221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
192392
Ông Nguyễn Cao Kỳ định về Việt Nam sinh sống lâu dài
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Ông Nguyễn Cao Kỳ định về Việt Nam sinh sống lâu dài
,

(VietNamNet) - "Vì họ hàng ở Sơn Tây chẳng còn ai thực sự thân thích, ruột rà nên bác ấy không ghé thăm khu phố cũ nữa" - chị Vân (Trần Hồng), con gái riêng của bà Kim (người vợ thứ ba) của ông Nguyễn Cao Kỳ giải thích với phóng viên VietNamNet. Trong ngày 29/1, ông Nguyễn Cao Kỳ và thân quyến đã dành hết thời gian để thắp hương, lễ Phật tại chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy...

Gia đình ông Kỳ chuẩn bị lễ Phật tại chùa Mía.

"Đi hết năm châu nhưng chưa biết hết quê hương mình"

Ngôi chùa đầu tiên mà ông và bà Lê Kim (cùng con gái và mấy người cháu của bà) và hai người bạn cũ thời trường Bưởi là chùa Mía, nằm gần trung tâm thị xã Sơn Tây. Nét mặt ông rạng rỡ khi nhìn thấy có một số người nhận ra mình. Có người hỏi: "Ông có phải là người xã Đường Lâm không?", ông trả lời cởi mở như một ông già ở gần đó ra phố có người hỏi chuyện mình: "Không, tôi người Mai Chai", lại có người hỏi: "Ông có phải con ông huyện Sành, huyện Sỏi?". "Không, ông Sành, ông Sỏi là chú tôi. Lúc trước tôi có một ông anh ở đây gọi là ông Lý Hoà, các ông có biết không". Có vài ba người hỏi đến cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên: "Thấy cô ấy lên hình đẹp lắm, mừng quá, ông đã về đây, bây giờ là phải hoà hợp. Trước khi về đây ông có thấy lo lắng không?". Ông cười: "Kỳ Duyên đang ở bên Mỹ... Đúng rồi, bây giờ mọi người đều phải hoà hợp...". Những người bạn ông tiếp lời: "Về Việt Nam thì có gì mà phải lo". Mọi người cùng cười, cởi mở: "Quê hương là chùm khế ngọt, phú quý vi cố hương". Gia đình ông ai cũng thắp hương, lễ bái, cầu nguyện, còn ông nhìn không chớp mắt những ngôi tượng rất đẹp và nghe chăm chú những lời thuyết minh giới thiệu về tích Phật.

Cùng bạn cũ lễ Phật.

Ông Kỳ nói rằng đây là lần đầu tiên ông đến chùa Mía dù ông sinh ra ở đây. "Trước kia, mình cứ tưởng là cái gì mình cũng biết nhưng hoá ra không phải như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Mía. Cũng tại vì tôi ra Hà Nội từ khi còn rất nhỏ, lớn lên có đi về thì cũng không có thời giờ để đi thăm những chốn chùa chiền như thế này. Về lần này, biết là quê mình có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, chùa chiền nên bỏ một ngày đi xem, nhờ đó mà nhìn thấy tận mắt những điều mà trước đó mình chỉ biết qua sách vở. Còn về triết lý đạo Phật thì  Phật tử nào mà không biết. Ví dụ như câu chuyện về ông Thiện, ông Ác chẳng hạn... 75 tuổi, đi tứ xứ, đi khắp năm châu bốn bể nhưng lại không biết quê hương mình thì thật là thiếu sót". Ông nói. Sơn Tây cách đây hơn 50 năm ông đi bộ một chút đã hết, giờ đi ôtô 20 phút cũng chưa qua một vòng thị xã. 

"Tôi  thích thơ Quang Dũng"

Cùng vợ cầu xin sức khỏe tại viên đá hình quả thận ở chùa Thầy.
Ông Nguyễn Cao Kỳ đặc biệt thích thú trước ngôi tượng Tuyết Sơn và những mái ngói cong tại ở chùa Tây Phương. “Đẹp quá!" Ông xuýt xoa phân tích từng đường nét của tượng và kiến trúc của chùa với vợ mình. Nhìn ông và những người bạn già thời trường Bưởi đi bên nhau, khó mà hình dung được rằng, ba mươi năm trước, một người là phó tổng thống bên kia chiến tuyến, còn hai người là những  trí thức Hà Nội đã từng bao lần đem vợ con về quê sơ tán vì bom đạn. Đứng dưới mái ngói cong cong của chùa Tây Phương, cách lư hương lớn có vài bước chân, khói hương nghi ngút, buổi chiều Sơn Tây bỗng trở nên trầm ấm lạ thường khi họ cùng hoà giọng vào nhau đọc bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng.

