm cũng thuộc sở hữu Nhà nước để làm nhà xưởng, cửa hàng, trụ sở. Tổng cộng các diện tích nhà Nhà nước đang cho các thành phần đó thuê suốt ''từ xưa đến nay'' là gần 600.000m2 và tổng diện tích khuôn viên đất là gần 700.000m2.

Đáng báo động, ngành công an gần đây đã phải báo cáo khẩn cấp Thường trực Thành uỷ Hà Nội về một thực trạng không lấy gì làm tốt đẹp: ''Một phần tỉ lệ tương đối lớn các đối tượng thuê nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước có hiện tượng mua bán, chuyển nhượng, thay đổi công năng sử dụng nhà, đất trái pháp luật. 1/2 số hợp tác xã nói trên đã chuyển nhượng nhà xưởng, trụ sở, cửa hàng thuộc sở hữu Nhà nước đang thuê cho tư nhân, lấy hàng trăm tỉ đồng chia nhau''.

Bằng đủ mọi kiểu: vờ vĩnh liên doanh, liên kết, chuyển giao thương hiệu, chia tách hợp tác xã... từ năm 2000 đến nay, nhiều cơ quan, hợp tác xã đã bán thành công trụ sở, nhà xưởng đang thuê của Nhà nước cho tư nhân quản lý, sử dụng. Đáng kể có: Công ty lương thực Hà Nội bán nhà số 2 Thợ Nhuộm và 28 Hàng Cân; Công ty ăn uống du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm bán nhà 73 Thuốc Bắc; Công ty thương mại dịch vụ Tràng Thi bán nhà 8D Điện Biên Phủ; Công ty phát hành sách Hà Nội bán nhà 53 Đinh Tiên Hoàng... và vô số cửa hàng thuộc mạng lưới thương nghiệp quốc doanh trước đây ''nay còn đâu?''. Thậm chí, nhiều trụ sở hợp tác xã còn được mua đi bán lại nhiều lần. Sau khi chuyển bán các địa điểm này cho tư nhân, một số lớn hợp tác xã đã tự tiêu giải thể. Toàn bộ số tiền thu được nằm ngoài kiểm soát của Nhà nước. Tiếp quản chúng là những tư nhân lắm của nhiều tiền và nhanh nhạy!

''Vui tính'' nhất có UBND phường Hàng Bông cũng bán luôn cả trụ sở 83 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) của mình!

Nhiều ''đại gia'' Hà Nội bỗng thành ông, bà chủ nhiệm HTX mới!

Dấu tích của những HTX cũ đang biến mất. Ảnh: H.T. Giang.

Nghĩ đến ''Anh chủ nhiệm'' xưa, người ta mường tượng ngay hình ảnh ''Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh''. Còn ngày nay, muốn mua lại một số cửa hàng có mặt tiền đẹp tại các phố trung tâm, giá rẻ, khả năng sinh lời là chắc chắn, những đại gia lắm tiền nhiều của tại Hà Nội đã hoàn tất thủ tục với các hợp tác xã để trở thành ''Anh chủ nhiệm''. Các ''anh chủ nhiệm thời nay'', với hàng chuỗi cửa hàng đẹp như mộng trong tay, không cần vẽ thì ngày mai cũng ''thành bức tranh''!

Cụ thể: Hợp tác xã may Dân Chủ do ông Lê Quang Vinh làm chủ nhiệm được Công ty Kinh doanh nhà số 2 (thuộc Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội) cho thuê 5 địa điểm quá đỗi ''long lanh'', toàn ở quận Hoàn Kiếm. Vừa ''nhanh trí'', vừa ''dũng cảm'', ông Vinh đã hy sinh chức Chủ nhiệm của mình, đổi lại 8,1 tỉ đồng tự chia cho mình và khoảng năm chục xã viên. Để ''cứu'' đời sống xã viên, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã may Dân chủ đã phải ngậm ngùi:

- Bán nhà mặt phố số 22 Hàng Bông (diện tích 25m2) cho bà Nguyễn Thu Nga, thu 550 triệu đồng. Bà Nga làm thủ tục tách Hợp tác xã may Dân Chủ thành Hợp tác xã Khiêm Thành, cất nhắc con gái bà là Trần Thu Thuỷ làm chủ nhiệm.

- Bán nhà mặt phố số 22 Lương Văn Can (diện tích 23,7m2) cho ông Tạ Quang Vạn, thu 600 triệu đồng. Ông Vạn phấn khởi tách ra thành Hợp tác xã Vạn Mỹ do chính ông làm chủ nhiệm.

- Bán nhà mặt phố số 94 Cầu Gỗ (diện tích 25m2) cho ông Lê Văn Hào, thu 550 triệu đồng. Ông Hào tách ra thành Hợp tác xã Mỹ Sơn mà chủ nhiệm chính là ông.

- Bán nhà mặt phố số 74 Hàng Gai (diện tích 37m2) và nhà mặt phố 57B Đinh Tiên Hoàng (diện tích 97,64m2) cho ông Nguyễn Đức Tín, thu 6,4 tỉ đồng. Ông Tín vẫn ân cần giữ nguyên tên: Hợp tác xã Dân Chủ. Song, Ban chủ nhiệm và xã viên Hợp tác xã Dân Chủ trước đây đã được thay bằng Ban chủ nhiệm và các xã viên hoàn toàn mới, do chính ông Tín làm chủ nhiệm.

Cộng cả 5 đợt bán nhà lại, mỗi xã viên cũ của Hợp tác xã may Dân Chủ được chia khoảng hơn 100 triệu đồng. Khi nhận tiền, các xã viên phải viết cam đoan từ bỏ mọi quyền lợi có liên quan đến hợp tác xã. Một số xã viên đã nghỉ hưu cũng được chia từ 1 đến 5 triệu đồng. Tất cả giờ đây đều đã ''anh đi đường anh, tôi đường tôi'' nên việc thu hồi gần như là không tưởng! Các ''anh chủ nhiệm'' mới thì vẫn ung dung ''ngồi mát ăn bát vàng'', không tự kinh doanh thì cho thuê, những cửa hàng ở mặt tiền phố chính như Hàng Bông, Hàng Gai ngót nghét hai chục triệu đồng/tháng...

Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ Cục Thuế Hà Nội cho biết, khó có thể vận dụng chế tài nào để thu vì đây có thể coi như thoả thuận dân sự hoặc tiền hoả hồng như đối với diện nhà đang thuê theo Nghị định 61. Một đại diện Phòng Kế hoạch - Kinh tế quận Hoàn Kiếm thì cho hay, đã ra thông báo thu hồi song không hề có kết quả!

Chính từ kẽ hở đó, hiện tượng mua, bán, chuyển nhượng trái pháp luật trụ sở, đất đai, nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước không những chưa được triệt để xử lý mà đang lan ra diện rộng. Một thị trường ngầm về kinh doanh bất động sản không hợp pháp, chứa nhiều yếu tố tham nhũng và trục lợi đang ''rùng rùng chuyển động''. Để ngăn chặn, theo nhận định của ngành công an: Hệ thống văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc đánh giá vi phạm và xử lý - thì Thiếu; Sự phát hiện và chỉ đạo kịp thời của chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chức năng - thì Yếu; Việc tổ chức kiểm tra xử lý, kiến nghị các giải pháp phù hợp - thì mang tính hình thức.

Vì thế, 1.001 thủ đoạn lắt léo để ''thay máu'' nhà, đất của Nhà nước vẫn đang tiếp tục...

  • Hoàng Huy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,