Hai người bạn cũ xem lạc rang có vị húng lìu không.
Đôi mắt người Sơn Tây/U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây/... Vầng trán em vương trời quê hương/Mắt em dìu dịu buồn Tây phương/Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương.../ Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.../Bao giờ ta gặp em lần nữa/Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa.... Dứt cơn hồi tưởng, ông Tài bạn ông Kỳ nói nhỏ với phóng viên: "Hôm mới rồi đây chúng tôi bạn cũ trường Bưởi hồi trước gồm hai mươi mấy người gặp nhau vui lắm. Mấy năm gần đây, chúng tôi thường thư từ với nhau. Chúng tôi cũng động viên ông ấy: "Đất nước đổi mới rồi, chúng nó tuyên truyền nhảm thì kệ, cứ về đây với chúng tôi. Bao nhiêu tướng tá cũ về nhiều lắm. Bây giờ là bạn cả mà. Ông ấy còn gặp lại "cố nhân" nữa kia. Người ấy vẫn giữ được nét xinh đẹp của học trò trường Bưởi xưa dù đã bảy mấy tuổi rồi. Bà Kim cười: "Ở bên kia thì cứ nhắc "cố nhân" miết. Về gặp rồi thì không thấy nói tới nói lui gì nữa". Ông Tài cười: "Già rồi gặp nhau dễ "tan mơ" lắm. Họ lại nhắc những kỷ niệm ngày xưa của học trò trường Bưởi. Lại nhắc thơ Quang Dũng, Hữu Loan, nhạc Đoàn Chuẩn, giọng ca Ngọc Bảo... Ông cười: "Thời năm mấy, thế hệ bọn tôi hồi đó mê mấy người đó lắm...".

"Nước chè xanh nấu thế này thì chán quá"

Thích thú với cái điếu cày bằng tre tươi tại chùa Thầy.

Nghe người bán hàng quà vặt ở chùa Tây Phương mời uống chè xanh, ông Kỳ hào hứng cầm một bát, nhưng vừa nhấp một ngụm, ông nhăn mặt: "Nhạt quá, nguội quá. Chè xanh ngon là đậm, thơm mùi gừng, bưng chén nước, hơi nóng phả vào mặt". Cũng có thể vì ấn tượng về bát chè xanh của quá vãng mà khi đến chùa Thầy, ông Kỳ đã săm soi mãi ly chè xanh trên tay mấy phóng viên nhưng không gọi uống. Cho đến khi cả đoàn dừng lại quán bún ốc trước cửa chùa thì ông nhìn một cách thích thú nhưng không ăn: "Bún ốc nấu cho đúng kiểu ngon lắm". Hỏi: "Ông thích món ăn của miền nào?", ông đáp: "Miền nào cũng thích, miễn là phải nấu ngon và nấu đúng kiểu". Và ông cười rất tự tin khi có người hỏi mình về gu mặc: "Không quan trọng là mặc như thế nào mà quan trọng hơn là mình phải có dáng đẹp để mặc đẹp. Tôi tự hào là mình đẹp lão".

Những câu chuyện đời thường của bạn bè và những người khách thập phương nơi cửa chùa đã khiến cho chuyến đi về cửa thiền của cựu phó tổng thống chính quyền bên kia chiến tuyến cách đây 30 năm trở nên vui vẻ và đầm ấm, như bầt kỳ người Việt xa quê nào trở về thăm cố hương.

''Tôi sẽ trở về nước nhiều lần nữa, chuyến đi gần nhất có thể là vài tháng tới... Cũng có thể tôi sẽ về Việt Nam sinh sống lâu dài". Đó là những thông tin đáng chú ý nhất trong cuộc trả lời phỏng vấn VietNamNet chiều ngày 29/1 của ông Nguyễn Cao Kỳ tại thị xã Sơn Tây - quê hương ông.

- Thưa ông, sau gần 50 năm mới trở về quê hương Sơn Tây, ông có thấy lạ lẫm không?

 - Có chứ, mọi sự khác đi nhiều quá. Đường sá, nhà cửa phát triển đến mức nếu không có người dẫn đường, tôi sẽ bị lạc.

- Ông có định làm một điều gì đó cụ thể để đóng góp cho quê hương?

- Tôi 75 tuổi rồi, còn làm được gì đây, may chăng là chỉ có thể góp ý với anh em chính quyền địa phương (nếu được hỏi) hoặc giới thiệu những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đây. Mình đi ra ngoài nhiều rồi, mình biết những kinh nghiệm làm ăn của người ta thì mình cũng có thể phổ biến lại với anh em trong nước....

- Nếu các con cháu của ông định đầu tư vào các địa phương khác  khả năng đem lại hiệu quả kinh tế hơn thì ông có định khuyên họ chuyển hướng đầu tư về thị xã Sơn Tây (hoặc tỉnh Hà Tây) không?

- Cũng có thể. Nhưng tôi cũng đang nghĩ tới những hướng khác: ở bên hải ngoại, tôi quen biết rất nhiều người gốc gác Sơn Tây. Có thể chúng tôi sẽ tập họp nhau lại thành Hội ái hữu Sơn Tây rồi bàn cách đóng góp xây dựng quê hương. Ở bên đó, các Hội ái hữu hàng năm thường tụ họp nhau  để chúc tụng, hội hè ăn uống;  nay thay vì việc bù khú ăn uống thì bàn việc đóng góp xây dựng quê hương, chỉ cần mỗi người 1000 USD ((số tiền đó cũng không lớn đối với họ) thì mỗi năm đã có thể huy động được cả 100.000 USD. Số tiền đó sẽ được đem về đầu tư trực tiếp cho địa phương: xây trường học, bệnh viện, làm đường, làm giếng sạch.... (Tôi cũng không có ý định chỉ làm điều đó riêng với Sơn Tây mà còn có thể xây dựng Hội Ái hữu Nha Trang, Sài gòn, Hà Nội, Hội Ái hữu học trò trường Bưởi). 

- Ông quan tâm nhiều đến việc thay đổi cơ sở hạ tầng cho giáo dục và y tế cho những vùng nghèo?

- Tất nhiên rồi. Ở một quốc gia nào cũng vậy: giáo dục và y tế là hai điểm quan trọng. Nếu dân trí không cao thì không thể phát triển được, và sức khoẻ của người dân không tốt thì làm sao dân tộc cường thịnh được. Hơn nữa, kêu gọi  đóng góp để đầu tư cho giáo dục và y tế thì bao giờ cũng dễ dàng, đỡ phức tạp hơn những việc khác...

- Mấy chục năm ở bên kia, ông biết thông tin về Việt Nam là do những "kênh" nào? Những điều mắt thấy tai nghe có khác nhiều lắm không so với việc nghe và tưởng tượng?

- Chủ yếu tôi đọc báo, nghe đài Mỹ nhưng tôi biết thông tin về Việt Nam nhiều nhất là do bạn bè, thân thích và những Việt Kiều về nước. Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều.

- Ông sẽ nói điều gì với bà con bên đó khi quay trở về Mỹ?

-  Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người chưa hiểu: đã đến lúc phải hoà hợp, hoà giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhín dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người - một bộ phận rất nhỏ - cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phát nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi  đất nước. Thế thôi.

- Ông nhận xét gì về thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay?

-  Mấy này hôm nay tôi cũng gặp khá nhiều người trẻ, nhất là tối hôm qua, tình cờ tôi gặp một đám doanh nhân trẻ (khoảng 40 - 43 tuổi) gì đó ở một tiệm ăn thì tôi rất vui mừng. Trông mặt mũi anh nào cũng sáng sủa, ăn mặc đúng cách của những nước tiên tiến, ăn nói chững chạc, có trình độ... Nói chung tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam không những trong nước mà ở ngoài nước cũng được lắm. Chúng ta có thể yên tâm rằng thế hệ trẻ  Việt Nam hôm nay lãnh được trách nhiệm xây dựng đất nước.

- Ông có nhiều người bạn gần giống ông ở bên kia đang chờ kết quả chuyến đi của ông để họ về Việt Nam không?

- Cũng không biết nhưng cũng có thể có điều ấy xảy ra vì có một số người bạn nói rằng: "Lần sau ông đi là tụi tôi sẽ đi cùng đó nha".

- Ông có ý định về sống hẳn ở Việt Nam không?

- Có chứ, chuyến này đi chuyến đầu, ngắn ngủi thôi.

- Chuyến về Việt Nam gần tới đây nhất sẽ là lúc nào, thưa ông?

-  Rất có thể là vài tháng nữa, tôi sẽ về xây dựng khởi công công trình của mấy người bạn.

  • Lương Thị Bích Ngọc
  • Ảnh: Nguyên Vũ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,